Hình thành văn hóa giao thông của cá nhân và cộng đồng

Thứ Sáu, 12/06/2020, 07:30
Nhằm góp phần nâng cao văn hóa giao thông, sáng 12/6, Báo CAND tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Hình thành văn hóa giao thông của cá nhân và cộng đồng”.



Khách mời buổi Giao lưu trực tuyến:

- Đại diện Uỷ ban ATGTQG: Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng. 

- Đại diện Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp: Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu, Phó Cục trưởng.

- Đại diện Cục CSGT (Bộ Công an): Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và giải quyết TNGT.

Dự buổi GLTT về phía Báo CAND có Đại tá Phạm Quang Khải, Tổng biên tập Báo CAND; Đại tá Trần Thanh Phong, Phó Tổng biên tập Báo CAND.

Đại tá Phạm Quang Khải, Tổng Biên tập Báo CAND tặng hoa 3 vị khách mời.

Phát biểu khai mạc buổi Giao lưu trực tuyến, Đại tá Phạm Quang Khải, Tổng Biên tập Báo CAND cho biết, bảo đảm trật tự an toàn giao thông là một nhiệm vụ quan trọng của công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm mục tiêu bảo đảm tốt an ninh trật tự, trong đó bảo đảm an toàn giao thông, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội là nhiệm vụ thường xuyên và cấp bách.

Nằm trong chiến lược, mục tiêu xuyên suốt bảo đảm an toàn giao thông, góp phần phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển bền vững kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, vừa qua, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì xây dựng dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đây cũng là bước đi cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả Hiến pháp năm 2013 (điều 67) quy định: Nhà nước xây dựng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, Luật CAND năm 2018 cũng quy định rõ: Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, thực hiện quản lý về trật tự, an toàn giao thông.

Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bên cạnh việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật thì một vấn đề rất quan trọng là phải hình thành được văn hóa giao thông, mỗi người dân thực sự tự giác và nghiêm chỉnh chấp hành các quy dịnh của pháp luật về an toàn giao thông. Cùng với việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông, công tác xử lí vi phạm cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc hình thành ý thức tự giác của người tham gia giao thông. Quá trình thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cho thấy, sự nghiêm minh, công bằng của pháp luật đã tác động tích cực tới ý thức tự giác của người tham gia giao thông.

Nhằm góp phần nâng cao ý thức của người dân chấp hành pháp luật về giao thông, hạn chế, đẩy lùi các vi phạm về an toàn giao thông trong cộng đồng và nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; hôm nay, Báo CAND tổ chức buổi tọa đàm “Hình thành văn hóa giao thông của cá nhân và cộng đồng”.

Thay mặt Ban biên tập Báo CAND, tôi xin trân trọng cảm ơn 3 vị diễn giả; cảm ơn Ủy ban ATGT quốc gia, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) và Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã luôn quan tâm phối hợp, đồng hành cùng Báo CAND trong công tác thông tin, tuyên truyền. Chúng tôi cũng trân trọng trân trọng cảm ơn tình cảm và sự quý mến của độc giả đã dành cho Báo CAND trong nhiều năm qua.


Toàn cảnh buổi toạ đàm


Thực trạng văn hoá ứng xử khi tham gia giao thông

Câu hỏi đầu tiên dành cho ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban ATGTQG: Là một người trực tiếp tham gia công tác liên quan đến lĩnh vực bảo đảm ATGT, theo ông, văn hóa giao thông là gì? Ông đánh giá như thế nào về ý thức tham gia giao thông của người dân hiện nay?

Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban ATGTQG: "Văn hoá giao thông" là một thuật ngữ được sử dụng rất nhiều, nhưng theo tôi, nội hàm ý nghĩa của cụm từ này mỗi trường hợp lại khác nhau. Chúng tôi đã nhiều lần đặt vấn đề về cụm từ này với các chuyên gia, các nhà nghiên cứu xem thật sự nó là gì. Qua thảo luận, các chuyên gia đều đồng tình rằng "văn hoá giao thông" tựu chung lại là quá trình người dân tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông. Văn hoá giao thông cũng bao gồm nhiều yếu tố như quy định pháp luật, cơ sở hạ tầng... Trong đó, ứng xử có văn hoá giao thông nghĩa là thực hiện đúng pháp luật trong quá trình tham gia giao thông. Nếu không có các quy định pháp luật hướng dẫn hành vi của người điều khiển giao thông thì mỗi người sẽ có hành vi theo cảm xúc cá nhân. Như vậy, muốn xây dựng văn hoá giao thông thì phải hoàn thiện được quy định pháp luật, quy tắc ứng xử trong các tình huống. Tuy nhiên, có những vấn đề mà pháp luật định hướng được, nhưng cũng có những vấn đề mà quy định pháp luật không định hướng được như văn hoá cảm ơn, thái độ vội vàng khi tham gia giao thông, hành vi nhường nhịn người khác, văn hoá xếp hàng... Những yếu tố đó nên được đưa vào khuyến cáo cho người tham gia giao thông.

