Lê Công Vinh: Từ một thế giới đến một thế giới

Thứ Bảy, 10/12/2016, 10:11
Tuyên bố giải nghệ của Lê Công Vinh, ngay sau trận bán kết AFF Suzuki Cup với Indonesia khiến nhiều người sốc. Trước đó, Vinh bảo sau giải sẽ chia tay Đội tuyển Quốc gia, nhưng bây giờ thì không chỉ là Đội tuyển Quốc gia, Vinh đồng thời cũng kết thúc luôn một sự nghiệp cầu thủ nhiều đột biến.


Trước khi chọn hai chữ "đột biến" cho cái sapo này, tôi đã thử lắp vào đó những chữ khác. Đầu tiên là "huy hoàng", nhưng hai chữ ấy  có vẻ lên gân và tuyệt đối quá, mà cuộc đời một cầu thủ - một con người dĩ nhiên không thể đạt tới sự tuyệt đối. Rồi tôi thử hai chữ "sáng láng", nhưng lại thấy hai chữ ấy chắc chắn sẽ phù hợp với nhiều cầu thủ khác, trước và sau Công Vinh, nên không thật đặc trưng cho cầu thủ này.

Nghĩ đi nghĩ lại, tôi chọn hai chữ "đột biến", vì sự nghiệp cầu thủ của Công Vinh đặt trong chính dòng chảy cuộc đời Công Vinh và trong dòng chảy chung của cuộc đời nhiều cầu thủ Việt Nam khác, quả nhiên có nhiều đột biến.

Công Vinh đã đi trọn một cuộc đời cầu thủ đáng ngưỡng mộ. Ảnh: H.M

Từ một đứa trẻ nghèo, hoàn cảnh gia đình trắc trở, đã có lúc suýt bỏ bóng đá ở lứa tuổi U, rốt cuộc Công Vinh trở thành một trong những cầu thủ giàu thành tích và giàu tài chính nhất Việt Nam. Đấy là một sự đột biến lớn, và quan trọng hơn: là một sự đột biến bền bỉ.

Ở cái làng bóng này, tôi đã gặp không ít cầu thủ có xuất phát nghèo như Vinh, và cũng chợt nổi lên, chợt có nhiều tiền như Vinh, nhưng rất nhiều người sau đó lại bị chính tiền "đè" chết. Vinh thì khác. Vinh biết kiếm tiền và tiêu tiền một cách có ích, và có lợi nhất cho bản thân. Hẳn nhiên sẽ có những đồng đội không ưa Vinh cũng ở chỗ này, nhưng tránh làm sao được, đã sống và đã trải nghiệm, không ai trong chúng ta không thuộc câu: "Nhân vô thập toàn".

Sự đột biến của Công Vinh không chỉ có ý nghĩa với bản thân Công Vinh, mà còn có những ảnh hưởng lớn tới dòng chảy cầu thủ nói chung của nền bóng đá này. Từ thời bóng đá bao cấp đến thời bóng đá chuyên nghiệp, chúng ta đã quá quen với một thế giới cầu thủ nhỏ bé và thuần tuý, hiểu theo nghĩa ở đó cầu thủ chỉ gắn liền với quả bóng rồi... chấm hết.

Nói như cựu HLV trưởng Đội tuyển Quốc gia Henrique Calisto thì: "Nhiều lúc, tôi có cảm tưởng các cầu thủ Việt Nam không thể nghĩ cái gì khác ngoài quả bóng". Công Vinh là một ngoại lệ. Công Vinh không chỉ nghĩ, mà còn làm nhiều cái khác ngoài quả bóng, và ít nhiều đã đạt tới trạng thái của một "cầu thủ showbiz", "cầu thủ truyền thông".

Nói đến hai khái niệm này hẳn nhiều người dị ứng, nhưng thực tế những nền bóng đá lớn trên thế giới cho thấy, nó là những khái niệm sáng sủa, và ở một góc độ nào đó là đáng trọng, chứ không phải là... đáng xa lánh. Vấn đề chỉ là cầu thủ "showbiz" theo cách nào, ở mức độ nào, và đem tới những tác động tích cực hay tiêu cực mà thôi.

