Phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF: Chọn người phù hợp để “gửi vàng”

Thứ Năm, 19/11/2020, 06:37
Một trong những nội dung quan trọng và được nhiều người quan tâm nhất trong Đại hội thường niên VFF năm 2020 khóa 8, nhiệm kỳ 2018 – 2022 tổ chức tại Hà Nội sắp tới là việc bầu ra Phó chủ tịch phụ trách Tài chính cho VFF, người giữ “tay hòm chìa khóa” cho Liên đoàn sẽ có vai trò đặc biệt quan trọng trong những kế hoạch trước mắt của bóng đá Việt Nam.


Những “bại tướng” tranh đua

Vị trí Phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF bị khuyết từ cuối tháng 6/2019 sau khi người đảm nhận là Cấn Văn Nghĩa từ chức. Sau đó, Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn phải  tạm thời kiêm nhiệm công tác tài chính và vận động tài trợ cho VFF.

VFF từng lên kế hoạch bầu bổ sung Phó Chủ tịch Tài chính tại đại hội thường niên hồi tháng 8 vừa qua, tuy nhiên do ảnh hưởng dịch COVID-19, đại hội đã phải hoãn lại. Ba ứng viên Phó chủ tịch Tài chính gồm Chủ tịch CLB Quảng Ninh Phạm Thanh Hùng, Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Lê Văn Thành và Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Vinacacao Trần Văn Liêng.

Hai ông Lê Văn Thành và Phạm Thanh Hùng đang là Trưởng, Phó ban Tài chính-tài trợ VFF. Ông Trần Văn Liêng cũng từng đứng ra tranh cử vào vị trí này hồi năm 2018 nhưng thất bại. So với hai ứng cử viên còn lại, ông Liêng không được đánh giá cao bằng bởi không có nhiều mối quan hệ trong bóng đá.

Ông Phạm Thanh Hùng luôn sát cánh bên thầy trò HLV Mai Đức Chung tại SEA Games 30.

Ở lần tranh cử trước, ông Liêng đưa ra bản kế hoạch sẽ kiếm về 249 tỉ đồng cho VFF vào năm 2022 từ ý tưởng thành lập  “Hệ sinh thái bóng đá Việt Nam” (VFEco - Vietnam Football Ecosystem). Theo tính toán, ông sẽ giúp VFF kiếm được 121 tỉ đồng qua VFEco vào cuối năm 2018, 145 tỉ đồng vào năm 2019, 174 tỉ đồng vào năm 2020 và 208 tỉ đồng vào năm 2021. Những con số thì quá ấn tượng, nhưng tương đối xa rời thực tiễn đời sống bóng đá Việt Nam.

Ông Lê Văn Thành là một nhân vật kỳ cựu của VFF. Người lãnh đạo của Công ty cổ phần Thể thao Động Lực đã tham gia ban chấp hành VFF từ khóa 4 (2001-2005). Tại các kỳ Đại hội khóa 5, khóa 6, ông liên tục tham gia cuộc đua đến chiếc ghế phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF nhưng đều gặp thất bại. Ông Thành tự rút lui khỏi danh sách tranh cử vị trí này ở đại hội 7 trước khi trở lại cuộc đua vào đại hội 8 nhưng thêm một lần nữa thua phiếu sít sao trước ông Cấn Văn Nghĩa.

Ông Lê Văn Thành hiện còn đang giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam. Đầu năm 2021, Liên đoàn Bóng chuyền sẽ tổ chức Đại hội, bầu ra chủ tịch nhiệm kỳ mới. Nếu trúng cử chức Phó chủ tịch phụ trách Tài chính VFF, nhiều khả năng ông Thành sẽ rút lui khỏi danh sách đề cử chủ tịch khóa tới của Liên đoàn Bóng chuyền bởi việc gánh trách nhiệm lớn ở cả hai liên đoàn là điều không tưởng, đặc biệt trong bối cảnh môn bóng chuyền cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận động tài trợ.

Nhân tố mới

Nếu ông Liêng và ông Thành đều đã tham gia các cuộc đua vào vị trí Phó Chủ tịch ở những kỳ đại hội trước, đây là lần đầu tiên ông Phạm Thanh Hùng ứng cử chức Phó chủ tịch phụ trách tài chính của VFF. Tuy nhiên “hồ sơ” của ông Hùng cũng vô cùng ấn tượng. Ông Hùng hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Khai thác Khoáng sản Vàng Hà Giang, Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh, Phó Chủ tịch VPF, Uỷ viên Ban chấp hành VFF khoá 8 và Trưởng ban Bóng đá nữ của VFF.

