Tiếp tục tranh cãi "nẩy lửa" xung quanh vụ “xe 7 chỗ lao xuống cầu Thanh Trì”

Thứ Tư, 27/07/2016, 19:38
Liên quan đến vụ xe ô tô 7 chỗ lao từ đường vành đai 3 trên cao xuống đất khiến tài xế tử vong tại chỗ, tiếp tục nhiều tranh cãi liên quan đến vụ tai nạn thảm khốc này. Bên cạnh ý kiến cho rằng tài xế thiếu quan sát, đi vào đường cấm nên gặp nạn, nhiều người lại cho rằng thiết kế cầu bất cập, tạo thành cái bẫy gây nguy hiểm cho phương tiện.

Ông Phạm Anh Tú, đại diện Ban Quản lý Dự án Thăng Long (PMU Thăng Long) - chủ đầu tư dự án đường Vành đai 3 trên cao, cho biết: "Từ ngày đưa vào khai thác sử dụng cách đây 6 năm, đây là vụ tai nạn đầu tiên rơi khỏi cầu. Nếu trong trạng thái bình thường thì không thể nào lái xe đâm được vào điểm này và rơi khỏi đường trên cao. Bởi đoạn đường này đã có vạch sơn không cho phép xe chạy, được chiếu sáng đầy đủ”.

Hiện trường vụ tai nạn trước và sau khi được dựng rào chắn.
Đại diện chủ đầu tư cho biết, đoạn đường này đã có vạch sơn không cho phép xe chạy.

Trao đổi vấn đề này với ông Phạm Thanh Bình - Phó Tổng Giám đốc PMU Thăng Long, ông Bình cho biết, về mặt kỹ thuật, toàn bộ hạng mục tách nhập làn trên tuyến đường Vành đai 3 Hà Nội từ chiều dài nhánh nhập làn, hướng nhìn đều được thiết kế theo đúng tiêu chuẩn của đường cao tốc. Việc một số phương tiện truyền thông cho rằng, chiếc ô tô vừa gặp nạn do lỗi thiết kế của tuyến đường là không đúng.

Tuy nhiên, cư dân mạng cũng như nhiều chuyên gia lại không đồng tình với lý giải của đại diện chủ đầu tư dự án đường Vành đai 3 trên cao. Cụ thể là việc thiết kế góc chuyển tiếp từ làn dừng đỗ khẩn cấp sang làn xe chạy chưa hợp lý.

Hiện trường vụ tai nạn cho thấy, góc chuyển tiếp này được thiết kế vuông, có bê tông che chắn và lan can sắt cao vài chục cm. Từ xa, có biển cảnh báo, vạch sơn, gờ giảm tốc để cảnh báo các phương tiện không đi vào. Buổi tối, đoạn đường này có hệ thống chiếu sáng.

Điểm xảy ra tai nạn là nút thắt tại khu vực hướng làn trên đường vành đai 3. Từ lối lên đường vành đai 3 tới điểm thắt có chiều dài khoảng 300m và mặt đường có sơn báo hiệu nhưng phần rào chắn không có sơn phản quang.

Một chủ phương tiện di chuyển qua khu vực đánh giá, phần đường dẫn lên cầu vượt khá dài nhưng trong đêm tối hoặc khi điều kiện quan sát kém – đặc biệt với tài xế không quen đường, nguy cơ các phương tiện đâm thẳng vào phần rào do nút thắt đột ngột hoàn toàn có thể xảy ra.

Khoảng cách từ đường trên cao xuống mặt đất nơi nạn nhân rơi xuống là khoảng 10m.
Cú đâm mạnh đã gạt phăng cả lan can cầu, trơ khung sắt thép.
Đoạn trên bản đồ thể hiện chỗ xảy ra tai nạn.

Nhóm công nhân của Công ty Công trình giao thông Hà Nội đang sửa lại phần rào chắn đã bị chiếc ô tô húc bay.

Một cư dân mạng có tên Nguyễn Hải cho rằng, nguyên nhân tai nạn không riêng lỗi của tài xế mà còn có cả lỗi của nhà thiết kế, thi công. "Chỗ này không khác gì cái bẫy, ai không để ý, thiếu quan sát là sập bẫy ngay. Đáng ra đoạn này phải làm hẹp dần dần thì lại cụt luôn thế này, nhìn đã thấy vô lý. Cần làm rõ trách nhiệm thiết kế cây cầu này", anh Nguyễn Hải thẳng thắn nói.

