Bóng bàn Việt Nam không thể đánh rơi cơ hội
- Tuyên dương đội tuyển bóng bàn Việt Nam lập thành tích lịch sử tại SEA Games 30
- Thêm nguồn lực cho Bóng bàn Việt Nam
Cơ hội qua tay
SEA Games và tấm vé dự Olympic vẫn luôn là mục tiêu hàng đầu của bóng bàn Việt Nam. Không ngẫu nhiên khi ngay sau SEA Games 30 năm 2019, bóng bàn Việt Nam đã lên kế hoạch cho vòng loại Olympic 2020 (sau này dời lịch thi đấu sang năm 2021).
Theo đó, vòng loại Olympic môn bóng bàn sẽ diễn ra ở cấp độ châu lục và bỏ vòng tuyển chọn khu vực Đông Nam Á. Các nhà quản lý bóng bàn Việt Nam đã đánh giá, cơ hội giành vé từ vòng loại Olympic khu vực châu Á còn nhiều hơn so với khi phải thi đấu ở giải vô địch Đông Nam Á để tranh vé dự Olympic.
Điều này cũng dễ lý giải khi ở vòng loại khu vực châu lục, các nước đã có VĐV vào thẳng Olympic thông qua thành tích ở Giải vô địch thế giới đều không tham dự. Tại châu Á, các tay vợt Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên… đều đã đủ suất tham dự Olympic tại Nhật Bản nên sẽ không dự vòng loại Olympic châu lục.
Đến lúc đó, những nền bóng bàn khác như: Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Nepal… đều có cơ hội dự Olympic. Điều lệ quy định, VĐV xếp từ hạng 1 đến hạng 8 tại vòng loại sẽ được tham dự Olympic. Trong khi đó, đội nam bóng bàn Việt Nam cũng ở trong nhóm 12 nền bóng bàn hàng đầu châu lục.
Đáng tiếc, dịch COVID-19 đã khiến bóng bàn Việt Nam không thể sớm thực hiện được mục tiêu giành vé dự Olympic 2020 của mình. Sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh được dời lịch thi đấu vào năm 2021 trong khi vòng loại khu vực châu Á, dự kiến vào tháng 4-2020, bị hoãn vô thời hạn.
Theo ông Phan Tuấn, quản lý bộ môn Bóng bàn (Tổng cục TDTT), Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam, nếu vòng loại châu Á của Olympic tại Nhật Bản diễn ra vào tháng 4-2020 như dự kiến thì nhiều khả năng, 1 trong 2 tay vợt nam hàng đầu Việt Nam là Nguyễn Anh Tú hoặc Đoàn Bá Tuấn Anh sẽ giành vé tham dự.
Lúc ấy, cả 2 tay vợt này đang đạt phong độ tốt nên hoàn toàn có thể đáp ứng được nhiệm vụ giúp bóng bàn Việt Nam lại tìm được tấm vé dự Olympic sau một kỳ Olympic 2016 bị gián đoạn. Trước đó, bóng bàn Việt Nam đã có 2 kỳ tham dự Olympic liên tiếp vào năm 2008 và 2012 với cùng cái tên Đoàn Kiến Quốc.
Còn đến lúc này, khi các tay vợt Việt Nam cũng như các nước khác bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 thì rất khó đoán được khả năng giành vé dự Olympic ở mức nào. Tất cả phụ thuộc vào việc chủ động chuẩn bị - ông Phan Tuấn chia sẻ.
Tay vợt Đoàn Bá Tuấn Anh đang nhận được nhiều kỳ vọng ở đội tuyển quốc gia. |
Đa dạng giải pháp tuyển chọn
Khi nhịp sống thường nhật của thể thao Việt Nam đang ngày càng sôi động, bóng bàn Việt Nam cũng đang vào cuộc với những dự định và kế hoạch khá chi tiết. Vào tháng 8 tới, đội tuyển bóng bàn quốc gia với 17 VĐV, 2 HLV nội và 1 chuyên gia Trung Quốc dự kiến sẽ tập trung tại Hà Nội để chuẩn bị cho Giải vô địch Đông Nam Á -2020 vào tháng 10 hoặc tháng 11 năm nay.
