Bốn cao tốc vừa khai thác đã phải đề nghị mở rộng

Thứ Sáu, 25/08/2023, 07:33

Dù mới khai thác được một năm, song mới đây, các tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan đã được đề xuất mở rộng với lý do lưu lượng tăng và bất cập. Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao khi làm đường, cơ quan chức năng không tính toán chi tiết để bất cập nảy sinh ngay sau khi khai thác? Liệu việc mở rộng này có gây lãng phí tiền của và công sức thêm một lần nữa?

Mở rộng vì thiếu làn khẩn cấp, chưa có trạm dừng nghỉ…

Vào đầu tháng 8/2023, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Ninh Bình đã có văn bản  kiến nghị Bộ GTVT xem xét mở rộng cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn trên tuyến Bắc Nam. Đoạn cao tốc dài 15,2km được đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe hạn chế (không có làn dừng khẩn cấp), khai thác từ tháng 2/2022, kết nối với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Mai Sơn - quốc lộ 45 thành tuyến cao tốc liên hoàn từ Hà Nội đến Thanh Hóa.

Theo Sở  GTVT Ninh Bình, sau khi đưa vào khai thác, đoạn tuyến đã bộc lộ nhiều bất cập, thường xảy ra ách tắc vào các đợt cao điểm như lễ, tết, mùa du lịch. Một số vụ tai nạn giao thông trên tuyến va chạm với hệ thống hộ lan tôn sóng do không có làn xe khẩn cấp kéo dài dọc tuyến. Vì vậy, Sở đề xuất mở rộng cao tốc thêm 15,75m nền đường lên thành 32,75m, đảm bảo xây dựng 6 làn xe, có làn dừng xe khẩn cấp mỗi bên, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và giảm ách tắc cho khu vực cửa ngõ phía Bắc Hà Nội. Tổng mức đầu tư mở rộng khoảng 2.076 tỷ đồng.

cao toc cao bo mai son 02.jpeg -0
Đoạn tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn dài 15,2km thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được đầu tư, đưa vào khai thác từ tháng 2/2022 với quy mô 4 làn xe.

Tuần qua, Bộ GTVT cũng báo cáo Chính phủ việc mở rộng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang) lên 6 làn xe, sau khi tuyến đường đưa vào khai thác, thu phí được một năm (từ tháng 8/2022). Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51km, giai đoạn 1 đã được đầu tư theo hình thức (BOT) với 4 làn xe rộng 3,5m và dải phân cách giữa. Tuyến đường chưa có làn dừng khẩn cấp mà chỉ bố trí 11 điểm dừng khẩn cấp. Nhiều xe khi gặp sự cố không thể chạy tới điểm dừng, đặc biệt là các xe container, gây mất an toàn cho phương tiện và công tác cứu nạn. Ngoài ra, tuyến cao tốc này chưa có trạm dừng nghỉ, trạm xăng để ôtô kiểm tra kỹ thuật, tiếp nhiên liệu.

Hiện nay, lưu lượng phương tiện qua đoạn cao tốc trung bình là 23.000-25.000 lượt xe mỗi ngày đêm. Ngày cao điểm, lễ tết đạt gần 40.000 lượt xe, trong khi công suất thiết kế là 25.000 xe một ngày đêm. Đại diện Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, tuyến cao tốc chậm được đầu tư xây dựng khoảng 10 năm nên ngay khi đưa vào khai thác năm 2022 đã mãn tải. Quy mô đầu tư giai đoạn 1 đến nay không còn phù hợp với tốc độ gia tăng của phương tiện giao thông, gây ùn tắc vào mùa cao điểm, mất an toàn giao thông, cần được mở rộng. Theo đơn vị quản lý, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 dự kiến cần 11.800 tỷ đồng để mở rộng lên 6 làn xe và hai làn dừng khẩn cấp. Hiện cao tốc này đã được giải phóng mặt bằng hơn 32m, đáp ứng xây 6 làn xe.

