Giao lưu trực tuyến: Vấn nạn sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông – Hậu quả và xử lý

Thứ Sáu, 31/05/2019, 08:30
Nhằm góp phần nâng cao ý thức tự giác của người dân trong việc chấp hành pháp luật về giao thông; làm rõ những vấn đề bất cập trong quá trình xử lý vi phạm để hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn giao thông liên quan đến tài xế sử dụng rượu bia, chất kích thích, hôm nay 31-5, Báo CAND tổ chức tọa đàm với chủ đề “Vấn nạn sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông – Hậu quả và xử lý”.

Đến dự buổi giao lưu trực tuyến có các vị khách mời: Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch thường trực UBAT giao thông quốc gia; TS Đỗ Mạnh Hùng, Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Việt – Đức; Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an.

Về phía Cục Truyền thông và Báo Công an nhân dân có: Đại tá Phạm Quang Khải, Phó Cục trưởng Cục Truyền thông CAND, Phó Tổng biên tập Báo CAND; Đại tá Trần Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục truyền thông CAND, Phó Tổng Biên tập Báo CAND. Cùng tham gia buổi giao lưu trực tuyến có các đồng chí lãnh đạo và cán bộ phóng viên Báo CAND.


Đại tá Phạm Quang Khải tặng hoa các vị khách mời.

Phát biểu khai mạc buổi Giao lưu trực tuyến, Đại tá Phạm Quang Khải cho biết: Những tháng đầu năm 2019, đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến tài xế sử dụng rượu bia, chất kích thích; để lại hậu quả thật đau lòng: nhiều gia đình vĩnh viễn mất đi người thân hoặc có người thân phải mang thương tật suốt đời. Tai nạn giao thông nói chung, tai nạn giao thông liên quan đến tài xế sử dụng rượu bia, ma túy nói riêng đang là thực trạng nhức nhối hiện nay.

Đại tá Phạm Quang Khải phát biểu khai mạc.

Làm thế nào để giảm thiểu, hạn chế thấp nhất số vụ và hậu quả tai nạn giao thông là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Cùng với các bộ, ngành chức năng và Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, Bộ Công an đã có nhiều chỉ đạo CSGT và các đơn vị, lực lượng tăng cường những giải pháp, biện pháp phòng ngừa, hạn chế tai nạn giao thông, đặc biệt là các vụ tai nạn giao thông liên quan đến tài xế sử dụng rượu bia, ma túy.

Nhằm góp phần nâng cao ý thức tự giác của người dân trong việc chấp hành pháp luật về giao thông; làm rõ những vấn đề bất cập trong quá trình xử lý vi phạm để hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn giao thông liên quan đến tài xế sử dụng rượu bia, chất kích thích; thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, hôm nay, Báo CAND tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Vấn nạn sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông – Hậu quả và xử lý”.

Thay lãnh đạo Cục truyền thông CAND và Ban biên tập Báo CAND, tôi nhiệt liệt chào mừng và cảm ơn các vị đại biểu khách mời đã đến dự cũng như bạn đọc, cộng tác viên Báo CAND đã quan tâm theo dõi, gửi câu hỏi tới chương trình.

Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến.


Bạn đọc Hoài Thu (Đà Nẵng) có hỏi:
Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, tước đi mạng sống của người khác mà nguyên nhân là do lái xe sử dụng rượu bia. Xin hỏi Đại tá Đỗ Thanh Bình, ông đánh giá như thế nào về tình trạng tài xế sử dụng rượu bia lái xe thời gian gần đây?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Kính chào các độc giả của Báo CAND, thưa các đồng chí lãnh đạo cùng toàn thể phóng viên tham dự buổi toạ đàm! Thay mặt lãnh đạo Cục CSGT trân trọng cảm ơn Báo CAND đã tổ chức buổi toạ đàm có ý nghĩa, vấn đề nóng mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội đang quan tâm. Qua thảo luận tình hình KTXH ngày hôm qua thì rất nhiều ĐBQH đề cập đến tình trạng lái xe sử dụng rượu bia, ma tuý khi tham gia giao thông, gây tai nạn giao thông, gây bất an trong dư luận. 

Số liệu của Bộ Công an, trực tiếp là của Cục CSGT cho thấy, TNGT liên quan đến người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia trái phép còn diễn biến phức tạp. Có nhiều vấn đề, nhưng xét trên góc độ của CSGT thì đầu tiên là vấn đề ý thức, nhận biết rượu bia là nguy hiểm khi tham gia giao thông, gây nguy hiểm cho xã hội. Biết hay không thì tôi nghĩ người tham gia giao thông với trình độ dân trí hiện nay là biết. Tuy nhiên hành động cụ thể để chấp hành thì chưa tốt… Tý nữa Bác sỹ Hùng sẽ nói về thực trạng quá trình cấp cứu, chữa trị cho bệnh nhân tại bệnh viện là bức tranh về nỗi đau TNGT. Rất mong vấn đề này cần sự chung tay của xã hội, thực hiện nghiêm quy định pháp luật để giảm thiểu mất mát về tính mạng, tài sản và sức khoẻ của xã hội.

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT Bộ Công an.

Một câu hỏi nữa của bạn đọc Văn Khoa (TP Huế) gửi tới Đại tá Đỗ Thanh Bình: Ông có thể cho biết những con số cụ thể về việc lực lượng CSGT xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn của lái xe nhằm hạn chế nguy cơ TNGT từ đầu năm đến nay.

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng CSGT có nhiều chuyên đề có liên quan, trong đó có chuyên đề liên quan đến xử lý lái xe sử dụng rượu bia trái phép được đặc biệt quan tâm và thường xuyên. Đến nay đã xử lý 55 nghìn lái xe vi phạm quy định về rượu bia. Qua phân tích, người điều khiển mô tô xe máy là nhiều nhất, tiếp đến là ô tô cá nhân. Khung giờ vi phạm “sau giờ trưa” có diễn biến phức tạp. Biểu hiện rõ nhất, nhìn vào các bãi xe của các nhà hàng hiện nay, xe cá nhân đến các quán rất nhiều, các cuộc đám hiếu hỷ, các cuộc liên hoan có sử dụng lượng rượu bia tương đối cao…

Lực lượng CSGT làm căng mình. 55 nghìn trường hợp trong 6 tháng đầu năm tương đương với 70% tổng số vụ năm 2018. Đại tá Đỗ Thanh Bình cũng cho biết, CSGT chỉ là khúc cuối trong vấn đề kiểm soát rượu bia, đồng thời nhấn mạnh đến việc tăng cường nhận thức của người tham gia giao thông, nhận thức của xã hội, các chế tài có liên quan. Mong rằng trong thời gian tới sẽ giải quyết mang tính hệ thống.

Độc giả Trung Dũng nhóm 91-94 có hỏi, tôi thấy các vụ tai nạn do lái xe sử dụng rượu bia gây ra thường để lại hậu quả rất nghiêm trọng như vụ khiến 2 người phụ nữ tử vong tại hầm Kim Liên. Cá nhân tôi thấy rất phẫn nộ. Liệu có nên bổ sung hình thức phạt tước bằng lái xe vĩnh viễn đối với những người này hay không thưa ông?

