Tương lai nào cho đường sắt Việt Nam?

Đường sắt tốc độ cao - Kỳ vọng mới cho sự phát triển (bài cuối)

Chủ Nhật, 05/11/2023, 06:44

Theo kế hoạch của Chính phủ, từ năm 2025-2045, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì ưu tiên phân bổ ngân sách Nhà nước trung hạn và hằng năm để đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt, đặc biệt là đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Chính phủ đặt mục tiêu khởi công đường sắt cao tốc Bắc- Nam vào năm 2030

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 178/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có dự án đường sắt tốc độ cao.

Theo đó, mục tiêu được Chính phủ đề ra là đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Đến năm 2030, phấn đấu khởi công dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam các đoạn ưu tiên Hà Nội - Vinh, TP Hồ Chí Minh - Nha Trang. Chương trình hành động của Chính phủ cũng nêu rõ, đến năm 2030 sẽ phấn đấu khởi công hàng loạt tuyến đường sắt kết nối các cảng biển, cửa khẩu quốc tế như Hà Nội - Hải Phòng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Lạng Sơn, Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ, Thủ Thiêm - Long Thành, TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, và đầu tư hoàn thành tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.

dst11.jpeg -0
Người dân kỳ vọng, Việt Nam sớm có tàu cao tốc Bắc-Nam.

Với đường sắt đô thị, Chính phủ đưa ra mục tiêu phấn đấu xây dựng, đưa vào khai thác khoảng 50% tổng chiều dài đường sắt đô thị được quy hoạch tại hai thành phố. Đồng thời triển khai quy hoạch, tùy theo nhu cầu vận tải sẽ nghiên cứu huy động nguồn vốn đầu tư một số tuyến đường sắt đô thị tại các đô thị lớn có quy mô dân số trên 1 triệu dân. Để thực hiện được các mục tiêu trên, Chính phủ đề ra nhiều cách thức huy động nguồn lực.

Cụ thể sẽ tập trung xây dựng phương án hợp tác với nhà tài trợ nước ngoài để huy động nguồn vốn vay ưu đãi, phát hành trái phiếu trong nước, quốc tế để đầu tư các dự án đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị. Cùng với đó, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh đường sắt, dịch vụ hỗ trợ vận tải; tham gia đầu tư, kinh doanh phương tiện vận tải, các công trình hỗ trợ cho hoạt động vận tải (kho, bãi hàng, phương tiện xếp dỡ…).

Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội cho phép thí điểm áp dụng một số quy định đặc thù (tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức PPP, cho phép áp dụng loại hợp đồng BT, ưu đãi, bảo đảm đầu tư chia sẻ rủi ro phù hợp) để thu hút nhà đầu tư, huy động nguồn lực đầu tư từng dự án cụ thể. Ngoài ra ưu tiên dành quỹ đất thích đáng tại các khu vực quanh các khu ga đường sắt lớn, ga đường sắt tốc độ cao, ga đường sắt trong đô thị để phát triển các đô thị, khu chức năng (mô hình TOD) và sử dụng nguồn thu từ phát triển đô thị để tạo nguồn lực tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị.

Về huy động nguồn lực để đầu tư vận tải giao thông đường sắt, từ 2025-2045, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì ưu tiên phân bổ ngân sách Nhà nước trung hạn và hằng năm để đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt (đặc biệt là đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam).

Từ năm 2025-2045, Bộ Tài chính ưu tiên tăng phân bổ ngân sách Nhà nước bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt; ưu tiên bố trí nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi để đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt.

Từ năm 2023-2045, Bộ GTVT kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh đường sắt, dịch vụ hỗ trợ vận tải; tham gia đầu tư, kinh doanh phương tiện vận tải, các công trình hỗ trợ cho hoạt động vận tải... Theo danh mục dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm đường sắt cụ thể hóa chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị, chiều dài đường sắt hiện có là 2.440km; đường sắt xây dựng mới có chiều dài 2.417km; đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có chiều dài 1.545km.

