Thể thao Việt Nam giành Huy chương vàng tại Olympic 2016:

Hoàng Xuân Vinh: Tầm vóc vươn cao

Thứ Hai, 08/08/2016, 09:39
Khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh kết thúc lượt bắn cuối tại chung kết 10m súng ngắn hơi nam thì mọi người mới thở phào và cảm xúc vỡ òa dâng trào vì chúng ta giành được Huy chương vàng (HCV) tại Olympic 2016. 

.



Bản lĩnh khiến vận động viên các cường quốc phải nể phục

Đêm 6-8, tất cả những người không thật quan tâm tới môn bắn súng hay thể thao Olympic cũng phải thốt lên “tự hào quá thể thao Việt Nam”. Hoàng Xuân Vinh đã làm được điều mà chúng ta chờ đợi đằng đẵng nhiều năm qua..

2 giờ sáng 6-8, động tác siết cò đầy bình tĩnh của Xuân Vinh đã đưa viên đạn tới hồng tâm điện tử ở điểm số 10,7 và có chung cuộc 202,5 điểm tại chung kết 10m súng ngắn hơi nam. Đó là khoảnh khắc nghẹt thở bởi lúc ấy, trong tiếng reo hò của khán giả Brazil, xạ thủ chủ nhà Wu Felipe Almeida đã đấu xong loạt cuối và dẫn trước Hoàng Xuân Vinh.

Phát đạn cuối đưa một con người Việt Nam, một xạ thủ kinh nghiệm nhất của đội bắn súng Việt Nam lúc này đi vào lịch sử để minh chứng, thể thao Việt Nam không hề tụt lại so với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ trong khu vực và thế giới.

Trước khi nội dung 10m súng ngắn diễn ra, những người lạc quan nhất cũng chỉ tin Hoàng Xuân Vinh tối đa là lọt vào chung kết nội dung và may mắn có được một Huy chương đồng (HCĐ) là toại nguyện. Bởi lẽ, những xạ thủ mạnh như Pang Wei (Trung Quốc, vô địch Olympic 2008), Jin Jongoh (Hàn Quốc, vô địch Olympic 2012) vẫn sừng sững tại Olympic 2016 này.

Tại vòng loại nội dung, Pang Wei đứng đầu khi mà 27 lần bắn trúng vòng tròn 10 điểm, Jin Jongoh cũng có 24 lần trong khi Xuân Vinh chỉ xếp thứ tư. Chung kết nội dung đã là cuộc đấu trí thật sự. Cuộc thử thách mang lại những bất ngờ liên tiếp. Nhiều cái tên như Jin Jongoh rồi Rai Jitsu (Ấn Độ) không lọt vào được tốp 3. VĐV Pang Wei vốn rất điềm tĩnh cũng không tạo được khoảng cách điểm an toàn rớt lại vị trí thứ 3.

Hoàng Xuân Vinh và Wu Felipe Almeida (Brazil, đang đứng số 1 thế giới nội dung) tranh chấp nhất nhì cuối cùng. Hai viên đạn tại lượt bắn cuối giữa Xuân Vinh và Wu Felipe Almeida đã không dành cho những người yếu tim. Đó là giây phút kịch tính tranh HCV lịch sử và Xuân Vinh từng biết tâm lý nặng nề đã khiến anh thất bại trượt hồng tâm ở Olympic 2012 tại London (Anh) như thế nào.

Trong viên đầu, Wu Felipe Almeida đã bắn được vòng 10 để đạt 10.2 điểm còn Xuân  Vinh chỉ đạt 9.2 điểm. Áp lực quá nặng nề đến nghẹt thở, Vinh có thể mất lợi thế dẫn đầu. Viên đạn cuối, Almeida đạt 10.1 và đạt tổng 202,1 điểm được khán giả nhà cổ vũ trong niềm tin chiến thắng. Hồng tâm xa mà thật gần, lần đầu trong cuộc đời, khán giả Việt Nam đã thấy một Hoàng Xuân Vinh không ưu tư mất tập trung mà rất bình tĩnh nhả viên đạn vào hồng tâm lấy 10,7 điểm để rồi đạt chung cuộc 202,5 điểm chiến thắng tuyệt đối. 202,5 điểm đồng thời phá kỷ lục Olympic tại chung kết nội dung.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh sau khi chiến thắng. 

