Trị “căn bệnh” taxi ngoại tỉnh vào Hà Nội “chặt chém” du khách

Thứ Sáu, 22/09/2017, 10:14
Sở GTVT Hà Nội cũng đã triển khai nhiều biện pháp để dẹp gần 8.000 taxi, xe hợp đồng từ ngoại tỉnh, “taxi dù” tràn về. Nhưng hiệu quả lại chưa được như mong muốn bởi lực lượng còn mỏng, không kiểm soát được hết. 


Những ngày qua, thông tin về việc 2 du khách nước ngoài bị lái xe taxi mang BKS 30A-562.18 của Công ty TNHH Taxi Đại Hòa Phát, tỉnh Vĩnh Phúc có hành vi thu cước quá giá 870.000 đồng khi đi từ phố Hàng Quạt, quận Hoàn Kiếm đến Bảo tàng Dân tộc học, Hà Nội đang gây bức xúc trong dư luận. Gian lận cước với khách du lịch nước ngoài không phải lần đầu diễn ra nhưng hành vi “chặt chém” này lại một lần nữa gióng lên cảnh báo về công tác quản lý taxi ngoại tỉnh ồ ạt hoạt động tại Hà Nội.

Nhiều vụ taxi ngoại tỉnh “chặt chém” cước

Đã có nhiều khách du lịch nước ngoài sang Việt Nam bị tài xế taxi “chặt chém” vì cho rằng họ không am hiểu về giá cả, quãng đường đi. Tuy nhiên, hành vi chụp giựt, thiếu trung thực này đã nhiều lần bị xử lý nhưng một số tài xế vẫn không lấy làm bài học, lợi dụng được cơ hội thì vẫn “chém đẹp” du khách. Vậy, việc xử lý hành vi gian lận cước taxi của lái xe 30A-562.18 này như thế nào là việc đang được dư luận quan tâm.

Trao đổi với PV Báo CAND ngày 19-9, ông Trần Đăng Hải, Chánh Thanh tra GTVT, Sở GTVT Hà Nội (Thanh tra GTVT Hà Nội) cho biết: “Thanh tra GTVT Hà Nội đã nhận được thông tin trên. Tuy nhiên, do hãng taxi này đặt trụ sở tại tỉnh Vĩnh Phúc nên Thanh tra GTVT Hà Nội không xử lý trực tiếp mà gửi công văn về tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị phối hợp xử lý vi phạm. Chúng tôi đã gửi công văn đi và đang chờ phúc đáp”. Cái khó hiện nay là Hà Nội đang tiếp nhận cuộc “đổ bộ” của taxi ngoại tỉnh nhưng lại mang BKS Hà Nội tràn vào. Việc quản lý đang khiến cơ quan chức năng đau đầu.

Cách đây chưa lâu, Đường dây nóng Báo CAND nhận được phản ánh của bạn đọc về việc đi taxi của hãng Hà Anh từ đường Trần Khát Chân về đường Trương Định thường ngày đi hết 5km nhưng lần này lại hết 7,1km. Thấy có dấu hiệu bị điều chỉnh đồng hồ để gian lận cước, bạn đọc đã nhờ Đường dây nóng của Báo CAND xác minh.

Lực lượng chức năng kiểm tra taxi ở Hà Nội.

Từ phản ánh của PV, Đội Thanh tra GTVT quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã mời chủ doanh nghiệp và lái xe lên làm việc. Mặc dù đồng hồ tính cước của taxi còn hạn kiểm định nhưng bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đội Thanh tra GTVT quận Hoàng Mai đã làm rõ đồng hồ tính cước của xe taxi do lái xe Bùi Viên điều khiển đi từ Trần Khát Chân về Trương Định đã tự động “nhẩy” 1,4km so với đoạn đường đo trên thực tế. Được biết, taxi thương hiệu Hà Anh là của một doanh nghiệp đóng tại tỉnh Ninh Bình và mở chi nhánh tại Hà Nội.

