Nhiều bất an khi học sinh tự đi xe máy đến trường

Thứ Ba, 19/03/2024, 08:10

Chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến học sinh.

Những ngày qua, ngôi nhà của gia đình anh Phạm Văn Phối (trú tại thị trấn Ea Tlinh, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) luôn đông kín người đến thăm viếng, động viên anh vượt qua nỗi đau khi mất đi người con gái lớn vì TNGT. Em Phạm Thanh Xuân (SN 2008, học sinh Trường THPT Phan Chu Trinh) gặp tai nạn trưa 3/3, khi cùng bạn lên TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk để tham gia một chương trình nấu cơm từ thiện cho người nghèo.

Theo anh Phối, Phạm Thanh Xuân là con cả trong gia đình có 2 chị em. Xuân là đứa con ngoan hiền, chăm chỉ, học giỏi và thường xuyên tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội. “Nhiều năm trước, khi biết con gái có tham gia một câu lạc bộ thiện nguyện ở Đắk Lắk gia đình ai cũng ủng hộ. Mới hôm Tết vừa rồi, cháu còn hứa sẽ đem lại niềm vui bất ngờ cho bố mẹ trong năm học này. Vậy mà tai họa ập xuống, để lại nỗi đau cho cả gia đình”, anh Phối ngậm ngùi.

Theo cơ quan chức năng, vào trưa 3/3, em Phạm Thanh Xuân điều khiển xe máy mang BKS 48AD-040.74, chở em Huỳnh Đăng Khôi lưu thông trên đường Hồ Chí Minh theo hướng từ huyện Cư Jút lên TP Buôn Ma Thuột để tham gia nấu cơm thiện nguyện cho người nghèo. Khi cả hai đi đến Km 1787+690 thì xe khách mang BKS 51B-307.45 do tài xế Võ Duy Tâm (SN 1982, trú tại TP Hồ Chí Minh) điều khiển chạy theo chiều ngược lại lấn làn để vượt 1 xe container đang lưu thông phía trước đã tông trực diện vào xe 2 em. Vết thương quá nặng, em Xuân đã tử vong trên đường đi cấp cứu, còn em Khôi tử vong tại bệnh viện.

bat-an-(2).jpg -0
Lực lượng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk tổ chức tuần tra, kiểm tra đối với các em học sinh đi xe máy.

Theo ghi nhận của phóng viên, một thực trạng hiện nay là rất nhiều học sinh từ địa bàn nông thôn cho đến thành thị ở Tây Nguyên tự đi xe máy phân khối lớn đến trường. Trong khi đó, nhiều em chưa được phổ biến kiến thức hoặc kỹ năng lái xe.

Nói về vấn đề này, một lãnh đạo Trường THPT tại TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông thừa nhận: “Hiện nay, học sinh đến trường bằng xe máy, xe máy điện rất phổ biến. Trong đó, có những em học sinh cá biệt, vào giờ tan học chạy xe máy lạng lách, nẹt pô, bốc đầu. Những em học sinh này nhà trường đã mời phụ huynh đến làm việc rất nhiều lần, nhưng phụ huynh không phối hợp, cho nên tình trạng trên vẫn cứ xảy ra. Các phụ huynh cứ đưa ra lý do là do nhà ở xa quá, vào ngày mùa không có điều kiện đưa đón nên xin nhà trường tạo điều kiện cho con em họ đi xe máy”.

Đầu năm học, nhà trường phối hợp với CSGT tổ chức tuyên truyền, đã cho phụ huynh và học sinh ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông. Tuy nhiên, việc ký giấy cam kết này không mang lại hiệu quả vì phụ huynh không phối hợp với nhà trường. Nhà trường nhắc liên tục cấm học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy đến trường nhưng học sinh vẫn cứ đi. Các em đi xe và tới quán nước bên cổng gửi xe rồi vào học. Nhà trường biết đó nhưng không làm gì được, vì nằm ngoài phạm vi trường học.

Theo lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk cho hay, qua các vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh thời gian vừa rồi cho thấy, việc điều khiển xe máy hoàn toàn không phù hợp và an toàn với lứa tuổi học sinh, kể cả đối với những phương tiện dưới 50cc hay xe máy điện. Bên cạnh đó, vì chưa được đào tạo sát hạch để được cấp GPLX nên các kỹ năng lái xe an toàn cũng như hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ ở học sinh rất kém.

Tình trạng học sinh đi xe máy đến trường gặp tai nạn xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng trên hết vẫn là sự buông lỏng quản lý từ phía gia đình và nhận thức chưa cao của các em học sinh. Do vậy, để chấm dứt thực tế này, đã đến lúc mỗi phụ huynh cần nghiêm khắc hơn nữa trong việc giáo dục con trẻ. Bên cạnh công tác phối hợp với nhà trường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho học sinh, lực lượng chức năng cũng cần tăng cường các biện pháp xử lý nghiêm học sinh đi xe máy đến trường.

Văn Thành
.
.
.