Bộ GTVT cho biết, Dự án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các tuyến đường sắt quốc gia có quy mô rất lớn, ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước, có tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ phức tạp, nguồn lực đầu tư đặc biệt lớn. Đây cũng là dự án chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam nên cần được nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, chặt chẽ, toàn diện để lựa chọn phương án đầu tư, công nghệ, kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, hiệu quả, có tầm nhìn chiến lược, dài hạn, phát huy được các tiềm năng, lợi thế của đất nước, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.

Đầu tư cho đường sắt cao tốc là đầu tư cho tương lai

Câu chuyện xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam đang nóng lên trên các diễn đàn trong thời gian gần đây. Yêu cầu đã được nêu ra: Phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam phải đồng bộ, hiện đại, phù hợp xu thế của thế giới, tốc độ thiết kế 350 km/h và thực sự trở thành trục xương sống. Ngày 18/10, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận sau cuộc họp của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT huy động chuyên gia về kỹ thuật, kinh tế, tổ chức hội nghị chuyên đề góp ý hoàn thiện đề án. Trong đó Bộ cần chứng minh để khẳng định quan điểm đất nước phát triển, có công nghiệp phát triển, thu nhập cao thì tất yếu phải có đường sắt tốc độ cao. Đầu tư đường sắt tốc độ cao liên quan đến lợi ích quốc gia, dân tộc nên không thể chậm trễ mà cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ thực hiện.

Phó Thủ tướng yêu cầu phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam phải đồng bộ, hiện đại, phù hợp xu thế của thế giới, tốc độ thiết kế 350km/giờ và thực sự trở thành trục xương sống. Bộ GTVT, cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo, cần làm rõ hiệu quả đầu tư, tính khả thi, giải pháp về nguồn lực, chính sách phát triển đường sắt tốc độ cao; phát triển công nghiệp đường sắt; đào tạo nhân lực; cơ chế để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, nhận chuyển giao, từng bước làm chủ công nghệ. Việc lựa chọn kịch bản đầu tư cần bảo đảm khai thác với tốc độ cao, hiện đại, trên cơ sở đánh giá nhu cầu vận tải, yêu cầu thị trường, mức độ an toàn, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội. Kịch bản "cần có tầm nhìn chiến lược dài hạn".

Phó Thủ tướng lưu ý, không nên lập cơ quan quản lý và khai thác đường sắt tốc độ cao mà giao Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tái cơ cấu, hình thành doanh nghiệp nhà nước đủ năng lực cho việc này. Các doanh nghiệp tư nhân được khuyến khích đầu tư phương tiện, khai thác vận tải đường sắt tốc độ cao khi đủ điều kiện, vào thời điểm thích hợp.

Được biết tại cuộc họp, cũng còn một số ý kiến băn khoăn, song tựu trung lại, các ý kiến đều cho rằng, phát triển đường sắt tốc độ cao là cơ hội để ngành đường sắt làm chủ công nghệ, đổi mới phương thức quản trị vốn đã lạc hậu rất nhiều so với thế giới.

9 chuyên gia được mời tư vấn cho Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam

Bộ GTVT đã gửi thư mời tới 9 chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực giao thông, xây dựng, kinh tế, tài chính, khai thác vận tải đường sắt, đầu máy toa xe để tham gia Tổ tư vấn. Ngoài GS.TS Trần Chủng, 8 chuyên gia, nhà khoa học khác được Bộ GTVT mời tham gia Tổ tư vấn gồm: Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT (chuyên gia giao thông); GS.TSKH Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT (chuyên gia giao thông); TS. Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội (chuyên gia kinh tế); TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (chuyên gia kinh tế); TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia (chuyên gia tài chính). Tổ tư vấn còn có nhiều nhà khoa học về giao thông, đường sắt và kinh tế khác.

Đặng Nhật
.
.
.