Cấm xe khách giường nằm chạy đường cấp 5, 6 miền núi từ ngày 1/7:

An toàn của hành khách là trên hết

Thứ Năm, 02/07/2015, 07:55
Theo quy định của Bộ GTVT, từ ngày 1/7/2015, xe khách giường nằm hai tầng sẽ không được hoạt động trên những tuyến đường cấp 5 và cấp 6 miền núi. Mặc dù nhiều doanh nghiệp tỏ ra quan ngại về quy định này, song theo cơ quan quản lý: An toàn của hành khách phải được đặt lên hàng đầu.
Thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, cả nước hiện có khoảng 4.700 chiếc xe khách giường nằm, tăng 66% so với năm 2012, trong đó chủ yếu là xe hai tầng. Theo quy định hiện hành, tất cả các xe đều được thẩm định, kiểm tra theo tiêu chuẩn. Phân tích 36.123 vụ TNGT đường bộ từ năm 2013-2014 thì xe khách gây ra 1.482 vụ (4,1%), làm chết 875 người (5,77%), bị thương 369 người (1,68%), thiệt hại 7,27 tỷ đồng...

Trong 166 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng từ 2013 đến tháng 3/2015 có 18 vụ (10,8%) do xe khách, làm chết 79 người, bị thương 140 người. Trước lo ngại gia tăng số vụ tai nạn nghiêm trọng do xe khách giường tầng gây ra, Thông tư 63 đã được Bộ GTVT ban hành, quy định từ ngày 1/7/2015, xe khách có giường nằm hai tầng không được hoạt động vận tải trên các tuyến đường cấp 5 và cấp 6 miền núi (cấp đường có tiêu chuẩn rộng tối thiểu 6-6,5m, có một làn cho xe cơ giới rộng 3,5m, tốc độ thiết kế đường 20-30 km/giờ).

Lý giải về quy định này, ông Lê Hồng Điệp - Vụ trưởng Vụ Quản lý bảo trì đường bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, xe khách giường nằm 2 tầng chủ yếu chạy đến các điểm du lịch lớn, trung tâm các thị xã, thành phố của các tỉnh,  tỷ lệ chạy ở tuyến huyện rất ít. Qua rà soát, những tuyến đường lên miền núi phía Bắc như TP Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Sa Pa không bị ảnh hưởng gì nhiều đến hành khách cũng như kinh doanh của các hãng vận tải. 

Cơ quan quản lý cho rằng cấm xe khách giường nằm là đảm bảo an toàn cho khách.  Ảnh: minh họa.

Ngoài ra, những tuyến đường cấp 5, cấp 6 miền núi không đủ an toàn, để những chiếc xe giường nằm 2 tầng chạy vì đường rất quanh co, đèo dốc nguy hiểm. Ở miền núi phía Bắc, các tuyến quốc lộ từ Hà Nội đi đến TP Lai Châu (QL32) hay đi TP Điện Biên Phủ (QL6, QL279), Sa Pa, Lào Cai (cao tốc Nội Bài-Lào Cai; QL 4D) đều có thể đi xe khách giường nằm 2 tầng. “Có một số doanh nghiệp còn lấn cấn khi không được chạy trên QL70. Nhưng theo tôi,  chúng ta phải nghĩ nhiều hơn đến việc đảm bảo an toàn tính mạng cho hành khách đi trên xe”, ông Lê Hồng Điệp bày tỏ.

Việc đưa QL70 qua Yên Bái và Lai Châu từ đường cấp 4 xuống cấp 5 miền núi đã khiến các doanh nghiệp vận tải gặp khó. Mới đây, Hiệp hội Vận tải ôtô Yên Bái  thông qua Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, đã đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét lại việc này.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết: “Quốc lộ 70 từ trước tới nay vẫn là tuyến quốc lộ huyết mạch, nối từ Hà Nội đến cửa khẩu quốc tế Lào Cai có cấp đường cấp IV miền núi. Trong nhiều năm qua mặt đường và nền đường và các tiêu chuẩn kỹ thuật khác vẫn được giữ nguyên, nhiều điểm trên tuyến đã được mở rộng, nâng cấp. Do vậy không thể hạ cấp đường từ cấp 4 xuống cấp 5”.

Còn ông Vũ Đức Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hoàng Long cho biết, đơn vị này hoạt động vận tải xe khách giường nằm từ rất sớm, có mặt trên hầu hết các tuyến đường, nhưng phần lớn là đường quốc lộ, không hoạt động ở tuyến đường cấp 5-6 miền núi.

Song, dưới góc độ một doanh nghiệp vận tải kinh doanh xe khách giường nằm, ông Vũ Đức Hoàng cho rằng, việc cấm của Bộ GTVT có phần vô lý. “TNGT liên quan đến nhiều yếu tố, như địa hình đường, ý thức của người lái xe và chất lượng đường sá. Vì vậy, không thể cứ xảy ra một vài vụ TNGT là lại cấm cản doanh nghiệp”, ông Vũ Đức Hoàng băn khoăn.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá, tai nạn giao thông của phương tiện kinh doanh vận tải vẫn tiếp tục phức tạp. Qua phân tích cho thấy, số người tử vong vì xe khách, xe tải nói chung là giảm nhưng số vụ liên quan đến hai đối tượng xe chở khách, xe container gây tai nạn dẫn đến thiệt hại lớn cho những người tham gia giao thông bằng phương tiện khác lại gia tăng. Điều đó cho thấy, hiệu quả của công tác đảm bảo an toàn giao thông chưa triệt để trong một số lĩnh vực đồng thời có những con số đưa ra để thấy đặc thù tai nạn giao thông ở đâu để có giải pháp.
Đặng Nhật
.
.
.