Tương tự, cao tốc Cam Lộ - La Sơn (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) là dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017-2021, được đưa vào khai thác tháng 1/2023. Trong giai đoạn đầu, tuyến cao tốc dài 98km chỉ được đầu tư quy mô 2 làn xe, không có dải phân cách giữa, nền đường rộng 12m, riêng các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 23m.

Theo quy hoạch giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến đường có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 23m. UBND tỉnh Quảng Trị cũng cho rằng, sau hơn nửa năm khai thác, lưu lượng xe lưu thông trên tuyến ngày càng tăng. Để đảm bảo đồng bộ với hệ thống cao tốc Bắc Nam phía Đông đã và đang xây dựng đều có 4 làn xe, tỉnh đề nghị Chính phủ sớm đầu tư tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn với quy mô 4 làn xe…

Tháng 7/2023, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT nghiên cứu mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn từ 2 làn xe lên 4 làn xe theo đề nghị của tỉnh Quảng Trị. Kết nối với cao tốc Cam Lộ - La Sơn, cao tốc La Sơn - Túy Loan (Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng) khai thác từ đầu năm 2022 với quy mô 2 làn xe, nền đường 12m, không có dải phân cách giữa, phương tiện lưu thông tốc độ tối đa 60km/h.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn giao thông và tăng khả năng khai thác, Bộ GTVT đang nghiên cứu mở rộng nền đường 23m, 4 làn xe cơ giới. Theo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, chi phí đầu tư để hoàn thiện cao tốc La Sơn - Túy Loan từ 2 làn xe lên 4 làn xe khoảng 3.011 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu là chi phí xây dựng. Nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, dự án sẽ triển khai từ tháng 6/2024, hoàn thành cuối năm 2025.

Cần nghiêm túc làm rõ trách nhiệm

Theo PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), do ngân sách khó khăn, nguồn lực xã hội hóa hạn chế nên các tuyến cao tốc trên đều được phân kỳ đầu tư. Giai đoạn đầu phải xây dựng quy mô 2 làn xe hoặc 4 làn xe hạn chế, đến khi có nguồn vốn sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn khai thác, các cao tốc này đã bộc lộ hạn chế. Việc dự báo lưu lượng phương tiện chưa chính xác, một số tuyến cao tốc có tốc độ tăng lưu lượng xe quá nhanh, vượt công suất dự báo nên phải mở rộng đường. "Nếu dự báo đúng lưu lượng xe tăng cao trong thời gian ngắn thì Nhà nước có thể sắp xếp vốn đầu tư đường quy mô hoàn chỉnh, thay vì phân kỳ đầu tư tốn kém hơn", ông Chủng nói.

Còn theo chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), một dự án chưa hết thời hạn bảo hành đã tính đến đầu tư mở rộng thì cần xem xét lại. Cần nghiêm túc làm rõ, kiểm điểm trách nhiệm của các đơn vị tư vấn dự án ban đầu. Đối với một công trình đầu tư công thì sẽ có những hạn chế về vốn. Thế nên ngay từ khâu khảo sát thiết kế, thi công phân bổ vốn phải làm cẩn thận, chặt chẽ, đầy đủ mới có hiệu quả. 

Ở các công trình nói trên, vừa làm được một năm, đã đề xuất mở rộng. Cách làm này vô cùng lãng phí và tốn kém, không hiệu quả. Tại sao không làm ngay từ đầu, chặt chẽ từ khảo sát thiết kế, lúc phân bổ vốn. Thêm nữa, việc mở rộng có thật sự cấp thiết hay không, nếu chưa thật sự cấp thiết thì hãy tạm dừng. Còn nếu cấp thiết, tại sao trước kia không nhìn ra, không vạch ra được sự tối ưu hóa của công trình, để rồi mới làm xong lại rơi vào bất cập này kia. "Lỗi này là nỗi của đơn vị đề xuất đầu tư. Cần có chế tài xử lý nghiêm việc này để làm gương, để rút kinh nghiệm cho các dự án khác", chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Đặng Nhật
.
.
.