Vận chuyển bằng sà lan để giảm tải cho Cát Lái

Thứ Hai, 09/01/2017, 11:10
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường, nguyên nhân xảy ra kẹt xe tại khu vực cảng Cát Lái là do lượng xe vận chuyển hàng hóa qua cảng tăng mạnh.

Theo quy hoạch thì phải đến năm 2020 lượng hàng hóa qua cảng Cát Lái mới đạt mức 36 triệu tấn/năm, nhưng năm ngoái sản lượng hàng hóa qua cảng này đạt đã ở mức 53 triệu tấn, vượt gần gấp rưỡi so với quy hoạch. Ngoài ra, năm ngoái cảng Cát Lái còn phải gánh thêm một lượng hàng hóa không nhỏ từ các cảng khác chuyển về như Tân cảng Hiệp Phước và cảng Cái Mép. 

Cùng lúc, việc thực hiện siết chặt kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ khiến lượng xe ra vào cảng tăng 17% so với năm trước đó, trung bình mỗi ngày có tới 17.000 xe ra vào cảng Cát Lái. Trong khi đó, lượng hàng hóa thông qua cảng Cát Lái trong năm nay và các năm tiếp theo vẫn được dự báo sẽ còn tăng 8-10%, nên số lượng phương tiện ra vào cảng sẽ tiếp tục gây áp lực về tình hình giao thông cho cả khu vực.

Quá tải ngay tại khu vực cổng cảng Cát Lái.

Phân tích về nguyên nhân gây kẹt xe kéo dài thường xuyên xảy ra tại các tuyến xung quanh khu vực cảng Cát Lái như đường Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Vành đai 2, vòng xoay Mỹ Thủy… của Sở GTVT thành phố còn cho thấy, nguyên nhân là do tất cả các loại xe lưu thông vào cảng Cát Lái và qua phà Cát Lái đều chạy trên tuyến Nguyễn Thị Định. Các cổng ra vào cảng Cát Lái mặc dù nằm trên đường nhánh nhưng đều phải lưu thông qua tuyến Nguyễn Thị Định. 

Cùng lúc, phương tiện lưu thông từ quận 7 qua đường Vành đai 2 về cảng Cát Lái; rồi từ hướng cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây qua đường Đồng Văn Cống cũng đều phải đổ dồn về vòng xoay Mỹ Thủy để vào cảng Cát Lái dẫn đến tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại khu vực.

Để kéo giảm kẹt xe triền miên cho nút giao thông Mỹ Thủy, việc nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Thị Định cũng đã được thành phố chấp thuận, bố trí vốn chuẩn bị đầu tư. Song dự án được cắt ra làm đôi, đoạn từ nút giao Mỹ Thủy đến phà Cát Lái được giao cho Khu Quản lý GTĐT số 2 làm chủ đầu tư. 

Đoạn còn lại từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy được chia phần cho Ban Quản lý đầu tư xây dựng quận 2 làm. Đến thời điểm này công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi mới vừa được thực hiện và dự kiến phải đến năm 2020 việc mở rộng tuyến mới có thể hoàn thành. 

Trong khi đó, theo nhiều người dân ở quận 2, cần phải nhanh chóng mở rộng đường Nguyễn Thị Định để giảm tải cho tuyến Đồng Văn Cống và mở rộng đường số 5 để giảm tải cho tuyến Vành đai 2 để tránh gây ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp. 

Tiếp đó, dự án mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh cũng được xác định phải đến năm 2020 mới hoàn thành. Dự án mở rộng tuyến này cũng được chia đôi, đoạn từ đường Vành đai 2 đến đường vào KCN Phú Hữu vừa được thành phố giao cho Công ty ITC lập báo cáo nghiên cứu khả thi; đoạn còn lại từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu xây dựng do quận 2 làm chủ đầu tư hiện cũng còn đang trong giai đoạn khảo sát…

Theo một lãnh đạo Hiệp hội Vận tải hàng hóa thành phố, lượng hàng hóa XNK tăng nhanh, nhưng chỉ dồn về cảng Cát Lái thì ngay cả khi được mở rộng hết cỡ, hệ thống đường sá kết nối vào cảng cũng không thể tải hết. Do đó, trước mắt cần khắc phục tình trạng cảng quá tải, cảng không hàng xảy ra trong chính nội bộ các cảng có cùng đơn vị chủ quản. 

Chẳng hạn cảng Cát Lái quá tải, còn Tân cảng Hiệp Phước cách đó không xa lại rất ít tàu vào làm hàng. Hay như nhóm cảng ở khu vực Cái Mép - Thị Vải, lượng hàng hóa cũng rất ít. 

Mặt khác, khi đội xà lan vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy của các cảng và một số doanh nghiệp vận tải sẵn sàng phục vụ với cước phí thấp hơn đường bộ, thì ngay cả những container hàng hóa có lộ trình trên các tuyến thủy thuận tiện; thậm chí là tuyến xa về tới khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng vẫn cứ chọn cách chạy long nhong trên đường bộ. 

Vì vậy, phải làm sao khắc phục được nghịch lý đường thủy không hàng, đường bộ quá tải với Cát Lái mới có thể nói chuyện giảm kẹt xe ra vào khu vực cảng Cát Lái.

Đ.Thắng
.
.
.