Xe ba bánh vi phạm lưu thông trên đường - Vì sao khó xử lý?
Bài 2: Xử lý như “bắt cóc bỏ đĩa”
Lý do “Bố thương binh, gia đình khó khăn”
Trực tiếp có mặt tại chốt CSGT ngã bảy Ô Chợ Dừa - Kim Liên, chúng tôi mới thấy công tác xử lý vi phạm xe 3 bánh của lực lượng CSGT Hà Nội gặp rất nhiều trở ngại. Một chiếc xe 3 bánh lưu thông hướng từ đường Tôn Đức Thắng đi Nguyễn Lương Bằng khi vừa nhìn thấy CSGT đã quay ngoắt chuyển hướng đi vào phố Đê La Thành với tốc độ cao rất nguy hiểm.
Một chiếc xe ba bánh khác do người đàn ông chừng hơn 40 tuổi chở hàng cồng kềnh hướng từ đường Xã Đàn về phía đường Tôn Đức Thắng vừa dừng trước đèn đỏ, đã nhanh chóng bị Trung úy Nguyễn Hải Anh, Đội CSGT số 3 ra hiệu lệnh đánh xe về chốt CSGT để kiểm tra.
CSGT kiểm tra một trường hợp tự nhận là thương binh điều khiển xe 3 bánh tự chế. |
Vừa tấp chiếc xe vào lề đường, với dáng vẻ khắc khổ, lấy từ trong túi áo ra chiếc thẻ thương binh cùng nhiều giấy tờ khác, người lái xe này đã vội phân bua: “Xe này của bố mình. Ông là thương binh năm nay đã 77 tuổi đang ốm ở nhà, nên hôm nay nhờ mình lái giúp. Nếu các đồng chí không tin, tôi sẽ về nhà dìu ông cụ ra đây”.
Không chỉ “mang” bố đang ốm nằm ở nhà ra trình bày, anh này còn kể thêm hoàn cảnh gia đình khó khăn, con nhỏ mới 4 tháng tuổi đang khát sữa, vợ thất nghiệp. Tất cả thu nhập gia đình chỉ còn biết trông chờ vào chiếc xe 3 bánh đứng tên người bố thương binh. “Hoàn cảnh” của người đàn ông này khiến cho các đồng chí CSGT tỏ ra khá lúng túng trong quá trình xử phạt. “Bố mình có công với cách mạng, với đất nước. Cũng chỉ vì nỗi mưu sinh nuôi sống bố mình với gia đình, mong các anh thông cảm”, người đàn ông này nài nỉ thêm.
Cũng thời điểm này, ở góc đường hướng Hoàng Cầu rẽ sang Kim Liên, một chiếc xe 3 bánh khác chở kính cũng đã được CSGT yêu cầu dừng lại kiểm tra. Mặc dù khoác trên mình bộ quần áo cựu chiến binh, nhưng thực tế lái xe Nguyễn Văn Hoàng năm nay mới ngoài 40 tuổi và điều chắc chắn rằng anh ta không phải là thương binh.
Khi được lực lượng CSGT yêu cầu xuất trình giấy tờ, người đàn ông này chỉ đưa ra được chứng minh nhân dân. Sau một hồi xin xỏ với hoàn cảnh khó khăn, chạy xe giúp một ông anh là thương binh không được, nhân lúc lực lượng CSGT không để ý, anh ta đã bỏ đi và để lại chiếc xe trên đường phố, gây khó khăn cho công tác xử phạt.
Chỉ chưa đầy 5 phút sau, một chiếc xe 3 bánh lại tiếp tục xuất hiện tại ngã bảy này. CSGT ra hiệu lệnh dừng xe, người đàn ông cầm lái thong thả bước xuống. Ông xuất trình giấy tờ chứng minh mình là thương binh hạng ¼. Trong tình huống này, các chiến sỹ CSGT chỉ tiến hành tuyên truyền nhắc nhở về việc xe 3 bánh tự chế đã bị cấm lưu hành, cũng như quy định tịch thu xe 3 bánh giả danh xe thương binh.
Một năm tịch thu gần 1.000 xe
Thông tin từ Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, trong năm 2015, Phòng đã tịch thu 910 xe 3 bánh giả danh thương binh chuyển cho cơ quan bán đấu giá của thành phố. Còn trong 6 tháng đầu năm 2016, Phòng đã xử lý tịch thu 325 xe. Xử lý xe 3 bánh giả danh thương binh, chở hàng hóa cồng kềnh chính là nội dung công tác hàng ngày của các đội thuộc Phòng CSGT.
