Ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ

Chủ Nhật, 15/11/2020, 08:33
Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGT) đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 đang diễn ra.

Một trong những nội dung nổi bật trong dự án Luật đó là quy định về ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác bảo đảm TTATGT đường bộ để hướng đến việc áp dụng khoa học công nghệ thay cho con người, phục vụ con người tốt hơn. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về quy định này, Phóng viên Báo CAND đã phỏng vấn Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, vì sao trong dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ lại hướng đến việc ứng dụng khoa học công nghệ thay thế con người?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Việc ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ thay thế con người là xu thế của thế giới hiện nay. Đây là một bước tiến mới, mạnh mẽ đi trước đón đầu của dự thảo Luật này, thể hiện sự đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, phù hợp với các chính sách của Đảng và Nhà nước, tăng cường tính khách quan, công khai, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính, đặt nền tảng cho ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác này; tạo điều kiện tốt nhất phục vụ Nhân dân, thực hiện tinh giản biên chế, tổ chức bộ máy và phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ của thế giới, điển hình là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ứng dụng công nghệ cũng là một biện pháp để nâng cao năng lực, uy tín của lực lượng CSGT.

Dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ có những quy định hết sức tiến bộ và yêu cầu khách quan về ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, cùng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, kỳ vọng sau khi Luật được ban hành sẽ tạo được bước tiến mới, mạnh mẽ về an toàn giao thông, quản lý hoạt động giao thông gắn với quản lý ANTT, tạo dựng môi trường an toàn trên các tuyến đường, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Hình ảnh giám sát phương tiện tại Trung tâm điều khiển giao thông, Cục CSGT.

Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết những nội dung cụ thể quy định trong dự thảo Luật về ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo đảm TTATGT?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Trong dự thảo Luật, nội dung ứng dụng khoa học công nghệ thể hiện ở 3 nhóm vấn đề chính. Cụ thể, thứ nhất: Nhóm các vấn đề quy định về nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ công tác quản lý về trật tự, an toàn giao thông đường bộ được quy định tại 2 Điều của Dự thảo Luật là Điều 7 và Điều 8.

Trong đó, Điều 7 Quy định về Trung tâm thông tin chỉ huy, được tích hợp các hệ thống giám sát, xử lý vi phạm TTATGT đường bộ; hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông tự động; hệ thống thông tin liên lạc thông suốt; chỉ huy điều hành giao thông; hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành; đồng thời kết nối với các hệ thống camera của cơ quan quản lý đường bộ, người dân (người dân tự nguyện kết nối). 

Quy định này là tiền đề, cơ sở pháp lý triển khai, hiện đại hóa các hoạt động quản lý an toàn giao thông ở nước ta hiện nay, từng bước các hoạt động quản lý an toàn giao thông được thực hiện thông qua một trung tâm chỉ huy tập trung thống nhất, để giám sát hoạt động giao thông, kịp thời phát hiện, giải quyết các tình huống giao thông, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ…

Tại Điều 8 quy định về cơ sở dữ liệu dùng chung trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, gồm: Cơ sở dữ liệu về phương tiện giao thông; cơ sở dữ liệu về người điều khiển phương tiện giao thông; cơ sở dữ liệu về bảo hiểm của chủ xe cơ giới; cơ sở dữ liệu về tổ chức giao thông; cơ sở dữ liệu về vi phạm hành chính; cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông và thông tin dữ liệu của xe ôtô kinh doanh vận tải, hệ thống quản lý điều hành giao thông khác. 

Lần đầu tiên, pháp luật quy định cụ thể một bộ cơ sở dữ liệu dùng chung thống nhất, hoàn chỉnh, quản lý có hệ thống, thực hiện liên thông giữa các bộ, ngành, cơ quan liên quan, phục vụ chung công tác quản lý Nhà nước về TTATGT đường bộ, công tác bảo đảm an ninh, trật tự và các công tác quản lý Nhà nước khác có liên quan, phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, quy luật phát triển của giao thông đường bộ và bảo đảm an toàn giao thông trong tình hình hiện nay. Từ đó sẽ khắc phục được tình trạng ứng dụng khoa học công nghệ, cơ sở dữ liệu còn đơn lẻ, thiếu thống nhất trong thời gian qua.