Thực tế là trong nhiều thập kỷ qua, xu hướng sử dụng giao thông của người dân đã thay đổi, từ đi xe đạp, tới xe máy, ô tô và phương tiện công cộng. Vậy thì văn hóa giao thông đã thay đổi như thế nào và theo chiều hướng nào? 

Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Uỷ ban ATGTQG: Tôi thấy có những xu hướng đang diễn ra nhanh là đô thị hoá và cơ giới hoá. Theo số liệu của chúng tôi, xe máy, tuy được nhìn nhận là có tốc độ tăng trưởng bão hoà, nhưng vẫn tăng ở mức 7% mỗi năm. Còn ô tô đang tăng trưởng 15% trên trục chính, về tổng thể tăng trưởng 10%. Theo xu hướng cơ giới hoá phương tiện, ngày càng có nhiều người đi lại bằng ô tô hơn, từ đó tình trạng ô nhiễm, ùn tắc và tai nạn giao thông tiếp tục gia tăng. Vấn đề thứ hai là về kết cấu hạ tầng, chắc chắn sẽ có thêm nhiều tuyến cao tốc sắp được đưa vào khai thác ở nước ta. Trục chính của mạng lưới giao thông chính là đường cao tốc. Ngày càng có nhiều người đi lại bằng đường cao tốc. Chúng tôi cho rằng còn một xu hướng khác là xu hướng phát triển bền vững, tức người dân sẽ ưu tiên sử dụng phương tiện giao thông công cộng, sử dụng phương tiện ít gây ô nhiễm môi trường như xe điện, hay xe đạp, đi bộ. Những thứ này trong tương lai sẽ phát triển rất mạnh khi kinh tế tăng trưởng, người dân có quan tâm đến chất lượng cuộc sống cao hơn. Ngoài ra việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, khoa học công nghệ trong đi lại sẽ phát triển mạnh. Những xu hướng đó đòi hỏi cả nhà quản lý và người dân có những hành động tương xứng. Tôi lấy ví dụ như việc càng đi trên đường tốc độ cao thì càng phải tuân thủ pháp luật, bởi chỉ cần một sự cố nhỏ sẽ gây hậu quả thảm khốc.

Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu.

Vậy theo Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu thì sao, chị nhận định văn hóa giao thông là gì? Những hành vi vi phạm văn hóa giao thông của người tham gia giao thông có thể kể đến là?

Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an): “Tôi cho rằng văn hoá giao thông phản ánh sự phát triển của giao thông ở một quốc gia, là sự ứng xử của người tham gia giao thông. Nói một cách cụ thể, đó là sự nhận biết đúng sai và tuân thủ quy định của pháp luật về giao thông. Một số hành vi vi phạm văn hoá giao thông của người tham gia giao thông mà đã trở thành vấn nạn ở Việt Nam có thể kể đến như là: Vừa điều khiển xe máy vừa sử dụng điện thoại di động; hay khi xảy ra va chạm giao thông, tài xế dừng xe ngay giữa đường để tranh cãi nhau xem ai đúng ai sai… Đây là những vấn nạn thực sự cần phải có quyết tâm cao thì mới có thể giải quyết được”.

Như đã chia sẻ từ đầu chương trình, trong 1 tháng (từ 15/5 - 14/6), CSGT toàn quốc ra quân triển khai nhằm chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự ATGT. Giờ đây, khi đợt ra quân đã diễn ra được 2/3 chặng đường, Đại tá Nguyễn Quang Nhật có thể cung cấp những con số cụ thể về việc lực lượng CSGT xử lý vi phạm trong đợt ra quân này, cũng như đánh giá của Đại tá về hiệu quả của đợt ra quân?

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và giải quyết TNGT: Trước tiên, tôi cũng xin bày tỏ lời cảm ơn của cá nhân mình và Cục CSGT đối với Báo CAND khi tổ chức cuộc giao lưu như thế này, đây là một trong những hình thức tuyên truyền về văn hóa, ý thức chấp hành giao thông rất tốt.

Thứ hai, tôi đồng tình với ý kiến của anh Minh, chị Thu về văn hóa giao thông. Trước khi cung cấp cho độc giả thông tin về đợt tổng kiểm soát phương tiện cơ giới đường bộ thì tôi nghĩ, văn hóa giao thông được hình thành dựa trên ý thức, sự xây dựng của mỗi cá nhân lẫn cộng đồng trong quá trình tham gia giao thông. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục CSGT đã ban hành Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện cơ giới đường bộ, trong đó tập trung các đối tượng: ô tô con, xe khách, xe container, xe mô tô...; tập trung những hành vi có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông: vi phạm về nồng độ cồn, về ma túy, về tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, tụ tập gây rối trật tự công cộng... Sau 26 ngày, lực lượng CSGT đã kiểm tra xử lý 357.975 phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 23.979 trường hợp; tạm giữ 55.111 phương tiện các loại. Trong đó, nổi lên các hành vi vi phạm chủ yếu: về tốc độ gần 30.000 trường hợp; vi phạm không đội mũ bảo hiểm hơn 64.000 trường hợp; không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông gần 11.000 trường hợp.

