Trò chuyện chủ nhật

Không có yếu tố “làm khó” khách khi mở lại các đường bay

Chủ Nhật, 19/09/2021, 07:54

Thời gian gần đây, khi dịch bệnh ở nhiều tỉnh thành đã được kiểm soát, để mọi hoạt động của cuộc sống dần trở lại bình thường, người dân cũng như doanh nghiệp hàng không đều mong muốn các đường bay nội địa sớm được hoạt động trở lại.

Với vai trò của mình, Cục Hàng không Việt Nam đã sớm có bản “Kế hoạch phục hồi hoạt động vận tải hàng không nội địa thích ứng an toàn với tình hình kiểm soát dịch bệnh COVID-19” gửi tới Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Để có những thông tin hữu ích gửi tới bạn đọc, Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Quốc Cường, Trưởng phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam.

Phóng viên: Xin ông cho biết, tính đến thời điểm này, Cục Hàng không đã chuẩn bị những phương án gì cho ngày mở cửa trở lại các đường bay nội địa? Theo ông, với việc khởi động lại các  đường bay nội địa trong bối cảnh này, cơ quan quản lý cũng như các hãng hàng không sẽ gặp thuận lợi, khó khăn gì?

Ông Hồ Quốc Cường: Với mục tiêu duy trì hoạt động vận chuyển hành khách nội địa bằng đường hàng không sau gần 2 tháng hầu như dừng toàn bộ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế cho các địa phương trong điều kiện đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, Cục Hàng không Việt Nam đã trình Bộ GTVT dự thảo Kế hoạch phục hồi hoạt động vận tải thích ứng an toàn với tình hình kiểm soát dịch bệnh COVID-19 chuyên ngành hàng không.

Nội dung Kế hoạch quy định cụ thể đối tượng được phép vận chuyển, tần suất khai thác ban đầu theo từng giai đoạn, tương ứng với đánh giá về lộ trình bình thường mới mà Chính phủ và các cơ quan Bộ, ngành, địa phương đang xây dựng. Hiện tại, Bộ GTVT đang hoàn thiện Kế hoạch chung cho toàn bộ 5 lĩnh vực ngành giao thông vận tải, trong đó có hàng không và sẽ xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc. Về cơ bản, Kế hoạch của Bộ GTVT cũng xây dựng theo hướng mở lại hoạt động khai thác theo từng giai đoạn với các điều kiện về đối tượng khách chuyên chở cũng như yêu cầu về công tác tổ chức hoạt động vận tải.

Cục Hàng không Việt Nam cùng các hãng hàng không, cảng hàng không, quản lý bay đều đã chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực từ nhân viên hàng không, trang thiết bị tại cảng hàng không, quản lý bay cho tới tàu bay, tổ bay, năng lực bảo dưỡng, sửa chữa… để có thể triển khai ngay kế hoạch khai thác khi được Bộ GTVT ban hành, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về an toàn, an ninh hàng không cũng như phòng, chống dịch theo các quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Bộ.

Trong thời gian qua, dừng phần lớn hoạt động hàng không nội địa nhưng toàn bộ các khâu trong dây chuyền hoạt động của ngành hàng không vẫn phải đảm bảo duy trì bình thường, đặc biệt là lực lượng quản lý bay và cảng hàng không vì vẫn có các chuyến bay quốc tế và các chuyến bay chở hàng đi, đến Việt Nam và bay qua lãnh thổ Việt Nam. Đối với các hãng hàng không, máy bay vẫn phải luân phiên sử dụng trong khi lực lượng tổ bay vẫn luân phiên bay thực tế hoặc định kỳ tổ chức bay trên thiết bị bay mô phỏng (simulator) tại Việt Nam hoặc nước ngoài để duy trì năng định cho phi công với nhiều chi phí phát sinh. Việc tổ chức lại hoạt động khai thác hàng không nói chung và các chuyến bay nội địa nói riêng không gây bất kỳ khó khăn nào cho cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các đơn vị ngành hàng không.

Phóng viên: Như bản kế hoạch mà Cục mới trình lên Bộ GTVT thì việc bay trở lại sẽ được chia làm 3 giai đoạn. Hiểu nôm na là sau khi thí điểm 2 giai đoạn đầu (mỗi giai đoạn dự kiến 2 tuần), thì 1 tháng sau đó, người dân mới có thể mua vé đi lại bình thường, đúng không thưa ông? Việc kiểm soát số chỗ bán ra của các hãng trong thời gian này sẽ được thực hiện như thế nào?

Ông Hồ Quốc Cường: Về cơ bản, Kế hoạch do Cục Hàng không Việt Nam đề xuất và Kế hoạch chung cho toàn bộ các lĩnh vực giao thông vận tải đang được Bộ GTVT hoàn thiện đều xây dựng theo hướng mọi người dân đều được mua vé máy bay như trước nhưng có một số yêu cầu về xác nhận sức khỏe theo các hướng dẫn gần đây của Bộ Y tế cũng như đã áp dụng tại nhiều nước trên thế giới khi tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2… Các yêu cầu xác nhận sức khỏe này cũng đang được nhiều địa phương nghiên cứu để từng bước áp dụng theo mô hình “thẻ xanh”.