Ông Khuất Việt Hùng: Đã là tai nạn giao thông do nguyên nhân nào hậu quả cũng không đáng mong chờ cho dù đó là quá tốc độ, đi sai làn đường hay vi phạm nồng độ cồn. Hiện nay vi phạm nồng độ cồn chiếm nguyên nhân cao. Từ vi phạm nồng độ cồn sẽ đi qua tốc độ, đi sai làn đường… 

Theo tôi, để nói chế tài đã đủ hoàn thiện, đã đủ sức răn đe hay chưa thì rất khó. Hầu như quốc gia nào cũng vướng mắc. Ví dụ như tôi bị phạt 4 triệu là cả gần tháng lương. Nhưng có những người khác là bình thường. Còn đề xuất tước GPLX vĩnh viễn tôi nghĩ chỉ đồng tình 1 số trường hợp. Ví dụ như đối tượng như kinh doanh vận tải tái phạm nhiều lần, gây tai nạn, gây chết người thì tước quyền lái xe kinh doanh vận tải vĩnh viễn. Còn tước quyền lái xe cá nhân thì xem xét. Có ý kiến cho rằng, phạt lao động công ích với vi phạm nồng độ cồn cũng là một chế tài nên xem xét. Nếu nâng mức xử phạt lên liên quan tài chính có thể phát sinh phức tạp. Nên có thể đổi chế tài thành lao động công ích như vào Bệnh viện Việt Đức phục vụ người bị thương do người khác vi phạm nồng độ cồn gây ra. Tôi nghĩ, có người sẵn sàng nộp phạt nhiều tiền nhưng nếu phải vào Bệnh viện để làm những việc như thế họ sẽ rất ngại và họ sẽ không tái phạm. Ở 1 số nước, người vi phạm nồng độ cồn bị phạt và cả người cung cấp cồn, người ngồi cạnh cũng bị phạt. Chúng ta nên xem xét vấn đề này.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch thường trực UB ATGT quốc gia.

Độc giả Hoàn (Đà Nẵng) có hỏi: Đề nghị cơ quan chức năng cho biết số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia trong 5 năm gần đây như thế nào? Các cơ quan chức năng đã có những giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng này? 

Ông Khuất Việt Hùng: Theo báo cáo từ Cục CSGT Bộ Công an, số vụ tai nạn giao thông có liên quan đến người có nồng độ cồn cao qua từng năm như sau: 

Năm 2014: 3,74%, 2015: 4,44%; 2016: 3,5%; 2017: 2,16%; 2018: 3,36%. Đây là những con số phản ánh gần nhất so với thực tế. Rất nhiều ý kiến cho rằng con số thực tế phải nhiều hơn số liệu báo cáo được đưa ra. Tuy nhiên, tôi xin khẳng định lực lượng CSGT đã báo cáo bằng hết khả năng của mình bởi khi thực hiện nhiệm vụ, việc đầu tiên là bảo vệ hiện trường trước, và sau đó là lập tức đưa người bị nạn đi cấp cứu. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hiệp hội ATGT toàn cầu và Ủy ban ATGT quốc gia năm 2012, tỉ lệ những trường hợp có liên quan đến nồng độ cồn là 35,1 %, đây là con số rất đáng suy nghĩ. 

Một ví dụ điển hình cho thấy, tại Bệnh viện Việt Đức dịp tết vừa qua, mặc dù là bệnh viện “tuyến cuối” nhưng những người nhập viện do tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn cao là hơn 25%. Về các chế tài xử phạt liên quan, theo nghị định 49/1995 đã nêu rõ, người vi phạm nồng độ cồn sẽ có chế tài xử phạt nặng hơn so với các vi phạm khác. 

Ví dụ, vi phạm nồng độ cồn nhưng chưa gây tai nạn sẽ bị phạt từ 4 triệu đồng trở lên và tước GPLX trong 6 tháng. Hiện nay, các lực lượng chức năng và CSGT xác định với hành vi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn luôn là hành vi xử phạt ưu tiên, đặc biệt là trong các dịp cao điểm. Việc làm mạnh, đều tay trong những năm vừa qua đã góp phần làm kéo giảm tai nạn giao thông. Đây là việc làm cương quyết của cả hệ thống chính trị, trong đó có lực lượng CSGT.

Độc giả Thu Ngọc TP.HCM hỏi: Thưa TS Đỗ Mạnh Hùng, ông hoặc các đồng nghiệp của ông đã cấp cứu, chữa trị nhiều nạn nhân bị tai nạn giao thông. Cảm xúc của ông về nỗi đau này như thế nào? Ông thường có suy nghĩ gì sau một ca cấp cứu người bị TNGT?

TS Đỗ Mạnh Hùng: Xin cảm ơn Báo CAND và các anh chị tổ chức buổi toạ đàm, trước khi chia sẻ về nỗi đau TNGT, tôi xin chia sẻ những con số về các vụ TNGT mà Bệnh viện Việt Đức tổng hợp được. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Bệnh viện Việt Đức đã tiếp nhận 271 trường hợp bệnh nhân đến vì TNGT, trong đó có 1 bệnh nhân tử vong, 12 bệnh nhân nặng nề. Bệnh nhân ở đây chính là những bệnh nhân sẽ tử vong, theo quan niệm dân gian thì người nhà xin về. Do đó, con số nặng về và tử vong có thể lên đến 13 người. Gần đây, dịp 30-4, 1-5 bệnh viện tiếp nhận 345 trường hợp bệnh nhân do TNGT, trong đó con số tử vong và nặng về lên tới 17 bệnh nhân. 

Một con số không hề nhỏ. Tổng thể năm 2018, Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận hơn hàng nghìn trường hợp, qua thống kê có tới 617 trường hợp liên quan rượu bia. Đây là những con số mang tính lát cắt ngang, trong đó con số thương vong không hề nhỏ. Về việc chia sẻ tình hình tiếp nhận bệnh nhân TNGT, có thể nói những bệnh nhân này đến bệnh viện với nhiều tổn thương khác nhau, trong đó nhiều nhất là chấn thương sọ não, chảy máu, tụ máu ngoài màng cứng, hôn mê. Tiếp đến là những tổn thương về vỡ tạng trong cơ thể, như chấn thương gan, chấn thương lách, gãy chi. Bên cạnh đấy là số lượng bệnh nhân chấn thương cột sống cổ, thắt lưng…

Khi tiếp nhận, thực sự nó như một nỗi đau của người bệnh, mỗi khi đến bệnh viện thấy người nhà bệnh nhân vật vã, đau đớn khóc, đôi lúc chúng tôi không dám nhìn, mà chỉ cần nghe thoáng qua tiếng khóc của gia đình bệnh nhân thì cũng đã cảm nhận đây là hoàn cảnh thương tâm. Nỗi đau đấy vượt qua cả những kiểm soát về cảm xúc thông thường. Vì bản thân họ đang khoẻ mạnh, tỉnh táo bình thường, đang trong một cuộc vui như đám cưới, sinh nhật thì đùng một cái nằm trên bàn mổ, tình trạng hôn mê, máu me be bét, do đó người nhà bệnh nhân tận cùng nỗi đau, không kiểm soát được tiếng khóc. 

