Xem xét việc sử dụng xe buýt điện để giảm phát thải

Thứ Năm, 09/06/2022, 06:23

Theo thiết kế được phê duyệt cách đây 7 năm, xe chạy CNG sẽ được sử dụng làm phương tiện trên tuyến buýt nhanh (BRT) số 1 của Dự án giao thông xanh, nhưng đến nay xe buýt điện đang được xem như phương án thay thế hữu hiệu.

Trước thực trạng này, ngày 8/6, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo nhằm lấy ý kiến về việc bố trí phương tiện cho dự án.

Chuyên gia điều phối chương trình giao thông tại Việt Nam của Ngân hàng thế giới (WB), ông Shige Sakaki cho biết, xe buýt điện đang là phương án khả thi, đây là phương tiện rất hấp dẫn với người dân và phương án này cũng có thể sử dụng cho BRT. Hiện nhiều thành phố trên thế giới đang thí điểm hoặc đã đưa vào sử dụng xe buýt điện. Ông Shige Sakaki cũng cho rằng, lựa chọn phương án xe buýt điện cũng có nhiều vấn đề cần cân nhắc, bởi liệu có chắc chắn đây sẽ là công nghệ chính trong 5 - 10 năm tới hay không.

Xem xét việc sử dụng xe buýt điện để giảm phát thải -0
Xe buýt điện sẽ là một trong những loại phương tiện cần được ưu tiên.

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, thành phố đã có đề án phát triển giao thông công cộng đến năm 2030, trong đó mục tiêu là phát triển bền vững, ưu tiên hướng tới sử dụng phương tiện và năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Thành phố đã phát triển phương tiện xe buýt chạy CNG khoảng 10 năm nay và hiện loại phương tiện này chiếm khoảng 20% tổng số xe buýt. Do đó, việc lựa chọn phương tiện cho tuyến BRT số 1 và những tuyến xe buýt khác của thành phố trong thời gian tới rất cần thiết.

Tại hội thảo, chuyên gia của WB đã có những đánh giá về công nghệ của xe buýt điện và những thông tin so sánh trong việc lựa chọn giữa xe buýt CNG và xe buýt điện. Những vấn đề như lượng phát thải, mức độ gây ô nhiễm không khí, chi phí đầu tư và vận hành… giữa xe buýt điện và xe chạy CNG cũng được nêu ra.

Theo Sở GTVT, Dự án giao thông xanh TP Hồ Chí Minh do WB tài trợ, là tuyến BRT số 1 dài 23km, bắt đầu từ khu vực An Lạc, quận Bình Tân đến cầu Rạch Chiếc, TP Thủ Đức. Theo quy hoạch, TP Hồ Chí Minh sẽ có tổng cộng 6 tuyến BRT với tổng chiều dài khoảng 100km. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh đang có 126 tuyến xe buýt với khoảng 2.100 phương tiện các loại. Đến 2025, thành phố sẽ phát triển lên 260 tuyến xe buýt với 3.000 phương tiện và đến năm 2030 sẽ tăng lên 350 tuyến xe buýt với quy mô 4.000 - 4.200 xe.

Trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực thực hiện giảm lượng phát thải khí carbon, thì xe xe buýt điện sẽ là một trong những loại phương tiện cần được ưu tiên xem xét không chỉ riêng cho các tuyến BRT.

­

Đ.Thắng
.
.
.