Nỗi niềm Công an xã: Nước mắt góa phụ
- Trưởng Công an xã Hạ Giáp (Phú Thọ) hy sinh trong khi làm nhiệm vụ
- Báo CAND thăm hỏi gia đình Công an viên hy sinh khi thi hành công vụ
Pháp lệnh Công an xã đã tạo cơ sở pháp lý cho Công an xã trong việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở, phục vụ thiết thực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tuy nhiên, sau 7 năm thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập về chế độ chính sách, trang bị công cụ hỗ trợ, tổ chức lực lượng… tác động đến đời sống, tâm tư, nguyện vọng của Công an xã.
Loạt phóng sự này chúng tôi mới chỉ phản ánh được một phần công việc cũng như những bất cập ấy với hy vọng các cơ quan làm chính sách sớm có những thay đổi cho phù hợp thực tế...
1. Nhờ anh cán bộ phòng Xây dựng trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an tỉnh Phú Thọ, dẫn đường, tôi đến gia đình chị Nguyễn Thị Việt vào một buổi chiều cuối năm lạnh tê tái. Tiếp tôi trong ngôi nhà xây 5 gian lợp ngói nhưng cũ kỹ nằm chênh vênh bên sườn đồi ở khu 4 xã Hạ Giáp, huyện Phù Ninh là người phụ nữ rất khó đoán tuổi mang gương mặt u buồn. Trong nhà, tất cả mọi đồ dùng cũng cũ kỹ; trên bàn thờ treo 4 tấm di ảnh, trong đó có ảnh chồng chị, anh Đỗ Ngọc Thao, nguyên Trưởng Công an xã Hạ Giáp, người bị một kẻ cùng xã đâm chết ngay trước cửa phòng làm việc năm 2008.
Đã 7 năm kể từ ngày anh hy sinh, nhưng chị Việt bảo rằng vẫn không thể nào quên cái buổi chiều oan nghiệt ấy. "Hôm ấy tôi đang ở nhà thì thấy thằng con trai lớn làm ở bưu điện xã gọi về bảo bố bị xe đâm, mẹ lên ngay. Lúc tôi chạy ra trạm xá thì ông ấy chết rồi. Ông ấy chết chẳng kịp trăng trối cho vợ con một lời…", nói rồi chị Việt lại dấm dứt khóc.
Tôi đã đọc hồ sơ và giật mình vì sự manh động của đối tượng trong vụ án này. Sáng ngày 30-7-2008, Nguyễn Văn Thơm ở khu 2 xã Hạ Giáp đi xe máy từ nhà đến trụ sở UBND xã Hạ Giáp tham gia đấu giá đất thổ cư do UBND huyện Phù Ninh tổ chức.
9 giờ sáng, Thơm đi xe máy ra đến cổng UBND xã thì anh Đỗ Ngọc Thao, Trưởng Công an xã, phát hiện Thơm không đội mũ bảo hiểm, đã yêu cầu Thơm đưa xe vào Ban Công an xã lập biên bản vi phạm hành vi không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe môtô. Thơm không ký vào biên bản vi phạm, nhưng Công an xã vẫn giữ xe của Thơm.
Chiều cùng ngày, sau khi đã đi uống rượu ở hai nơi, Thơm về nhà lấy một con dao nhọn dắt trong người rồi đi bộ đến phòng làm việc của Ban Công an xã đặt tại trụ sở UBND xã Hạ Giáp. Thấy UBND xã đang họp, Thơm đứng chờ anh Thao. Đến hơn 4 giờ chiều, khi anh Thao về phòng làm việc của Chủ tịch UBND xã, Thơm đi theo vào gặp anh Thao xin xe nhưng anh Thao không đồng ý và đi về phòng làm việc của mình.
Lúc này, Thơm lại đi theo; tại phòng làm việc của Công an xã, anh Thao yêu cầu Thơm viết bản kiểm điểm. Nhưng chỉ viết được vài chữ, Thơm vứt giấy bút xuống đất rồi đứng dậy đi ra cửa. Lúc này, anh Thao đi theo ra thì bất ngờ Thơm quay lại rút dao đâm vào ngực trái anh Thao.
