Phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và QL5 tăng "sốc"

Thứ Năm, 17/03/2016, 08:48
Từ ngày 1-4 tới đây, Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) sẽ điều chỉnh tăng mức thu phí sử dụng đường bộ đối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và QL 5. Lần tăng này, theo lãnh đạo VIDIFI là lần tăng phí “nóng” cuối cùng. Dù là tăng theo quy trình, song lãnh đạo đơn vị cũng thừa nhận chuyện tăng cùng lúc trên cả hai tuyến đường thì việc người dân “sốc” là điều khó tránh khỏi.


Theo đó, mức phí trên QL5 sẽ dao động từ 45.000 đồng/lượt đến 200.000 đồng/lượt, tăng từ 15.000 đến 40.000 đồng/lượt. Còn tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, phí tăng trung bình 25% so với mức áp từ đầu tháng 12-2015. Mức phí cao nhất là 840.000 đồng/lượt áp cho xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe container 40 fit cho tuyến từ vành đai 3 đến nút giao ĐT 356 (Đình Vũ) và ngược lại. 

Cũng với tuyến này, phí áp cho ôtô dưới 12 chỗ tăng từ mức 160.000 đồng/lượt lên 210.000 đồng/lượt. Theo ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT VIDIFI, việc tăng phí dựa theo quy định tại Thông tư số 153/2015/TT - BTC ngày 2-10-2015 của Bộ Tài chính và theo phương án tài chính đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã được các bộ, ngành phê duyệt. 

Đây là lần điều chỉnh mức thu phí theo lộ trình tăng phí sử dụng đường bộ trên QL5 do Bộ Tài chính quy định để duy tu, sửa chữa đảm bảo an toàn giao thông QL5 và phần còn lại để hoàn vốn theo phương án tài chính của Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. 

Từ 1-4, phí đường bộ tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và QL5 tăng từ 25-50%. Ảnh: Lê Minh.

Lãnh đạo VIDIFI cũng cho biết, dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là công trình có hiệu quả kinh tế xã hội rất lớn, nhưng việc thu hồi vốn gặp nhiều khó khăn. Nếu không tăng phí theo phương án tài chính đã được các bộ, ngành phê duyệt thì phương án tài chính không đảm bảo và sẽ không đủ trả lãi ngân hàng. 

“Để thu hồi vốn đầu tư đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và sửa chữa, bảo dưỡng cải tạo QL5 và trong điều kiện ngân sách nhà nước có hạn không thể hỗ trợ thêm cho dự án nên việc tăng phí đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và QL5 là không thể không thực hiện”, ông Chiến cho biết. 

Tại cuộc họp báo ngày 16-3, trả lời câu hỏi của các phóng viên: “Theo phương án tài chính, sau đợt tăng phí đợt tới (1-4-2016), VIDIFI có tiếp tục tăng phí nữa không? Lãnh đạo VIDIFI cho biết: “Theo phương án tài chính thì đây là đợt tăng phí “nóng” cuối cùng. Các đợt tăng phí sau đó sẽ chỉ được thực hiện theo quy định chung như đối với các tuyến khác và căn cứ vào biến động của chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Theo đó cứ 3 năm thì sẽ điều chỉnh một lần là khoảng 18%…”.

Ông Đào Văn Chiến cũng thừa nhận, hiện nay, đường cao tốc chưa thu hút được xe container (chỉ chiếm 10% xe đi). Nguyên nhân là do mức phí của cao tốc cao gấp đôi xe chạy trên QL5. QL5 thu phí xe chạy bằng vé quý, tháng nên chỉ tính 1 lượt, đồng thời được giảm 10% nên tạo điều kiện cho nhà xe giảm giá thành vận tải chạy trên QL5. Xe quá tải trọng không được lưu thông trên đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Hiện nay, chỉ có xe chạy dọc hành trình Hà Nội-Hải Phòng mới sử dụng cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.

Được biết, từ ngày 5-12-2015 (sau 7 năm triển khai xây dựng), đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng được đưa vào khai thác sử dụng toàn tuyến. Hiện nay, tuyến cao tốc này mỗi ngày có khoảng 17.000-18.000 lượt xe/ngày. Mức phí bình quân 1,7-1,8 tỷ đồng trên cao tốc và 1 tỷ đồng ở QL 5. Tổng chung là 2,8 tỷ đồng/ngày.

Sử dụng một công nghệ thu phí thống nhất trên toàn bộ các trạm ETC

Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường vừa chủ trì cuộc họp thống nhất và triển khai công nghệ thu phí không dừng (ETC) trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ trên toàn quốc. Thứ trưởng cho hay, theo kế hoạch, từ nay đến 30-6, toàn bộ các trạm thu phí trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên sẽ triển khai tối thiểu một nửa số làn ETC, phấn đấu đến cuối năm 2018, toàn bộ các trạm chỉ có làn ETC (vẫn có barier) và đến năm 2020 sẽ bỏ hết barier tại các trạm thu phí. Việc triển khai và vận hành hệ thống ETC tại các trạm thu phí này được Bộ GTVT lựa chọn từ nhà đầu tư có năng lực là Công ty cổ phần Tasco. Hiện tại, trên toàn quốc có 72 trạm thu phí, tuy nhiên hầu hết các trạm chưa triển khai làn ETC, các trạm đã triển khai hệ thống ETC lại sử dụng các công nghệ khác nhau (công nghệ DSRC sử dụng OBU và công nghệ RFID sử dụng thẻ eTag). Do đó, việc tích hợp công nghệ, kết nối và chia sẻ thông tin giữa các trạm thu phí gặp rất nhiều khó khăn. Để giải quyết các tồn tại nêu trên, Bộ GTVT đã có kiến nghị với Chính phủ và được Thủ trướng đồng ý chủ trương cho phép Bộ GTVT triển khai các trạm ETC theo công nghệ RFID sử dụng thẻ eTag trên các tuyến đường cao tốc và quốc lộ trên toàn quốc nhằm thống nhất một công nghệ (RFID) và khả năng liên thông giữa các trạm.  

Phạm Huyền
.
.
.