Những cô gái vàng của bóng đá Việt
Gian nan thử sức
Tôi từng có dịp trò chuyện với một nữ tuyển thủ quốc gia trong chuyến về Cẩm Phả. Cô đang là trụ cột của hàng thủ U19 nữ Việt Nam và được đánh giá là "của hiếm" ở bóng đá nữ Việt Nam. Gương mặt vẫn được ví như Chương Thị Kiều tương lai ấy đã gặp chấn thương đầu gối, cô không có đủ chi phí để phẫu thuật.
Bên cạnh đó tỉ lệ phẫu thuật thành công cũng không cao, và cô chấp nhận sống với nó, tập luyện cùng nó và hy vọng đau nhiều dần sẽ quen. Cô gái ấy không phải trường hợp duy nhất, những tuyển thủ đang khoác áo đội tuyển quốc gia cũng có những chấn thương tương tự vậy. Các cô gái vẫn thường nói vui với nhau rằng, nếu cho cả đội đi kiểm tra chấn thương thì chẳng còn người để đá. Đó là thực trạng chung của bóng đá nữ.
Cách đây 5 năm, trên chuyến xe từ Gia Lai tới TP HCM, có một cô gái vừa khóc vừa ôm chiếc ba lô chỉ có vài bộ quần áo và ít tiền vay mượn từ họ hàng để nuôi giấc mơ trở thành cầu thủ. Để có thể khoác lên mình chiếc áo tuyển thủ quốc gia, cô đã phải nhờ cả họ hàng tới khuyên bảo bố mẹ cho theo bóng đá. Các cầu thủ khởi nghiệp từ năm 13 tuổi.
Từ một cầu thủ ở đội bóng địa phương đến khi trở thành tuyển thủ quốc gia là một khoảng cách dài. Thế nhưng đó cũng là hành trình thu hẹp khoảng cách của cái nghèo vẫn luôn là thực trạng của nhiều cô gái khi chọn bóng đá làm nghiệp mưu sinh trước đây.
Với những cô gái đi đá bóng, họ cũng chạm tới những nấc thang mới của nghề nghiệp. Gần nhất là câu chuyện của trung vệ Trần Thị Hồng Nhung. Cô là cầu thủ nữ Việt Nam đầu tiên xuất ngoại thi đấu tại Giải vô địch quốc gia nữ Thái Lan.
Huỳnh Như là cầu thủ góp công lớn trong chức vô địch Đông Nam Á của đội tuyển nữ Việt nam. Ảnh: JIB Wasan Warnthong. |
Hồi tháng 5-2019, Liên đoàn bóng đá Thái Lan có những cải tiến ở giải vô địch quốc gia nữ Thái Lan để tăng cường tính cạnh tranh, chất lượng và sự hấp dẫn. Ngoài 2 đội tuyển trẻ U16 và U19 được cho thi đấu cọ xát thì các đội bóng được phép thuê ngoại binh và bổ sung ở các vòng đấu knock-out. CLB Chonburi đã mời tuyển thủ Trần Thị Hồng Nhung đầu quân.
Chỉ là bản hợp đồng theo dạng cho mượn và ngắn hạn chỉ với nửa tháng đủ thời gian luyện tập, thi đấu tối đa 2 trận bán kết, chung kết nên giá trị hợp đồng không lớn. Tuy nhiên, Chonburi đã thể hiện sự trọng thị với sự góp mặt của Hồng Nhung. Việc một cầu thủ nữ Việt Nam lần đầu tiên sang thi đấu ở nước ngoài được xem là cột mốc lịch sử của bóng đá Việt Nam.
Đó là sự khởi đầu cho chiến dịch "xuất khẩu" cầu thủ nữ ra nước ngoài thi đấu trong tương lai không xa của bóng đá nước nhà. Việc Hồng Nhung đã lần đầu tiên ra nước ngoài thi đấu tại giải vô địch quốc gia nữ Thái Lan được xem như cú hích lớn cho bóng đá Việt Nam. Bản thân các cô gái cũng ý thức hơn được giá trị của mình.
Sau khi đội tuyển nữ giành chức vô địch Đông Nam Á 2019, nhiều cầu thủ nữ đã được các đội bóng nước ngoài mời thi đấu. Đó là CLB nữ Sparta Praha (Cộng hòa Séc) mời Chương Thị Kiều sang thi đấu. Ngoài ra, còn một số đội của Nhật cũng muốn mời Kiều. Bên cạnh đó còn có Tuyết Dung, Huỳnh Như, Hồng Nhung... cũng rất được quan tâm. Trước đó mấy năm thì CLB Sparta Praha đã từng đánh tiếng mời Đặng Thị Kiều Trinh sang thi đấu nhưng thương vụ này đã thất bại.
Tuyển thủ Tuyết Dung. Ảnh: Hoài Thu |
Nỗi niềm "bố" Chung
HLV Mai Đức Chung là người có nhiều duyên nợ với bóng đá nữ nhất. Ông vẫn được các cầu thủ gọi với cái tên thân mật là "bố Chung". Trong nhiều thời điểm thì HLV Mai Đức Chung đứng trong vai trò ông bố thực sự chứ không chỉ là một huấn luyện viên. Ông hiểu và rất thương các cầu thủ nữ Việt Nam như những đứa con của mình.
Trước khi lên đường dự giải vô địch Đông Nam Á 2019, HLV Mai Đức Chung đã chia sẻ rằng: "Tôi mong các cầu thủ nữ đều có cơ hội lập gia đình, có công ăn việc làm và kinh tế ổn định sau giải nghệ. Có vậy thì cầu thủ mới chuyên tâm cống hiến được". Đó chỉ là một trong số những lần ông Chung "gái" trăn trở về chuyện nghề của các cô gái đi đá bóng.
