Trung úy Công an 30 lần hiến máu cứu người
- Tuổi trẻ Cục Cảnh sát PCCC & CNCH tham gia hiến máu nhân đạo
- 370 tình nguyện viên hiến máu cứu người
- 1.000 cán bộ, học viên Học viện Chính trị CAND hiến máu “Giọt hồng trao em”
Dưới cơn mưa phùn lất phất, mặc dòng người qua lại ngược xuôi, Nguyễn Xuân Giáp với nụ cười luôn thường trực kiên trì đứng ở cổng chợ Bầu, khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) tuyên truyền vận động người dân đi hiến máu. Một công việc không phải thanh niên nào cũng làm được, nhưng Giáp đã miệt mài làm trong 4 năm qua. Sự sống quả là điều kỳ diệu. Với những người suốt đời phải sống nhờ vào chế phẩm từ máu thì họ vô cùng thấm thía và trân quý giọt máu nhân đạo.
“Cho đi mà không cần nhận lại” là câu nói của rất nhiều đoàn viên thanh niên mà chúng tôi đã gặp trên hành trình nhân ái “Trao giọt máu hồng – cho đời sự sống”.
Cán bộ đoàn 30 lần hiến máu cứu người
Năm 23 tuổi, Trung úy Phạm Văn Chung, Phó Bí thư Chi đoàn 3, Đoàn cơ sở Cục Tham mưu, Tổng cục Chính trị CAND bắt đầu hiến máu nhân đạo. Khi ấy, Chung đang là phóng viên của Báo Điện Biên. Trong một lần tình cờ vào Bệnh viện Đa khoa Điện Biên, thấy một em bé người dân tộc được hiến máu miễn phí, thế là Chung nghĩ ngay tới việc tại sao mình không cho máu để cứu người?
Trung úy Phạm Văn Chung (thứ hai từ phải) hiến máu nhân đạo |
Như một cơ duyên, vài ngày sau, cơ quan có chương trình hiến máu và vận động cán bộ công nhân viên tham gia, Chung đăng ký ngay mặc dù lần đó khá run. Cứ vài tháng Chung lại hiến máu một lần, trong vòng hơn 1 năm Chung đã 5 lần hiến máu. Khi chuyển về công tác tại Cục Tham mưu, Chung lại tiếp tục hành trình nhân đạo này.
Tâm sự với tôi, Chung nói rằng mình hiến máu đã trở thành quen. Ban đầu còn giấu bố mẹ, sau thì gia đình cũng biết. Sau 7 năm, “gia tài” của Chung là 30 lần hiến máu. “Hiến máu đã thành thói quen, có khi 3 tháng không hiến là lại thấy nhớ liền cầm điện thoại gọi đến Khoa vận động hiến máu của Viện huyết học truyền máu Trung ương (VHHTMTƯ) xem có chương trình nào không để tham gia. Có khi đang đi trên đường thấy có điểm hiến máu di động là em vào hiến ngay”- Chung kể lại.
“Nồi cháo tình thương” của CBCS Cục Tham mưu đến với bệnh nhân nghèo. |
Nhiều lúc, Chung cũng tự hỏi, máu của mình đã chảy trong cơ thể của biết bao người? Nhưng rồi lại thầm nghĩ, những gì mình cho đi không mong nhận lại. Cho người khác sự sống chính là làm việc thiện. Và việc làm cao đẹp ấy vẫn hàng ngày xuất hiện bên chúng ta, bên dòng chảy của cuộc sống còn nhiều bộn bề lo toan. Nhưng với Chung chỉ đơn giản là hiến máu cứu người.
Chính vì thế mà trong công tác Đoàn, khi Đoàn Thanh niên Tổng cục Chính trị CAND hay Đoàn Thanh niên Bộ Công an phát động phong trào hiến máu, Chung đều sẵn sàng tham gia. Chung còn vận động người thân, bạn bè cùng hiến máu. Hai em gái của Chung một đang là sinh viên, một là giáo viên đều hiến máu từ 3 đến 10 lần. Vợ Chung được chồng vận động đến nay cũng đã 5 lần tham gia hiến máu.
“Cũng từ việc hiến máu này mà vợ em có cơ duyên được vào làm việc tại một công ty của Nhật” – Chung dí dỏm. Sau những lần tham gia hiến máu tại các chương trình như Lễ hội Xuân hồng, Hành trình đỏ… Chung đã khởi xướng phong trào “Nồi cháo tình thương” gồm 230 suất cháo phát mỗi tháng một lần cho người bệnh tại VHHTMTƯ.
