Cách nào dẹp nạn "xe dù, bến cóc"

Chủ Nhật, 10/09/2023, 08:10

Thời gian qua, hoạt động kinh doanh vận tải khách trái pháp luật thường được gọi là "xe dù, bến cóc" tiếp tục là hiện trạng nhức nhối của nhiều địa phương. Thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh mới đây đã triển khai nhiều giải pháp nhằm chấn chỉnh hoạt động được coi là vấn nạn này.

Đủ cách lách luật

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh, hiện đơn vị đã cấp phép và quản lý 2.495 phương tiện vận tải hành khách. Trong đó 246 phương tiện được cấp phù hiệu xe chạy cố định; 910 phương tiện được cấp phù hiệu xe hợp đồng, xe du lịch; 1.204 phương tiện được cấp phù hiệu xe taxi, 135 phương tiện được cấp phù hiệu xe buýt. Tuy nhiên thời gian gần đây, tình trạng các phương tiện vi phạm các quy định về kinh doanh vận tải khách trở nên phổ biến.

Cách nào dẹp nạn
Công an tỉnh Quảng Ninh kiểm tra hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn.

Đáng lưu ý, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhất là TP Hạ Long xuất hiện nhiều xe ôtô của các DN, cá nhân không đăng ký kinh doanh vận tải khách theo quy định, ngang nhiên hoạt động dưới dạng taxi, xe hợp đồng, xe tuyến cố định trá hình tại các bến bãi, khu dân cư, khu du lịch, trung tâm thương mại… hoặc đón khách dọc đường.

Theo thống kê, chỉ tính trong 7 tháng kể từ đầu năm 2023, Thanh tra Sở GTVT Quảng Ninh đã xử phạt 148 vụ, phạt tiền 124 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 8 trường hợp liên quan đến vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách, đồng thời quyết định thu hồi 109 phù hiệu kinh doanh vận tải đối với phương tiện vận tải hành khách.

Riêng tại TP Hạ Long, trong 2 tháng ra quân tuần tra kiểm soát về TTATGT, lực lượng chức năng đã xử lý 332 trường hợp, trong đó có 184 xe ôtô khách (Limousine), 124 xe ôtô taxi, 24 xe ôtô điện… Ngoài phạt tiền gần 1,7 tỷ đồng trong các vụ việc, lực lượng chức năng còn tạm giữ 11 phương tiện, tước quyền sử dụng 29 giấy phép lái xe, tước 16 phù hiệu xe khách.

Còn tại TP Hải Phòng, đến nay Sở GTVT đã cấp gần 7.000 phù hiệu cho xe ôtô vận chuyển hành khách. Trong đó, vận tải theo hợp đồng là 3.428 xe, theo tuyến cố định 422 xe, còn lại là xe taxi, xe buýt và xe du lịch.

Tuy nhiên, lợi dụng sự thông thoáng trong cơ chế cấp phép kinh doanh, nhiều tổ chức, cá nhân đã nghĩ ra đủ cách để lách luật, biến xe hợp đồng vận hành kinh doanh như xe tuyến cố định. Nhiều DN, cá nhân mua xe 16 chỗ hoán cải thành 9 đến 11 chỗ, lắp ghế ngồi có massage, phục vụ nước, khăn lạnh… cùng với sử dụng mạng xã hội để quảng cáo, thực hiện dịch vụ "đón trả khách tận nơi" , giá cả cạnh tranh để thu hút khách. Để đối phó với lực lượng chức năng, các "xe dù" đều có "tổng đài" phục vụ, mỗi khi khách có nhu cầu, họ hỏi tên tuổi, địa chỉ điền sẵn vào "hợp đồng". Có "nhà xe" còn lập hoặc liên kết dịch vụ để gom khách "bán" lại ăn chênh lệch giá.

Trong khi đó, các bến xe hoạt động theo quy định của pháp luật trên địa bàn TP Hải Phòng như Thượng Lý, Vĩnh Niệm được DN đầu tư lớn, đang phải gồng mình chống đỡ với tình trạng cạnh tranh của "xe dù, bến cóc". Ông Nguyễn Quang Hưng, Giám đốc Công ty TNHH vận tải BUS Hải Phòng - đơn vị quản lý Bến xe khách Vĩnh Niệm chia sẻ, nạn "xe dù, bến cóc" đã "chặn đường" làm ăn chân chính của các nhà xe tuyến cố định nên có tuyến chỉ hoạt động cầm chừng với khoảng 30% công suất.

