Xử phạt nhiều chủ doanh nghiệp vì để xe chở quá tải

Thứ Năm, 27/08/2015, 09:50
Chở quá tải, khi bị kiểm tra chây ỳ không hợp tác, bỏ xe lại cho lực lượng xử lý, thậm chí trên xe đang chở thuốc nổ… là điều thường xảy ra tại Trạm kiểm tra tải trọng Nam Định (tỉnh Nam Định). 
Là địa phương có số lượng xử lý vi phạm quá tải không nhiều so với nhiều tỉnh khác, nhưng Nam Định lại rất mạnh tay với việc xử lý chủ xe, chủ doanh nghiệp để người làm công chở quá tải.

Xe quá tải bị bỏ mặc ở trạm cân

Giữa nắng nóng bỏng rát, có mặt tại Trạm kiểm tra tải trọng xe Nam Định (Trạm cân), dù phương tiện xe tải qua đây không tấp nập như nhiều tuyến quốc lộ khác, nhưng khi vào cân thì vẫn có quá tải cầu đường và quá tải thiết kế. Loại xe tải dưới 5 tấn thường cơi nới thùng hàng, chở vật liệu xây dựng công trình chở quá tải trọng thiết kế của phương tiện.

Thượng tá Trịnh Duy Dương, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh Nam Định cho biết: “Khi mới có chủ trương của Chính phủ về xử lý xe chở quá tải, Nam Định tương đối phức tạp, vi phạm tràn lan, trang thiết bị thiếu, địa điểm đặt trạm cân chưa có, xe vi phạm trốn tránh nhiều… Đến nay, do có sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương nên địa bàn Nam Định đã không còn phức tạp nữa. So với thời gian trước đây, xe vi phạm chở quá tải đã giảm nhiều”.

Trên tuyến quốc lộ 10 Nam Định đi Thái Bình, chúng tôi đứng ở đây vào buổi trưa thì thấy có khá nhiều xe tải, xe containe đầu kéo rơ-moóc chạy qua. Các xe này khi qua đây đều đã phải dừng lại tại Trạm cân để kiểm tra tải trọng. Tuy nhiên, một số xe vẫn “lọt” khi đi vào giờ giữa trưa.

Xe đang cân tải trọng tại Trạm kiểm tra tải trọng xe Nam Định.

Theo khảo sát sơ bộ của Sở Giao thông vận tải tỉnh Nam Định thì tỉnh này có 6.872 xe tải các loại, trong đó có 5.898 xe dưới 5 tấn, 921 xe từ 5 tấn trở lên, 53 xe đầu kéo rơ-moóc của 170 đơn vị là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức và cá nhân tham gia vận tải hàng hóa, vật liệu xây dựng, trong đó có 16 cơ sở sử dụng đầu kéo, sơ mi rơ-moóc để vận chuyển vật liệu xây dựng như sắt, thép, gỗ xuống các huyện. Tuy nhiên, kiểm tra, xử lý, nhiều tài xế cố tình né tránh Trạm cân, đi đường vòng, hoặc chây ì không chấp hành.

Điển hình là tài xế xe container BKS 24C-00887, rơ-moóc BKS 24R-00012  khi lực lượng liên ngành dừng kiểm tra đã bỏ mặc xe và đi đâu không rõ, trước khi đi chỉ nói “trên xe chở thuốc nổ” và không xuất trình giấy tờ. Lực lượng làm nhiệm vụ phải liên hệ với Tỉnh đội để kiểm tra và xác định trên xe vận chuyển khoảng 30 tấn thuốc nổ công nghiệp. Chỉ sau khi Giám đốc công ty từ Lào Cai xuống gọi lái xe về giải quyết thì vụ việc mới xong.

Kiên quyết xử lý doanh nghiệp để xảy ra quá tải

Ông Nguyễn Minh Thụy, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Nam Định cho biết, từ đầu năm đến nay, ngoài xử lý tài xế vi phạm chở quá tải trọng, lực lượng Thanh tra giao thông (TTGT) còn xử lý nhiều chủ xe, doanh nghiệp vi phạm khi để phương tiện cho người làm công điều khiển chở hàng quá khổ.

Đã có 3.749 xe tải được các lực lượng tại Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động và kết hợp xử lý cân xách tay kiểm tra, xử lý trong 6 tháng đầu năm, trong đó có 533 xe vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải, buộc hạ tải 1.121 tấn hàng hóa, xử phạt trên 2,5 tỷ đồng, tước 333 giấy phép lái xe.

Theo ông Thụy thì thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc xử phạt hành vi vi phạm đối với chủ xe, chủ doanh nghiệp về việc giao phương tiện cho người làm công điều khiển chở hàng quá khổ, quá tải, Thanh tra Sở GTVT đã xử lý được 52 trường hợp, phạt tiền trên 1 tỷ đồng. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mức xử phạt mà TTGT tỉnh Nam Định áp dụng với mỗi doanh nghiệp tư nhân là 17 triệu đồng/lần vi phạm, nếu là tổ chức thì mức phạt gấp đôi. Điển hình là các doanh nghiệp sau: Công ty TNHH Ngọc Đỏ, ở Từ Sơn, Bắc Ninh, giao phương tiện cho người làm công là Hoàng Văn Tường, điều khiển xe BKS 99L-00340 thực hiện hành vi vi phạm tại khoản 7, Điều 24, Nghị định 107/2014/NĐ-CP (chở hàng vượt tải trọng cho phép 100%), mức phạt 34 triệu đồng; Doanh nghiệp vận tải tư nhân Đào Vũ, ở An Nhơn, Bình Định, để cho người làm công chở vượt tải trọng, mức xử phạt 26 triệu đồng; Công ty TNHH Kinh doanh vận tải Thành Đạt, ở Nghi Lộc, Nghệ An, để cho người làm công điều khiển phương tiện quá tải, mức phạt 34 triệu đồng…

Đối với các doanh nghiệp chủ xe nếu tái phạm trong thời gian 1 năm thì lần xử phạt tiếp theo sẽ áp dụng hình thức xử phạt cao nhất (có thêm tình tiết tăng nặng). Đối với doanh nghiệp có nhiều xe vi phạm thì áp dụng với mỗi xe khác nhau, doanh nghiệp sẽ bị lập biên bản vi phạm hành chính đối với từng xe khác nhau.

Theo ông Thụy thì hiện nay Nam Định mới chỉ xử lý được đến chủ doanh nghiệp, chưa xử lý được nơi bốc xếp hàng hóa, nơi để hàng, mà chỉ có gửi công văn đề nghị Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam xử lý. Hiện Nam Định có trang bị cho TTGT 3 cân xách tay, CSGT 1 cân và 10 huyện mỗi huyện 1 cân xách tay để kiểm tra tải trọng lưu động, nhưng hiện có 3 huyện trả lại cân do không đọc được biển xe 5 số, gây khó khăn cho quá trình kiểm tra.

Để xử lý kiên quyết phương tiện quá tải, tới đây, TTGT tỉnh Nam Định kiên quyết tiếp tục xử lý chủ phương tiện để lái xe vi phạm nhằm mang tính răn đe cao hơn.

Trần Hằng
.
.
.