Ngoài 2 điều trên,  tại các Chương, Điều quy định về từng lĩnh vực quản lý Nhà nước, đều có các quy định về ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý. Ví dụ như tại Điều 44, Điều 45 về đào tạo, sát hạch lái xe, quy định tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý. 

Tại Chương IV (Tổ chức an toàn, chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ - các Điều 48, Điều 49, Điều 53): Ưu tiên ứng dụng hệ thống giao thông thông minh trong điều hành, hướng dẫn giao thông; vận hành trung tâm chỉ huy giao thông hợp lý, khoa học; chỉ huy điều khiển giao thông thông qua vận hành đèn và hệ thống đèn tín hiệu giao thông, để phòng ngừa ùn tắc giao thông, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, giải quyết tốt, kịp thời ùn tắc giao thông khi xảy ra. 

Chương VI (Thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ - tại Điều 62), quy định sử dụng thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm là một hình thức phát hiện vi phạm về TTATGT đường bộ, để ghi lại hình ảnh hành vi vi phạm của phương tiện giao thông, có đầy đủ tài liệu chứng cứ chứng minh vi phạm, phù hợp với quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính: “Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính”, khắc phục tình trạng đôi co giữa người thực thi công vụ và người vi phạm trong xử lý vi phạm giao thông thời gian qua về các chứng cứ chứng minh vi phạm.

Thứ 2, là tập trung ở nhóm vấn đề quy định về quản lý xe ôtô không người lái, phương tiện giao thông đa tính năng.

Nhóm thứ 3, là quy định về chính sách của Nhà nước về ứng dụng khoa công nghệ trong công tác bảo đảm TTATGT đường bộ:

Tại Chương I (Điều 5): Nhà nước có chính sách trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, là tiền đề, cơ sở pháp lý để đầu tư, khuyến khích huy động mọi nguồn lực khoa học công nghệ của xã hội vào trong công tác này.

Phóng viên: Đồng chí vừa nói đến quy định về quản lý ôtô không người lái và phương tiện giao thông đa tính năng. Đây là loại phương tiện đang rất xa lạ ở Việt Nam. Vậy tại sao phải quy định trong Luật này?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Quy định về ôtô không người lái và phương tiện giao thông đa tính năng là một quy định hết sức tiến bộ, đi trước đón đầu, đặt nền móng cho quản lý phương tiện giao thông trong tương lai và có sự tiếp thu kinh nghiệm quốc tế trong công tác quản lý phương tiện giao thông. 

Vấn đề này được quy định cụ thể tại chương III: Phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ - tại Điều 37, Điều 40, đã giao Chính phủ quy định lộ trình sử dụng biển số xe điện tử, quy định về điều kiện tham gia giao thông của xe ôtô không người lái, phương tiện giao thông đa tính năng phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và công nghệ. Sở dĩ quy định này trong Luật vì Đây là một quy định hết sức tiến bộ, đi trước đón đầu, đặt nền móng cho quản lý phương tiện giao thông trong tương lai và có sự tiếp thu kinh nghiệm quốc tế trong công tác quản lý phương tiện giao thông.

Riêng đối với xe không người lái, qua trao đổi kinh nghiệm với Cảnh sát các nước, luật đã thiết kế đặt nền tảng cho hoạt động, nhưng cũng tính đến các yếu tố, phòng ngừa việc sử dụng loại xe này vào mục đích gây mất an ninh, an toàn.