Cú xuống tay tàn khốc của Thơm khiến anh Thao bị đâm thấu tim gây rách đứt ngang thất phải. Ngày ấy, việc một kẻ vi phạm luật giao thông manh động tới mức mang dao tới tận trụ sở đâm chết Trưởng Công an xã Hạ Giáp ngay tại phòng làm việc đã gây chấn động cả huyện Phù Ninh và tỉnh Phú Thọ.
Bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ cũng khẳng định: "Hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Văn Thơm đã làm mất trật tự trị an xã hội ở địa phương (...). Chỉ vì một nguyên nhân rất nhỏ nhặt mà bị cáo đã đang tâm cướp đi mạng sống của ông Thao và chỉ biết rằng bản thân bị cáo là người đang có lỗi; người mà bị cáo tước đi sinh mạng là ông Đỗ Ngọc Thao đang thi hành công vụ, sống cùng quê hương với bị cáo, không có mâu thuẫn, thù hằn gì với bị cáo. Hành vi phạm tội của bị cáo là trắng trợn, hung hãn, liều lĩnh, bất chấp, coi thường kỷ cương phép nước...". Vì vậy, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đã tuyên phạt Nguyễn Văn Thơm tù chung thân vì tội giết người.
Thấm thoắt đã 7 năm trôi qua, Nguyễn Văn Thơm hiện đang thụ án chung thân tại Trại giam Tân Lập; những lo toan của cuộc sống khiến những dân ở vùng quê này cũng dần quên đi vụ trọng án ngày nào, chỉ có mẹ con chị Nguyễn Thị Việt thì vẫn ôm nỗi đau chẳng thể nguôi ngoai.
Bố mẹ đẻ anh Thao đều là đảng viên kỳ cựu ở xã, bố là bộ đội chống Pháp. Mấy chục năm trước, thương hoàn cảnh một đôi vợ chồng nghèo không nuôi nổi con, vì vậy dù đã có hai con, ông bà nhận đứa con gái của họ về nuôi. Nhưng người này lại bị tật nguyền nên khi lớn lên vẫn ở cùng vợ chồng anh Thao. Vợ chồng anh sinh được ba đứa con thì chỉ có cô con gái lớn là khỏe mạnh, hai đứa con trai sau đều bệnh tật, đau ốm quanh năm. Vì thế, anh là trụ cột cho cả một đại gia đình 3 thế hệ toàn người già và đau ốm, tật nguyền. Anh hy sinh, cả đại gia đình ấy liêu xiêu.
Suốt mấy năm sau ngày anh hy sinh, hai ông bà không chịu nổi cú sốc mất con nên ốm đau triền miên rồi lần lượt qua đời. Ba đứa con chẳng được học hành đến nơi đến chốn nên bây giờ dù đã có gia đình riêng nhưng cũng đều nghèo.
Nghe tôi hỏi chuyện nhà, chị Việt thở dài kể, cô con gái lớn giờ lấy chồng trên Lào Cai, thỉnh thoảng mới về thăm mẹ. Cậu con trai thứ hai bị dị tật ở lưng, may xin được cái chân đưa thư báo ở bưu điện xã, sau khi lấy vợ chị đã cho ra ở riêng. Trong ngôi nhà này giờ chị ở với vợ chồng đứa con trai út và bà chị nuôi tật nguyền. Dù ở nông thôn nhưng 5 khẩu chỉ được có 3 sào ruộng cấy lúa với 2 sào đất bãi chỉ trồng được ngô, lạc. Năm nào được mùa thì thu hoạch được khoảng 1 tấn thóc. Vợ chồng cậu con trai út giờ đã có một đứa con trai học lớp 1. Chồng ốm yếu nên chỉ quanh quẩn ở nhà chăm con lợn, con gà chứ việc nặng thì không làm nổi.
Để có tiền trang trải cuộc sống, cô con dâu đi làm công nhân ở công ty may cách nhà gần chục cây số, lương tháng được có 3 triệu. Bà chị nuôi tật nguyền chẳng làm được gì, hơn một năm nay mới được trợ cấp mỗi tháng 180 ngàn đồng. Vì thế cả gia đình 5 người luôn sống trong cảnh "giật gấu vá vai".