Theo Trung tá Lê Tú, Đội trưởng Đội CSGT số 3, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội - đơn vị quản lý địa bàn quận Đống Đa, thì đây vốn là một trong những “điểm nóng” về hoạt động của xe 3 bánh tự chế tại Hà Nội. Trong chương trình kế hoạch công tác của Đội, không ngày nào là các tổ tuần tra kiểm soát vi phạm giao thông của đội không lập biên bản xử lý vi phạm của xe 3 bánh. Có những ngày, Đội xử lý tới vài chục trường hợp.
Thế nhưng, không biết lý do vì sao mà lượng xe 3 bánh vẫn chạy trên đường hàng ngày không những không giảm mà có dấu hiệu ngày càng tăng. Cũng nhờ vào sự kiểm tra, xử lý gắt gao, mà người điều khiển xe 3 bánh không đi vào những giờ cao điểm. Tuy nhiên, họ lại tranh thủ đi vào buổi trưa hoặc lúc các tổ công tác đang giao ca để hoạt động chở hàng.
Trung tá Lê Tú cũng cho biết, có những thời điểm, do Hà Nội xử lý gắt gao, tịch thu xe nhiều, một số người lại mang xe 3 bánh về đăng ký tại các tỉnh khác rồi quay lại Hà Nội để hoạt động chở hàng hóa.
Theo quy định, xe 3 bánh chỉ dành cho thương binh để di chuyển chứ không phải để chở hàng hóa. Tuy nhiên, do tính chất nhỏ gọn, có thể luồn lách vào các ngõ ngách, không bị cấm giờ lưu thông trên phố, nên nhiều người đã lợi dụng việc này sử dụng xe ba bánh là phương tiện mưu sinh kiếm sống. Gần đây, để có biện pháp đối phó với cơ quan chức năng, bên cạnh người điều khiển xe 3 bánh còn xuất hiện thêm một người ngồi cùng.
Khi bị kiểm tra, người ngồi cạnh là thương binh lấy lý do sức khỏe yếu, nên nhờ con cháu lái giúp. Đối với các trường hợp này, CSGT sẽ yêu cầu cả 2 phô tô chứng minh nhân dân, hộ khẩu. Nếu là bố con thật sẽ nhắc nhở, còn không sẽ xử phạt nghiêm theo quy định.
Xử lý xe ba bánh thực sự là một trong những vấn đề gây “đau đầu” lực lượng CSGT. Tại sao tịch thu xe nhiều, xử lý không phải là ít, mà xe 3 bánh tự chế vẫn chạy “vè vè” ngoài đường hàng ngày.
Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho hay: “Công tác kiểm tra, xử phạt các vi phạm của xe 3 bánh tự chế vẫn đang được lực lượng CSGT Hà Nội tiến hành hàng ngày hàng giờ. Tuy nhiên, khi xử lý xe 3 bánh không có đăng ký, không giấy tờ và người điều khiển phương tiện không phải là thương binh, thì rất nhiều thương binh thật lại đứng ra xin, kể lể hoàn cảnh… gây khó khăn rất nhiều cho công tác xử lý”.
Trung tá Lê Văn Tiến, Đội trưởng Đội CSGT số 14 cho biết: “Hiện nay, một trong những tác nhân gây ùn tắc, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn chính là xe ba bánh tự chế giả danh xe thương binh. Đã từng nhiều lần ra quân xử lý vi phạm, song lực lượng CSGT luôn gặp khó khăn. Nhiều khi họ còn chống đối. Hoặc xử lý thì họ chấp hành nghiêm, nhưng khi vừa rời vị trí chốt, thì lập tức lại có xe vi phạm. Sau khi mời các bác thương binh thật tham gia đợt cao điểm, chúng tôi thấy hiệu quả hơn. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng làm như vậy được”. Trung tá Lê Văn Tiến đưa ra kiến nghị, ngoài việc xử phạt, các cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp quản lý đối với những loại phương tiện này. Cụ thể, nên nghiên cứu chế tạo những mẫu xe dành riêng cho các đồng chí thương binh để phục vụ việc đi lại. Những chiếc xe này sẽ được đăng ký theo đúng quy định, tránh tình trạng xe tự chế mạo danh. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức người tham gia giao thông. |