Vẫn khó quản lý

Theo đại diện lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội thì nguyên nhân taxi ngoại tỉnh đổ bộ vào Hà Nội là do Hà Nội có chủ trương tạm dừng việc cấp phép thành lập thêm hãng taxi và hạn chế gia tăng số lượng xe của các hãng taxi đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Theo thống kê, hiện Hà Nội chỉ có gần 20.000 xe taxi được cấp phù hiệu “Taxi Hà Nội” thuộc 77 đơn vị kinh doanh vận tải.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, phương tiện ôtô dưới 9 chỗ ngồi tham gia kinh doanh vận chuyển hành khách trên địa bàn thành phố tăng đột biến với nhiều hình thức như: phương tiện được Sở GTVT các tỉnh, thành phố khác cấp phù hiệu “Xe taxi” về hoạt động tại Hà Nội, phương tiện được Sở GTVT Hà Nội cấp phù hiệu “Xe hợp đồng” hoạt động thí điểm theo hình thức Grabtaxi, phương tiện được Sở GTVT các tỉnh, thành phố khác cấp phù hiệu “Xe hợp đồng” hoạt động thí điểm theo hình thức Grabtaxi về hoạt động tại Hà Nội và “taxi dù”.

Qua rà soát trên hệ thống giám sát hành trình (GPS) của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng như thống kê sơ bộ, hiện Hà Nội đang phải “tiếp nhận” thêm gần 8.000 xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi chuyển đi xin cấp phép ở các địa phương khác như tại Sở GTVT Vĩnh Phúc là 742 xe, Sở GTVT Hưng Yên là 335 xe, Sở GTVT Bắc Ninh là 161 xe…

Hiện nay, Sở GTVT Hà Nội đã thống kê được một số xe taxi mang BKS Hà Nội nhưng của các công ty ngoại tỉnh mang về Hà Nội hoạt động như Chi nhánh Công ty cổ phần Phúc Thịnh, Chi nhánh Công ty cổ phần Công nghệ Xây dựng Hà Tây (Vĩnh Phúc), Chi nhánh Bắc Ninh Công ty cổ phần ĐT và DV vận tải Nam Hà Nội, Chi nhánh Công ty TNHH thương mại và du lịch Nguyên Minh (Bắc Ninh)…

Việc một lượng lớn taxi “đổ” vào Hà Nội như vậy đã khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Các phương tiện này thường xuyên tập trung hoạt động khai thác gây áp lực không nhỏ cho giao thông Thủ đô. Các phương tiện này thường xuyên vi phạm các lỗi như dừng, đỗ sai làn đường, rà rê đón khách tại các bến xe, bệnh viện, quay đầu xe sai quy định…

Sở GTVT Hà Nội cũng đã triển khai nhiều biện pháp để dẹp gần 8.000 taxi, xe hợp đồng từ ngoại tỉnh, “taxi dù” tràn về. Nhưng hiệu quả lại chưa được như mong muốn bởi lực lượng còn mỏng, không kiểm soát được hết. Taxi đăng ký kinh doanh ở tỉnh ngoài, khi về Hà Nội hoạt động đã gây nên một số xáo trộn, đặc biệt là công tác kiểm định đồng hồ, gian lận giá cước.

Mặc dù Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Sở GTVT các địa phương rà soát lại phương án kinh doanh của đơn vị vận tải taxi được cấp phù hiệu “xe taxi” đã đăng ký với Sở, nhưng 8.000 taxi, xe hợp đồng ngoại tỉnh vẫn tồn tại ở Hà Nội là một thực tế. Theo ông Trần Đăng Hải, giải pháp trước mắt vẫn là tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các lỗi vi phạm, đặc biệt là gian lận giá cước để trả lại niềm tin cho khách hàng.  

Lực lượng chức năng kiểm tra taxi ở Hà Nội.

Trong thời gian qua, thông qua hệ thống đường dây nóng, Thanh tra GTVT Hà Nội cũng đã tiếp nhận và xử lý một số vụ việc liên quan đến tình trạng lái xe taxi gian lận cước. Nhìn chung, tình trạng này chủ yếu xảy ra đối với các du khách nước ngoài bắt xe theo hình thức “vẫy” tại khu vực phố cổ. Sau khi xác minh sự việc, Thanh tra GTVT đã có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nếu hành khách có nghi ngờ về việc bị gian lận cước khi đi taxi, có thể phản ánh thông tin qua đường dây nóng của Thanh tra GTVT, Sở GTVT Hà Nội theo số điện thoại 0243.8217922.

Hương Hằng
.
.
.