Số VĐV trên sẽ được tuyển chọn thông qua thứ hạng cá nhân tại Giải vô địch bóng bàn toàn quốc năm 2020 – Báo Nhân Dân, khả năng phát triển trong tương lai...
Như đại diện Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam cho hay thì việc tuyển chọn đội tuyển quốc gia với nhiều tiêu chí này giúp bóng bàn Việt Nam sẽ có nguồn tuyển chọn dồi dào, bảo đảm không sót người tài và quan trọng là mang đến nhiều phương án nhân sự cho SEA Games 31 năm 2021, nơi Việt Nam làm chủ nhà.
Ngoài ra, phương án sử dụng chuyên gia nước ngoài vẫn là ưu tiên. Thành tích của đội tuyển bóng bàn Việt Nam tại SEA Games 31 đã khẳng định rõ vai trò của chuyên gia người Trung Quốc Dư Chí Quốc. Nếu không có vị chuyên gia này, rất khó để bóng bàn Việt Nam giành 1 HCV tại kỳ SEA Games mà trước đó không ai dám đặt cược vào khả năng giành HCV của các tay vợt Việt Nam.
Liên đoàn cũng tính tới phương án chuyên gia Trung Quốc chưa thể tập trung đúng hẹn cùng đội tuyển bởi điều này còn phụ thuộc vào diễn biến của dịch COVID-19 ở Trung Quốc cũng như Việt Nam. Tuy vậy, sử dụng chuyên gia ngoại vẫn được xem là giải pháp không chỉ để thực hiện mục tiêu ở SEA Games 31 mà còn là giành vé dự Olympic năm 2021.
Hiện tại, Liên đoàn Bóng bàn thế giới vẫn chưa chốt lịch thi đấu vòng loại Olympic 2020 khu vực châu Á nhưng bóng bàn Việt Nam vẫn đang âm thầm chuẩn bị lực lượng. Nếu không có bất ngờ, hai tay vợt nam Nguyễn Anh Tú và Đoàn Bá Tuấn Anh vẫn sẽ là chủ lực của bóng bàn Việt Nam trong chiến dịch tranh vé dự Olympic năm 2021.
Dù vậy, để có thể đáp ứng nhiệm vụ, cả hai cần được đi tập huấn, thi đấu nước ngoài. Điều này chỉ có thể diễn ra khi dịch COVID-19 được khống chế hoàn toàn, ít nhất tại Trung Quốc, nơi mà các tay vợt Việt Nam thường xuyên cọ xát. Đấy đang là cái khó chung với người trong cuộc.
Cũng theo ông Phan Tuấn, bên cạnh nỗ lực tự thân của các đơn vị chủ quản VĐV tại địa phương, Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam cũng sẽ cố gắng tìm thêm kinh phí để các tay vợt trọng điểm của đội tuyển quốc gia được thi đấu quốc tế nhiều hơn, để bảo đảm mục tiêu giành vé dự Olympic năm 2021 cũng như tại SEA Games 31 năm 2021.
Rõ ràng, bóng bàn Việt Nam đã nhìn thấy cơ hội trong thời gian tới để khẳng định vị thế. Quan trọng vẫn là nắm bắt để không lỡ cơ hội.
Trông vào đội nam Đội tuyển nam vẫn sẽ là chủ lực của bóng bàn Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu quốc tế thời gian tới. Điều này một phần giải thích lý do danh sách đội tuyển bóng bàn quốc gia tập trung vào tháng 8 tới có 10 tay vợt nam và chỉ có 7 tay vợt nữ. Thực tế, từ năm 2009 đến nay, những tấm HCV tại SEA Games hay vé dự Olympic của bóng bàn Việt Nam đều thuộc về các tay vợt nam. Minh Khuê |