Ông nói rằng: "Nhìn các em, các cháu chăm chỉ tập luyện, ham thi đấu mà thương, bởi chế độ không có nhiều. Tôi vẫn mong muốn các cầu thủ được tăng thêm chế độ để yên tâm tập luyện, thi đấu, để bóng đá nữ có cơ hội phát triển hơn, rộng rãi hơn".
Thực tế, chế độ cho bóng đá nam và nữ như nhau, tuy nhiên bóng đá nữ không nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội, người hâm mộ như bóng đá nam nên không kêu gọi được nhiều nhà tài trợ. Điều này khiến các cầu thủ nữ chỉ có thể sống nhờ lương là chính. Bởi họ đâu có được mời làm quảng cáo như các tuyển thủ nam. Thế nên, khi bắt gặp cảnh cầu thủ nữ xin được chụp ảnh chung với cầu thủ nam trong một sự kiện nào đó là một bức tranh đủ nói lên sự tương phản.
HLV Mai Đức Chung từng kể lại khoảnh khắc xúc động tại SEA Games 2017, sau khi đội tuyển nữ giành huy chương vàng, các cô gái đã nhận tổng tiền thưởng hơn 4 tỉ đồng giống như tấm huy chương vàng thứ 2.
Ông nói: "Khi nghe Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn thông báo mức thưởng, các cầu thủ reo hò sung sướng như được nhận thêm chiếc HCV thứ 2. Tôi cũng ứa nước mắt vì nhờ đó mà có một số cầu thủ đổi đời. Nhiều cháu tâm sự với tôi rằng, cả đời chưa bao giờ nhận được số tiền lớn như thế".
Những cô gái đi đá bóng nhiều nơi có mức lương rất thấp chỉ rơi vào mức 1 tới 2 triệu đồng/tháng. Ngân sách dành cho bóng đá nữ của mỗi tỉnh đều hạn hẹp, họ phải chấp nhận nó, phải sống cùng nó. Nếu muốn thu nhập cao hơn, họ phải cắt cơm một vài ngày trong tuần để ra ngoài ăn những suất cơm bình dân chỉ có giá 25.000 đồng.
Mức ăn của một cầu thủ nữ khi chuẩn bị bước vào giải và tập luyện trước giải có thể được hỗ trợ lên tới mức 200 nghìn đồng/ngày. Nếu chấp nhận đi ăn ngoài thì số tiền hỗ trợ ăn ấy trở thành tiền được phụ thêm vào tiền lương của họ. Ngoài ra, họ cũng chịu nhiều khó khăn hơn.
HLV Mai Đức Chung từng chia sẻ: "Cầu thủ trẻ ở Hà Nam, mức lương chỉ được khoảng 2 triệu đồng một tháng nhưng lại phải đóng cả tiền điện vì họ phải ngủ lại sân. Nên tiền đó trừ đi và chỉ được khoảng một triệu thôi".
Huấn luyện viên Mai Đức Chung được coi là người cha thứ 2 của các cô gái vàng. Ảnh: VFF . |
Và những cú sốc
Bên cạnh những khó khăn cần nhận được sự thông cảm, sẻ chia thì bóng đá nữ cũng đón nhận những cú sốc lớn. Sau khi đội tuyển nữ Việt Nam giành Huy chương vàng SEA Games 2017, HLV Mai Đức Chung tiết lộ câu chuyện gây sốc - đó là chuyện có tuyển thủ nữ mang thai vẫn thi đấu.
HLV Mai Đức Chung chia sẻ: "Câu chuyện mà tôi nói ra thì mọi người còn phải lo sợ và rùng mình hơn. Các VĐV của chúng ta dám hy sinh cả tính mạng và hy sinh cả con cái để thi đấu. Có những VĐV sau giải mới thông báo với Ban huấn luyện là cô đã có bầu mấy tháng rồi mà còn thi đấu.
Khi chưa biết chuyện này tôi đã cảm phục với các VĐV nữ của chúng ta rồi, nhưng sau chuyện này thì tôi càng cảm phục hơn". Tuy nhiên, câu chuyện sau đó đã trở thành đề tài nhạy cảm và tạo ra những lùm xùm không đáng có trong giới bóng đá nữ nói chung. Bởi chuyện một cầu thủ có thai mà vẫn thi đấu là việc rất nguy hiểm.
Hay đó là câu chuyện đầy nước mắt về sự cố giữa hai đội nữ TKS.VN và TP.HCM I tại giải vô địch bóng đá nữ quốc gia 2018. Với mỗi cầu thủ nữ, đến với bóng đá là một nghề nghiệp mà họ sẽ phải đánh đổi bằng tuổi thanh xuân và những gương mặt nhoè nhoẹt kem chống nắng vì mồ hôi trên sân tập.
Đó cũng là những khoảnh khắc đáng buồn khi rơi vào những sự cố mà HLV Mai Đức Chung đã nói rằng: "Họ đã rất vất vả, và thiệt thòi rồi nhưng giờ lại xảy ra sự việc đáng tiếc như vậy". Các cô gái cũng sẽ phải xác định đối mặt với một thực trạng chung là bóng đá nữ không nhận được sự quan tâm nhiều như bóng đá nam. Chính vì vậy mà đó sẽ là trở ngại.
Sắp tới, bóng đá nữ sẽ hướng đến mục tiêu World Cup. Đó sẽ là mục tiêu sẽ mang đến cho các cô gái nhiều hơn nữa cơ hội nghề nghiệp của chính mình.