Đặc biệt, việc GPLX hoặc đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc tẩy xóa cũng được phát hiện, xử lý hơn 44.000 trường hợp. Trong 26 ngày, lực lượng CSGT đã phát hiện xử lý hơn 18.000 vi phạm nồng độ cồn; 234 trường hợp lái xe dương tính với ma túy; tính trung bình 1 ngày gần 600 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị phát hiện, xử lý. 

Xử phạt như vậy là để người dân tự giác hơn trong việc mang theo đầy đủ các loại giấy tờ, điều kiện để tham gia giao thông một cách an toàn. Thực tế thì lực lượng CSGT phải sử dụng nhiều biện pháp để phát hiện các vi phạm, ví dụ như dừng xe để phát hiện trực tiếp hay phát hiện qua hệ thống giám sát. Tuy nhiên, có một số loại vi phạm phải dừng phương tiện mới có thể kiểm tra được, như nồng độ cồn, ma tuý, biển số xe giả... Qua đợt kiểm tra này thì chúng tôi nhận thấy rằng ý thức của người dân đã được nâng lên, các trường hợp vi phạm giảm đi trông thấy. Đặc biệt, người dân rất đồng tình, ủng hộ lực lượng CSGT làm cương quyết.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật

Qua trao đổi với một số cán bộ cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ, được biết: Mặc dù mức phạt khá nặng và nghiêm khắc và lực lượng CSGT đã cố gắng để làm hết trách nhiệm, song tình trạng vi phạm trật tự ATGT vẫn có chiều hướng gia tăng. Vì sao?

Ông Trần Hữu Minh: Chúng tôi thấy, đây là chủ đề rất thú vị. Khi chúng ta để ý thấy, nhiều người Việt Nam ra nước ngoài tuân thủ Luật giao thông nước sở tại rất tốt. Tuy nhiên, cũng con người đó nhưng ở Việt Nam lại thay đổi, rõ ràng môi trường rất quan trọng trong việc tuân thủ những quy định về Luật giao thông. Ý thức của người tham gia giao thông phụ thuộc vào giáo dục, hạ tầng giao thông, đào tạo lái xe, quy tắc giao thông, hình thức xử phạt… Nếu ý thức có vấn đề, thì một hoặc trong nhiều vấn đề mà tôi vừa nêu đang có những bất ổn.

Tôi nêu ví dụ về xử lý vi phạm nồng độ cồn, cụ thể Điều 260 khoản 4, Bộ Luật Hình sự, quy định những hành vi gây nguy hiểm có thể xử lý hình sự. Hành vi uống hàng chục cốc bia rồi tham gia giao thông ai cũng thừa nhận cần xử lý hình sự tuy nhiên vẫn còn những vướng mắc để thực hiện việc này. Thực tế, phạt nghiêm là khâu cuối cùng nhưng chúng ta cũng cần phải nhìn nhận lại tất cả các khâu, như giáo dục, đào tạo lái xe… mà tôi vừa nêu. Đặc biệt, trong vấn đề giáo dục, ngoài Luật Giao thông, cần phải tập trung giáo dục đạo đức công dân, đạo đức con người… Nếu thiếu nền tảng này, thì có học về việc chấp hành quy định về An toàn giao thông cũng sẽ không có hiệu quả cao. 

Hiện nay, mức phạt theo Nghị định 100/CP là khá cao rồi, nhưng tôi đánh giá, cách phạt và xử phạt quan trọng hơn. Phạt nguội vô cùng hiệu quả, nhưng làm sao để người dân y thức, nếu mình vi phạm sẽ bị phạt; Phạt mà quản lý được tái phạm, phạt luỹ tiễn, trên thế giới nhiều quốc gia làm cách này rất hiệu quả. Như vậy, sẽ giáo dục, răn đe rất tốt; Ngoài ra, mức độ kinh tế, ví như nếu vi phạm nhiều thì mức độ nộp bảo hiểm cao lên cũng có tác động đến ý thức chấp hành khi tham gia giao thông của nhiều người.

Ông Trần Hữu Minh

Theo Thượng tá, những hành vi chống đối người thi hành công vụ khi tham gia giao thông có được coi là sự thiếu văn hóa khi tham gia giao thông không? Hay là sự bất tuân pháp luật?

Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu: Pháp luật được xây dựng trên cơ sở cuộc sống thành những quy tắc sử dụng chung. Pháp luật về giao thông cũng vậy. Hành vi chống người thi hành công vụ thì đương nhiên vi phạm các quy định của pháp luật, và tùy theo mức độ nặng hay nhẹ thì sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự, thậm chí xử lý rất nặng như đồng chí Nhật vừa cung cấp cho bạn đọc. Dưới góc độ tội phạm học, phần đa hành vi vi phạm pháp luật chống người thi hành công vụ trong quá trình tham gia giao thông được coi là thiếu văn hóa giao thông. Tuy nhiên, nếu nói rằng tất cả hành vi chống người thi hành công vụ là thiếu văn hóa giao thông thì chưa thật chính xác, bởi khi chống người thi hành công vụ thì do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, rất đa dạng.

Gần đây trên mạng xuất hiện clip một chiến sĩ CSGT khi đang làm nhiệm vụ đã bị đối tượng điều khiển ô tô cố tình chống đối, đâm trực diện vào chiến sĩ và kéo lê hàng trăm mét. Đây chỉ là một trong những trường hợp nguy hiểm CSGT gặp phải khi đang làm nhiệm vụ. Là một người “trong ngành”, Đại tá Nguyễn Quang Nhật nhìn nhận thế nào về thực tế này?

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và giải quyết TNGT (Bộ Công an): “Theo tôi đây không phải là một vấn đề mới. Hiện tượng chống lại người thi hành công vụ đã diễn ra nhiều lần và nhiều năm nay. Tôi xin được khẳng định lại, không một người nào, kể cả lực lượng chức năng đang thực hiện nhiệm vụ muốn đánh cược mạng sống của mình trên nóc ca-pô. Việc không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng cảnh sát giao thông và hành động bất tuân pháp luật, cần phải bị trừng trị về cả về mặt hành chính và hình sự tuỳ theo tính chất và mức độ. Tình hình chống người thi hành công vụ diễn ra ngày một phức tạp. Các đối tượng rất đa dạng, trong đó đối tượng sử dụng rượu bia và chất kích thích thì mức độ manh động lớn hơn rất nhiều.

Những người thực hiện hành vi này không chỉ đối mặt với tội chống người thi hành công vụ, mà thậm chí còn đối mặt với tội danh giết người. Ngày 17/10/2018, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thông qua Án lệ số 18/2018/AL về hành vi giết người đang thi hành công vụ trong tội “Giết người” và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06/ 11/2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Theo cáo trạng, xuất phát từ một vụ việc xảy ra ở Hà Tĩnh khi một đối tượng điều khiển xe container có hành vi hất một chiến sĩ cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ, đã chuyển thành tội danh giết người thay vì tội chống người thi hành công vụ. Tôi mong rằng người tham gia giao thông cần nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, chấp hành pháp luật một cách nghiêm túc, tuân thủ các hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, qua đó tạo được nề nếp, trật tự, đưa hoạt động giao thông đi vào thông suốt, an toàn”.

Thực tế cho thấy, hành vi chống người thi hành công vụ của các đối tượng ngày càng manh động, trắng trợn, liều lĩnh, thậm chí quyết chống đối đến cùng. Hành vi chống đối, không tuân thủ nhiều khi còn rất côn đồ hung hãn, coi thường pháp luật. Liệu có phải vì hành lang pháp lý của chúng ta chưa đủ nghiêm khắc để răn đe các đối tượng này hay không?

Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Uỷ ban ATGTQG: Đầu tiên phải khẳng định hành vi chống đối người thực thi công vụ là hành vi sai trái, phải lên án và xã hội phải lên án, bởi người thực thi pháp luật được xã hội uỷ thác quyền lực để thực hiện một nhiệm vụ nhất định cho xã hội. 

Có vấn đề như sau: Thứ nhất là có một nhóm người, tỷ lệ nhất định, người tham gia giao thông nhưng không hiểu biết về quy định pháp luật hoặc cho rằng những quy định đó không tồn tại nên họ phản đối, phản ứng với người thi hành công vụ. Tôi lấy ví dụ có những người học bằng lái xe cách đây 20 năm, họ có thể không biết về các quy định pháp luật. Đối với nhóm người này thì cần kiên trì tăng cường giáo dục, cập nhật thông tin, tuyên truyền pháp luật.

Nhóm thứ hai là những người biết nhưng vẫn vi phạm. Chúng tôi cho rằng đối với nhóm này phải kiên quyết xử lý, có giải pháp, quy trình để bảo vệ lực lượng chức năng. Tôi lấy ví dụ khi kiểm tra nồng độ cồn mà chống đối, hành hung lực lượng chức năng thì phải có quy trình bắt giam, xử phạt thật nặng. Chúng ta cần xử một vài vụ để răn đe những người có ý định vi phạm.

Nhóm thứ ba, rất ít thôi, là những người có ý thức công dân không tốt, thì chúng ta phải có những biện pháp thật nặng để xử lý, đảm bảo an toàn cho cộng đồng. 