Cái làm chúng tôi day dứt, ám ảnh nhất là tiếng khóc, không nhìn cũng cảm nhận được vô cùng thương tâm Đôi khi có những cái ngành y cứu chữa kịp thời nhưng có những trường hợp chúng tôi cũng phải bó tay, không thể cứu chữa được. Từ đó để lại trong chúng tôi sự dằn vặt, ám ảnh. Chỉ vì những niềm vui nhất thời, vô thức của mình mà không kiểm soát được hành động, họ đã sang trạng thái khác, để lại nỗi đau đớn cho người thân, người xung quanh. Qua buổi toạ đàm mong muốn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh để người dân ý thức hơn trong sinh hoạt cũng như sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.

TS, BS Đỗ Mạnh Hùng, Khoa phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Việt Đức.

Độc giả Hương Thu (Sinh viên Đại học Văn Hóa) hỏi: Thưa TS Đỗ Mạnh Hùng, chúng ta đều biết, khi uống rượu bia hoặc sử dụng chất kích thích, hành vi của con người sẽ không được “chuẩn chỉ” như bình thường. Như tôi, nói thật cũng không ít lần uống rượu bia rồi chạy xe máy. Cảm giác khi đó cứ lâng lâng, cần chạy nhanh cho mát… Đề nghị Bác sĩ cho biết cụ thể, với người điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia sẽ gặp phải những vấn đề gì về mặt nhận thức, hành vi, dẫn tới những nguy cơ mất an toàn giao thông.

TS Đỗ Mạnh Hùng: Như chúng ta biết, rượu bia là chất có hại, đặc biệt là với tinh thần thần ảnh hưởng đến thể chất thể dịch, trong ngành y là “nhiễm độc”. Đầu tiên là giảm phản xạ của người uống rượu bia. Tiếp đến là giảm sự phối hợp giữa các cơ quan, chức năng trong cơ thể. Sự tập trung chú ý quan sát cũng bị giảm sút. Tầm nhìn của lái xe cũng sẽ bị giảm, do mắt bị mờ hay cử động của mắt cũng hạn chế, sự bao quát tầm nhìn giảm sút. Giảm sự phán đoán của người tham gia giao thông. Cảm giác “hưng phấn” hay “kích thích” như độc giả vừa nói đều là do tác động lên thần kinh, dẫn đến sự manh động và nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Độc giả Minh Đức (TPHCM) hỏi, Khoản 2, Điều 260, BLHS quy định: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: a) Không có giấy phép lái xe theo quy định; b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn... Điều luật này có những bất cập sau:

- Không quy định rõ tình trạng có sử dụng rượu bia “vượt mức quy định” theo các mức độ khác nhau, vì người sử dụng rượu bia nhưng vẫn tỉnh táo điều khiển khác với người say xỉn, gây tai nạn. 

- Hành vi sử dụng rượu bia cũng chỉ đưa vào cùng khung hình phạt với trường hợp bỏ chạy, không có giấy phép, gây thiệt hại từ 500 triệu đến 1,5 tỉ... là không tương xứng mức độ nguy hiểm. Trong khi đó, tại khoản 3 (khung hình phạt nặng nhất) lại không có quy định hành vi sử dụng rượu bia, nhất là say xỉn gây tai nạn? Vậy theo ông, những bất cập này cần được xử lý như thế nào? 

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Theo quy định hiện nay ở nước ta, khi điều khiển ô tô không được có nồng độ cồn còn mô tô thì nồng độ cồn có giới hạn. Khi giải quyết các vụ tai nạn giao thông, lực lượng CSGT và Cảnh sát điều tra phải test nhanh, hoặc cơ quan y tế test qua máu để xử lý đúng người đúng tội theo quy định Bộ luật Hình sự. 

Hiện nay, có người nói tôi uống nhưng vẫn có khả năng lái. Ở mỗi nước họ nghiên cứu, người bình thường nếu sử dụng rượu bia sau bao lâu trở lại bình thường. Ở các nước trên thế giới cho người điều khiển phương tiện có thể sử dụng rượu bia ở giới hạn nhất định, sau đó căn cứ theo thời gian bài tiết hết ra khỏi cơ thể để có thể điều khiển phương tiện. Nhưng ở ta quy định rất nghiêm. Hành vi vi phạm nồng độ cồn và điều khiển phương tiện là cấu hình tội phạm hình sự, được gọi là tiểu hình. Bộ luật Hình sự chưa có hướng dẫn cụ thể vấn đề này. Tôi hi vọng có nghị quyết của quốc hội quy định cụ thể về việc xử lý hình sự vấn đề này. Anh vi phạm nồng độ cồn mức độ nào thì vi phạm hình sự. 

Thứ 2, hiện nay quy định xử phạt hành chính cao nhất đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn là 16-18 triệu nhưng 1 số quy định tại nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường sắt, đường bộ còn nhiều bất cập. Tai nạn là điều không mong muốn và chúng ta muốn triệt tiêu. Tuy nhiên, chúng ta chưa có sự kết nối của hành chính và hình sự. Hiện nay, chúng tôi và các cơ quan liên quan đang nghiên cứu những bất cập của nghị định 46/2016/NĐ-CP để sửa đổi. Đã gây tai nạn giao thông là tiệm cận với hình sự. 

Thứ 3, đã có quy định đối với công chức về uống rượu bia nhưng chúng tôi không có thông tin về xử lý bao nhiêu người. 

Thứ 4, việc tuyên truyền một cách quyết liệt chưa thực hiện được tốt. Độc giả rất quan tâm đến Luật phòng chống tác hại rượu bia. Cái nào là tự do kinh doanh, cái nào phụ thuộc quy định pháp luật để giải quyết tận gốc. Và vấn đề văn hóa, vừa giữ truyền thống phát huy hiện đại. Luật các nước cho uống rượu bia ở mức giới hạn. Vì vậy, chúng ta có thể xem xét việc cho phép sử dụng rượu bia liên quan đến khả năng bài tiết của người Việt Nam.

Ba vị khách mời giao lưu với độc giả.

Việc xử lý vụ việc tai nạn giao thông, trong đó có vấn đề tài xế sử dụng rượu bia ở mỗi nơi, mỗi vụ còn khác nhau. Nhiều vụ người vi phạm tìm cách “xoay xở” để chỉ bị xử lý về dân sự, hành chính, cơ quan bảo vệ pháp luật có lúc cũng “tùy cơ ứng biến”. Vậy cần sự hướng dẫn áp dụng đảm bảo thống nhất, tránh áp dụng “lệ làng” như thế nào? Câu hỏi này độc giả Thu Phương (TPHCM) xin gửi tới ông Khuất Việt Hùng.

