Xe trốn vé phá nát đường làng, dân lập chốt thu phí

Thứ Tư, 05/07/2017, 10:03
Đó là con đường liên thôn qua xã Lê Thiện nối với xã Dụ Nghĩa (cùng huyện An Dương, Hải Phòng) dài chừng 3km vòng qua Trạm thu phí số 2 - quốc lộ 5. Từ nhiều tháng nay con đường liên thôn này trở nên quá tải bởi lượng xe cơ giới qua lại suốt ngày đêm. Theo ước tính của người dân ở đây, mỗi ngày có đến hàng trăm lượt xe ôtô qua lại khiến con đường làng đầy rẫy ổ trâu, ổ gà, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn …

Bà Phạm Thị Nga, ở thôn Phí Xá, xã Lê Thiện bức xúc cho biết con đường này mới chỉ được rải đá cấp phối và đã xuống cấp nghiêm trọng. Hằng ngày người dân trong xã, nhất là các cháu học sinh qua lại phải chịu cảnh mùa mưa thì lầy lội, mùa khô thì bụi bặm. Thời gian gần đây đủ loại, từ xe con đến các loại xe du lịch, xe tải mang biển kiểm soát ở khắp các tỉnh, thành ùn ùn đi qua khiến cho tình trạng giao thông vô cùng phức tạp.

Bà Nga cho biết thêm nguyên nhân tình trạng này là do mức thu phí trên quốc lộ 5 tăng từ giữa năm 2016, nhiều chủ xe đi vòng qua đường làng để trốn vé. Thay vì phải mất 40 nghìn đồng mua vé qua Trạm thu phí quốc lộ 5, mỗi lần qua đây chủ xe chỉ phải bỏ 10 nghìn đồng.

Theo chỉ dẫn của bà Nga, từ Quốc lộ 5 theo hướng Hà Nội về Hải Phòng đến cách Trạm thu phí hơn 1km, chúng tôi rẽ vào con đường làng qua thôn Phí Xá đến thôn Cự, cùng xã Lê Thiện, sau đó vòng sang xã Dụ Nghĩa để ra quốc lộ 5. Cùng trên tuyến đường còn có rất nhiều xe các loại nối đuôi nhau xuôi ngược, trong đó chủ yếu là xe con, xe taxi và xe tải dưới 2 tấn mang biển số Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh...

Khi đến đầu thôn Cự, tất cả các xe đều bị ách lại bởi một chốt được dựng tạm có barie chắn ngang đường. Bên trong chốt, một số người ngồi trực sẵn, mỗi khi có xe ôtô thu của lái xe 10 nghìn đồng rồi cho qua.

Xe cộ nối đuôi nhau qua lại khiến con đường làng xuống cấp trầm trọng, mỗi phương tiện qua chốt phải nộp 10 nghìn đồng cho “nhân viên” của làng.

Lấy cớ dừng lại để hỏi đường, chúng tôi được người đàn ông ngoài 60 tuổi, là người trực tiếp thu tiền của lái xe qua chốt cho biết việc “thu phí” qua đường làng do bà con ở thôn Cự thống nhất và cử người ra thu để lấy kinh phí sửa chữa chính con đường các phương tiện đi qua đang ngày càng bị xuống cấp nghiêm trọng.

Theo đó hằng ngày các “nhân viên” chốt thu phí làng này chia làm 3 ca, túc trực suốt 24/24 giờ. Ngoài các phương tiện ở địa phương khác đi qua mức phí mỗi lần là 10 nghìn đồng, các phương tiện tiện thường xuyên qua chốt có thể mua “vé tháng” với mức tiền 300 nghìn đồng.

Để ý trong chốt, chúng tôi cũng thấy một tấm bảng treo với danh sách số lượng phương tiện đóng tiền mua vé tháng 6 có khoảng 20 xe các loại. Cùng với đó trong cuốn sổ thống kê hằng ngày của “chốt thu phí làng” chúng tôi ghi nhận ngày 15-6, số lượng phương tiện qua đây là 290 xe.

