Vietnam Airlines “lên tiếng” về đề xuất xin vay 12.000 tỉ đồng

Thứ Sáu, 12/06/2020, 22:32
Dù thị trường nội địa đang phục hồi nhanh chóng sau dịch COVID-19 song đại diện Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines cho rằng, nếu không được bơm vốn từ phía Chính phủ, tới tháng 8-2020 hãng sẽ cạn kiệt dòng tiền.


Ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban tài chính kế toán Vietnam Airlines thông tin: Theo dự báo mới nhất của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), toàn ngành hàng không sẽ bị giảm doanh thu 419 tỉ USD, dự kiến các hãng hàng không lỗ 84 tỉ USD. 

Với Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, riêng phần hoàn vé cho khách mua vé trước dịch rất lớn. Trong đó, từ giữa tháng 2 đến tháng 3 phải hoàn lại 4.000 tỉ đồng. Sản lượng cả năm của hãng giảm 48% so với 2019, doanh thu giảm 50.000 tỉ đồng, lỗ gần 20.000 tỉ đồng sau cắt giảm chi phí còn lỗ 15.000 - 16.000 tỉ đồng.

Lý giải thắc mắc vì sao máy bay không hoạt động lại lỗ nặng, ông Hiền cho hay chi phí cố định hàng tháng của hãng mất tới 2.100 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là thuê tàu bay (1.300 tỉ đồng) và chi phí khấu hao, bảo dưỡng sửa chữa máy bay, nhân công.  

“Vietnam Airlines lỗ nặng nhưng vẫn trụ được vì trước dịch hãng có tiềm lực tài chính mạnh và có 4.000 tỉ đồng trong tài khoản. Hãng cũng đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với dịch COVID-19 từ tháng 2-2020 như cắt giảm chi phí, người lao động không hưởng lương, phi công, tiếp viên công suất sử dụng chỉ là 5% nhưng bắt buộc phải giảm (giảm được khoảng chi phí 4.300 - 4.500 tỉ đồng), xin giảm giá, giãn tiến độ thanh toán với các đối tác. Có đối tác giảm hơn 1.000 tỉ đồng tiền thuê máy bay năm 2020 - 2021.

Đề cập đến việc hỗ trợ của các hãng hàng không, ông Hiền cho rằng, các nước đã hỗ trợ bảo lãnh cho vay và trực tiếp cho vay như Pháp, Hà Lan, Singapore… Chính phủ phát hành trái phiếu, cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi hay như Thái Lan thực hiện tái cấu trúc Thai Airways theo Đạo luật phá sản… Bên cạnh đó, Chính phủ các nước bơm vốn, phát hành trái phiếu cho các cổ đông để bơm vốn, tăng tiền cho các hãng bay.

Vietnam Airlines đã có báo cáo kiến nghị Chính phủ hỗ trợ với tư cách là chủ sở hữu của hãng (vốn Nhà nước chiếm tới 86%) đề nghị vay quy mô tối thiểu ít nhất 4.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi mức thấp nhất theo chính sách tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, phù hợp với tình huống hỗ trợ khẩn cấp, thời gian vay tối thiểu là 3 năm và có bảo lãnh của Chính phủ.

Phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn, Nhà nước sử dụng các nguồn vốn Nhà nước hoặc giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC)/Doanh nghiệp Nhà nước khác mua cổ phần thuộc quyền mua của Nhà nước, quy mô phát hành cân đối với phương án vay để đảm bảo 12.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn trung và dài hạn, Chính phủ bảo lãnh cho Vietnam Airlines phát hành trái phiếu 10 năm, quy mô 10.000 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội bay giai đoạn 2021-2025.

“Vietnam Airlines không xin ‘bơm tiền’ Nhà nước mà nếu Chính phủ không giải cứu thì khó có thể vay, nếu giải cứu thì niềm tin với các nhà đầu tư sẽ cao. Hãng không kỳ vọng xin được từ ngân sách Nhà nước mà vay sẽ trả. Hãng thừa khả năng trả do cân đối tổng tài sản trên 70.000 tỷ đồng từ tàu bay nhưng do dịch COVID-19 nên không bán được cho ai. Do đó, việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn,” vị Trưởng ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines nói.

Thừa nhận các giải pháp hỗ trợ trên sẽ gặp những vướng mắc về pháp lý khi vận dụng theo các quy định của luật pháp hiện hành, ông Hiền kiến nghị cần phải có các quyết định của cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng cơ chế đặc biệt để xử lý phù hợp với tình huống khẩn cấp.

Phạm Huyền
.
.
.