Ông Khuất Việt Hùng: Đầu tiên phải khẳng định, Việt Nam quy định pháp luật thống nhất từ Trung ương đến địa phương, chứ không có cái nào là “lệ làng”, mức độ vi phạm và hậu quả của vụ việc là khác nhau thì sẽ xử lý khác nhau. Ví dụ, khi tài xế chưa gây ra tai nạn mà có nồng độ cồn cao thì sẽ chỉ có thể xử lý hành chính, còn trong trường hợp gây tai nạn thì sẽ xử lý hình sự và việc xử lý sẽ có sự kết hợp của các cơ quan chức năng như công an, viện kiểm sát… Việc xử lý nghiêm là tiêu chí đặt lên hàng đầu. Khi đã liên quan đến việc xử phạt hình sự thì các cơ quan chức năng có liên quan sẽ xem xét ở nhiều góc độ. 

Gần đây, như sự việc tài xế Nga gây tai nạn ở Hàng Xanh, có nhiều ý kiến cho rằng sự việc đang dần chìm xuống. Tuy nhiên, xử lý thì phải thông qua quy trình và sự việc này cũng vậy. Hiện tại, lực lượng công an đã chuẩn bị xong các thủ tục, tiến hành tạm giam và định ngày ra tòa. Vì vậy, nếu có thông tin cụ thể về sự việc, kính mong độc giả gửi thông tin về các cơ quan chức năng, nếu trách nhiệm thuộc về bên nào thì chúng tôi sẽ chuyển về bên đó để xử lí và trả lời thỏa đáng.

Các đại biểu dự buổi giao lưu.

Bạn đọc Anh Huy có hỏi qua fanpage Báo CAND: Khi lực lượng CSGT làm nhiệm vụ, phát hiện người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn vượt quá mức quy định nhưng có thái độ chống đối, nhục mạ, hành hung người thi hành công vụ, cần có biện pháp gì để xử lý? 

Ông Khuất Việt Hùng: Trên thực tế, không chỉ những người vi phạm nồng độ cồn, có một bộ phận người vi phạm các quy định pháp luật khác nhau đều có thái độ không hợp tác. Trong TTATGT, những người có hành vi vi phạm nào đó, như không đội mũ bảo hiểm, có hành vi rất manh động. Việc người vi phạm nồng độ cồn ở mức độ cao, có hiện tượng mất kiểm soát về tinh thần, thần kinh, có phản ứng không bình thường nhiều hơn những người ở trạng thái không vi phạm nồng độ cồn. 

Hiện nay có một dư luận, trào lưu rất nguy hiểm là giải thích sai và hiểu sai về quy định pháp luật. Quy định của chúng ta là người ra quyết định xử phạt thì có trách nhiệm chứng minh, nhưng người lập biên bản không có nhiệm vụ chứng minh sai phạm. Một bộ phận dư luận hiện nay cho là cứ bị CSGT xử phạt là yêu cầu chứng minh, rồi cản trở thi hành công vụ. Chỉ có lực lượng ở Việt Nam và một số nước khác thì được gọi là “Công an nhân dân” kiên trì thuyết phục, giải thích. Ở nhiều nước, cảnh sát là công cụ về mặt bạo lực để bảo vệ pháp luật. 

Vì vậy, khi có vi phạm nếu không tuân thủ sẽ cưỡng chế. Duy trì hình ảnh lực lượng CAND kiên trì, thuyết phục, nhưng vẫn phải tạo dư luận như trong trường hợp say rượu mà cứng đầu thì phải cưỡng chế. Cưỡng chế những người say rượu mà cứng đầu chống đối thì nhân dân chỉ có ủng hộ. Mong cơ quan báo chí lên tiếng về vấn đề này, nhưng phải truyền thông một cách thận trọng. Vấn đề giải thích pháp luật phải rõ cho người dân đồng thời cổ vũ và ủng hộ lực lượng chức năng.

Độc giả Dương (Hải Phòng) gửi câu hỏi tới Đại tá Đỗ Thanh Bình: Xin ông cho biết, hiện nay, công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý lái xe có nồng độ cồn được thực hiện như thế nào? Kết quả thời gian cụ thể trong thời gian gần đây? Trong quá trình xử lý vi phạm về nồng độ cồn, hiện gặp những khó khăn gì, hướng tháo gỡ ra sao? 

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT đã xử lý khoảng 55.000 trường hợp vi phạm nồng độ, tương đương khoảng 70% so với năm 2018. Thực hiện quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, chuyên đề xử lý nồng độ cồn được chúng tôi triển khai thường xuyên liên tục có trọng tâm trọng điểm. Kết quả vừa qua đã cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng CSGT. Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp những khó khăn về quy định của pháp luật. Ngoài chế tài, quyền lực giao cho CSGT bảo vệ người dân và cưỡng chế người vi phạm là rất yếu. Chúng tôi phải kiểm tra qua hơi thở, người bị kiểm tra phải thở hơi thở nhất định. Bình thường việc kiểm tra đã khó thì người có nồng độ cồn càng khó. Khi có kết quả, CSGT yêu cầu người vi phạm ký biên bản khi có nồng độ cồn thì hành vi chống đối, không chấp hành cao hơn. Tiếp theo, CSGT chỉ có quyền yêu cầu chấm dứt vi phạm, ra khẩu lệnh. Còn phương tiện tạm giữ… 

Vừa qua, đồng đội của chúng tôi ở Đội CSGT 14, Phòng CSGT Hà Nội bị đẩy mũ khi đang xử lý vi phạm nồng độ cồn. Mặc dù rất quyết liệt nhưng rõ ràng để xử lý 1 trường hợp vi phạm nồng độ cồn có khi mất 30 phút, thậm chí là cả tiếng đồng hồ nếu có hành vi chống đối. Chúng tôi mong muốn có sự đồng bộ về trang thiết bị. Chúng tôi cũng đề xuất bổ sung quyền của chúng tôi theo đúng quy định pháp để bảo vệ người dân, kiểm soát người vi phạm.

Bạn đọc Huy Hoàng hỏi: Đang trên đường đi thì phát hiện một xe ô tô có dấu hiệu do người say xỉn điều khiển (lạng qua lạng về, lừng khừng, lúc phóng nhanh, lúc ngừng hẳn), tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. Vậy tôi phải làm gì để cảnh báo trong trường hợp này? 

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Rất cảm ơn độc giả đã có câu hỏi rất hay. Theo chỉ đạo của Bộ Công an, vận động quần chúng là một trong những biện pháp cơ bản của lực lượng Công an. Tức là, người dân quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện cho lực lượng Công an hoàn thành nhiệm vụ. Khi bạn thấy 1 trường hợp có dấu hiệu vi phạm về giao thông như bạn mô tả thì bạn có thể thông tin đến lực lượng CSGT để chúng tôi bố trí lực lượng ngăn chặn và kiểm tra các hành vi vi phạm. 

Ngoài ra, bạn có thể gọi đến số điện thoại của Cục CSGT, có trực ban 24/7 như sau: 069.2342608, để chúng tôi tiếp nhận, xử lý thông tin ngay để đảm bảo an toàn cho mọi người. 