Các con đều nghèo, chị thì bị bệnh khớp cả chục năm nay, uống thuốc suốt. Mấy tháng trước, chị phải cắt phần đất phía sau nhà bán cho người ta được hơn 20 triệu để trả nợ. Vì đồi cao quá nên mua xong, người ta phải san nền nên đào thành ta luy vào sát tận móng sau nhà, thành ra bây giờ nhìn ngôi nhà lại càng chênh vênh.
Suốt 7 năm qua, không chỉ mẹ con chị Việt mà cả bố mẹ anh Thao trước khi qua đời cũng luôn day dứt tâm can, đó là dù anh hy sinh trong khi làm nhiệm vụ nhưng không được công nhận liệt sĩ.
7 năm qua mẹ con chị Nguyễn Thị Việt vẫn chờ đợi hy vọng anh Thao sẽ được công nhận liệt sĩ. |
Sau khi có bản án của tòa, không chỉ gia đình mà Công an tỉnh Phú Thọ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ, UBND tỉnh Phú Thọ đều có công văn gửi cơ quan chức năng ở Trung ương đề nghị công nhận liệt sĩ cho anh Thao. Nhưng Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã trả lời trường hợp hy sinh của anh Thao "chưa thể hiện hành động dũng cảm đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn hành vi gây nguy hiểm cho xã hội là tội phạm được quy định trong Luật Hình sự, nên chưa thuộc diện xem xét xác nhận liệt sĩ".
Đưa cho tôi xem một tập công văn của các cơ quan, chị Việt kể rằng, cho tới tận trước lúc qua đời, bố anh Thao vẫn chỉ day dứt một điều rằng anh không được công nhận liệt sĩ.
2. Nhưng, anh Thao không phải trường hợp cán bộ công an xã duy nhất hy sinh trong khi làm nhiệm vụ nhưng không được công nhận liệt sĩ.
Cũng ở huyện Phù Ninh này, suốt 14 năm qua, chị Vũ Thị Hồng Thắm, ở khu 4 xã Trạm Thản, cũng đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng đề nghị công nhận liệt sĩ cho chồng là anh Lê Duy Hưng, công an viên thường trực xã Trạm Thản, hy sinh từ năm 2001.
Ngày 8-12-2001, trong khi làm nhiệm vụ bắt giữ đối tượng trộm cắp tài sản là Bùi Tiến Phương, anh Hưng bị Phương dùng dao nhọn đâm vào cổ và tử vong tại trạm xá xã Trạm Thản. Năm 2003, Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao đã tuyên phạt Bùi Tiến Phương 20 năm tù về hai tội "giết người" và "cố ý gây thương tích".
Ngày anh Hưng hy sinh, chị Thắm mới 30 tuổi phải thay chồng nuôi dưỡng bố mẹ già ngoài 70 tuổi và hai đứa con thơ dại, cháu lớn 8 tuổi, cháu bé 7 tuổi. Hai đứa trẻ sau này chỉ học đến lớp 6 thì bỏ học đi làm thuê. 14 năm sau ngày anh Hưng hy sinh, giờ đây ba mẹ con vẫn phải đi làm thuê kiếm sống, chị cũng đã nhiều lần làm đơn gửi các nơi đề nghị công nhận anh là liệt sĩ nhưng không được.
Trong lá đơn mới nhất gửi Báo CAND, chị đã viết rằng: "Chồng tôi vì thực hiện nhiệm vụ mà phải hy sinh, để lại cho gia đình, vợ con nỗi đau thương, con cái thiệt thòi không có gì bù đắp được. Tôi rất mong các cơ quan chức năng giúp đỡ xét công nhận liệt sĩ cho chồng tôi, để phần nào vơi đi nỗi đau của gia đình suốt 14 năm qua".
3. Cũng giống như chị Việt, chị Thắm, hơn một năm qua chị Trần Thị Ngát phải mang nỗi đau mất chồng vì anh Nguyễn Văn Tý, nguyên là công an viên thường trực xã Hải Phúc, huyện Hải Hậu (Nam Định), đã hy sinh đêm 30-6-2014 khi tham gia tổ công tác của Công an huyện và Công an xã làm nhiệm vụ chống đua xe trái phép.