Hơn một năm nay, hình ảnh những chiến sĩ Công an phát cháo đã trở thành quen thuộc với người bệnh. Kinh phí là do CBCS của Cục Tham mưu đóng góp, mà nòng cốt là các đoàn viên, rồi đặt Khoa Dinh dưỡng của VHHTMTƯ nấu.
“Từ những lần đi phát cháo em hướng dẫn mọi người đến tầng 2 của viện để xem về hoạt động hiến máu. Sau khi xem xong, nhiều người đã tình nguyện hiến máu mà không cần em phải vận động” – Chung chia sẻ.
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình
Nhìn chàng trai có gương mặt thông minh kiên trì đi đến từng nhà dân, bến xe, nhà chờ xe buýt, chợ… để vận động người dân hiến máu nhân đạo, tôi thấy rất tò mò. Bởi để làm được việc này, ngoài có duyên nói chuyện, kiến thức về hiến máu thì còn phải có tính nhẫn nại, kiên trì, không ngại khó, ngại khổ. Có lẽ, trong xã hội ngày nay, để có những bạn trẻ hoạt động tình nguyện sôi nổi và nhiệt huyết như thế này quả là rất hiếm.
Nguyễn Xuân Giáp trong chương trình kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam |
Suốt 4 năm qua, Nguyễn Xuân Giáp, sinh viên năm thứ 4, trường ĐH Mỏ - Địa chất đã làm được điều đó. Từ khi còn là sinh viên năm thứ nhất, Giáp đã tình nguyện hiến máu và tham gia công tác tuyên truyền vận động hiến máu cùng Chi hội Thanh niên vận động hiến máu 5-12.
Từ đó trở đi, Giáp cùng các bạn tuyên truyền vận động và tổ chức thành công rất nhiều chương trình hiến máu lớn, thu hút hàng ngàn người tham gia hiến máu như Lễ hội Trăng hồng, Lễ hội Xuân hồng, Trái tim tình nguyện, Mùa hè nhân ái, Giọt hồng tri ân với lượng máu tiếp nhận được lên tới hàng chục nghìn đơn vị. Bốn năm với biết bao hành trình gian khổ, không quản ngày nắng hay mưa dông, Giáp cùng các bạn tình nguyện viên có mặt ở khắp nơi để tuyên truyền, vận động hiến máu. Giáp kể, 4 năm nay em đều về quê ăn Tết muộn do còn bận đi vận động hiến máu.
“Bởi vì Tết là thời điểm thiếu máu trầm trọng, nếu mình không ở lại đi vận động thì người bệnh không có máu để dùng. Mỗi ngày đi tuyên truyền mà nhận được 30 hay 50 đơn vị máu là em thấy vui lắm rồi. Có năm 27 Tết em vẫn còn đứng ở chợ Bầu (khu công nghiệp Bắc Thăng Long) để mà vận động. Có người còn hiểu lầm chúng em làm như thế là để bán máu chứ không phải hiến máu. Em cũng gặp rất nhiều thái độ, ánh mắt thờ ơ, lời nói không hay, nhưng bên cạnh đó rất nhiều người lại chú ý lắng nghe, nhiệt tình hỏi han và sau khi cân nhắc họ đã đăng ký hiến máu làm mình thấy rất vui” – Giáp tâm sự.
Không chỉ Tết mà hè cũng vậy, lo lắng người bệnh không đủ máu để điều trị, Giáp cùng với những người bạn của mình ở lại Hà Nội để làm công tác tình nguyện vận động hiến máu.
Nhìn bảng thành tích dày đặc của chàng sinh viên giỏi này, tôi thầm cảm phục nghị lực và tình yêu mà Giáp dành cho việc làm tình nguyện. Giáp hiện là Ủy viên BCH Liên chi hội sinh viên khoa Mỏ, ĐH Mỏ - Địa chất; Phó Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội, từng là Chi hội trưởng Chi hội Thanh niên vận động hiến máu 5-12, mỗi năm em phối hợp với trường ĐH Mỏ - Địa chất và Học viện Tài chính tuyên truyền được trên 2.800 sinh viên tham gia hiến máu.
Ngoài ra, Giáp còn tham gia tuyên truyền và tổ chức rất nhiều điểm hiến máu lưu động bằng xe bus; đi về các vùng ngoại thành Hà Nội tổ chức các chương trình hiến máu tại địa phương; tham gia chương trình vận động hiến máu xuyên việt “Hành trình đỏ” trong suốt 7 tháng; tham gia tuyên truyền vận động hiến máu tại nhiều khu công nghiệp và tiếp nhận về hàng trăm đơn vị máu mỗi chương trình…