Tôi cũng chia sẻ thêm câu hỏi của anh Hùng vừa nói. Quan niệm của chúng tôi, sức mạnh để bảo vệ nhân dân nhưng phải cưỡng chế, kiểm soát người vi phạm. Cái thứ hai, như anh Hùng nói, Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định người thực thi pháp luật phải chứng minh nhưng người vi phạm cũng có quyền chứng minh. Tuy nhiên chúng ta giải thích chưa rõ và tiếp cận quy định này với tư duy rất khác với nguồn gốc quan điểm pháp luật. Của người ta là chứng minh trước toà thì chúng ta lại giải thích là tự chứng minh. Mà tự chứng minh thì giữa người thực thi công vụ và người sai phạm sẽ chuyển sang đôi co, tranh cãi. 

Chúng tôi chỉ đạo lực lượng CSGT, khi người ta yêu cầu phải chứng minh thì chúng tôi thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Nếu anh hay chị, ông hay bà không đồng ý với quyết định này có thể khởi kiện chúng tôi. Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan báo chí, đặc biệt Báo CAND cần thông tin rõ. Thực tế quy định không rõ nên người ta yêu cầu CSGT cho xem máy đo nồng độ có còn trong hạn kiểm định hay không, tem có mờ hay không… làm ảnh hưởng đến sức mạnh của lực lượng thực thi công vụ. 

Chúng tôi muốn làm rõ, cái chứng minh này là chứng minh trước toà, chứ không phải tranh luận tại hiện trường như một số trang mạng hay một số cá nhân hướng dẫn chống đối lại lực lượng CSGT… Cái này phải rõ ràng, tôi nói lại, riêng với nồng độ cồn, các nước chúng tôi di thăm và làm việc thì người ta cho rằng, chế tài, tính cưỡng chế và kiểm soát theo luật pháp Việt Nam, giao cho CSGT là quá nhẹ. Có nước cho rằng, khi kiểm tra phát hiện thì có quyền tạm giữ anh về đồn Cảnh sát nơi gần nhất, phương tiện khoá lại cẩu về để lưu giữ và làm nhanh các biện pháp cưỡng chế để ngăn chặn. Bao giờ test nồng độ cồn bằng 0 thì anh mới được về nhà. Có nước ra quyết định tạm giữ 15 ngày để hoàn thiện hồ sơ gửi ra toà, nếu thấy hành vi vi phạm ấy vi phạm hình sự thì còn phạt tiền, phạt tù.

Ba vị khách mời giao lưu với độc giả.

Độc giả Vũ (TP HCM): Lực lượng CSGT đã tổ chức chuyên đề kiểm soát nồng độ cồn ngay cạnh các nhà hàng, quán nhậu. Việc làm này có hiệu quả như thế nào? Có ý kiến cho rằng, cách làm này là “gài bẫy”, phản cảm với tập tục văn hóa, ẩm thực của người Việt, ý kiến ông như thế nào? Ông đánh giá thế nào về tính hiệu quả của các chốt chặn này? 

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Vấn đề đã trở thành mối quan tâm của toàn xã hội, sức mạnh lớn nhất đang được giao cho CSGT đó là xử phạt. Khi bố trí một chốt để xử lý nồng độ cồn, chúng tôi căn cứ vào nhiều yếu tố. Trong đó tính toán đến tính phổ biến của vi phạm, an toàn cho người thực thi công vụ và người có trách nhiệm, không gây ùn tắc, chỉ chốt ở những đoạn đường mà không phải là “quán nhậu” như độc giả nói, mà trên cơ sở nghiệp vụ của CSGT. 

Liên quan đến vấn đề văn hóa, rượu bia ở mức độ nào đó là văn hóa, nhưng vượt qua mức độ đó là tệ nạn. Tiếp cận rượu bia làm sao cho có văn hóa. Tôi có nghiên cứu luật phòng chống tác hại rượu bia, có quan tâm đến một số yếu tố như nơi được uống rượu bia, đối tượng tiếp cận, đối tượng được bán, loại rượu bia nào được và không được bán. Nếu sử dụng rượu bia ở không gian riêng thì tự do, còn ở nơi công cộng hay nhà hàng thì phải có thời gian và giấy phép, rượu bia bán phải được kiểm soát về chất lượng, làm thủ công thì chỉ phục vụ bản thân chứ không được phép kinh doanh. Đại tá Đỗ Thanh Bình cũng bày tỏ e ngại rằng tính hiệu lực của luật này chưa cao, cần phải phân tích sâu hơn.

Ba vị khách mời giao lưu với độc giả.

Độc giả Trương Ngọc (Hà Nam) hỏi: Trước đây có bàn đến việc những quán nhậu, nhà hàng không được bán quá 22 giờ, đến nay đã áp dụng hay chưa? Liệu giải pháp này có khả thi để hạn chế kéo giảm người sử dụng rượu, bia gây TNGT? 

Ông Khuất Việt Hùng: Trước đây, trong khi xây dựng dự thảo luật phòng chống tác hại rượu bia thì vấn đề này đã đưa ra thảo luận nhiều lần. Tuy nhiên trong quá trình trao đổi, thảo luận có nhiều nhận định khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải quy định thời gian bán rượu bia ở các điểm kinh doanh rượu bia, trong đó có các quán nhậu, nhà hàng…, có ý kiến khác nói cần phải xem xét đến yếu tố về văn hóa truyền thống và hoạt động kinh doanh. Do vậy vấn đề này cần phải được xem xét sâu hơn. 

Hiện nay quy định trên (việc những quán nhậu, nhà hàng không được bán quá 22 giờ) đã được đưa ra khỏi dự thảo luật. Theo hiểu biết của tôi, một số nước đã áp dụng việc hạn chế về thời gian và độ tuổi được phép sử dụng rượu bia, góp phần kéo giảm tỉ lệ tai nạn giao thông.

Biên tập viên Báo CAND đang gửi câu hỏi của độc giả tới các vị khách mời.

Độc giả Ánh Chi (TPHCM) có hỏi: Được biết, ở một số nước, nếu lái xe vi phạm nồng độ cồn, Cảnh sát sẽ gắn thiết bị lên phương tiện của lái xe để bắt buộc lái xe phải kiểm tra nồng độ cồn trước khi nổ máy, nếu lái xe có nồng độ cồn thì không thể khởi động được. Liệu chúng ta có thể sử dụng thiết bị này ở Việt Nam? 

Đại tá Đỗ Thanh Bình trả lời: Đối với quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam thì không thể. Tuy nhiên, theo đề nghị của CSGT trong đó có nhiều nội dung cần phải sửa, đầu tiên là sửa luật giao thông, tách phần TTATGT thành một ngành luật độc lập để quy định đầy đủ những quy tắc giao thông, những cái cấm của pháp luật đối với người tham gia giao thông, thẩm quyền của lực lượng chức năng. Thiết bị mà độc giả đang nói đến có thể là thiết bị Interlock, phải sửa luật xử phạt vi phạm hành chính mới có thể áp dụng. 

Liên quan đến CSGT có hai vấn đề: sửa luật ngoài tước GPLX có thời hạn thì có thể trừ điểm GPLX hay không. Đa dạng các biện pháp xử phạt, ngoài phạt tiền thì còn có thể có lao động công ích… Ứng dụng công nghệ như vậy cũng là để bảo vệ tính mạng của người tham gia giao thông, sẽ được sự đồng thuận rất cao của dư luận, và phù hợp với xu thế phát triển của khoa học công nghệ.

