Trung tá Công an chia sẻ kinh nghiệm quản lý địa bàn

Thứ Hai, 10/10/2016, 10:23
Đến trụ sở Công an phường 1, TP Cao Lãnh vào buổi chiều thứ Bảy, mặc dù không phải ca trực của mình, nhưng Trung tá Tạ Thị Phương Kiều - Trưởng Công an phường 1 vẫn đến cơ quan để kiểm tra tiến độ công việc của các đồng chí trong đơn vị và nắm tình hình ANTT trên địa bàn.


Những lúc đi công tác đột xuất hoặc giải quyết các vụ việc tại cơ sở, chị gửi vội hai con cho hàng xóm, sau đó điện thoại cho chồng, ba mẹ hoặc đồng đội hỗ trợ. Với vai trò, trách nhiệm của người chỉ huy, chị đã đặt trách nhiệm trong công việc lên trên hết.

Ông Nguyễn Văn Tôn - người dân ngụ khóm 2 phường 1, TP Cao Lãnh nhận xét: “Bà con rất tín nhiệm chị Kiều, chị là người phụ nữ có uy tín, có trình độ, năng lực lãnh đạo chỉ huy, nắm bắt tình hình cho nên tệ nạn xã hội, trộm cắp, cờ bạc, số đề, gây rối trật tự công cộng tại địa bàn giảm rõ rệt”.  

Trung tá Tạ Thị Phương Kiều triển khai kế hoạch quản lý đối tượng cho Cảnh sát khu vực.

Là địa bàn trung tâm, tập trung nhiều cơ quan đầu não quan trọng của tỉnh, nhiều điểm vui chơi giải trí, là nơi tổ chức nhiều sự kiện chính trị, văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao của tỉnh.

Để đảm bảo tình hình ANTT, Trung tá Kiều đã tham mưu UBND phường nhiều kế hoạch phối hợp với các ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng chống tội phạm, tuần tra, quản lý đối tượng vi phạm pháp luật và có nguy cơ vi phạm pháp luật, tù tha trên địa bàn… Từ đó, số vụ việc xảy ra trên địa bàn giảm (26/30 vụ), tình hình ANTT trong năm 2016  được kiềm chế.

Trung tá Kiều chia sẻ kinh nghiệm để quản lý tốt địa bàn phường là phải biết dựa vào dân, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát khu vực tăng cường công tác quản lý địa bàn, đối tượng để kịp thời phát hiện những vấn đề có liên quan và triển khai các biện pháp nghiệp vụ cho phù hợp. Quản lý đối tượng phải xuất phát từ cái tâm, từ tình cảm giữa người với người.

 Tương tự, Thượng úy Nguyễn Thị Mỹ Phương - Đội trưởng Đội Thi hành án và hoà nhập cộng đồng, Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an Đồng Tháp cũng là mẹ của hai con nhỏ.

Với đặc thù công việc, chị Phương phải thường xuyên xuống địa bàn phối hợp với Công an địa phương để kiểm tra hồ sơ các đối tượng chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ do Công an xã, phường, thị trấn quản lý; đồng thời tiếp xúc, tìm hiểu hoàn cảnh, cuộc sống của các đối tượng tù tha để đề nghị UBND cho họ được vay vốn quỹ phát triển tái hoà nhập cộng đồng để sản xuất, kinh doanh.

Từ đầu năm đến nay, chị Phương đã cùng đồng đội hướng dẫn và hoàn tất thủ tục, đề nghị UBND xét duyệt cho 147 đối tượng tù tha vay với số tiền 3 tỷ 880 triệu đồng.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, do là nữ, chị Phương cũng gặp một số khó khăn trong tiếp xúc đối tượng tù tha, bởi họ tự ti, mặc cảm, ngại tiếp xúc với mọi người, với lực lượng Công an. Do vậy, chị phối hợp với Công an địa phương gặp gỡ động viên nhiều lần để làm công tác tư tưởng cũng như định hướng sản xuất kinh doanh để họ an tâm ổn định cuộc sống.

Khó khăn là vậy, nhưng Trung tá Tạ Thị Phương Kiều và Thượng úy Nguyễn Thị Mỹ Phương đã vượt qua khó khăn, để hoàn thành nhiệm vụ.

Với những thành tích đạt được chị Kiều nhiều năm liền đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở, năm 2015 đồng chí vinh dự được tham dự Hội nghị nữ Cảnh sát tiêu biểu toàn quốc tổ chức tại Lâm Đồng.

Với đồng chí Phương, năm 2010 đạt giải Nhất tuyên truyền viên trẻ về tư tưởng Hồ Chí Minh do Tỉnh đoàn tổ chức; năm 2012, đồng chí được tuyên dương đoàn viên thanh niên tiêu biểu và hàng năm đều đạt Chiến sĩ tiên tiến và nhiều giấy khen đột xuất khác.

Ngọc Hân
.
.