Trong cái quá trình đột biến vươn lên từ một thế giới cầu thủ của quả bóng đơn thuần đến thế giới cầu thủ ngoài quả bóng (cứ tạm gọi thế), không phải lúc nào Công Vinh cũng để lại những tác động tích cực. Ví dụ có lúc anh bị VFF treo giò sau sự cố vái lạy trọng tài Vũ Bảo Linh trên sân Cao Lãnh, và sau đó lớn tiếng trách VFF đối xử bạc với mình, với một người mà cách đó chưa lâu vừa ghi "bàn thắng kim cương" đem lại ngôi vàng AFF Suzuki Cup 2008.

Dù không nói thẳng ra, nhưng cách phản ứng của Công Vinh khi ấy dẫn người ta đến một suy nghĩ: nhờ chiếc cúp vàng ấy mà các quan chức VFF tại vị thêm một nhiệm kỳ, thế mà...

Ở đây, sự nóng nảy nhất thời, và có thể là sự thiếu hụt một cái phông văn hoá thẳm sâu khiến Công Vinh không nhận thức được rằng, các vận động của một xã hội hiện đại được cấu tạo bởi sự liên kiết tất yếu của từng mắt xích.

Và tuỳ theo sự trơn tru hay cùn mòn của mỗi mắt xích mà cả một vận động cũng tất yếu thăng hay trầm. Quên đi mối liên kết tất yếu ấy, đặt một và chỉ một mắt xích (dù có là cái mắt xích trơn tru nhất) lên trên một vận động là không xác đáng.

Nhưng những phát ngôn "lố"-  những biểu hiện "lố" như thế xét cho cùng cũng là điều không thể tránh khỏi trong quá trình con người ta đang tập tành đi từ thế giới này đến thế giới kia. Điều quan trọng là sau tất cả, Công Vinh đủ khôn ngoan, chín chắn để nhận ra, và không ngừng hoàn thiện bản thân mình. Ở đây, cũng phải nói thêm, khả năng tự hoàn thiện bản thân cùng những nghị lực phấn đấu đến phi thường của Công Vinh là điều mà trong thế hệ của anh, không nhiều người có được.

Từ sự đột biến cá nhân đến sự đột biến của một sự nghiệp cầu thủ, Công Vinh thực sự đã trở thành một cái định danh riêng biệt, giàu giá trị trong đời sống túc cầu Việt Nam hiện đại. Cuộc đời cầu thủ của anh là sự gợi mở, là một hình mẫu để những thế hệ cầu thủ sau có thể học hỏi, dù chắc chắn đấy là một sự học hỏi không dễ dàng.

Một HLV - một nhà quản trị thể thao lý tưởng?

Từ nhiều năm trước, Công Vinh đã có ý thức và sự chuẩn bị rõ ràng cho cái ngày mình giã từ sân cỏ. Khi mà nhiều đồng đội xung quanh không ngừng đốt thời gian vào những Công Vinh giải trí sau sân cỏ thì Công Vinh đã âm thầm học Đại học Luật, và đấy sẽ là một điều kiện quan trọng để anh có thể trở thành một nhà quản lý thể thao sau này.

Trước đây, đã từng có những cầu thủ sau khi rời sân cỏ chuyển sang công tác quản lý, nhưng ở cái địa hạt mà con người ta cần phải sử dụng đầu óc nhiều hơn là chân tay này, những nhân vật này bộc lộ không ít những "gót chân Asin", để rồi cuối cùng phải rời chính trường cay đắng. Công Vinh nhiều khả năng sẽ là một trường hợp hoàn toàn khác, ngoài vấn đề bằng cấp,

Công Vinh có sự trải đời, hiểu đời ở nhiều khía cạnh ngoài bóng đá. Thêm nữa, Công Vinh cũng ít nhiều cho thấy mình là mẫu đàn ông có được một cái uy, một bản lĩnh cần thiết để có thể trở thành một HLV hoặc một nhà quản lý thể thao. Không bất ngờ nếu 5 - 10 năm nữa Công Vinh sẽ từ từ xuất hiện với một vị trí nào đó trong Liên đoàn bóng đá Việt Nam.                                                          

Ngọc Anh

Phan Đăng
.
.
.