Hành trình tới Olympic 2016: Mang cả đam mê vào cây súng
Cho lần cuối đầy tự hào
Lần thi đấu tại Olympic 2016 sắp tới diễn ra ở Brazil là kỳ Olympic thứ hai liên tiếp, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đoạt vé chính thức. Việc liên tiếp dự hai kỳ Olympic bằng cửa chính, trong nội dung súng ngắn, Hoàng Xuân Vinh khẳng định đầy tự hào về chuyên môn rằng mình chẳng kém cạnh ai về nghề. Nhất là lúc này, trên mặt bằng chung chuyên môn châu Á, tại nội dung súng ngắn, Hoàng Xuân Vinh luôn đứng trong tốp 10 xạ thủ hàng đầu.
Khi sớm giành suất chính thức Olympic 2016, HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung từng e ngại, rất có thể Hoàng Xuân Vinh không duy trì được sự ổn định phong độ. Bởi vì, vận động viên giành được suất chính thức quá sớm trong khi thời điểm Olympic 2018 khai màn còn quá xa. Khi đã được vé Olympic 2016, Xạ thủ của thể thao Quân đội này cùng đồng đội Trần Quốc Cường có gần hai năm rèn luyện, tập huấn chuẩn bị tranh tài Olympic 2016.
Tuy nhiên, bằng con mắt trong nghề cũng như sự đồng hành dài với các tuyển thủ, bà Nhung bảo “ở Xuân Vinh ngoài việc là một vận động viên lớn tuổi có sự chín chắn tuổi nghề thì chúng tôi rất tin tưởng do cậu ấy rất đam mê với thi đấu bắn súng. Vận động viên là xạ thủ có đam mê về nghề khác biệt hoàn toàn với vận động viên chỉ thi đấu đạt thành tích tròn vai”.
Cả nghiệp thi đấu chỉ thích mùi khói thuốc súng, tiếng đạn nổ khi ngón tay siết cò và tỉ mẩn hàng giờ lau, cất cẩn thận súng vào hộp… là điều quen thuộc bất cứ ai cũng bắt gặp ở Hoàng Xuân Vinh và nhiều xạ thủ khác. Đam mê với súng đạn thể thao chỉ người trong cuộc mới hiểu cảm giác là thế nào. Từng trò chuyện với Xuân Vinh, anh không ngại mà bảo ở cái tuổi ngoài tứ tuần (Xuân Vinh sinh năm 1974) đã nghĩ tới giảm bớt thi đấu thành tích cao, chuyển sang huấn luyện.
Bắn súng có đặc thù khác biệt những môn thể thao khác, vận động viên càng lớn tuổi lại đạt kết quả thi đấu càng hiệu quả. Đường đạn chính xác hồng tâm hay không phụ thuộc ở sự tĩnh tâm và kinh nghiệm trận mạc của xạ thủ. Thất bại đầy tiếc nuối của Hoàng Xuân Vinh tại Olympic London 2012 (kém xạ thủ đoạt HCĐ Vương Trí Vĩ (Trung Quốc) 0,1 điểm ở lượt bắn chung kết) là kỷ niệm nhớ mãi.
“Thi đấu bắn súng có độ may, rủi rất cao. Năm 2012 là điều tôi rất tiếc nuối nhưng kết quả là kết quả và mình sẽ lại nỗ lực ở năm 2016”, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh kể lại. Ít nhất, trong sự chuẩn bị cho tranh tài Olympic 2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và đồng đội Trần Quốc Cường đã trải nghiệm thực tế trường bắn chính thức tổ chức môn này của chủ nhà Brazil. Họ vừa dự cúp ISSF World Cup của bắn súng thế giới tại Brazil trung tuần tháng 4.
Người của những kỷ lục
Hoàng Xuân Vinh có tên trong đoàn Việt Nam dự Olympic 2016. Chắc chắn, anh là vận động viên của những kỷ lục. Ở tuổi 42, Xuân Vinh là một trong những tuyển thủ lớn tuổi nhất của thể thao Việt Nam tại Olympic 2016. Trong năm 2016, đại tá Hoàng Xuân Vinh cũng đã chuyển bước nhận trọng trách quan trọng khi nhận nhiệm vụ làm HLV phụ trách đội bắn súng của thể thao Quân đội. Vừa sắm vai trò quản lý, vừa là tuyển thủ thi đấu nên gọi Hoàng Xuân Vinh là kỷ lục gia không hề kiệm lời.
Trong thi đấu quốc tế, kể từ sau huyền thoại Trần Oanh thì Hoàng Xuân Vinh là xạ thủ thứ hai của bắn súng Việt Nam từng phá kỷ lục thế giới trong một nội dung ở giải thi đấu chính thức. Đó là kỷ lục thế giới Xuân Vinh có tại chung kết bài bắn 10m súng ngắn hơi trong thi đấu cúp ISSF World Cup năm 2014 tổ chức lượt đấu ở Fort Benning (Mỹ). Lúc đó, Xuân Vinh đạt thông số 202,8 điểm ở chung kết bài bắn và xác lập kỷ lục thế giới mới.
Trở về nước thời điểm đó, Hoàng Xuân Vinh từng kể mình quá lâng lâng với kết quả nên mất ngủ một vài ngày. Sau này, kỷ lục của xạ thủ chúng ta tiếp tục có người vượt qua nhưng Xuân Vinh bảo, điều ấy càng là động lực để anh nỗ lực sẽ một lần nữa gây tiếng vang cho bắn súng nước nhà.
Tuy nhiên, một điều ai cũng muốn nhắc tới để thấy vận động viên bắn súng của Việt Nam đều là những nhà kỷ lục gia. Đó là câu chuyện chưa có lời giải, xạ thủ tập tại nhà bằng bia giấy nhưng ra đấu quốc tế tranh tài bằng bia điện tử vẫn giành huy chương.
Bắn súng cần nhất là đạn. Không phải lúc nào số lượng đạn cung cấp cho xạ thủ của đội tuyển cũng đủ đầy bởi kinh phí chỉ vừa đủ. Ngay những xạ thủ tên tuổi và là mũi nhọn của đội tuyển như Hoàng Xuân Vinh hay Trần Quốc Cường, họ cũng không ít lần tập chay. Nghĩa là, vận động viên chỉ nâng súng lên rồi nhắm bắn lại hạ xuống. Sự khổ luyện của xạ thủ trong bắn súng thể thao là điều ít ai biết đến. Để đạt tới sự tập trung, chính xác tuyệt đối, họ phải tập luyện khả năng đứng yên lặng hoàn toàn, không cử động, không nói, chỉ nhìn thẳng về một điểm, trong thời gian 2-3 tiếng liên tục… Sự thành công chỉ đến với những người vượt qua được gian khó. Tất nhiên, trong đó, lòng đam mê là sức mạnh giúp họ chiến thắng. D.P. |