Độc giả Văn Công (Bình Dương) hỏi, nhiều vụ lái xe uống rượu bia, khi gây tai nạn đã lái xe bỏ trốn, hôm sau khi đã hết nồng độ cồn trong người mới ra CA trình diện. Vậy, CSGT có phương án xử lý những trường hợp này như thế nào để không bỏ lọt hành vi vi phạm về nồng độ cồn? 

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Câu hỏi này cũng là trăn trở của chúng tôi. Quy định về vấn đề này hiện nay chưa cụ thể. Theo quy định, khi TNGT xảy ra, lực lượng CSGT tiếp cận hiện trường phải tìm người điều khiển và phương tiện đó. 

Ví dụ, trong vụ TNGT xảy ra tại đường QL5 ở Hải Dương khiến 8 người tử vong, khi chúng tôi đến hiện trường, chúng tôi đã phải tìm ngay lái xe. Khi tìm được phải yêu cầu test ngay nồng độ cồn, ma túy. Tôi nghĩ rằng, quy định rời khỏi hiện trường trong các vụ TNGT phải cụ thể, nếu rời khỏi mức độ nào sẽ là bỏ trốn và không chấp hành quy định. 

Tôi vừa tiếp cận Luật Hình sự của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, họ có hẳn điều luật về gây TNGT bỏ trốn. Chúng tôi trăn trở vấn đề này và tham mưu xây dựng quy định cụ thể người điều khiển phương tiện được rời khỏi hiện trường và đến cơ quan Công an nơi gần nhất trong thời gian bao lâu.

Độc giả Hưng (Hà Nội) hỏi: Văn hóa của Việt Nam là khi gặp nhau trên mâm tiệc kiểu gì cũng phải cụng ly dù đó là bia hay rượu. Tôi nghĩ mấu chốt vấn đề là phải thay đổi nhận thức của người dân chứ tăng mức xử phạt cũng sẽ khiến các tài xế đối phó. Theo ông để thay đổi nhận thức phải bắt đầu từ đâu? Quan điểm của các khách mời khác? 

TS Đỗ Mạnh Hùng: Đúng là như các vị khách mời trước đã có ý kiến, nhóm giải pháp đầu tiên là sự cưỡng chế cũng như các biện pháp nghiệp vụ nhằm hạn chế việc uống rượu bia khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, xuất phát từ đầu chính là do nhận thức của mỗi người có nên uống rượu bia khi tham gia giao thông hay không. Văn hoá uống rượu bia khi tham gia cuộc vui là truyền thống ở Việt Nam rồi. Tuy nhiên việc đầu tiên chúng ta nên giáo dục từ học sinh ngồi trên ghế nhà trường về tác hại của rượu bia. 

Phải hiểu rõ rằng, nếu anh uống mức độ thì sẽ làm tăng cuộc vui, còn nếu uống quá nhiều thì tác hại đầu tiên thuộc về thể chất của người uống, ảnh hưởng đến gan, thận, nhiễm độc thần kinh, gây ra di chứng, hậu quả nặng nề nếu lạm dụng, sử dụng trong thời gian quá nhiều. Nếu chúng ta giáo dục lồng ghép vào các bài giảng, sinh hoạt cho các học sinh từ lúc còn bé, ngồi trên ghế nhà trường tiếp cận được thì sẽ góp phần thay đổi nhận thức. Tiếp đến là sự góp sức của giới truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân trong giảm thiểu lạm dụng bia rượu, đặc biệt khi tham gia giao thông. Từ đó, bố mẹ như tấm gương cho con cái của mình, trong bàn tiệc ăn uống có văn hoá, điều độ, góp phần giảm lạm dụng bia rượu và hậu quả của nó. 

Theo tôi, đó là vào cuộc của ban ngành, đoàn thể, đặc biệt là của khối giáo dục, truyền thông, thông tin để thay đổi nhận thức của người dân rất quan trọng. 

Cùng vấn đề này Ông Khuất Việt Hùng cho biết: Thực ra, văn hoá Việt Nam gặp nhau trên bàn tiệc là ăn uống, cụng ly thì các nước cũng thế, Nhật hay Trung Quốc, châu Âu cũng thế. Chưa chắc văn hoá uống rượu của Việt Nam đã lâu đời hơn các quốc gia ấy đâu. 

Ví dụ, rượu vang chúng ta học từ người châu Âu, hay rượu uýt-ki, bia đều du nhập nước ngoài. Nhưng, như ban nãy anh Bình có nói 1 câu, là làm sao uống có văn hoá, chứ không phải biến thành tệ nạn. Muốn trở thành người uống có văn hoá, uống lành mạnh phải tuyên truyền, giáo dục, phổ biến. Trước hết phải phổ biến tác hại của rượu bia. Hiện bia được quảng cáo rất thoải mái, “Đậm tình miền Trung” chẳng hạn, 10 lon là cũng đậm lắm. Cho nên việc giáo dục, tuyên truyền tác hại của rượu bia phải mọi nơi, mọi chỗ. 

Thứ hai là giáo dục nêu gương, người ta bảo “thủ trưởng nào phong trào ấy”, thủ trưởng mà không uống hay bảo giảm đi thì cơ quan cũng sẽ giảm đi. Hay thủ trưởng nói hôm nay đi nhậu mà tất cả anh em để xe cơ quan thì anh em sẽ tập trung đi taxi. Chúng ta đừng nhầm lẫn chuyện ấy, đừng nhầm lẫn say rượu thì lái xe mới nguy hiểm. Mà phải khẳng định, đã uống thì không lái. 

Chúng tôi làm một nghiên cứu gần đây nhất từ chính nạn nhân bị TNGT vào bệnh viện. 70% người bị tai nạn trả lời đường gần, hoặc hết sức tỉnh táo, tự tin. Chỉ 30% là nhận tôi say xỉn, tôi uống rượu bia gây tai nạn. Do đó trong tổng thể các giải pháp thì xử phạt luôn là giải pháp cuối, biện pháp giáo dục cuối, cùng mạnh mẽ nhất. Nhưng phải có. 

Đồng ý với độc giả phải tuyên truyền nâng cao nhận thức, nhưng nhiều người biết chắc uống rượu bia lái xe là vi phạm, là có nguy cơ gây tai nạn thì đối với họ phải phát hiện, cưỡng chế, ngăn chặn và xử phạt. Đấy cũng là bài học giáo dục, giúp họ bỏ ý thức sẵn sàng vi phạm pháp luật hay chống đối pháp luật. 

Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết thêm: Tôi thì nghĩ thế này, sử dụng rượu bia nếu bảo cấm thì không phải vì đây là nhu cầu chính đáng, xét về lịch sử văn hoá không phù hợp, khi còn bé ông nội tôi có chén mắt trâu uống rượu thuốc để nâng cao sức khoẻ. Nhưng ngày xưa đi bộ hay đi xe đạp, uống ở nhà. Bây giờ uống rượu xong đi xe máy, ô tô, càng ngày tốc độ càng cao, nhu cầu đi càng lớn… 

Văn hoá phải giữ nhưng phải tiên tiến, tức uống nhưng phải bảo vệ mình. Uống thì không lái xe, ai lái xe thì không uống. Uống có trách nhiệm với mình, với gia đình thì sẽ có trách nhiệm với toàn xã hội. Chứ cấm thì hoàn toàn cực đoan. Đối với Việt Nam nên tiếp cận góc đó. Còn về tác hại, ngoài tác hại sức khoẻ thì tác hại ảnh hưởng TTXH, tội phạm từ lạm dụng rượu bia cũng rất lớn. Nhu cầu chính đáng, và văn hoá nhưng tiên tiến ở đây là uống theo trách nhiệm, uống theo khả năng của mình, không ép nhau. Phù hợp yếu tố văn hoá, yếu tố truyền thống nhưng phải tiên tiến và gắn với thực tế. Tiếp cận như thế sẽ mạch lạc hơn.

Độc giả Minh Hòa (Đà Nẵng) hỏi: Thực tế hiện nay không chỉ người lớn uống rượu bia mà còn có những thanh thiếu niên cũng sử dụng rượu bia rồi điều khiển phương tiện. Đối với những đối tượng này thì trước nay xử phạt như thế nào để mang tính răn đe? Đồng thời tuyên truyền như thế nào để các em hiểu được tác hại của việc uống rượu bia khi tham gia giao thông?

Ông Khuất Việt Hùng: Hiện nay, trong quy định số 244 của Thủ tướng về kế hoạch hành động phòng chống tác hại rượu bia được kí cách đây 10 năm có quy định không đc bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên ở Việt Nam còn tồn tại “yếu tố văn hóa” (như việc bố bảo con đi mua rượu bia). Do đó, việc tiếp cận rượu bia ở Việt Nam là khá sớm, khoảng 15 tuổi. Tôi cho rằng đây là không đúng quy định. Trong quy định pháp luật, những người điều khiển phương tiện dưới 18 tuổi không được lái xe dù có uống rượu, bia hay không. Trong đó với người trên 14 tuổi nếu vi phạm thì sẽ tự chịu trách nhiệm còn với người dưới 14 tuổi thì người giám hộ sẽ bị xử lí. 

Biên tập viên Báo CAND đang chuyển câu hỏi tới các vị khách mời.

Tôi khẳng định là thanh niên hay bất kì ai khi vi phạm đều bị xử lí theo đúng quy định của pháp luật. Hiện nay theo số liệu từ Cục CSGT Bộ Công an cung cấp, cỡ khoảng 40% nạn nhân liên quan đến TNGT ở độ tuổi từ 15-27 tuổi, đây là tỉ lệ khá cao. Do vậy, trong nhóm đối tượng tập trung tuyên truyền và phổ biến về tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông thì đối tượng thanh thiếu niên luôn được chúng tôi quan tâm hàng đầu. 

Hiện tại, Đoàn TNCS HCM và Bộ Giáo dục đào tạo là hai cơ quan thành viên rất tích cực và chủ động trong công tác tuyên truyền và phổ biến quy định của pháp luật về vấn đề trên. Tuy nhiên việc vi phạm được coi là đặc điểm chung về tâm sinh lý không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác. Tuy chúng ta đã có nỗ lực nhưng cần phải làm tốt hơn nữa.

Anh Thế Hùng đang công tác tại Singapore hỏi trên fanpage Báo CAND: Thưa ông Khuất Việt Hùng, chắc hẳn ông có nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới trong việc phòng ngừa, xử lí tài xế uống rượu, bia hoặc sử dụng chất kích thích điều khiển phương tiện giao thông. Ông có thể cho biết, các nước láng giềng châu Á vốn gần gũi về văn hóa với Việt Nam có những biện pháp hữu hiệu nào để giáo dục, trừng phạt tài xế sử dụng rượu bia lái xe.

Ông Khuất Việt Hùng: Thực ra các quốc gia có văn hoá Á Đông như Nhật Bản, Trung Quốc thì chế tài xử phạt rất mạnh, rất nghiêm. Chế tài xử phạt rất rõ, rất cụ thể, để những người thực thi pháp luật có đủ thẩm quyền để thực hiện, đúng như chúng ta mong muốn là phát hiện, ngăn chặn, xử phạt; khi cần thiết thì cưỡng chế, trừng phạt những đối tượng cố tình vi phạm. Như vậy phải quy định rõ để cho người bảo vệ pháp luật tự tin làm việc. 

Tôi hay lấy ví dụ ở Nhật Bản, nếu người vi phạm bỏ chạy, chống người thi hành công vụ thì người ta đủ thẩm quyền cưỡng chế ngay, sử dụng trang thiết bị phương tiện được Nhà nước trang bị để ngăn chặn, cưỡng chế. Tôi rất thích hình thức phạt 3 bên như ở Nhật Bản. Phạt người vi phạm nồng độ cồn (phạt tiền hoặc phạt tù); phạt người cung cấp cồn cho người vi phạm và phạt người ngồi bên cạnh, việc xử phạt là tương đương. Ví dụ, vợ đi với chồng, chồng uống rượu mà vợ vẫn cứ ngồi cạnh thì vợ cũng bị xử phạt. Nếu chúng ta quy định được như thế thì tôi khẳng định sẽ giảm được rất nhiều hành vi vi phạm. Pháp luật quy định người vợ phải từ chối đi cùng, ngồi trên xe người chồng mà hơi thở có nồng độ cồn… 

Chúng ta cần phải có chế tài quy định như vậy. Chúng tôi rất mong muốn Luật phòng chống tác hại của rượu bia mà sắp tới Quốc hội sẽ bấm nút thông qua sẽ quy định chặt chẽ, nghiêm minh trách nhiệm của người kinh doanh rượu bia, trên cơ sở đó mới có chế tài được. Riêng xử phạt hành chính, chúng ta cũng có thể đưa vào việc xử phạt người ngồi cạnh người uống rượu bia trên phương tiện giao thông. Cũng giống như việc đội mũ bảo hiểm, người ngồi sau không đội mũ thì người lái xe cũng bị phạt. Riêng Luật phòng chống tác hại của rượu bia phải quy định chặt chẽ, nghiêm đối với trách nhiệm của người bán rượu bia. 

Ví dụ bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi nếu bị phát hiện có thể bị xử lý như thế nào; thậm chí nếu người dưới 18 tuổi bị ảnh hưởng sức khoẻ thì còn bị xử lý hình sự… Những cái đấy phải rất rõ, quy định trong luật thì mới kéo giảm tác hại của rượu bia nói chung, trong đó có tác hại của rượu bia dẫn đến TNGT…

Độc giả Ánh Dương (Hà Nội) hỏi: Tôi đã không ít lần chứng kiến người có biểu hiện say xỉn khi bị dừng phương tiện để kiểm tra, thường tỏ thái độ bất hợp tác, thậm chí lăng mạ, tấn công lại CSGT. Khi đó, CSGT dường như “nhẫn nhịn” và có vẻ bất lực. Trong khi ở nước ngoài, Cảnh sát nói chung và CSGT nói riêng thể hiện quyền năng rất rõ, chẳng hạn: Yêu cầu tài xế ngồi yên trong xe, đặt tay lên vô lăng, cấm nhúc nhích; ra khỏi xe phải đưa hai tay lên ôm đầu, nằm sấp mặt xuống đường… Phải chăng CSGT Việt Nam quá lành? Theo ông, cần làm gì để CSGT có đủ quyền năng, thực thi tốt hơn công vụ? 