Gần 1.500 ngày khổ luyện

Hoàng Xuân Vinh đã có thể được niềm vui sớm giành huy chương Olympic cách đây 4 năm khi thi đấu Olympic 2012. Ở bài bắn 50m súng ngắn bắn chậm khi đó, tại chung kết, Xuân Vinh xếp hạng 4 (thua VĐV đoạt HCĐ đúng 0,1 điểm). Bốn năm để chuẩn bị và làm lại với một xạ thủ đã lớn tuổi như Xuân Vinh không dễ. Tất cả dường như bắt đầu lại theo một chu trình tập luyện mới.

HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung từng chia sẻ với đại ý, nếu là những xạ thủ khác chắc có lẽ đã buông xuôi sau nỗ lực và thiếu may mắn ở năm 2012. Thế nhưng, Hoàng Xuân Vinh có cái khác biệt hơn tất cả chính là đem cả đam mê vào cây súng. Với chuyện súng, đạn thì xạ thủ của thể thao Quân đội có thể ngồi hàng giờ nói và chia sẻ gần như không biết chán.

“Những lúc tập trong trường bắn tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, Xuân Vinh đã có lúc hét thật to “tôi là tuyển thủ thi đấu Olympic” để tự động viên mình phấn đấu không thối trí”, bà Nhung tiết lộ. Bốn năm là 1.460 ngày. Gần 1.500 ngày tập, thi đấu chỉ để hướng về mục tiêu cao nhất giành huy chương Olympic nên không lý gì Xuân Vinh chịu dừng bước. Và Hoàng Xuân Vinh đã làm được. Gần 1.500 ngày khổ luyện giờ đã có thành quả tương xứng.

Tất cả thay đổi, riêng con người là không

So với 4 năm trước, tại chung kết diễn ra tối 6-8 đã có nhiều thứ thay đổi hoàn toàn với riêng xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Lần chiến thắng và đoạt HCV này của Hoàng Xuân Vinh là tại nội dung 10m còn ở Olympic 2012, Xuân Vinh hụt huy chương là trong nội dung 50m súng ngắn bắn chậm. Một điều ít người để ý tới, Xuân Vinh đã thay đổi hoàn toàn cây súng thi đấu.

Dự Olympic 2016, Vinh được trang bị súng mới chứ không phải cây súng anh từng dùng năm 2012. Với một xạ thủ, chuyện “yêu súng như con” là quy luật tất yếu. Sau những giờ tập luyện, thi đấu, tất cả đều cẩn thận lau chùi sạch sẽ rồi mới cất súng vào hộp. Cây súng là phương tiện quan trọng nhất đưa xạ thủ đến với đỉnh cao thế giới nên ai nấy thường sử dụng quen một hoặc hai khẩu cố định chứ ít khi thay đổi.

Hoàng Xuân Vinh cũng như thế. Chính vì là người đam mê với súng, đạn nên gần như tất cả những khẩu súng cũ khi không còn sử dụng nữa thì Xuân Vinh đều cất giữ cẩn thận xem nó như một kỷ vật theo suốt cuộc đời. Tất nhiên, sau 4 năm từ London tới Rio de Janeiro, mấu chốt thành công là con người và thể thao Việt Nam đã không phụ lòng tin tưởng khi Hoàng Xuân Vinh tiếp tục vượt vòng loại có suất chính thức Olympic 2016 rồi đã giành HCV quý giá.