Phóng viên: Được biết, hiện nay hệ thống giám sát giao thông – một trong những nội dung ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo đảm TTATGT đang có rất nhiều đơn vị đầu tư, quản lý và sử dụng. Vậy, nếu khi dự Luật được thông qua thì các đơn vị trên có được sử dụng các hệ thống giám sát do mình đã đầu tư hay không? Việc tích hợp sẽ như thế nào thưa đồng chí?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Hiện nay, có rất nhiều đơn vị trang bị hệ thống camera giám sát để phục vụ cho mục đích của mình. Ví dụ, đơn vị quản lý đường cao tốc thì sử dụng để kiểm soát số lượng phương tiện ra vào; VOV giao thông sử dụng để biết tình hình giao thông nhằm thông tin đến thính giả nghe đài; ngành GTVT dùng để quản lý hành trình… 

Ngoài ra, các tỉnh, thành phố, kể cả cấp huyện, thị, xã, phường nhiều nơi cũng trang bị hệ thống giám sát để quản lý địa bàn. Tuy nhiên, tuỳ theo mục đích, khả năng tài chính khác nhau nên mỗi đơn vị lại trang bị hệ thống giám sát khác nhau, không tích hợp được với nhau nên rất lãng phí. Như vừa rồi tại diễn đàn Quốc hội, đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã chia sẻ việc giám sát trên đường cao tốc. Mặc dù đơn vị quản lý cao tốc có camera giám sát nhưng khi cần kiểm tra phương tiện đó màu gì, BKS bao nhiêu thì không kiểm tra được vì mục đích của họ chỉ sử dụng hệ thống giám sát để kiểm đếm phương tiện nên lại phải thêm camera để làm việc này. Như vậy rất lãng phí, tốn kém. Chính vì vậy, việc trang bị phải đạt quy chuẩn, phải kết nối được về trung tâm để dữ liệu, thông tin đó dùng chung cho nhiều đơn vị, không chỉ phục vụ quản lý giao thông mà còn phục vụ phòng, chống tội phạm, nhằm tiết kiệm tài nguyên, tránh lãng phí và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.

Phóng viên: Theo đánh giá của nhiều người dân thì quy định về tín hiệu đèn trong các đô thị hiện nay còn nhiều bất cập, tín hiệu vẫn xanh – đỏ theo lập trình sẵn dẫn đến việc ùn tắc giao thông. Vậy đồng chí cho biết, việc điều khiển tín hiệu đèn sẽ thực hiện như thế nào trong Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Tới đây, chu kỳ đèn tín hiệu giao thông sẽ được lắp điều chỉnh tự động xanh – đỏ theo lưu lượng phương tiện thực tế, có tính liên thông toàn tuyến để hạn chế tối đa ùn tắc giao thông. Nếu cần điều chỉnh để phục vụ các hoạt động trên đường như các sự kiện, dẫn đoàn sẽ điều chỉnh tại trung tâm theo hướng đèn xanh mới được đi.

Phóng viên: Được biết, hiện nay, có tình trạng các phương tiện sử dụng BKS ngoại giao và BKS nước ngoài đã hết thời hạn được cấp phép nhưng vẫn lưu thông trong nội địa; BKS giả, BKS không đảm bảo tiêu chuẩn… vẫn khá phổ biến và việc kiểm soát khá khó khăn. Vậy đồng chí cho biết, khi dự Luật có hiệu lực, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong kiểm soát TTATGT thì có phát hiện, xử lý được tình trạng trên không?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Hệ thống camera nhận dạng biển số ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ được tích hợp với dữ liệu đăng ký xe, xe nước ngoài lưu thông tại Việt Nam để phát hiện các biển số giả (lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo, chúng tôi sắp đưa biển số, giấy đăng ký xe có gắn mã QR Code vào hoạt động). Như vậy có nghĩa là hệ thống giám sát hiện đại, hoàn toàn có thể “quét” được các phương tiện có BKS không do cơ quan có thẩm quyền cấp. Các phương tiện hết thời hạn cấp phép cũng sẽ được phát hiện ra. Đây cũng là biện pháp hiệu quả để phòng, chống tội phạm, phát hiện chính xác các vi phạm qua hệ thống giám sát.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!


Phương Thuỷ (thực hiện)
.
.
.