Đồng quan điểm, anh Trần Toản (Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng với đường cao tốc, phần lan can phải làm dọc theo hướng xe chạy chứ không vuông góc như thế này. "Đề nghị phải sửa chữa, hoặc khắc phục ngay để đảm bảo an toàn cho các phương tiện, đặc biệt những xe đi vào ban đêm", anh Toản kiến nghị.

Thậm chí, một cư dân mạng có nickname “Bánh mì thịt” cho rằng, đoạn mở rộng chỗ tài xế ô tô rơi xuống đất tử vong có thiết kế bất thường. Thiết kế này "chẳng khác nào cái bẫy chết người" ngay trên cầu và anh còn “hiến kế” luôn “bản vẽ” thiết kế cho đoạn mở rộng này.

"Đề xuất" sửa thiết kế thiết kế cho đoạn mở rộng.

Một chuyên gia an toàn giao thông cho biết: Vụ tai nạn này đúng là hy hữu và tất nhiên không ai mong muốn xảy ra. Xác suất để tai nạn kiểu này xảy ra là rất nhỏ nhưng không phải là không xảy ra và thật đáng tiếc là nó đã xảy ra ngày hôm nay.

Tai nạn xảy ra có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau kết hợp đan xen chứ không đơn thuần là nguyên nhân do cầu đường. Tuy nhiên, trong trường hợp này, việc tổ chức lại giao thông khu vực này là cần thiết.

Về nguyên tắc, thiết kế đoạn mở rộng dành cho nhánh từ dưới đi lên cầu là đúng và dầm cầu cũng không thể làm chéo được nhưng việc sử dụng biển báo và vạch sơn kẻ chéo trên đoạn đường này chỉ có tác dụng đối với lái xe quen đường và không sao nhãng trong điều kiện tầm nhìn tốt; khi lái xe không phát hiện ra hướng đi thay đổi đột ngột thì tai nạn rất dễ xảy ra như trong trường đáng tiếc nêu trên.

Vấn đề đặt ra là làm sao để tránh các tai nạn tương tự xảy ra, theo vị chuyên gia này thì cần phải bố trí barier kiểu bê tông sơn mũi tên phản quang dẫnhướng đặt vuốt nối chuyển tiếp dần ở đoạn chiều rộng mặt đường thay đổi để định hướng phương tiện, có như vậy vừa có tác dụng vật lý vừa có tác dụng lên thị giác giúp cho lái xe dễ dàng chuyển hướng và nếu có va phải barier thì góc đâm cũng nhọn dẫn tới lực va chạm nhỏ và chưa chắc đã rơi, thiệt hại giảm đáng kể.

Tổ chức giao thông ở điểm này bằng biển báo và vạch sơn là đã có tín hiệu tác động lên tâm lý thần kinh thị giác, trực giác rồi. Tai nạn ngày hôm nay phải chăng các nhà thiết kế sẽ rút ra được kinh nghiệm sâu sắc khi mà thiết kế hướng xe chạy thay đổi đột ngột mà chỉ cảnh báo bằng vạch sơn và biển báo?

Rào chắn hướng làn đã được dựng lên sau vụ tai nạn để xe có thể quan sát từ xa.
Phần lan can bị húc bay đang được sửa chữa.

Khoảng 2h sáng 25-7, xe 7 chỗ nhãn hiệu Chevrolet Captiva chạy hướng từ cầu Thanh Trì về Pháp Vân (Hoàng Mai, Hà Nội). Khi đến đường trên cao Vành đai 3, đoạn ngã ba Pháp Vân, xe đâm rụng lan can cầu cạn và lao xuống đoạn giữa phố Bùi Huy Bích. Tài xế Nguyễn Văn Lý (43 tuổi ở Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội) tử vong tại chỗ.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông thảm khốc.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là "tài xế không làm chủ tốc độ nên đã đâm vào góc chuyển tiếp làn đường của đường trên cao, rồi rơi xuống phía dưới".

Việt Cường
.
.
.