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và giải quyết TNGT, Bộ Công an: Tôi đồng tình với ý kiến của anh Minh. Đúng là chúng ta phải nhìn nhận hệ thống pháp luật còn chưa đồng nhất trong xem xét, xử lý hành vi chống đối người thi hành công vụ, trong đó cũng bao gồm cả từ thức thực thi pháp luật của các cơ quan tư pháp, hành pháp. Tôi cho rằng chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, chú trọng vào công tác truyền thông, từ đó nâng cao nhận thức, ý thức của người tham gia giao thông để họ hiểu rằng hành vi chống lại người thi hành công vụ bị cấm, là hành vi rất nguy hiểm, không được vi phạm. 

Tôi cũng đề nghị, đối với lực lượng thực thi công vụ, cần nâng cao trình độ, kiến thức, văn hoá ứng xử, đặc biệt trong giao tiếp, xử lý vi phạm hành chính. CSGT là lực lượng xử lý nhiều vi phạm hành chính nhất, tiếp xúc đa dạng thành phần nhất, dù có quy trình cụ thể nhưng nếu không có kỹ năng ứng xử thì có thể tác động ngược lên người vi phạm. Vì vậy, cần ứng xử hài hoà, tuy cương quyết nhưng khôn khéo để đảm bảo thực thi nhiệm vụ toàn vẹn nhất, giám sát việc chấp hành pháp luật giao thông của người dân tốt nhất. Đối với các cơ quan tư pháp, điều tra, truy tố, xét xử với các đối tượng có hành vi chống đối người thi hành công vụ thì cần nghiêm minh, công khai, tạo được dư luận để người tham gia giao thông được biết, từ đó không muốn và không dám vi phạm.

Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an: Là cơ quan tham mưu xây dựng khung pháp luật và tổng kết quá trình thực thi văn bản pháp luật, chúng tôi có những nghiên cứu, khảo sát thực tiễn để đánh giá văn bản pháp luật đó có được thực thi hiệu quả hay không. Hầu như đối với các văn bản pháp luật, chúng tôi đều thấy rằng các chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh, chưa đủ răn đe đến mức mà làm người vi phạm không có cơ hội vi phạm lại hoặc không dám thực hiện lại hành vi vi phạm đó. Ví dụ, ở Qatar, như tôi được biết, ô tô có thể đi lại trong thành phố với vận tốc lên đến 100km/h nhưng chỉ cần vượt đèn đỏ hoặc đi sai làn đường thì người vi phạm sẽ bị phạt lên đến hàng chục ngàn USD nên không ai dám vi phạm. Ở Việt Nam, mức phạt hiện vẫn còn thấp.

Ba vị khách mời tại buổi Giao lưu trực tuyến.

Hành lang pháp lý để hình thành văn hoá giao thông

Căn cứ Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10; Quốc hội năm 2008 ban hành Luật giao thông đường bộ. Đầu năm 2020, Bộ Công an trình Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa dự án Luật Bảo đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV. Vậy vì sao chúng ta đã có Luật giao thông đường bộ, nhưng lại tiếp tục đề xuất xây dựng thêm Luật Bảo đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ?

Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Thực hiện quan điểm của Ban Bí thứ Trung ương Đảng, chỉ đạo của Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, Bộ Công an đã có báo cáo Chính phủ dự án Xây dựng luật Bảo đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong báo cáo Chính phủ trình Quốc hội đưa Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, Bộ Công an đánh giá quá trình 10 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ 2008.

Đó là, chỉ ra nhiều hạn chế của Luật này như không tập trung, không đủ mạnh để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra trong đảm bảo ATGT cũng như xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. 

Thực tiễn rất cần phải tách bạch hai lĩnh vực, ATGT và Xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải. Luật Giao thông đường bộ 2008 không tách bạc việc này, nhiều nội dung không quy định nên không đáp ứng sự phát triển. Việc luật hoá các quy định về bảo đảm giao thông đường bộ, đưa nhiều văn dưới luật với nhiều văn bản dưới luật đã hết hiệu lực, chồng chéo, khó thực thị, có những văn bản dưới luật nhưng giải thích cho luật, gây khó khăn trong quá trình thực thi. 