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Chúng tôi đang báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, đồng chí Bộ trưởng rất quan tâm đến việc hoàn thiện dự luật khi sửa luật giao thông đường bộ thì có luật về TTATGT, trong đó thể hiện những vấn đề liên quan đến trật tự và an toàn cũng như thẩm quyền của các cơ quan chức năng. 

Ví dụ, kiểm tra nồng độ cồn thì CSGT được làm gì, trong trường hợp chống đối thì xử lý như thế nào. Đây là yếu tố quan trọng trong bảo vệ người dân nhưng cũng kiểm soát, cưỡng chế được người vi phạm. Hiện tại, lực lượng CSGT khi xử lý vi phạm về nồng độ cồn đều có tổ công tác rất đông theo quy định, trang bị phương tiện kỹ thuật, camera, nếu người tham gia giao thông có hành vi chống đối thì chuyển cho cơ quan điều tra để xử lý tùy mức độ, từ chống người thi hành công vụ hay gây rối trật tự công cộng hay vi phạm pháp luật nào khác ngoài vi phạm giao thông. 

Thẩm quyền hiện tại của CSGT của Việt Nam đang rất yếu so với các nước khác. Ông Khuất Việt Hùng cũng cho biết: Cần bổ sung, có những hướng dẫn cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các lực lượng bảo vệ pháp luật nói chung, trong đó có lực lượng CSGT, để đảm bảo có được lực lượng đầy đủ sức mạnh được quy định bởi pháp luật để có thể hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ ANTT và ATGT cho người dân. 

Hiện nay, những quy định còn thiếu, chưa cụ thể, “bó tay” và tự chúng ta “tước vũ khí” của lực lượng bảo vệ pháp luật. Rất mong muốn người dân quan tâm hơn, hiểu đúng và ủng hộ hoạt động của lực lượng chức năng để kịp thời phát hiện, xử lý người vi phạm. Quy định pháp luật chúng ta sẽ cố gắng hoàn thiện, nhưng phải làm sao để nhận thức người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chúng ta duy trì, bảo vệ và có lực lượng bảo vệ pháp luật đủ sức mạnh để bảo đảm an toàn cho người dân. Sự ủng hộ của người dân làm cho sức mạnh và hiệu lực của lực lượng bảo vệ pháp luật ngày một cao hơn.

Ba vị khách mời.
Kiến nghị của các đại biểu về các đơn vị liên quan về việc tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông? 

TS Đỗ Mạnh Hùng: Thứ nhất, nên chăng xem xét việc quảng cáo rượu bia trên các phương tiện thông tin đại chúng hay ở trên các sản phẩm rượu bia. Thứ hai, có thể xem xét việc tăng thuế các sản phẩm về rượu bia, góp phần giảm thiểu việc sử dụng chất có cồn, giảm thiểu nguy cơ gây TNGT. Thứ ba, cần quản lý chặt chẽ việc sản xuất bia rượu, đặc biệt là các sản phẩm rượu bia thủ công, tránh nồng độ cồn quá cao, gây ngộ độc. Cuối cùng, Bộ giao thông vận tải cần có những phương án đề xuất khuyến khích người dân sử dung các phương tiện giao thông công cộng, giảm thiểu nguy cơ tai nạn. 

Ông Khuất Việt Hùng: Tôi rất mong các cơ quan truyền thông từ chối toàn bộ quảng cáo liên quan đến rượu bia, kể cả rượu bổ. Thứ hai là tuyên truyền về tác hại của rượu bia đối với sức khỏe và dành sự ưu tiên xứng đáng cho việc này. Tôi khẳng định rằng chúng ta đều có những người bạn, người quen tử vong vì xơ gan, ung thư dạ dày, TNGT… do uống rượu bia gây ra. Vì vậy, đề nghị cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền tác hại rượu bia và nỗi đau do lạm dụng rượu bia. Đặc biệt, các cơ quan truyền thông cần tuyên truyền, nhấn mạnh tính nhân văn trong việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ pháp luật, đặc biệt là lực lượng CSGT. 

Theo tôi, càng nghiêm thì càng nhân văn, làm sao phát hiện và ngăn chặn càng nhiều hành vi vi phạm về rượu bia thì đấy chính là giúp cho giao thông, xã hội trở nên thân thiện hơn. Được biết, vừa qua thủ tướng đã phát động chiến dịch đi bộ 10.000 bước mỗi ngày, điều này vừa có lợi cho sức khỏe, vừa góp phần làm giảm tỉ lệ TNGT. 

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Cảm ơn cơ quan truyền thông đã đồng hành cùng chúng tôi trong việc tuyên truyền, phòng ngừa tai nạn rượu bia kể cả mặt được lẫn mặt chưa được. Theo tôi, thời gian tới, cơ quan truyền thông cần khách quan, nhanh chóng, kịp thời, liên tục có những chuyên đề chuyên sâu phản ảnh từ việc chấp hành đến khả năng thực thi các quy định pháp luật và đa dạng các chỉ dẫn để cho mọi người có cái nhìn khách quan về vấn đề này đặc biệt là tác hại của việc sử dụng rượu bia đối với xã hội.

Ba vị khách mời chụp với đại biểu dự buổi giao lưu.

Thưa ông Khuất Việt Hùng, để kết thúc chương trình, với tư cách là lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia, ông có thể có vài lời nhắn gửi đến bạn đọc Báo CAND để cộng đồng xã hội cùng chung tay đẩy lùi vấn nạn này?

Tôi rất cảm ơn buổi tọa đàm do Báo CAND tổ chức ngày hôm nay. Cuộc tạo đàm có ý nghĩa cá nhân tôi và tập thể cán bộ công nhân viên Ủy ban ATGT quốc gia. Cảm ơn độc giả đang theo dõi và sẽ đọc sau này nội dung cuộc tọa đàm. Rất mong thông điệp tôi chia sẻ có thể chưa phản ánh đầy đủ yêu cầu của nhiệm vụ đảm bảo TTATGT trong thực hiện chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, chính phủ và các bộ ngành đặt ra. Kết quả đảm bảo TTATGT có thể chưa như mong mỏi của nhân dân. 

Nhưng sự quan tâm độc giả là niềm động viên rất lớn với chúng tôi. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, độc giả hiểu được tình cảm và mong muốn một nền giao thông thân thiện, văn minh, an toàn của người dân và của những người thực hiện như chúng tôi, cùng lan tỏa đến những người xung quanh và cùng thực hiện khẩu hiệu “Đã uống rượu bia thì không lái xe”.


CAND Online
.
.
.