Xe buýt nhanh BRT đã có mặt tại Hà Nội
Hiện, Sở GTVT Hà Nội và các đơn vị thực hiện dự án đang gấp rút hoàn thiện các hợp phần kỹ thuật cuối cùng, dự kiến ngày 15-12 sẽ đưa xe buýt nhanh BRT vào chạy thử.
Hành khách sử dụng dịch vụ BRT phải mua vé từ, được tự động soát vé khi vào nhà chờ và lên xe.
Đèn tín hiệu tại các nút giao thông mà BRT đi qua sẽ được tích hợp với hệ thống trên xe và trung tâm điều hành giao thông để ưu tiên xe buýt này đi qua.
Xe buýt BRT vừa được đưa về Việt Nam. |
Để vận hành thử nghiệm tuyến xe buýt nhanh BRT, chiều 12-12, liên ngành Sở GTVT-Công an thành phố đã có tờ trình UBND thành phố xem xét, chấp thuận phương án tổ chức giao thông và vận hành thử nghiệm tuyến xe buýt nhanh BRT (từ Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa) thuộc Hợp phần BRT - Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội.
Sẽ có 29 xe được đưa vào chạy thử, với tần suất hoạt động từ 3-5 phút/chuyến; tốc độ vận hành trung bình từ 22-30km/h; thời gian vận hành 45-55phút/lượt.
Phương án phân làn dành riêng cho xe buýt cũng được tính đến như sau: Sơn vạch liền kết hợp đinh phản quang để bố trí làn dành riêng cho xe BRT tại các đoạn: Ba La – Quang Trung (Hà Đông) – Lê Trọng Tấn (Hà Đông) – Đường trục Bắc Hà Đông – Tố Hữu – Lê Văn Lương – Láng Hạ - Giảng Võ – Nút Giang Văn Minh - Cát Linh. (Chiều dài khoảng 12,2km).
Các đoạn không bố trí làn dành riêng (xe BRT chạy chung với các phương tiện khác) bao gồm: đoạn Yên Nghĩa – Ngã 3 Ba La; đoạn Giang Văn Minh - Kim Mã và Kim Mã - Giảng Võ. (Chiều dài khoảng 2,5km). Phương án tổ chức giao thông tại các điểm quay đầu sẽ là đóng điểm quay đầu trước cửa Triển lãm Giảng Võ cũ trên đường Giảng Võ, mở điểm quay đầu thay thế tại vị trí trước số nhà 189 Giảng Võ; Tại 12 điểm quay đầu trên tuyến (không có đèn tín hiệu): tổ chức sơn kẻ, lắp đặt đèn cảnh báo, biển cảnh báo.
Trong quá trình chạy thử xe buýt BRT, Sở GTVT cũng đề xuất phương án hạn chế các phương tiện khác dọc hành lang BRT.
Cụ thể, đối với xe tải, xe khách, xe hợp đồng sẽ cấm các phương tiện này hoạt động trong giờ cao điểm (sáng: 6h - 9h, chiều 16h30-19h30) trên tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông (đoạn từ Lê Trọng Tấn đến nút Tố Hữu – Vạn Phúc).
Trừ các xe chở học sinh, cán bộ công nhân viên và xe xử lý sự cố được hoạt động bình thường. Các trục đường giao cắt với tuyến đường BRT, các phương tiện này hoạt động bình thường.
Đối với xe taxi: Cấm các phương tiện này hoạt động trong giờ cao điểm (sáng: 6h - 9h, chiều 16h30-19h30) trên tuyến đường Giảng Võ – Láng Hạ - Lê Văn Lương.
Trừ các xe chở bệnh nhân cấp cứu, người già, người tàn tật, xe khắc phục sự cố được hoạt động bình thường. Các trục đường giao cắt với tuyến đường BRT, các phương tiện xe taxi hoạt động bình thường.
Các cơ quan, công ty, khách sạn, nhà hàng... trên hành lang BRT nếu có nhu cầu sử dụng xe taxi phải bố trí đầy đủ điểm đỗ và phải đăng ký logo phục vụ với Sở Giao thông vận tải.
Ngoài ra, sẽ tổ chức cấm dừng đỗ tất cả các phương tiện trên dọc tuyến đường hoạt động của BRT. Các phương tiện chỉ được phép dừng đỗ đón trả khách trên các tuyến đường ngang giao cắt với hành lang vận hành BRT hoặc tại các vị trí có bố trí sảnh, vịnh đón trả khách nhằm hạn chế nguy cơ ùn tắc giao thông trên dọc tuyến BRT.
Đối với 2 cầu vượt Láng Hạ-Huỳnh Thúc Kháng và Lê Văn Lương-Láng, Sở GTVT đề xuất phương án tổ chức giao thông như sau: Khi đến cầu, sẽ có tín hiệu đèn ưu tiên cho xe BRT lên cầu nhằm giảm xung đột với các loại phương tiện cơ giới khác.
Theo đó, sẽ cấm các phương tiện môtô, xe máy, xe đạp điện đi trên 2 cầu vượt trong giờ cao điểm (sáng: 6h - 9h, chiều 16h30-19h30). Cấm toàn bộ xe tải lưu thông trên 2 cầu vượt.