Đối với các chuyến bay, tần suất khai thác, số lượng chỗ được mở bán… sẽ được Cục Hàng không Việt Nam triển khai trực tiếp vào phép bay được cấp theo quy định tại Kế hoạch khi ban hành và các Cảng vụ hàng không sẽ là đơn vị giám sát việc thực hiện phép bay của các hãng hàng không. Việc vi phạm mở bán, khai thác không đúng với phép bay được cấp sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Phóng viên: Hiện một số địa phương đã lên phương án đón khách du lịch như Phú Quốc, Côn Đảo. Tuy nhiên, khách đến đây chỉ được ở 1 số khách sạn có dịch vụ khép kín và không được tự do đi ra bên ngoài. Thưa ông, liệu việc mở bán vé máy bay thoải mái và việc địa phương lại đưa ra những quy định riêng về phòng, chống dịch, có làm “khó khách”? Phía Hàng không có đề xuất nào giải quyết vấn đề này cho thuận lợi hơn?

Ông Hồ Quốc Cường:Trong dự thảo Kế hoạch, vai trò tham gia của các địa phương là rất quan trọng trong việc duy trì tính ổn định lâu dài cho việc thực hiện các chuyến bay, để chuyến bay đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch bệnh cần sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương có chuyến bay đi, đến. Chính vì vậy, từ trước đến nay, việc cấp phép bay các chuyến bay đi, đến các địa phương đều có sự phối hợp, tuân thủ theo các quy định về phòng dịch của từng địa phương, bao gồm cả việc yêu cầu hạn chế, tạm dừng khai thác chuyến bay hoặc yêu cầu hành khách từ vùng dịch phải cách ly tập trung…

Để có sự phối hợp chặt chẽ nhằm duy trì các chuyến bay khai thác ổn định, bền vững, lâu dài, Cục Hàng không Việt Nam, các cảng hàng không, các hãng hàng không đều đánh giá việc tuân thủ các quy định riêng của từng địa phương theo từng thời điểm là cần thiết, không có yếu tố “làm khó khách” ở đây.

Phóng viên: Sau các đường bay nội địa, Cục Hàng không Việt Nam đã tính đến phương án mở lại các đường bay quốc tế?

Ông Hồ Quốc Cường: Cùng với kế hoạch khai thác đường bay nội địa, Cục Hàng không Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện Kế hoạch tổ chức hoạt động vận chuyển hành khách quốc tế bằng đường hàng không đến Việt Nam trong điều kiện thích ứng an toàn với tình hình kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Kế hoạch này cũng được chia ra các giai đoạn tương ứng với lộ trình nới lỏng các hạn chế về đối tượng người được phép vào Việt Nam đồng thời với các điều kiện về xác nhận sức khỏe như tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, chứng nhận khỏi bệnh COVID-19, có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2… như hướng dẫn của Bộ Y tế cũng như kinh nghiệm của nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới.

Kế hoạch hiện đang được lấy ý kiến các đơn vị trong ngành hàng không Việt Nam trước khi hoàn thiện trình Bộ GTVT và kỳ vọng sẽ có thể triển khai từ Quý IV/2021, cùng thời điểm triển khai Kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc đã được Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý nêu tại công văn số 6345/VPCP-KGVX ngày 10/9/2021 của Văn phòng Chính phủ.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn ông!

Theo bản kế hoạch Cục Hàng không trình Bộ GTVT mới đây, để thực hiện mục tiêu sớm bay trở lại, các hãng đều phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí an toàn. Cụ thể, các hãng hàng không đang có Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hoặc Giấy phép kinh doanh hàng không chung do Bộ GTVT cấp và Giấy chứng nhận người khai thác do Cục HKVN cấp còn hiệu lực. Toàn bộ tổ bay và nhân viên hàng không đều được tiêm tối thiểu 1 mũi vaccine phòng COVID-19; Tổ bay có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi thực hiện chuyến bay; Tổ bay đảm bảo duy trì năng định theo quy định về khai thác bay.

Đối với hành khách, có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ; chia thành các giai đoạn. Giai đoạn 1, áp dụng thí điểm 2 tuần sau khi Kế hoạch được ban hành, gồm: Khách công vụ, lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 và hành khách có văn bản đồng ý di chuyển/tiếp nhận của các địa phương đi và đến;  Khách có giấy chứng nhận hoàn thành cách ly và được cơ sở cách ly vận chuyển thẳng bằng xe chuyên dụng từ cơ sở cách ly đến CHKSB xuất phát; hoặc có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, trong đó, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát; hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát. Giai đoạn 2, áp dụng 2 tuần tiếp theo giai đoạn 1, gồm: Khách công vụ, lực lượng phòng, chống dịch COVID -19 và hành khách có văn bản đồng ý di chuyển/tiếp nhận của các địa phương đi và đến; Khách có giấy chứng nhận hoàn thành cách ly và được cơ sở cách ly vận chuyển thẳng bằng xe chuyên dụng từ cơ sở cách ly đến CHKSB xuất phát; hoặc có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, trong đó, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát; hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng tính đến thời điểm xuất phát; hoặc có xác nhận lưu trú tại khu vực không áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tối thiểu 14 ngày trước khi di chuyển. Giai đoạn 3, áp dụng tiếp theo giai đoạn 2 (nếu không có thông báo khác của Cục HKVN), không hạn chế về đối tượng hành khách được vận chuyển. Cục HKVN sẽ xem xét cấm bay và chuyển cơ quan Công an xử lý những trường hợp hành khách sử dụng tài liệu giả mạo để đi máy bay.

Phạm Huyền (thực hiện)
.
.
.