“Chuyên gia tâm lý” của các phạm nhân Trại tạm giam Hà Nam

Chủ Nhật, 18/09/2016, 08:14
Không phải ngẫu nhiên Đội quản giáo số 2 (Đội 2) được ví như “xương sống” của Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam. Đội quản lý số đối tượng đang trong giai đoạn tạm giữ, tạm giam; các trường hợp đang kháng án hoặc chờ chuyển trại khi bản án đã được tuyên.

Mỗi đối tượng quản lý có một đặc thù riêng, song đáng lưu ý nhất vẫn là những trường hợp bị tạm giữ, tạm giam, Trung úy Nguyễn Văn Thắng, Đội phó Đội 2, Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam, một trong những gương mặt điển hình tiên tiến của Công an tỉnh Hà Nam về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và “Thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy 2016” chia sẻ với chúng tôi.

Nhóm đối tượng này có diễn biến tâm lý đặc biệt. Nhiều đối tượng  khi vào trại mông lung, không biết đã bị bắt về hành vi phạm tội gì nên người cán bộ quản giáo phải tiếp cận ngay từ ban đầu để nắm bắt tư tưởng; giải thích cho họ về chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với những người phạm tội có thái độ khai báo thành khẩn.

Với những kẻ phạm tội từng nhiều lần ra tù, vào tội; chống đối ra mặt, thách thức lực lượng làm nhiệm vụ cũng phải có những đối sách phù hợp. Cùng với cán bộ trong đơn vị, anh thường xuyên duy trì được  “buồng giam, trại giam an toàn”.

Trung úy Nguyễn Văn Thắng (bên phải) cùng đồng đội trao đổi nghiệp vụ.

Tốt nghiệp Đại học Cảnh sát, chuyên ngành quản lý giáo dục phạm nhân, Trung úy Nguyễn Văn Thắng được phân công về Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam.

Khi ấy, Trại tạm giam vừa chuyển ra khu vực mới; bản thân anh được đào tạo đúng chuyên ngành nên Ban Giám thị phân công quản lý khu giam tử hình và có mức án cao. Những ngày đó, người cán bộ quản giáo trẻ vừa làm, vừa học tập những thế hệ đi trước...

Một trong những người anh Thắng nhắc đến nhiều nhất khi tiếp chuyện với chúng tôi là Đội trưởng Nguyễn Văn Giang, người luôn sát cánh với anh trong công việc. Cho đến bây giờ, những kỷ niệm trong quá trình quản lý buồng giam tử tù vẫn còn in đậm trong tâm trí của Trung úy Nguyễn Văn Thắng.

Trong số những trường hợp đó có phạm nhân Trần Văn Sơn,  bị kết án tử hình về hành vi giết người, cướp tài sản. Vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, Sơn đã có vợ, nhưng anh ta lại đem lòng yêu cô gái vùng cao tên là Lò Thị Hợp. Trong một lúc nóng giận bột phát, Sơn đã cướp đi mạng sống của cô gái trẻ.

Sau khi bản án được tuyên, Sơn có diễn biến tâm lý rất phức tạp. Có khi ba đến bốn ngày, anh ta không nói một câu nào, chỉ ngồi ôm mặt khóc rồi đòi gặp người thân trong gia đình.

Đối với Trung úy Thắng lúc đó, chỉ cần Sơn chịu nói chuyện đã là một thành công, bởi khi ấy, người tử tù mới bộc lộ được những tâm tư còn chất chứa trong đáy lòng.

Ngoài việc thường xuyên gần gũi, anh còn quan tâm từ bữa ăn đến giấc ngủ, không quản thời gian ngồi hàng giờ với người tử tù này. “Mưa dầm thấm lâu” Sơn bắt đầu có sự chuyển biến về tâm lý, anh ta tâm sự rằng không được gia đình quan tâm, động viên.

Rồi Sơn nhắc đến đứa con, ngày anh ta bị bắt vẫn còn trong bụng mẹ, bày tỏ sự lo lắng về việc nuôi dạy đứa con nên người. Hiểu được tâm lý đó, Trung úy Nguyễn Văn Thắng đã khêu gợi được tình yêu của người tử tù với đứa con trai chỉ một lần được gặp mặt.

Trong vụ việc này, thành công lớn nhất của người cán bộ quản giáo là khai thác được tâm lý, sự hối hận dẫu là muộn màng trong kẻ giết người. Sơn chia sẻ rằng, anh ta thực lòng yêu nạn nhân. Hôm đó, do bị kích động mạnh vì Hợp nói rằng đã bị nhiễm HIV nên đã gây án... Thời gian sau đó, Sơn luôn day dứt về hành vi phạm tội đã gây ra.

Nhờ sự tác động tâm lý của Trung úy Thắng, trong gian chờ thi hành án, Sơn đã viết thư về gia đình người bị hại, mong muốn họ nguôi ngoai nỗi đau mất con để anh ta có thể được thanh thản yên nghỉ khi về nơi chín suối.

Khi chúng tôi hỏi về bí quyết để trở thành một “chuyên gia tâm lý”, Trung úy Thắng bộc bạch một cách giản dị: “Tôi tâm niệm rằng, đối tượng phạm tội cũng là một con người. Do thiếu hiểu biết về pháp luật mà vào vòng lao lý”...

Mỗi trường hợp vào trại, anh đều trực tiếp gặp gỡ, tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phạm tội. Một trong những bí quyết của Trung úy Thắng vẫn thường chia sẻ là, muốn giáo dục phạm nhân phải hiểu họ. Trong công việc, anh luôn gạn đục khơi trong, khơi dậy tính thiện trong mỗi con người phạm tội.

Sự đóng góp của Trung úy Thắng đã được đền đáp một cách xứng đáng. Sau một thời gian phấn đấu, anh được bổ nhiệm là Đội phó. Ở vị trí công tác mới, ngoài công tác quản lý, anh thường trực tiếp gặp gỡ các bị can tạm giữ, tạm giam; cùng cán bộ đơn vị giáo dục các phạm nhân đang chờ chuyển trại.

Những trường hợp kháng án, số đối tượng vừa được đưa ra xét xử... cũng nhận được sự quan tâm của người Đội phó. Anh thường xuyên gần gũi, giải thích cho họ rõ tội danh, động viên họ cải tạo tốt để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

 Với những nỗ lực của bản thân, 3 năm liên tiếp 2013, 2014, 2015, Trung úy Nguyễn Văn Thắng đều đạt danh hiệu: “Chiến sỹ thi đua cơ sở” và đạt danh hiệu “Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

Năm 2015, được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen vì đã lập thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc và được Giám đốc Công an tỉnh tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong 2 năm thực hiện phong trào: “Thanh niên CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy” giai đoạn 2013-2015.

Xuân Mai
.
.