Phóng viên tiết lộ bí mật cuộc truy lùng hung thủ gây ra vụ thảm án ở Lào Cai

Thứ Tư, 09/11/2016, 08:03
Khi bắt được Đặng Văn Hùng, kẻ gây thảm án ở Yên Bái, khu vực lấy lời khai của nghi can đã bị phong tỏa để phục vụ công tác xét hỏi. Vào thời điểm đó, chỉ những người có liên quan mới được tiếp cận khu vực này, nếu không phải bước ra từ xe của Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu có lẽ tôi cũng không thể vượt qua được vòng gác bên ngoài...


Cùng công tác ở một lĩnh vực nhưng dễ chừng hàng chục năm, tôi và nhóm bạn học cùng Khoa Báo chí, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội mới có dịp gặp nhau để hàn huyên, tâm sự. Khi hỏi về công việc, những người bạn nhiều năm “mài quần” trên giảng đường đại học và giờ là những người đồng nghiệp trên cùng mặt trận vẫn truyền tai nhau, muốn biết thông tin chuẩn xác, rõ ràng về trọng án thì đọc Báo CAND.

1. Câu nói đã khắc họa một phần công việc của những chiến sỹ Công an làm báo như chúng tôi. 17 năm ra trường, trong đó có gần 8 năm vinh dự là người chiến sỹ Công an cầm bút, đôi lúc ngẫm lại, tôi nhận thấy việc trở thành phóng viên của một tờ báo, là cơ quan ngôn luận của Bộ Công an cũng như một cơ duyên.

Ngày đó, trong danh sách sinh viên Khoa Báo chí, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn về thực tập tại Báo CAND có tôi và khoảng gần chục bạn cùng khóa. Hơn chục sinh viên tuổi mười tám, đôi mươi mặt búng ra sữa..., những kiến thức chuyên ngành khi đó đều mới mẻ như một trang giấy trắng. Bỡ ngờ từ phiên hiệu của các đơn vị, cách đọc đúng quân hàm rồi đến các thuật ngữ chuyên ngành của lực lượng Công an.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục CSHS và Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái chỉ đạo truy bắt đối tượng gây thảm án.

Người hướng dẫn chúng tôi lúc đó là nhà báo Nguyễn Ngọc Khiêm, nguyên trưởng một ban của Báo Công an nhân dân. Hơn chục sinh viên thực tập chúng tôi được chỉ bảo, hướng dẫn từ cách viết một cái tin an ninh trật tự; một tấm gương người tốt, việc tốt về những người chiến sỹ Công an trên các mặt trận thầm lặng đối mặt với tội phạm, rồi đến cách tiếp cận một vụ án hình sự.

Từ sự bỡ ngỡ ban đầu, những câu chuyện phá án ly kỳ; cuộc đấu trí của những người lính hình sự quả cảm hay một trinh sát ma túy..., như một bộ phim hành động đã lôi cuốn chúng tôi. Đúng vào dịp chúng tôi kết thúc khóa thực tập, Báo CAND tuyển phóng viên và tôi được tiếp nhận công tác. Sau đó, tôi được phân về Ban Thời sự - Chính trị - Nghiệp vụ và gắn bó với mảng nghiệp vụ của Báo từ đó cho đến nay.

Đến thời điểm này, ở các tỉnh phía Bắc, từ vùng rừng núi đến đồng bằng, hầu hết tôi đã từng đặt chân qua. Ở những nơi ấy, tôi đã đồng hành cùng lực lượng trinh sát ở trên nhiều mặt trận ma túy, kinh tế và cả tội phạm hình sự... Gặp gỡ không ít những đối tượng hình sự cộm cán và cũng không ít lần theo chân cán bộ trinh sát, trong quá trình bắt giữ hay đấu trí với những kẻ thủ ác cực kỳ tinh vi.

Song vụ thảm án tại thôn Cài, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên (Yên Bái) xảy ra cách đây hơn một năm để lại cho tôi nhiều điều suy ngẫm. Vụ án xảy ra ngay sau thời điểm vụ thảm án tại Bình Phước, Nghệ An, cướp đi mạng sống của  4 người thân trong một gia đình, trong đó có một cháu bé vô tội khiến dư luận vô cùng căm phẫn.

Không giống với hai vụ án thảm án trước đó, ở vụ việc này, Công an tỉnh Yên Bái đã nhanh chóng xác định nghi can gây án là Đặng Văn Hùng (26 tuổi, trú tại thôn 16, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái). Ngay sau khi thực hiện hành vi phạm tội, Hùng bỏ trốn vào rừng sâu, đối tượng mang theo một con dao nhọn cùng 2 khẩu súng kíp, một hộp đựng bật lửa gas, một ít thuốc súng và đạn ghém rồi chạy lên nương chuẩn bị cho một cuộc trốn chạy dài hơi.

Chưa bao giờ vùng đất bình yên như thôn Cài lại chứng kiến một cuộc "đổ bộ rầm rộ" của báo chí như vậy. Có những tờ báo cử cùng lúc 2-3 phóng viên đến địa bàn. Một ngày sau khi vụ thảm án xảy ra (ngày 13-8-2015), trong khi lực lượng Công an và người dân đang tổ chức lực lượng truy lùng đối tượng dưới chân núi Voi thì ngay tại trụ sở UBND xã Lâm Giang, một cuộc họp báo dưới sự chủ trì của bà Phạm Thị Thanh Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái (nay là Bí thư Tỉnh ủy) cùng với đại diện Ban Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái đã diễn ra.

