Có một chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang người Si La
Cựu chiến binh Hù Chà Chí là một trong những người như thế. Đến nay ở tuổi 71 ông vẫn nêu tấm gương sáng để cháu con học tập gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc.
Vượt qua bom đạn quân thù
Chúng tôi đến thôn Nậm Hà (xã Kan Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) vào dịp cơn bão số 6 Mangkhut đang đổ bộ vào vùng biển phía bắc nước ta. Ảnh hưởng của cơn bão rất nghiêm trọng khiến con đường mới dài 74km từ Pa Tần đi tới trung tâm huyện Mường Tè bị sạt lở nhiều đoạn.
Đi bên dòng sông Đà nhìn lòng hồ thủy điện Sơn La cuộn ngầu sắc đỏ, nhiều đoạn đường bị núi đổ chắn mất lối, chúng tôi phấp phỏng lo đường tắc nghẽn lâu dài.
Ông Hù Chà Chí giới thiệu những tấm huân chương đạt được trong suốt thời kỳ quân ngũ. |
Bản Nậm Hà trước kia nằm phía tả ngạn sông Đà. Người dân Si La có thói quen sống ở trên cao làm nương rẫy, phương tiện duy nhất nối với “thế giới bên ngoài” là thuyền. Năm 2012, bản được di dời sang hữu ngạn, sát với tuyến đường Mường Tè - Nậm Nhùm, cuộc sống đã có nhiều thay đổi, nhưng nguy cơ bị chia cắt, sạt lở vẫn còn nguyên.
Đồng chí Lý Chà Lối, Chủ tịch UBND xã Kan Hồ, dẫn chúng tôi tới thăm gia đình ông Hù Chà Chí cùng với lời giới thiệu đây là một gia đình giàu truyền thống cách mạng, luôn là tấm gương tiêu biểu của xã. Cựu chiến binh Hù Chà Chí năm nay đã 71 tuổi nhưng trông rất nhanh nhẹn, đặc biệt là khi ông khoác trên mình bộ quân phục Công an nhân dân vũ trang năm xưa.
Trí nhớ còn rất tốt, ông sang sảng kể với chúng tôi về những chặng đường đã qua, ánh mắt ông cứ rực sáng mãi khi nhớ lại những ngày trai trẻ tham gia cách mạng. Ông nói cuộc đời ông khổ lắm, mãi cho đến khi nhập ngũ vào lực lượng Công an nhân dân vũ trang mới hết khổ, Đảng và lực lượng Công an đã cho ông cuộc đời mới, thế nên trong chiến đấu dù gian khổ, hi sinh cũng không tiếc tấm thân này.
Chưa lọt lòng mẹ Hù Chà Chí đã mất cha, chưa hết tuổi bế bồng người mẹ cũng qua đời. Suốt thời thơ ấu, cậu bé phải ăn nhờ sống đậu trong nhiều gia đình anh, em họ hàng.
Người Si La ở Việt Nam có 5 dòng họ chính, theo phong tục thờ cúng tổ tiên, mỗi dòng họ có một trưởng họ và ban thờ chính được đặt ở nhà vị trưởng họ này. Bất cứ ai có chung ban thờ thì đó là anh, em. Như vậy có thể thấy là khái niệm anh, em của người Si La khá rộng và cậu bé Hù Chà Chí được nuôi dưỡng trong vòng tay của anh, em họ hàng đó.
Cho đến năm 1964, vừa tròn 17 tuổi, Hù Chà Chí lên đường nhập ngũ và được biên chế về Đồn 7 nằm ở trung tâm huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên). Thời gian này quân đội Mỹ đang tiến hành Chiến tranh đặc biệt ở Lào.
Ông Hù Chà Chí luôn tích cực lao động sản xuất tại địa phương. |
Tình hình biên giới Việt Nam - Lào khi đó rất bất ổn, lực lượng phỉ ngụy Lào và phỉ Lào đánh phá, quấy rối liên miên. Đến năm 1968, Sư đoàn 316 của quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với bộ đội Pathet Lào tiến công giải phóng Nậm Bạc (huyện Luangprabang, Lào). Lực lượng Công an vũ trang tỉnh Lai Châu (cũ) cũng tham gia chiến dịch này. Lúc đó, Hù Chà Chí là trinh sát viên.
Một trong những kỷ niệm nhớ nhất trong đời ấy là lần trinh sát phía sâu trong hậu phương địch, ông cùng 2 đồng đội khác bị địch bao vây, chia cắt hết lương thực phải nhặt hạt dẻ rừng để ăn. Không ngờ loại hạt dẻ này ăn nhiều sẽ bị say, cả tổ trinh sát bị say nằm cứng đờ dưới đất. Đúng lúc ấy địch truy lùng ngang qua nhưng thật may mắn là chúng lại không phát hiện ra ba trinh sát đang nằm ngay trước mũi súng.
Trong chiến dịch giải phóng Nậm Bạc có ba chiến sĩ người Si La hi sinh đó là Hù Chà Cho, Lì Chà Sú và Pờ Chà Le, vậy là cả đồn có 4 chiến sĩ người Si La chỉ còn một người sống sót trở về. Sự hi sinh của đồng đội là những người cùng dân tộc là nỗi xót thương vô hạn để lại trong lòng ông cho đến bây giờ.