Cần phải phân định và tách bạch, đem lại hiệu quả cao nhằm đảm bảo giao thông được an toàn, lấy con người được được đảm bảo ATGT là trung tâm, liên kết đến ANQG, giải quyết hạ tầng giao thông vận tải được tốt hơn, rõ hơn về quy hoạch, giao thông tĩnh, không chồng chéo, trên cơ sở đó, Bộ Công an đề xuất trong xây dựng Luật Bảo đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Cụ thể, phân tách trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATGT cho Bộ Công an; Bộ Giao thông Vận tải về xây dựng hạ tầng giao thông vận tải. Có thể nói, những quy định này nhằm đảm bảo cho việc giao thông được thông suốt, lấy con người là trung tâm trong việc đảm bảo ATGT được thể chế hoá, hiện nay, dự thảo Luật này đang được đăng tại cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ Công an để lấy ý kiến người dân, các cấp…

Đại diện Bộ Công an trong một phát biểu năm 2019 từng nhận định, các văn bản pháp luật hiện hành không đủ chế tài trong xử phạt vi phạm ATGT cũng như xử lý các nguyên nhân gây ra tai nạn. Trong đó, có nguyên nhân do hành lang pháp lý về trật tự ATGT chưa đủ mạnh; công tác quản lý nhà nước về ATGT còn nhiều bất cập. Vậy, Luật Bảo đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ tập trung vào những vấn đề nào và phạm vi điều chỉnh gồm những gì?

Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu: Thực ra câu trả lời của Đại tá Nhật chứa nhiều nội dung liên quan mục đích xây dựng, phạm vi điều chỉnh Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ rồi. Nhưng tôi xin được khái quát thêm như thế này: Mục đích xây dựng Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ nhằm xây dựng văn hóa giao thông văn minh ở Việt Nam tiệm cận dần các nước phát triển trên thế giới; kéo giảm tai nạn giao thông về mức tối thiểu và bảo đảm tốt nhất các quyền của con người theo Hiến pháp năm 2013; bảo đảm tốt nhất quyền của người tham gia giao thông là sự an toàn khi tham gia giao thông, vì lợi ích lâu dài của quốc gia, dân tộc. 

Luật được xây dựng trên cơ sở xu hướng xây dựng một đạo luật hiện nay là xu hướng chuyên sâu hóa, tách từ Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành hai lĩnh vực là lĩnh vực về trật tự xã hội và lĩnh vực liên quan đến kinh doanh thương mại, vận tải, kết cấu hạ tầng giao thông. 

Về phạm vi điều chỉnh, có 2 nhóm vấn đề chính: Đầu tiên là vấn đề an toàn, đặt an toàn của người tham gia giao thông lên trên hết, bảo đảm cho các hoạt động giao thông lưu thông thông suốt và quyền của người tham gia giao thông. Thứ hai là nhóm vấn đề về trật tự, nhóm này cũng sẽ chi phối nhóm thứ nhất là trạng thái giao thông có nề nếp, kỷ cương, pháp luật được tôn trọng, và bảo đảm tốt hơn việc đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên các tuyến giao thông đường bộ.

Nhiều người dân coi việc tuân thủ luật giao thông là vì sợ bị xử phạt. Nói cách khác, luật sẽ buộc người dân vào khuôn khổ, chứ không khiến người dân tự nguyện chấp hành. Rất có thể, khi không có CSGT, người dân sẽ lại vi phạm. Vậy cần làm gì để mỗi cá nhân, tiến tới là cả cộng đồng tự giác, tự nguyện chấp hành pháp luật về an toàn giao thông?


Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh VP Ủy ban ATGTQG: Có lẽ đối với phần lớn chúng ta ở đây không khó để kiểm chứng tỉ lệ vi phạm khi tham gia giao thông. Chỉ cần đứng tại một bốt giao thông trong giờ cao điểm hoặc bình thường, nếu như không có lực lượng chức năng tại đó thì rất dễ xảy ra các hành vi vi phạm về giao thông. Chúng tôi cho rằng khi nghiên cứu hành vi vi phạm giao thông trong một nhóm người dân thì có nhiều người dân chấp hành luật giao thông rất tốt, còn một số nhỏ là nhóm những người thường xuyên vi phạm. Đại đa số người dân sẽ thực hiện tốt các quy định của pháp luật nếu thấy hợp lí. Ngược lại, họ có thể vi phạm nếu như họ thấy việc đó là thuận tiện cho mình hoặc không bị xử phạt. Đại đa số người dân nếu thấy có sự tổ chức giao thông hợp lý, thiết kế các hệ thống tốt, thì sẽ không vi phạm. Quan trọng nhất là chúng ta tạo ra được môi trường để người dân thực hiện các quy định một cách thuận tiện, dễ dàng. Một khi đã có một môi trường thuận lợi, đại đa số người dân sẽ thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Đối với một tỷ lệ rất nhỏ các đối tượng cố tình vi phạm, khi công tác tuyên truyền không có hiệu quả, cần tiến hành xử phạt”.


Thời gian qua, có nhiều ý kiến cho rằng việc xử lý vụ việc vi phạm giao thông ở mỗi nơi, mỗi vụ còn khác nhau. Nhiều vụ có dấu hiệu vi phạm hình sự, nhưng người vi phạm "xoay sở" để chỉ bị xử lí hành chính. Vậy thì việc áp dụng pháp luật vào thực tế sẽ được triển khai ra sao để giảm thiểu thực trạng này?