Tôi cứ bị ám ảnh khi đến thăm gia đình anh Tý. Bữa ấy, về đến xã đã gần trưa, nghe chúng tôi nói muốn xuống thăm gia đình anh Tý, anh Nguyễn Đức Toàn, Phó Công an xã, nhìn đồng hồ rồi bảo "các anh chờ tí nữa chứ giờ này có khi chị ấy còn đang đi mò ốc ngoài đồng chưa về đâu. Dạo này gặt xong rồi, chị ấy đi mò ốc mang ra chợ xã bán".
Hơn một năm sau ngày chồng hy sinh, chị Trần Thị Ngát cũng đang chờ đợi anh Tý được công nhận liệt sĩ. |
Đợi đến 11 giờ trưa, chúng tôi mới xuống ngôi nhà cũ kỹ, ẩm thấp của gia đình anh Tý. Thấy khách lạ đến bất ngờ, chị Trần Thị Ngát luống cuống tất tả dọn dẹp mời chúng tôi vào nhà. Đã hơn một năm sau ngày anh hy sinh nhưng mẹ con chị vẫn giữ lại chiếc gậy cao su anh được Công an xã trang bị và treo ở góc nhà như một kỷ vật.
Nhắc tới chồng, nói được vài câu, chị Ngát lại khóc bảo "tôi ốm đau suốt 10 năm nay rồi, đã 3 lần đi mổ khối u ở ngực mà đã hết đâu. Ngày ông ấy còn sống, có lần ông ấy vào tận Nghệ An lấy cho cả bao thuốc Nam mang về sắc uống. Bây giờ không có ai thuốc thang cho nữa; tiền cũng chẳng có mà đi viện. Ở đây chẳng có nghề gì, hôm nào khỏe tôi đi mò ốc bán, hôm nhiều thì được ba chục nghìn, có hôm được có chục nghìn thôi nhưng không biết làm gì hơn".
Anh chị có 3 người con, giờ cũng đều có gia đình riêng nhưng đều nghèo khó cả. Vợ chồng người con trai cả sinh con gái đầu lòng lại bị bệnh động kinh, phải đi bệnh viện suốt. Vợ chồng người con trai thứ hai thì vào làm công nhân mãi Bình Dương; cô con gái lấy chồng sinh con được hơn năm thì bỏ nhau giờ ôm con về đây ở với bố mẹ. Anh Tý hy sinh để lại cho vợ bà mẹ nuôi gần 80 tuổi. Vì thế, trong ngôi nhà này giờ chỉ còn 4 người toàn đàn bà, trẻ con. Anh Tý chưa được công nhận liệt sĩ nên mẹ và vợ không được hưởng chế độ gì.
Cũng như anh Thao, anh Hưng, anh Tý, còn có hơn 40 anh em công an xã hy sinh trong 7 năm qua đều để lại cha mẹ già, con dại. Ở nông thôn, người đàn ông không chỉ là chỗ dựa tinh thần mà còn là người cáng đáng mọi công việc nặng nhọc và là trụ cột lo kinh tế cho cả gia đình. Các anh ra đi không chỉ khiến người ở lại mang nỗi đau mất người thân mà còn để lại cho vợ gánh nặng gia đình. Với những người được công nhận liệt sĩ thì thân nhân còn phần nào được an ủi, nhưng với những người không được công nhận liệt sĩ thì nỗi đau mất mát sẽ chẳng bao giờ nguôi.
Chúng tôi rời nhà chị Ngát thì trời bất chợt đổ mưa. Chị bảo nhà toàn đàn bà trẻ con nên mấy mẹ con sợ nhất trời mưa vì nhà dột khắp nơi. Hôm nào có bão là lại phải sơ tán sang nhà cậu con trai lớn chứ không dám ở trong nhà vì sợ sập mái. Nhìn chị tất tả chạy đi tìm xô chậu để hứng nước mưa, tôi chợt nhớ cái câu của người xưa "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" mà không khỏi chạnh lòng.
(Còn nữa)
7 năm qua, lực lượng Công an xã cả nước có 487 đồng chí bị thương, 44 đồng chí hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Trong số đó mới có 128 đồng chí được công nhận thương binh, 27 đồng chí được công nhận liệt sĩ. (Nguồn: Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc - Bộ Công an). |