Huỳnh Quang Thanh: Số phận nghiệt ngã của hậu vệ phải hay nhất lịch sử

Thứ Bảy, 04/07/2020, 09:24
Từ một cậu bé mà trong tay không có nổi 20.000 đồng mua giày, anh sẵn sàng “đốt” 200 triệu đồng chỉ trong một đêm; từ một hậu vệ biên được xem là hay nhất lịch sử Việt Nam, anh khép lại sự nghiệp với một vết nhơ chẳng thể nào xóa nổi.

Ở tuổi 35, cựu hậu vệ Huỳnh Quang Thanh trải qua đủ mọi thăng trầm của cuộc đời. Từ một cậu bé mà trong tay không có nổi 20.000 đồng mua giày, anh sẵn sàng “đốt” 200 triệu đồng chỉ trong một đêm; từ một hậu vệ biên được xem là hay nhất lịch sử Việt Nam, anh khép lại sự nghiệp với một vết nhơ chẳng thể nào xóa nổi.

Lận đận vì tiền

Huỳnh Quang Thanh sinh ra trong một gia đình lao động rất nghèo. Nghèo đến nỗi, anh bị mắng té tát vì chỉ xin bố mẹ… 20.000 đồng để được mua một đôi giày mới. Nghèo đến nỗi, anh dang dở với nghiệp đèn sách, chẳng được như bạn bè cùng trang lứa.

Bóng đá khi đó là tất cả với Quang Thanh. Và từ đam mê ban đầu, bóng đá quả thực giúp anh đổi đời. Đổi thay đến mức, bản thân anh cũng chẳng thể kiểm soát được bản thân của mình nữa.

Quang Thanh bắt đầu nghề cầu thủ chuyên nghiệp với xuất phát điểm ở Trường Năng khiếu nghiệp vụ TP HCM khóa 12 rồi tiếp đó là Đội Ngân hàng Đông Á.

Năm 2005, tức là khi ấy Quang Thanh mới 21 tuổi, Đội Ngân hàng Đông Á giải thể. Anh được B.Bình Dương mời về với khoản lót tay hậu hĩnh. Thời điểm ấy, giới cầu thủ có câu cửa miệng “Nếu muốn no đủ cứ đến đất Thủ Dầu Một”. Quả thực, Quang Thanh tiêu tiền không phải nghĩ khi đến B.Bình Dương.

Từ một cậu bé nghèo chẳng có nổi một xu dính túi, hậu vệ phải ở tuổi đôi mươi có thể rủng rỉnh hàng chục, thậm chí là hàng trăm triệu trong ví. Anh có thể lo cho bản thân, hỗ trợ cho gia đình bớt cực khổ. Cũng vì giàu lên một cách mất kiểm soát mà cuộc sống của Quang Thanh rơi vào cảnh chao đảo.

Sau này, trong một lần hiếm hoi tâm sự với báo chí, Quang Thanh đã tiết lộ một sự thật động trời. Rằng ở thời kỳ đỉnh cao, số tiền anh kiếm được không dưới 10 tỷ đồng, trong tài khoản cá nhân lúc nào cũng để dành 1 tỷ tiền "tiêu vặt". Vì thế mà có thời điểm, anh từng tiêu đến… 200 triệu đồng chỉ trong một đêm mà chẳng cần suy nghĩ.

Huỳnh Quang Thanh trong sự cố tại sân Thống Nhất 2017, scandal chấm dứt sự nghiệp đỉnh cao của anh.

Bi kịch nhà vô địch

Tính hai mặt trong cuộc đời của Quang Thanh không chỉ ở mỗi chuyện tiền. Nghiệp cầu thủ đối với anh cũng bạc không kém. B.Bình Dương cho thấy mình không hề vứt tiền qua cửa sổ khi đưa Quang Thanh về sân Gò Đậu lúc bấy giờ. Anh góp công sức mang về cho đội bóng đất Thủ tới 2 chức vô địch V.League liên tiếp ở các năm 2007 và 2008.

Không những thế, nhìn cái cách Quang Thanh thi đấu, người ta vừa thấy được sự khoan thai, kỹ thuật lẫn tính chiến đấu, độ lỳ lợm. Những bước chạy mạnh mẽ, tốc độ cùng hàng loạt các pha tạt bóng từ hành lang phải với chất lượng cao khiến giới chuyên môn đánh giá Quang Thanh như hậu vệ phải xuất sắc nhất Việt Nam trong lịch sử.

Quả thực, giai đoạn 2007 - 2008 thực sự là đỉnh cao trong sự nghiệp sân cỏ của Quang Thanh. Tại Asian Cup 2007, cú sút tung lưới dàn sao của UAE đến từ hậu vệ phải người Sài Gòn này đã góp công lớn giúp Việt Nam làm nên lịch sử, khi lần đầu tiên lọt vào tứ kết Asian Cup 2007.

