Đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại đội vốn 315 triệu USD

Thứ Năm, 20/11/2014, 09:57
Sau vụ tai nạn thương tâm, cho đến thời điểm này tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã thi công trở lại. Cùng với việc thi công này, để “thúc” tiến độ, Ban Quản lý dự án đường sắt-chủ đầu tư dự án đã đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tăng thêm 315 triệu USD so với phê duyệt ban đầu. Như vậy, nếu tính cả lần tăng vốn này, thì tổng mức đầu tư của cả tuyến đường sẽ là 868 triệu USD. Một dự án với số vốn không nhỏ, liệu có thật sự an toàn và chất lượng đáp ứng đúng tiến độ?
* Bộ trưởng Đinh La Thăng cam kết đúng tiêu chuẩn thiết kế, đảm bảo an toàn.

Điệp khúc đội vốn

Ban Quản lý dự án đường sắt vừa có Tờ trình số 360/TTr-BQLDAĐS gửi lên Bộ Giao thông vận tải về việc điều chỉnh dự án và tổng mức đầu tư của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Quyền Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt, sau 5 năm thi công, dự án do thay đổi một loạt yếu tố đầu vào, nên tổng mức đầu tư không dừng ở con số 552 triệu USD như kế hoạch ban đầu, mà cần thêm 315 triệu USD. Lý giải về việc “đội” vốn, ông Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra các nguyên nhân đẩy chi phí của dự án tăng cao gồm điều chỉnh, bổ sung phát sinh so với thiết kế cơ sở (thay đổi phương án nhà ga 2 tầng thành 3 tầng, thay vật liệu vỏ tàu từ thép sang thép inox…); biến động giá nguyên vật liệu, tỷ giá quy đổi, chế độ chính sách và giải phóng mặt bằng kéo dài… “Việc triển khai thiết kế kỹ thuật chi tiết đã đưa đến một số các thay đổi, điều chỉnh về thông số kỹ thuật, biện pháp thi công ở hầu hết các hạng mục, đã ảnh hưởng đáng kể đến khối lượng công việc thực hiện và quy mô xây dựng của dự án. Hơn nữa, chi phí xây dựng và thiết bị tăng đã kéo theo chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng cũng tăng lên,” ông Hùng đánh giá.

Đặt câu hỏi đến tổng mức đầu tư được điều chỉnh lên 868 triệu USD, liệu đã phải là con số cuối cùng, ông Hùng khẳng định, đây chính là mức chốt cuối cùng về tổng mức đầu tư của dự án, bởi việc điều chỉnh này do Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) lập, Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) thẩm tra đầy đủ thủ tục pháp lý, tuân thủ các quy định về lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng cơ bản. Đề cập đến nguồn vốn phát sinh thêm 315 triệu USD, vị lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, dự án sẽ tiếp tục vay vốn ODA Trung Quốc, sau khi làm việc với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc về khả năng bổ sung vốn vay ưu đãi.

Cam kết của vị tư lệnh ngành

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đường sắt, tính đến ngày 19/11, dự án mới hoàn thành được 320/419 trụ cầu khu gian (đạt 76%); hoàn thành thi công kết cấu trụ của 7/12 nhà ga; hoàn thành đúc được 451/806 phiến dầm, lao lắp 336/806 phiến dầm (5,4/13,3km). Các hạng mục khác như trụ cầu khu gian, tuyến nhánh ra vào khu Depot, kết cấu phần dầm và trụ của các nhà ga vẫn đang tiếp tục được thi công. Theo nhìn nhận của ông Hùng, công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản xong, chỉ còn vướng mắc ở ga Cát Linh.  Liên quan đến tiến độ, ông Hùng nhìn nhận, dự kiến, dự án sẽ hoàn tất xây dựng vào cuối quý 4/2015, đầu năm 2016 đưa tàu vào chạy thử. Đến nay, công tác xây dựng trụ cầu đang chậm khoảng 6 tháng, đúc và lao lắp dầm chậm khoảng 5 tháng, xây dựng các nhà ga chậm từ 3-5 tháng.

Một phần Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông.

Tuy nhiên tại Tờ trình số 360/TTr-BQLDAĐS, Ban quản lý Dự án đường sắt kiến nghị, tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông chỉ có thể hoàn thành công tác xây lắp vào ngày 31/12/2015, chạy thử tàu vào tháng 1/2016 và sau đó đi vào khai thác thương mại.“Ban Quản lý dự án đang nỗ lực thi công, rà soát, yêu cầu lập lại tiến độ khả thi nhất để rút ngắn thời gian thi công, đưa công trình về đích đáp ứng đúng theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng là dự án đến tháng 10/2015 phải đưa vào chạy thử, để đến ngày 31/12/2015 phải đưa dự án vào khai thác thương mại. Nhưng thực sư, tiến độ sẽ rất… căng và chủ đầu tư kỳ vọng sẽ đạt được tiến độ,” ông Hùng bày tỏ quan điểm. Trước đó, tại cuộc họp ở Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, Tổng thầu quá yếu kém, năng lực nhà thầu kém, máy móc công nghệ kém, tiền được ban quản lý thanh toán nhưng Tổng thầu EPC giữ lại không thanh toán cho nhà thầu phụ, không có giải pháp đẩy nhanh tiến độ. Tư vấn giám sát không đưa ra tiến độ mà lại giám sát theo thực tế nên không đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, các bên liên quan cần nhanh chóng khắc phục và chấn chỉnh.

Bị thúc ép về tiến độ, điều này khiến không ít người lo ngại đến vấn đề an toàn. Tuy  nhiên, trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vẫn khẳng định: Dự án Cát Linh - Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc thi công với công nghệ mới nhất. Để đảm bảo an toàn, Bộ Giao thông đã phê duyệt biện pháp an toàn, nhất là thi công trong điều kiện giữa nội đô. Sau tai nạn, Bộ Giao thông đã cho dừng dự án để kiểm tra tổng thể, chỗ nào đảm bảo an toàn mới tái khởi động. Quá trình hoàn thành và khai thác, dự án sẽ phải nghiệm thu theo đúng quy định, việc khai thác cũng đảm bảo tiêu chuẩn an toàn là số một, sau mới đến hiệu quả. "Chúng tôi giám sát theo đúng tiêu chuẩn thiết kế, đảm bảo an toàn", vị tư lệnh ngành Giao thông cam kết

Thanh Huyền
.
.
.