2. Trong những ngày ấy, khu nhà khách của huyện Văn Yên là địa điểm cuối cùng tôi và những người đồng nghiệp trở về sau một ngày lăn lộn ở hiện trường. Cả khu nhà khách, duy chỉ có mình tôi là phóng viên nữ nên cũng được anh em đồng nghiệp quan tâm hơn cả. Những thông tin liên quan đến vụ án, các góc cạnh của sự việc đều được các tờ báo khai thác một cách triệt để.

Đặng Văn Hùng bị bắt giữ sau nhiều ngày lẩn trốn trong rừng.

Trong những ngày đó, ngoài sự mệt vì hiện trường xảy ra vụ án tại khu vực đồi núi khai hoang, hẻo lánh, xa khu dân cư, tôi còn phải chịu áp lực rất lớn bởi sự cạnh tranh khốc liệt về thông tin. Thương hiệu của tờ báo, trách nhiệm của một phóng viên phụ trách địa bàn và hơn cả là niềm say nghề, tôi muốn có thông tin sớm nhất về các thông tin liên quan đến vụ án.

Căng thẳng nhất có lẽ vẫn là thông tin về việc bắt giữ nghi can Đặng Văn Hùng. Không ít lần, tôi và nhóm phóng viên nội chính "ăn" những thông tin giả về việc bắt được Hùng. 

Trong những ngày lặn lộn cùng các cán bộ và người dân huyện Văn Yên, tình cảm nồng ấm của người Dao, họ đồng hành, giúp đỡ lực lượng trinh sát trong quá trình truy bắt đối tượng; việc cha đẻ của Đặng Văn Hùng lặng lẽ giúp gia đình ông Phàn Văn Chung (cha đẻ của các nạn nhân) chia sẻ nỗi mất mát khi cùng lúc mất đi bốn người thân trong gia đình, giữa họ dường như  không còn sự hận thù..., là những hình ảnh để lại nhiều ấn tượng trong tôi.

...Cuộc gọi của Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái, vào ngày thứ ba của cuộc tìm kiếm phá tan bầu không khí tĩnh lặng của khu Văn phòng UBND huyện Văn Yên, nơi tôi và các đồng nghiệp tá túc.

“Cô đang ở đâu đến ngay Công an huyện” vẫn cách xưng hô quen thuộc nhưng trong giọng nói của vị tướng ấy dõng dạc. Trong giây phút ấy, tôi cũng vỡ òa cùng niềm vui của người chỉ huy và các cán bộ Công an tỉnh Yên Bái, sau nhiều giờ ăn rừng, ở suối lần theo tung tích của nghi can gây thảm án...

Hơn chục năm làm phóng viên, phần lớn phụ trách khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, tôi đã quá quen với những chuyến luồn rừng, vượt suối. Song có lẽ vì những bữa cơm thường thường, một đêm trắng theo chân lực lượng Cảnh sát cơ động tuần tra truy bắt đối tượng Hùng mà khi cách khu vực hiện trường khoảng vài trăm mét, tôi bắt đầu nôn thốc nôn tháo, đôi bàn chân rủn ra, hai bàn tay không còn cảm giác...

Khu vực lấy lời khai của Đặng Văn Hùng và cô gái tên Hán vào thời điểm chúng tôi có mặt đã bị phong tỏa để phục vụ công tác xét hỏi. Vào thời điểm đó, chỉ những người có liên quan mới được tiếp cận khu vực này, nếu không phải bước ra từ xe của Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu có lẽ tôi cũng không thể vượt qua được vòng gác bên ngoài.

Mệt mỏi là vậy nhưng khi vừa đặt chân xuống xe, tôi đã lao ngay vào công việc, nhanh chóng chuyển những hình ảnh và thông tin ban đầu về cho Thượng tá Vũ Mạnh Hà, Trưởng ban Điện tử, Báo CAND. Với sự phối hợp nhịp nhàng của anh, Báo CAND Online là tờ điện tử đầu tiên đăng tải thông tin về Đặng Văn Hùng, với lượng truy cập thông tin rất lớn.

Tôi cũng là phóng viên duy nhất được tiếp cận với Đặng Văn Hùng ngay khi đối tượng này được đưa về Trại tạm giam Công an tỉnh Yên Bái. Bài phỏng vấn độc quyền của Báo CAND Online vào thời điểm đó thu hút được một lượng lớn độc giả.

Vụ trọng án khám phá thành công và như Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu đã chia sẻ: Vụ trọng án thành công là do chính quyền địa phương và các đơn vị ở cơ sở sớm vào cuộc nên kịp thời phát hiện, nắm tình hình liên quan đến vụ việc và cung cấp những thông tin phản ánh về đối tượng gây án; công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm và tinh thần kiên quyết tấn công của các ngành, các cấp và cán bộ chiến sỹ Công an tỉnh Yên Bái...

Với riêng bản thân, tôi cũng cảm thấy tự hào vì đã phản ánh một phần chiến công của những cán bộ Công an tỉnh Yên Bái và người dân trên mặt trận đấu tranh với cái ác, bảo vệ sự bình yên hạnh phúc của nhân dân.

Giờ đây, mỗi lần khoác lên người trang phục an ninh, tôi càng tự hào thêm về màu áo, về truyền thống của Báo CAND anh hùng và thêm yêu công việc của người cầm bút mặc áo lính. Tôi tự hứa với chính mình, sẽ luôn dùng ngòi bút với một cái tâm trong để khắc họa cho bạn đọc hiểu thêm về những hy sinh, vất vả và chiến công thầm lặng của những cán bộ Công an ở mọi miền Tổ quốc.
Xuân Mai
.
.