Thầy giáo an ninh trẻ và bí quyết truyền cảm hứng học tập

Thứ Bảy, 19/11/2016, 09:31
Thượng úy, Ths Nguyễn Văn Sơn (Phó Tổ trưởng Bộ môn Khoa An ninh xã hội, Học viện ANND) luôn tìm tòi nghiên cứu và học tập, đổi mới nội dung cũng như phương pháp giảng dạy để truyền cảm hứng và niềm đam mê cho các học viên…


Tâm đắc với câu nói của một nhà sư phạm học nổi tiếng “Người thầy vĩ đại là người thầy biết truyền cảm hứng”, nên anh đã luôn tìm tòi nghiên cứu và học tập, nâng cao trình độ, đổi mới nội dung cũng như phương pháp giảng dạy để truyền cảm hứng và niềm đam mê cho các học viên. 

Mới đây, anh được vinh danh là giáo viên dạy giỏi cấp Bộ và được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen. Đó là Thượng úy, Ths Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổ trưởng Bộ môn Khoa An ninh xã hội, Học viện An ninh nhân dân.

Thượng úy Nguyễn Văn Sơn trong một buổi lên lớp giảng bài.

Tác phong nhanh nhẹn, tính cách điềm đạm khiêm tốn, đó là những cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về anh. Thượng úy Nguyễn Văn Sơn sinh ra và lớn lên ở vùng quê miền núi Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, trong gia đình có bốn anh chị em.

Cha công chức xã, mẹ là cán bộ làm việc tại Lâm trường huyện Cẩm Thủy và về hưu sớm, bởi vậy việc nuôi dạy bốn người con ăn học là một sự vất vả lớn. Cũng từ đây, ước mơ trở thành một người chiến sĩ Công an trong Sơn ngày một rõ.

Anh chia sẻ: “Mình yêu màu áo lính của ngành từ hồi còn học sinh. Lúc đó, hình ảnh về người chiến sĩ Công an qua bộ phim “Cảnh sát hình sự” cho mình một niềm yêu mến đặc biệt, đó là những tấm gương thầm lặng, sẵn sàng hi sinh vì bình yên cuộc sống… ấn tượng và rồi mình thầm mơ ước”.

Những ngày đầu bỡ ngỡ khi bước chân vào Học viện ANND trong Sơn trôi qua nhanh chóng nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình, tận tụy trong giảng dạy của các thầy cô, sự thân thiện của các anh chị sinh viên khóa trước… Với thành tích tốt trong học tập, sau khi tốt nghiệp với sự quan tâm, giúp đỡ của các thầy cô và nguyện vọng của bản thân, Thượng úy Nguyễn Văn Sơn đã được ở lại công tác, giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Khoa An ninh xã hội - đây cũng là khoa chuyên ngành anh đã học tập.

Từ một học viên và trở thành giảng viên, anh hiểu điều gì là quan trọng nhất cho học trò và luôn đặt ra yêu cầu cho mình, phải là một giảng viên có kiến thức, am hiểu sâu rộng nhiều lĩnh vực. Đó không chỉ là kiến thức chuyên ngành giảng dạy, mà còn là những hiểu biết về xã hội, lịch sử, có phương pháp giảng dạy đa dạng, phong phú và hiểu được tâm lý của người học. Đặc biệt, với đặc thù giảng dạy các môn nghiệp vụ an ninh, cần phải có nhiều dẫn chứng, ví dụ thực tiễn sinh động.

“Mình luôn tâm niệm là giảng viên phải truyền dạy, truyền đạt cho người học những nội dung, vấn đề mà họ chưa biết, để kích thích sự hào hứng, tạo sự cuốn hút cho người học…” - Thượng úy Sơn cho biết.

Cũng có những khó khăn, và một trong những khó khăn lớn nhất của người giảng viên giảng dạy nghiệp vụ theo anh đó là vốn kinh nghiệm thực tiễn. Với một giảng viên nghiệp vụ, đòi hỏi không chỉ kiến thức mà cần phải có kinh nghiệm thực tế, kinh nghiệm trong tham gia các hoạt động nghiệp vụ của ngành.

Ở góc độ này, với những giảng viên trẻ thì đây thật sự là bài toán khó, mà theo anh đòi hỏi cần phải có thời gian để tích lũy. Hiểu được điều cốt lõi quan trọng đó nên ngay từ những ngày đầu anh đã tích cực ra các đơn vị thực tế để nghiên cứu, tìm tòi thêm tư liệu, hồ sơ về các vụ án, chủ động tham gia các hoạt động nghiệp vụ của ngành được triển khai tại học viện...

"Từ những điều thu lượm, đưa vào bài giảng, phải luôn tìm cách đổi mới về phương pháp, sinh động về nội dung và phù hợp với từng đối tượng học viên, để các em lĩnh hội nhanh được kiến thức và từ đó phát huy năng lực riêng" - Thượng úy Sơn trăn trở.

Kể về một kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình giảng dạy, Thượng úy Sơn bồi hồi nhớ lại lần tham dự hội thi giảng viên dạy giỏi cấp Bộ, các Học viện, Trường Đại học CAND năm học 2015-2016. Suốt hơn 2 tháng trước kỳ thi, anh đã cùng các em sinh viên tập luyện không kể ngày đêm, có những hôm khi thầy trò ra về cũng là lúc chuẩn bị bước sang ngày mới. Tuy nhiên, điều làm anh nhớ mãi đó là sự nhiệt tình, trách nhiệm và nụ cười thường trực trên môi của các em học viên. Những nỗ lực, tình cảm đó đã giúp anh giành được giải nhất Hội thi (lĩnh vực nghiệp vụ chuyên ngành).

Bên cạnh hoạt động chuyên môn giảng dạy, Thượng úy Sơn còn luôn dành nhiều thời gian và tâm huyết cho niềm đam mê lớn lao là thực hiện các đề tài, công trình nghiên cứu khoa học. Với anh, đây là hoạt động cần thiết để nâng cao trình độ, kiến thức, giúp tổng kết được thực tiễn, từ đó hoàn thiện phát triển lý luận, đưa thực tiễn vào trong các bài giảng giúp sinh động, hấp dẫn hơn. Niềm đam mê này cũng đã đưa anh tới với rất nhiều đề tài khoa học được đánh giá và giành giải cao như tham gia nghiên cứu 4 đề tài khoa học cấp Bộ, 5 đề tài khoa học cấp cơ sở...

Cùng với đó, anh còn là chủ biên, tham gia biên soạn 5 cuốn sách tham khảo, đã được xuất bản tại Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Nhà xuất bản CAND; biên soạn gần 20 đề cương chi tiết học phần; tham gia viết và có nhiều bài báo phục vụ các hoạt động nghiệp vụ trong lực lượng Công an...

Một số thành tích nổi bật:

Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND tặng Bằng khen về đoạt giải nhất Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp Bộ, các Học viện, trường Đại học CAND, lĩnh vực nghiệp vụ chuyên ngành; Bằng khen của Thành ủy Hà Nội vì có thành tích xuất sắc trong bảo vệ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và bầu cử Quốc hội khóa XIV; cùng với đó là rất nhiều bằng khen, giấy khen trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học...

Xuân Trường
.
.