Nhận hơn 3 tỷ đồng tiền thưởng

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện đã gửi thư chúc mừng tấm HCV Olympic 2016 của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Vị tư lệnh ngành VH-TT-DL đã thưởng nóng 60 triệu đồng cho Hoàng Xuân Vinh, 20 triệu cho HLV Nguyễn Thị Nhung, 20 triệu cho chuyên gia Park Chung Gun (Hàn Quốc) vì những đóng góp trên. 

Ngoài mức thưởng trên, riêng với Liên đoàn Bắn súng, Hoàng Xuân Vinh sẽ nhận khoảng 2,2 tỉ đồng tiền thưởng (tổng cộng các mức thưởng mà những nhà tài trợ đã treo cho VĐV bắn súng nếu giành HCV).

Đoàn thể thao Việt Nam có mức thưởng 600 triệu đồng/HCV từ các nhà tài trợ đã công bố tại lễ xuất quân. Theo Quyết định 32/2011/QĐ-TTg được Chính phủ ban hành năm 2011 về chế độ dành cho HLV, VĐV thể thao được tập trung, tập huấn thì 1 HCV tại Olympic sẽ được Nhà nước thưởng 160 triệu đồng. Phá 1 kỷ lục tại Olympic nhận thêm 60 triệu đồng. 

Tính sơ bộ, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh sẽ được nhận hơn 3 tỉ đồng tiền mặt. Chưa kể ngay tại Rio de Janeiro (Brazil), một số nhà tài trợ đã gặp gỡ và thưởng từng mức tiền cụ thể cho 23 VĐV dự Olympic 2016.

DP

17 năm làm nên kỳ tích

Năm 1998, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành được chức vô địch giải toàn quốc lần đầu nhưng không phải là xạ thủ tập luyện chuyên nghiệp. Năm 1999, Xuân Vinh chính thức chuyển hẳn sang là một VĐV thể thao môn bắn súng và giành HCĐ nội dung đồng đội súng ngắn hơi nam với Quân đội.

Năm 2000, xạ thủ này lần đầu phá kỷ lục quốc gia khi đạt 580 điểm trong bài bắn 10m súng ngắn hơi tại giải toàn quốc. Năm 2001 đánh dấu cột mốc quan trọng, Xuân Vinh được dự SEA Games 21 tại Malaysia và lần đầu tiên giành HCV tại Đông Nam Á (nội dung đồng đội súng ngắn hơi nam).

Bước chuyển tiếp mạnh mẽ là tại ASIAD 2006, Hoàng Xuân Vinh giành HCĐ đồng đội súng ngắn hơi nam. Quan trọng hơn cả, từ sau SEA Games 21, Hoàng Xuân Vinh liêp tiếp dự các SEA Games cho tới lần mới nhất là năm 2015 tại Singapore (tất cả đều giành huy chương).

Năm 2012, Hoàng Xuân Vinh cùng Lê Thị Hoàng Ngọc là 2 xạ thủ đầu tiên giành suất chính thức dự một kỳ Olympic (trước đó bắn súng thường đi bằng vé ưu tiên). Cũng trong năm này, ngoài vị trí thứ 4 nội dung 50m súng ngắn bắn chậm ở Olympic 2012, Xuân Vinh còn giành HCV 10m súng ngắn hơi vô địch châu Á.

Các năm 2013 và 2014, Xuân Vinh đã giành HCV trong những lượt đấu giải ISSF World Cup do Liên đoàn Bắn súng thế giới tổ chức. Đáng kể là tấm HCV tại ISSF World Cup 2013 diễn ra ở Fort Benning (Mỹ), Xuân Vinh đã phá kỷ lục thế giới nội dung 10m súng ngắn hơi trong chung kết.

Cuối năm 2014, Xuân Vinh và Trần Quốc Cường là 2 VĐV đầu tiên của thể thao Việt Nam giành suất chính thức dự Olympic 2016. Tháng 8-2016, Hoàng Xuân Vinh lần đầu giành HCV tại một kỳ Olympic cho thể thao Việt Nam ở Rio de Janeiro (Brazil). 

DP

Diệu Phương
.
.
.