Di dời trạm thu phí mới và tăng giá vé đến 70-80%
Trạm thu phí BOT trên tuyến Quốc lộ 1 của công ty TNHH MTV BOT 545 sẽ thu phí mức giá mới từ ngày 1- 1- 2016. |
Điểm đặc biệt, để đối phó với xe quá tải, trong giai đoạn 2, phía công ty đã đầu tư lắp đặt 2 hoàn thành trạm cân đo tải trọng đặt dưới nền đường. Các cân này cân được các xe tải trọng chạy với tốc độ 180km/h. “Hai cân này được đầu tư hiện đại, có hệ thống kết nối tới các cơ quan chức năng để truyền hình ảnh các xe quá tải vi phạm để họ xử lý. Việc này sẽ giúp cơ quan chức năng phát hiện xe quá tải, góp phần nhắc nhở, tạo ý thức cho các tài xế phải “giảm tải” cho các lượt xe qua trạm, chấp hành quy định nghiêm về luật Giao thông đường bộ…
Bảng giá mới đã được các trạm thu phí BOT công bố hai bên đường . |
Được biết, chỉ còn vài ngày nữa là bước sang thềm năm mới, mọi công tác lắp đặt thiết bị, hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại Trạm thu phí được đầu tư xây dựng theo hình thức BOT từ Km 943+975 Quốc lộ 1 (tỉnh Quảng Nam) của Công ty TNHH MTV BOT 545 đã hoàn thành và chờ ngày đưa vào sử dụng.
Theo ông Hồ Anh Sơn, giám đốc Công ty TNHH MTV BOT 545 cho biết: Trước đây, giai đoạn 1, công ty đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 khoảng 14km (từ Km 933+947) với số tiền hơn gần 1.000 tỷ đồng và đã được cơ quan chức năng cho đặt trạm thu phí BOT ở Hòa Phước và phía Nam hầm Hải Vân (Đà Nẵng), bắt đầu thu phí từ năm 2010, trong thời gian khoảng 23 năm. “Công ty tiếp tục đầu tư xây dựng giai đoạn 2, nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 1 từ Km 955+987 với tổng vốn đầu từ hơn 1.400 tỷ đồng (trong đó vốn vay ngân hàng khoảng 80%) và đã được ngành chức năng cho phép dời trạm thu phí Hòa Phước về đặt tại Km 944 (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam). Còn trạm thu phí ở Nam hầm Hải Vân sẽ được công ty bàn giao lại cho Nhà nước từ 0h ngày 1- 1- 2016…”, ông Sơn cho biết.
Cũng theo ông Sơn, sau khi chuyển về thu phí tại Trạm thu phí ở thị xã Điện Bàn, công ty sẽ tăng giá vé theo Thông tư của Bộ Tài chính. Theo đó, xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng 35.000 đồng/vé/lượt; xe từ 12 - 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 đến dưới 4 tấn 50.000 đồng/vé/lượt; xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 đến dưới 10 tấn 75.000 đồng/vé/lượt; xe tải có tải trọng từ 10 đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng container 20 fit là 140.000 đồng/vé/lượt; xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 fit là 200.000 đồng/vé/lượt. Đây là quy định cho tất cả các trạm thu phí BOT trên toàn quốc áp dụng mức giá vé mới theo công bố như trên từ ngày 1/1/2016, trạm nào xong trước thì thu trước, trạm nào xong sau thì thu sau. Điển hình như các trạm thu phí BOT: Tam Kỳ (Quảng Nam), Phú Bài (Thừa Thiên Huế), Cầu Bến Thủy (Nghệ An), Quán Hàu (Quảng Bình)…
Trước thông tin giá vé qua trạm thu phí tăng từ 70 -8-%, “nhà đầu tư” trạm thu phí sẽ gặp những phản ứng trái chiều của các đơn vị vận tải, các tài xế xe khách, xe tải đường dài và người dân tham gia giao thông tại QL1A đoạn qua tỉnh Quảng Nam, ông Sơn đã chia sẻ với PV Báo CAND: “Chúng tôi cũng dự trước tình hình các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và tài xế sẽ phản ứng trước việc thu phí giá mới này, nhưng cũng mong họ chia sẻ và hiểu cho các trạm thu phí BOT. Chúng tôi được Bộ GTVT và Bộ Tài chính cho phép thu mức phí mới. Nếu như trước đây, mức thu cũ thì đối với công ty chúng tôi không đủ vốn đề đầu tư, nâng cấp thêm nữa. Do xe quá tải ngày càng nhiều nên nền và mặt đường ngày càng yếu, xuống cấp, cần vốn đầu tư. Vì thế, đầu năm 2016, công ty chúng tôi tiếp tục nâng cấp giai đoạn 1”, ông Sơn cho biết.
Theo tính toán, một trạm thu phí BOT trong vòng một năm thu được khoảng hơn 100 tỷ đồng. “Số tiền thu được trong vòng 5 năm chưa đủ để công ty hoàn vốn, chỉ mới đủ trả ngân hàng và các chi phí khác. Vì thế, cái mốc dự tính khoảng 23 năm thu phí mà công ty được phê duyệt chỉ tương đối. Nếu trong quá trình thu phí mà “về đích” sớm hơn 23 năm thì sẽ bàn giao cho Nhà nước. Ông Sơn cũng nhấn mạnh: “Việc thu phí này phía công ty chỉ “lời” định mức”.