Thực tế quan sát trong vòng khoảng 15 phút ngồi tại chốt, chúng tôi đếm được chừng 20 lượt xe. Tuy nhiên khi được hỏi về lượng xe qua lại hằng ngày thì những “nhân viên” ở đây trả lời chung chung, còn tùy thuộc vào thời tiết mỗi ngày, hôm nắng thì nhiều, hôm mưa gió thì ít hơn…

Trao đổi với phóng viên về việc người dân thôn Cự tự phát lập chốt thu phí xe ôtô qua đường làng, Chủ tịch UBND xã Lê Thiện Phạm Văn Hải xác nhận việc này diễn ra từ đầu năm 2017 đến nay. Ông Hải cũng cho biết tình trạng xe tránh trạm thu phí ùn ùn đi qua đường làng thời gian qua không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt của bà con mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạ tầng giao thông nông thôn vốn đã yếu kém. Nhiều tuyến đường giao thông được xây dựng theo chương trình nông thôn mới do lượng phương tiện cơ giới trọng tải nặng thường xuyên đi qua đã bị phá nát.

Bà con trong làng bức xúc nhiều lần ra chặn đường, thậm chí xô xát với các chủ phương tiện. Tuy nhiên do là đường giao thông không có biển cấm nên phương tiện hoàn toàn có thể qua lại nên người dân đã có “sáng kiến” lập chốt để điều tiết tránh ùn tắc, khống chế xe trọng tải nặng và thu tiền những con, xe du lịch, xe tải nhẹ để làm kinh phí duy tu, sửa chữa đường sá.

Cũng theo ông Hải, một phần nguyên nhân xe trốn trạm thu phí là do đơn vị đứng ra thu phí đường bộ không quan tâm tạo cơ chế phù hợp cho người dân địa phương của các xã ở 2 bên Trạm thu phí. Nhiều người dân ở cách Trạm thu phí có mấy trăm mét nhưng hằng ngày phải đi làm hoặc giải quyết công việc khác qua Trạm đến 4, 5 lần. Trước đây giá phí chỉ 10 nghìn đồng thì còn có thể chịu được, nhưng nay tăng lên 45 nghìn, rồi mới giảm xuống 40 nghìn thì khó có ai chịu nổi.

“Vấn đề này chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị đến đơn vị thu phí, sau đó là các cấp có thẩm quyền, từ huyện đến thành phố, rồi Trung ương, thậm chí gửi cả đến Quốc hội. Hoặc là di chuyển Trạm thu phí về phía trên, đoạn giáp ranh với tỉnh Hải Dương, hoặc là có cơ chế giảm phí cho người dân địa phương” – ông Hải thẳng thắn chia sẻ. 

Bà Đào Thị Thái, Phó Trạm thu phí số 2 cho biết đơn vị có biết con đường đó, nhưng không biết người dân tổ chức lập chốt, thu tiền. Tuy nhiên việc kể cả có việc người dân lập chốt thu phí, nhưng nó không thuộc thẩm quyền của mình nên Trạm cũng không tiến hành kiểm tra hay khảo sát lượng xe qua lại hay thống kê doanh thu có bị thụt giảm hay không.

Cùng với đó, bà Thái xác nhận việc người dân nhiều lần kiến nghị có cơ chế thu phí với những người dân địa phương nhưng đây cũng không phải là thẩm quyền của Trạm nên vẫn thu phí bình thường và chờ hướng dẫn của cơ quan cấp trên.

Luật sư Vũ Đức Bảy (Đoàn luật sư Hải Phòng) cho rằng việc người dân tự ý lập chốt và thu phí là không đúng với quy định của pháp luật. Chính quyền địa phương phải có biện pháp ngăn chặn, không để người dân tự phát thu tiền của các chủ phương tiện.

Song, cùng với đó, cơ quan chức năng tiến hành lắp đặt các biển hạn chế xe trọng tải lớn, hoặc ấp lắp đặt các chốt, barie để ngăn xe trọng tải lớn đi vào gây hư hỏng đường giao thông.

Văn Huy
.
.
.