Mạnh tay chấn chỉnh vi phạm

Nhằm chấn chỉnh tình trạng trên, mới đây cơ quan chức năng của TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh đã đặt quyết tâm dẹp nạn "xe dù, bến cóc" nhằm trả lại môi trường kinh doanh lành mạnh trong hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ cho biết, UBND thành phố đã có ý kiến chỉ đạo, giao Sở GTVT chủ trì cùng lực lượng Công an và UBND các quận, huyện tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về kinh doanh vận tải khách. UBND TP Hải Phòng cũng yêu cầu tăng cường tuần tra, kiểm tra các văn phòng đại diện của các đơn vị vận tải, bãi đỗ trông giữ phương tiện, bãi đỗ xe tạm, tự phát, các điểm đại lý hoạt động chuyển phát nhanh trá hình vận chuyển hàng hóa với vận chuyển hành khách, các điểm đón trả khách không đúng nơi quy định…

Cùng với đó, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động tại bến xe. Trên tinh thần đó, Công an TP Hải Phòng đã xây dựng kế hoạch và tổ chức ra quân tổng kiểm soát xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách và xe qua địa bàn Hải Phòng, tổ chức lực lượng kiểm soát tại các tuyến, khu vực trọng điểm.

Cùng thời gian này, theo Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh Bùi Hồng Minh, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn, đặc biệt là chấn chỉnh nạn "xe dù, bến cóc". Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nhắc nhở, Sở GTVT Quảng Ninh cũng đề nghị các địa phương rà soát, tổng hợp các cá nhân có phương tiện đang hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn quản lý để sàng lọc các đối tượng kinh doanh vận tải trái phép. Đồng thời, phối hợp với ngành Công an xây dựng kế hoạch, kiểm tra liên ngành tổng kiểm soát các phương tiện kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh cho đến hết tháng 10/2023. "Kiên quyết không để xảy ra tình trạng "xe dù" lộng hành gây mất trật tự ATGT, gây bức xúc trong nhân dân và du khách khi đến với Quảng Ninh" - Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh nhấn mạnh.

Đáng chú ý, cùng với tăng cường tuần tra, kiểm soát trên đường của lực lượng chức năng, Trung tâm sát hạch lái xe và giám sát giao thông đường bộ (Sở GTVT Quảng Ninh) phối hợp cùng CSGT khai thác hiệu quả hệ thống giám sát hành trình, camera giám sát phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Theo ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Trung tâm sát hạch lái xe và giám sát giao thông đường bộ: "Đối với phương tiện hợp đồng Trung tâm sẽ cung cấp cho CSGT khi có yêu cầu về hành trình chuyến đi thời điểm đón khách, điểm trả khách thông tin lái xe, địa chỉ số điện thoại bên thuê. Thông qua đó lực lượng CSGT sẽ xác định được các xe hợp đồng trá hình, đón trả khách như tuyến cố định".

Thiếu tá  Hà Thế Anh, Đội CSGT-TT (Công an TP Hạ Long) chia sẻ, sau khi các lực lượng chức năng tăng cường vào cuộc, phần lớn các phương tiện bị xử lý đã chủ động đăng ký kinh doanh hoặc thực hiện các thủ tục hoạt động theo đúng quy định. Đến nay tình trạng "xe dù, bến cóc" trên địa bàn TP Hạ Long được cải thiện đáng kể. "Hiện không còn xuất hiện tình trạng chặt chém khách du lịch. Không có tình trạng bảo kê các phương tiện hay bến bãi cũng như phương tiện chở khách hoạt động chưa được cấp phép" - Thiếu tá Hà Thế Anh thông tin thêm.

Từ kinh nghiệm ở TP Hạ Long cho thấy, việc dẹp nạn "xe dù, bến cóc" thực tế không phải "bất khả kháng" mà mấu chốt là tính quyết tâm, quyết liệt và thường xuyên, liên tục với tinh thần trách nhiệm cao của các cơ quan chức năng và địa phương. Bên cạnh đó, không thể không kể đến sự hợp tác từ các DN và người dân, với nhận thức đúng đắn về môi trường lành mạnh của hoạt động kinh doanh vận tải.

V. Huy - Ng. Khánh
.
.
.