Nhắc nhở trước, xử phạt sau xe không dán thẻ đi vào làn thu phí không dừng

Thứ Ba, 12/11/2019, 08:13
Ngày 11-11, tại buổi ra quân xử lý xe chưa dán thẻ đi vào làn thu phí tự động không dừng (thẻ Etag), lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trước mắt lực lượng chức năng sẽ tuyên truyền, nhắc nhở các phương tiện chưa dán thẻ nhưng vẫn cố tình đi vào làn đường đã được phân loại phương tiện. Sau một tháng, chủ xe cố tình đi sai làn sẽ bị xử phạt nghiêm.


Bắt buộc thì mới dán…

Đó là câu trả lời của tài xế xe 30F-751.50 khi lưu thông trạm thu phí BOT Hà Nội - Bắc Giang trưa 11-11. Dù không dán thẻ nhưng tài xế này vẫn thản nhiên đi vào làn thu phí ETC. Khi được hỏi, tài xế này thành thật bảo, chưa có quy định xe không dán thẻ Etag bị xử phạt nên lúc nào có quy định bắt buộc mới dán.

Hơn nữa, trạm làm, trạm bỏ thì như không, chả có tác dụng nên chủ xe vẫn chưa “mặn mà” dù công nghệ thu phí không dừng rất hiện đại và nhiều tiện ích.

Trái với thái độ của tài xế nói trên, anh Đinh Văn Hoàng (Việt Yên-Bắc Giang) điều khiển xe 29C-721.48 lại tỏ ra bức xúc khi xe đã dán thẻ của làn thu phí không dừng, nhưng vì có những xe trả phí bằng tiền mặt, song lại đi vào làn không dừng, nên khi gần đến nơi, anh Hoàng vẫn phải đứng chờ.

Trạm thu phí BOT Hà Nội-Bắc Giang.

Ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thu phí tự động (VETC) cho biết, đến nay mới có khoảng 812.000 xe đã dán thẻ Etag.

Trong số những xe đã dán thẻ trên, tỷ lệ chủ xe đã nạp tiền vào tài khoản giao thông để sử dụng mới chỉ đạt khoảng 30%, một con số quá thấp so với kỳ vọng. Theo ông Vinh, thời gian qua, VETC đã mở rất nhiều hình thức như dán ở các trung tâm đăng kiểm và 210 điểm dán thẻ trực tiếp trên địa bàn cả nước.

Mỗi xe dán thẻ chỉ 5 phút nên tốc độ và thời gian là cơ bản đáp ứng. Ông Vinh cho biết, dự án lắp đặt triển khai thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 được thực hiện ở 44 trạm thu phí, đến nay đã triển khai 31 trạm, 13 trạm còn lại do nhà đầu tư BOT triển khai kết nối với VETC hoặc chưa được đầu tư, trách nhiệm đầu tư thuộc về nhà đầu tư BOT. 

Lực lượng liên ngành sẽ ra quân đồng loạt để nhắc nhở lái xe

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, dự án thu phí tự động không dừng là dự án đặc thù, có độ phức tạp về công nghệ cũng như tính pháp lý, nhất là lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam trên diện rộng, thời gian triển khai gấp rút.

Vừa qua, Tổng cục Đường bộ và các cơ quan liên quan đã phối hợp chặt chẽ để triển khai, bước đầu đã tạo điều kiện cho người tham gia giao thông và cũng minh bạch cho quá trình thu phí. Tuy nhiên, ông Thắng thừa nhận, dự án còn bất cập ở nhiều làn thu phí tự động không dừng vẫn có xe không dừng cùng đi qua, nhiều phương tiện dán thẻ nhưng chưa nạp tiền.

Vì thế, Tổng cục Đường bộ phối hợp Công an và Thanh tra giao thông và các nhà đầu tư triển khai đồng loạt ra quân tuyên truyền, nhắc nhở trên các tuyến. “Lưu lượng phương tiện thu phí không dừng qua trạm BOT Hà Nội-Bắc Giang hiện chỉ đạt 10%. Trong một tháng tới, lực lượng chức năng vừa tuyên truyền vừa gửi văn bản cho các đơn vị liên quan, nếu có vướng mắc tiếp tục tháo gỡ. Sau đó, trường hợp xe không có thẻ vẫn cố tình đi vào làn không dừng, gây ùn tắc và khó khăn cho những phương tiện có thẻ thu phí tự động có thể xử phạt ngay”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ khẳng định.

Lý giải về việc sẽ xử phạt bằng chế tài nào, ông Thắng cho rằng, Tổng cục đã chỉ đạo các nhà đầu tư BOT cắm biển từ xa, sơn kẻ vạch hướng dẫn các xe đi đúng làn dành riêng, với mong muốn người dân chủ động chấp hành, xử phạt chỉ là hãn hữu.

Được biết cách đây không lâu, trong văn bản gửi Bộ GTVT, chủ đầu tư dự án - Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (VETC) nói rõ việc triển khai dự án thu phí tự động không dừng gặp hàng loạt khó khăn, vướng mắc nên đề xuất Bộ GTVT hỗ trợ, hoặc trả dự án, cho làm thủ tục phá sản...

Công ty VETC là đơn vị ký hợp đồng với Bộ GTVT để triển khai lắp đặt, vận hành thu phí tự động giai đoạn 1 tại 44 trạm thu phí. Thủ tướng giao 26 trạm thu phí trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh phải xong trong năm 2018, số còn lại phải xong trước 31-12. Nhưng chỉ còn gần 2 tháng nữa là hết hạn, nhà đầu tư lại bất ngờ đòi trả dự án.

Cũng tại văn bản này, đại diện VETC thừa nhận, việc các nhà đầu tư BOT không hợp tác triển khai thu phí tự động đã ảnh hưởng tới tiến độ dự án, dù theo chỉ đạo của Thủ tướng, lộ trình thực hiện thu phí tự động phải xong trước 31-12-2019. Đại diện công ty đề nghị Bộ GTVT lựa chọn nhà đầu tư khác nhận chuyển giao thực hiện tiếp dự án (giai đoạn 1), hoặc Nhà nước nhận lại dự án để làm.

Nhà đầu tư này cũng kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng chỉ đạo giải quyết vướng mắc dự án, hoặc cho dừng hợp đồng và thực hiện thủ tục phá sản công ty VETC trong tháng 12-2019. Nếu VETC tiếp tục, Bộ GTVT phải chia sẻ rủi ro, bù phần doanh thu thiếu hụt so với phương án tài chính của hợp đồng.

Phạm Huyền
.
.
.