Ông kể: “Sau chiến dịch Nậm Bạc bên đất Lào, thông tin có ba chiến sĩ người Si La hi sinh lan truyền về địa phương. Ở nhà mọi người đoán không biết là ai. Lúc đó cũng có một anh người miền xuôi tên là Chí hi sinh trong trận này nên mọi người cho rằng đó là tôi. Ở địa phương đã làm lễ truy điệu, dòng họ đã nhận bằng Tổ quốc ghi công thì tôi được về phép thăm nhà. Lúc đó mọi người mới biết là tôi còn sống. Tôi cũng kể lại chuyện ba liệt sĩ người Si La đã hi sinh trong hoàn cảnh nào, mọi người đều khóc thương các anh ấy. Đến bây giờ tôi vẫn coi họ là những người anh, em, luôn để trong lòng tôn thờ họ”.
Năm 1969, Hù Chà Chí được cử đi học tại Trung tâm tập huấn do Cục Trinh sát, Công an nhân dân vũ trang (Đoàn 268) tổ chức tại Gia Lâm, Hà Nội. Sau 1 năm 6 tháng, kết thúc khóa tập huấn, ông được phong quân hàm thiếu úy.
Năm 1971, Hù Chà Chí kết hôn với Pờ Cơ Luyện, được đơn vị tạo điều kiện nơi ăn chốn ở gần đồn nhưng bà cảm thấy nhớ quê quá. Cho đến năm 1973, ông xin xuất ngũ và được cấp trên chấp thuận. Hai vợ chồng đưa nhau về Nậm Hà sinh sống từ đó đến nay.
Mối tình chàng trinh sát với cô gái mồ côi
Những ngày đóng quân tại Mường Nhé, Hù Chà Chí luôn thể hiện là một chiến sĩ Công an gần gũi với nhân dân, chịu khó cần cù trong lao động. Tại đơn vị anh cũng tham gia tăng gia sản xuất được rất nhiều rau màu, chăn nuôi gà vịt cải thiện bữa ăn trong đơn vị.
Anh còn có tài đánh đàn “tứ pề lạc thu” (một loại đàn độc đáo của dân tộc Si La có 3 dây, bầu đàn làm bằng ống tre). Chính nhờ cây đàn này mà anh đã làm quen được với cô gái nết na, dịu hiền người Si La ở Mường Nhé là Pờ Cơ Luyện.
Qua chuyện này chúng tôi mới hiểu cụm từ “thầy giáo quân hàm xanh” đã có từ rất lâu rồi. Và khi ấy là lực lượng Công an nhân dân vũ trang, thuộc Bộ Công an. Từ năm 1971, anh thiếu úy Công an vũ trang trẻ tuổi Hù Chà Chí cũng đã được đơn vị cử đi “cắm bản” ba cùng với dân kiêm giáo viên. Ở xã Chung Chải, huyện Mường Nhé có một bản người Si La đó là bản Nậm Sìn. Pờ Cơ Luyện mồ côi cha mẹ từ nhỏ cũng phải sống nhờ vào họ hàng anh, em. Hai người có hoàn cảnh tương đồng nên dễ thông cảm và tình yêu sớm nảy nở trong lòng hai người.
Ông Hù Chà Chí với những kỷ niệm xưa. |
Giống như nhiều thanh thiếu niên ở Chung Chải, Pờ Cơ Luyện cũng được đi học dù chỉ học đến lớp 3 nhưng do sách báo không có nên nguy cơ tái mù chữ rất cao. Anh Chí lúc đó có một “sáng kiến” rất tuyệt vời, đó là viết thư cho cô học trò này để cô có cái tập đọc. Tất nhiên, những bức thư tình đầu tiên của họ giống như lứa thanh niên lúc bấy giờ đều tập trung tả tình yêu đất nước, khát vọng hòa bình, chỉ thoảng qua đôi chút riêng tư cá nhân. Và những bức thư đó được bạn bè cô Luyện truyền tay nhau như một loại “tài liệu học tập”.
Cho đến một ngày cả đám thanh niên ấy ré lên cười khi đánh vần ra ba chữ “anh yêu em”, cô Luyện bị chúng bạn trêu mặt cứ đỏ dừ lên mãi. Và cũng rất nhanh, nội dung bức thư ấy được khoe với anh em chiến sĩ trong Đồn Công an vũ trang Mường Nhé.
Đồng chí Trân, Chính trị viên đồn, nói đã yêu nhau rồi thì nên sớm tổ chức đi thôi. Vậy là cũng rất nhanh, đơn vị có 60 cán bộ chiến sĩ, mỗi người một chân một tay giúp đồng đội. Một đám cưới giản dị nhưng trang trọng diễn ra ngay sau đó. Đơn vị cũng tạo điều kiện xây dựng cho hai người một tổ ấm, đó là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời của hai người con côi cút. Rất may họ không hề cô đơn, bởi một bên có đồng đội, một bên có những người họ hàng.
Hai vợ chồng ông có 4 người con. Cậu út tên là Hù Chà Cưới sinh năm 1987, cũng từng là một chiến sĩ biên phòng, xuất ngũ năm 2012, giờ làm công an viên ở xã. Còn ông Hù Chà Chí sau khi xuất ngũ năm 1973 trở về địa phương được giao trọng trách làm chủ nhiệm hợp tác xã. Thời điểm này bản Nậm Hà vẫn còn ở bên kia bờ sông Đà, cuộc sống tương đối cô lập, nhưng nhờ có sự năng động nhiệt tình của ông nên hợp tác xã đã có những thời gian phát triển tương đối ổn định.
Sau khi nghỉ hưu ông tham gia khá nhiều hội như cựu chiến binh, người cao tuổi, khuyến nông. Ông cũng được coi là già làng của bản Nậm Hà, tiếng nói của ông góp phần vào xây dựng tình đoàn kết của nhân dân địa phương.