“Cương lĩnh” tranh cử của ông Hùng rất đơn giản: Không để VFF báo lỗ dù các hoạt động bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 và cam kết VFF sẽ đảm bảo nguồn tài chính hoạt động trong các năm tiếp theo.

Trên cương vị Trưởng ban Bóng đá nữ của VFF, ông Hùng đã nhiều lần bỏ tiền túi và vận động tài trợ thành công cho bóng đá nữ Việt Nam. Đặc biệt là tại SEA Games 30, dấu ấn của ông Hùng trong tấm Huy chương Vàng của thầy trò HLV Mai Đức Chung là không hề nhỏ. Đó có thể xem là một điểm cộng cho vị Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh trong cuộc chạy đua lần này. Rõ ràng một vị Phó chủ tịch phụ trách tài chính ngoài việc phải có… nguồn tài chính dồi dào ổn định (để tránh việc tư lợi cá nhân và sẵn sàng “tạm ứng” cho Liên đoàn khi có công việc phát sinh) thì còn phải có những mối quan hệ tốt cả trong giới bóng đá lẫn ngoài giới doanh nghiệp, điều kiện bắt buộc để kêu gọi tài trợ hiệu quả.

Vừa là một doanh nhân lại có kinh nghiệm nhiều năm quản lý một đội bóng chơi tại V.League cũng như có vị trí trong ban lãnh đạo VPF, ông Hùng có lẽ là người phù hợp nhất để nắm “tay hòm chìa khóa” của VFF.

Đó là nhận xét tổng quan, nhưng cũng cần phải nhìn nhận rằng vị Phó chủ tịch phụ trách Tài chính đắc cử sẽ phải đón nhận rất nhiều khó khăn. Trước hết là khoảng thời gian “lỡ cỡ” khi phải nhận chức giữa nhiệm kỳ đại hội và chỉ có khoảng 2 năm thực hiện các kế hoạch tài chính trước khi Đại hội 9 năm 2022 diễn ra. Điều đó đồng nghĩa với việc dù ai đắc cử, họ cũng sẽ phải ngay lập tức tạo ra những dấu ấn rõ nét trên cương vị mới của mình bằng những hành động quyết liệt.

Ngoài ra, sự suy thoái chung của nền kinh tế thời “hậu COVID” cũng là bài toán khó giải. Hai năm trước ông Hùng từng đề xuất bỏ ra 10 tỷ VND/năm cho VFF khi có ý định tham gia tranh cử vị trí Phó Chủ tịch phụ trách Tài chính, nhưng cuối cùng đã rút lui. Với những khó khăn mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải đối mặt hiện tại, nhiệm vụ của vị “tân Phó Chủ tịch” chắc chắn sẽ gian nan hơn nhiều.

Bài học kinh nghiệm

Ông Cấn Văn Nghĩa tham gia tranh cử vị trí Phó chủ tịch phụ trách Tài chính ở Đại hội VFF khoá 8 trong bối cảnh cá nhân có liên quan đến những lùm xùm về khoản nợ tiền thuế tại Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình thời ông làm giám đốc. Ông Nghĩa sau đó trúng cử một cách rất bất ngờ trước đối thủ là ông Lê Văn Thành với chỉ 5 phiếu cách biệt (36 phiếu so với 31 phiếu). Ông Cấn Văn Nghĩa xin từ chức sau 6 tháng vì lý do cá nhân, bỏ lại chiếc ghế trống ở vị trí mà ông đã đắc cử cho đến thời điểm này.  

Lần này, VFF sắp xếp để Trưởng ban Kỷ luật Vũ Xuân Thành, nguyên Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL giữ vị trí Trưởng ban kiểm phiếu cuộc bầu cử. Ông Vũ Xuân Thành cho biết, để đảm bảo công khai, minh bạch, việc kiểm phiếu sẽ được thực hiện ngay tại đại hội, sau khi kết thúc phần bỏ phiếu. Tổng thư ký Lê Hoài Anh cũng khẳng định: “Chỉ có 3 ứng viên tranh cử cho 1 vị trí nên việc kiểm phiếu cũng đơn giản. Đây cũng là cách làm của FIFA nên VFF chọn thực hiện kiểm phiếu tại chỗ”.

Cẩm Chi
.
.
.