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và giải quyết TNGT, Bộ Công an: Tôi không đồng tình với nhận định rằng xử lý vụ việc vi phạm giao thông ở mỗi nơi, mỗi vụ còn khác nhau. Đã là hành vi vi phạm pháp luật thì việc xử lý là thống nhất. Việc xử lý hành chính đối với các hành vi vi phạm giao thông hiện được xử lý hoàn toàn theo Nghị định 100, trong đó có quy định cụ thể về mức phạt cho mỗi hành vi vi phạm khác nhau. Mức phạt có thể khác nhau phụ thuộc vào tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ. Người vi phạm có thể bị phạt ở khung cao nhất nếu có những tình tiết tăng nặng nhưng cũng có thể ở khung thấp nhất nếu có tình tiết giảm nhẹ. 

Đối với "những vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự những người vi phạm "xoay sở" để chỉ bị xử lí hành chính" thì vấn đề này chủ yếu là các vụ tai nạn giao thông, tức hành vi không chấp hành quy định pháp luật mà gây ra hậu quả nhất định, mà trong quá trình thực thi pháp luật có thể có nơi, có lúc chưa nghiêm minh, dẫn đến bỏ lọt tội phạm. Hiện, yếu tố cấu thành hành vi phạm tội trong tai nạn giao thông phụ thuộc vào việc hậu quả của vụ việc đó với tính mạng, sức khoẻ của một người hoặc nhiều người trong tai nạn và thiệt hại về mặt tài sản. Bên cạnh đó, phải nhìn nhận rằng, để áp dụng nghiêm minh các quy định pháp luật trên thực tế thì cần đảm bảo ba yếu tố, thứ nhất là quy định pháp luật phải đầy đủ, chặt chẽ, đảm bảo tính khả thi cao. 

Thứ hai, lực lượng chức năng, lực lượng thực thi pháp luật được trang bị đầy đủ phương tiện kỹ thuật, có trình độ, ý thức và thái độ tốt. Thứ ba, người dân phải có nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật tốt. Như Nghị định 100, từ khi văn bản này ra đời, việc xử lý vi phạm giao thông được thực hiện rất quyết liệt, mạnh mẽ. Lấy ví dụ về xử lý vi phạm nồng độ cồn, chỉ thời gian ngắn sau khi Nghị định 100 được áp dụng, báo chí, dư luận và người dân đều vào cuộc. Người dân đã nhận thức được hành vi uống rượu bia khi tham gia giao thông là rất nguy hiểm, tạo ra nguy cơ tai nạn giao thông cao. Phải nói rằng việc áp dụng Nghị định 100 trong xử lý vi phạm nồng độ cồn đã thắng lợi. Đây là một nghị định đi vào cuộc sống.

Trong phần đầu của chương trình, chúng ta đều thừa nhận rằng, văn hóa giao thông tại Việt Nam vẫn chưa cao. Việc văn hóa giao thông chưa cao đơn thuần xuất phát từ ý thức người dân hay còn có liên quan đến các chính sách về phát triển cơ sở hạ tầng đường bộ, hoặc sự quản lý giám sát trong ATGT đường bộ?

Ông Trần Hữu Minh: Tôi nhất trí nhận định, văn hoá giao thông không chỉ yếu tố con người mà nhiều yếu tố khác. Văn hoá giao thông cần phải đảm bảo có các yếu tố: Quy tắc tham giao thông; Hoạt động tuyên truyền; Thiết kế môi trường; Kiểm tra và xử lý vi phạm. Các quy tắc nên cần phải theo trình tự, nếu không làm thiếu sẽ không hiệu quả.

Cụ thể, cần phải thể chế, có hướng dẫn, tuyên truyền luật, xây dựng hạ tầng giao thông… Tôi lấy ví dụ, hiện nay có tình trạng người dân đi ngược chiều trên vỉa hè. Chúng ta cần nhìn nhận lại hành động này, bởi vì người tham gia giao thông đã không đợi 15-20 phút để được đi qua nút giao thông này mà chọn đi trên vỉa hè. Nếu như, việc tổ chức giao thông hợp lý, thời gian đợi ngắn hơn, có lẽ người tham gia giao thông sẽ không cho cách phải vi phạm. 

Điều này cho thấy, việc tổ chức giao thông, kết cấu hạ tầng vô cùng quan trọng. Thế nên, có những hành vi người tham gia giao thông vi phạm, nhưng thể đổ hết lỗi cho người dân. Tuyên truyền, kết hợp với xử lý vi phạm. Nếu chúng ta tập trung và đảm bảo 4 yếu tố trên song hành với nhau; Các cơ quan chức năng cần phải cuộc đồng bộ sẽ sớm hình thành văn hoá giao thông một cách văn minh.

Thời gian qua, việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và quản lý người được cấp giấy phép lái xe vẫn một số bất cập, vậy Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ có bao quát, khắc phục được tình trạng trên không?