Một năm sau, anh cùng với các đồng đội lại tạo nên một dấu mốc để đời nữa, khi cùng nhau vô địch AFF Cup lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Tài năng nở rộ, phong độ thăng hoa, Quang Thanh được đích thân ông Henrique Calisto, HLV của đội tuyển Việt Nam khi ấy khẳng định đủ sức chơi ở V. League.

Quang Thanh có tất cả ở thời điểm ấy, từ tiền bạc, danh vọng, vị thế,… Đáng tiếc rằng vài năm sau đó, người ta phải chứng kiến sự tuột dốc không phanh của hậu vệ này. Chấn thương đầu gối năm 2011 khiến Quang Thanh mất phong độ. Rồi đến khi Becamex thay đổi bộ máy lãnh đạo, Quang Thanh bị đá văng khỏi B.Bình Dương năm 2013.

Không rõ tương lai, sự nghiệp tuột dốc, tiền thì gần như “nướng sạch” trong những cuộc vui, Quang Thanh thậm chí phải bán xe hơi để trả nợ. Ngỡ như tìm được phao cứu sinh khi nhận được cuộc gọi từ bầu Đệ của Thanh Hóa, anh vội vã ra Bắc để mong mở một lối đi khác cứu vãn cuộc đời. Chuyện không như là mơ.

Từ lời đề nghị ở phía bầu Đệ với mức 50 triệu đồng/tháng kèm lót tay 1,4 tỷ đồng/năm, trả trước 500 triệu đồng, thực tế sau đó Quang Thanh chỉ nhận được 40 triệu tiền lương/tháng và chỉ được nhận trước 250 triệu đồng lót tay.

Sau tất cả những biến cố và thị phi, quên đi những khoảnh khắc rồ dại trong cuộc đời, Quang Thanh trở lại với ước mơ ban đầu khi còn nhỏ. Đó là chỉ cần được chơi bóng với tất cả niềm đam mê. Long An là mảnh đất được chọn để giúp anh đoạn tuyệt với quá khứ ấy. Nhưng thật oái oăm thay, anh lại dính vào một vết nhơ không thể tẩy rửa.

Năm 2017, trong trận đấu giữa Long An và TP HCM, anh bị quy kết là người xúi giục thủ môn Minh Nhựt và đồng đội “chống đối” trọng tài, bỏ thi đấu trong 15 phút cuối trận. VFF ra án phạt nặng khi cấm thi đấu 18 tháng với Quang Thanh.

Nhìn lại nỗi đau ấy, Quang Thanh giãi bày: Anh biết mình có thể sẽ bị kỷ luật. Nhưng bản thân anh chỉ nghĩ phải ngồi ngoài 1-2 trận, cùng lắm là 2 tháng treo giò chứ chẳng bao giờ tin sẽ bị phạt cấm thi đấu dài đến như vậy. Anh cho rằng những gì mình và các đồng đội làm chỉ đơn thuần là tuân theo sự chỉ đạo của lãnh đạo đội bóng, những người ngồi trên khán đài. Rốt cục, khi sự cố xảy ra, họ lại là những người chối bỏ trách nhiệm đầu tiên.

Sau nhiều nỗ lực kêu gọi, mãi đến tháng 5-2018, anh mới được VFF giảm án, phép trở lại thi đấu ở giai đoạn 2 giải hạng Nhất 2018 trong màu áo đội bóng Long An. 10 trận đấu cùng 1 bàn thắng sau khi trở lại cũng là đoạn kết cho sự nghiệp bóng đá thăng trầm, với đủ hỉ, nộ, ái, ố của anh - người vẫn được xem là hậu vệ phải hay nhất lịch sử của Việt Nam tính đến hiện tại.

Đôi bạn cùng lùi

Cùng thời Quang Thanh còn có Đoàn Việt Cường, hậu vệ trái xuất chúng một thời người Đồng Tháp. Nhưng giống như người đồng nghiệp, Việt Cường không giữ được đôi chân trên mặt đất, trượt dài và phải trả những cái giá quá đắt.

So với Quang Thanh, tình trạng Việt Cường còn “thê thảm”. Thanh tuy vất vả nhưng ít ra trong những ngày cuối sự nghiệp vẫn còn chút ít lót tay, vẫn còn căn nhà ở quận 5 Sài Gòn để mở cửa hàng ăn, kinh doanh qua ngày. Còn với Cường, ở tuổi 35, anh vẫn đang xách giày đi xin việc ở CLB Vĩnh Long, chờ đá giải hạng nhì 2020. Mới năm ngoái, Cường vẫn lao vào những cuộc chơi, sử dụng chất kích thích tới mức, người nhà từng phải đưa anh đi cai. Trong một giai đoạn dài, dễ bắt gặp Cường vật vờ ở các sân phủi quanh khu Cư Xá Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP HCM), đi đá lẻ từng trận kiếm tiền ăn chơi.

Đơn Ca
.
.
.