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và giải quyết TNGT: Trong thực tế thì người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là chủ thể chính quyết định sự an toàn, bởi liên quan chặt chẽ đến các yếu tố như: khả năng nhận thức, năng lực hành vi, điều kiện sức khoẻ, trạng thái, tâm lý, tinh thần, ý thức chấp hành pháp luật và kể cả lịch sử chấp hành pháp luật về hình sự, hành chính... Nếu chúng ta không đặt người điều khiển phương tiện trong tổng thể xã hội như vậy mà chỉ nhìn kỹ năng lái xe của họ để cấp bằng thì lại quá đơn thuần. Chính vì thế, trong dự luật bảo đảm ATGT đường bộ do Bộ Công an chủ trì xây dựng thì các quy định về sát hạch cấp giấy phép lái xe hay cấp đổi được xây dựng chặt chẽ, từ quá trình đào tạo đến sát hạch và quản lý sau sát hạch. 

Ví dụ, đặt ra nhóm 28 lỗi hành vi vi phạm để trừ điểm giấy phép lái xe và 10 nhóm hành vi vi phạm đặc biệt nguy hiểm thì tước giấy phép ngay như sử dụng ma tuý hay vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Có làm như vậy thì mới đem lại sự nghiêm minh. Ngoài ra, kết hợp quản lý tốt cơ sở dữ liệu về người lái với cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm giao thông sẽ đảm bảo việc có những người tham gia giao thông có ý thức cao nhất. Từ đó, những doanh nghiệp kinh doanh vận tải sẽ lựa chọn được người lao động, cụ thể là người lái xe phù hợp, có tay nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Tóm lại, dự luật bảo đảm ATGT đường bộ coi việc quản lý người lái xe động trong trại thái tổng thể sẽ đem lại hiệu quả tích cực và đây cũng là cách mà các nước phát triển đang thực hiện. Tại Việt Nam, chúng ta dựa trên đó để nội địa hoá những quy định này và bổ sung thêm đặc thù của đất nước chúng ta để mang lại hiệu quả về mặt quản lý, pháp lý và mang lại lợi ích cao nhất cho việc phát triển kinh tế xã hội.

Rõ ràng, các dự luật được sửa đổi và ban hành đều nhằm nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân. Nhưng từ ý thức đến hình thành văn hóa là một câu chuyện dài hơi, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ. Theo các chuyên gia, sẽ mất bao lâu để việc tuân thủ pháp luật về ATGT trở thành văn hóa của người dân?

Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an): “Theo tôi, để hình thành thói quen tuân thủ pháp luật về giao thông, đảm bảo an toàn giao thông, còn tuỳ thuộc vào ý chí của nhà làm luật, quyết tâm của nhà quản lý xã hội cũng như ý thức của nhân dân. Chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan về vấn đề này. Chúng ta đã có ý chí thì chắc chắn chúng ta sẽ có được hiệu quả, kết quả tốt đẹp”.

Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh VP Ủy ban ATGTQG: “Tôi cho rằng, thứ nhất, để đảm bảo an toàn giao thông cần nhiều yếu tố, từ hạ tầng, con người, quy tắc và môi trường thực thi pháp luật. Trong thời gian gần đây, chúng ta đang chú trọng đến việc yêu cầu người tham gia giao thông phải thay đổi. Đây là điều không sai nhưng lại là vấn đề khó nhất. Thứ hai, chúng ta phải kiên trì trong việc xây dựng văn hoá giao thông, vì để thay đổi ý thức của một thế hệ, không chỉ đơn giản là trong một tháng hay một năm, mà cần cả một quá trình dài hơi”.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và giải quyết TNGT (Bộ Công an): “Tôi nghĩ khó có thể định lượng cụ thể. Lấy ví dụ, cách đây hơn 10 năm, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy nhận nhiều phản ứng quyết liệt. Thời điểm đấy có rất nhiều báo chí chính thống phản ứng không tích cực về vấn đề này, nhưng với sự quyết tâm cao của Đảng, Chính phủ và của nhân dân, chúng ta đã làm được điều này. Theo tôi, chúng ta mất 10 năm để hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm, và chúng ta có thể cũng sẽ mất khoảng thời gian như vậy hoặc hơn thế nữa, nhưng tôi hi vọng thời gian này sẽ ngắn hơn, để chúng ta xây dựng được ý thức văn hoá giao thông tốt hơn, mọi người có ý thức bảo vệ tính mạng, chấp hành tốt quy định pháp luật và ứng xử có văn hoá khi tham gia giao thông”.

Giải pháp nâng cao văn hoá giao thông

Trên các mặt báo, trong các chương trình, chúng ta vẫn luôn nói rằng: “Cần tích cực tuyên truyền, phổ biến cho người dân về các bộ luật, quy định của pháp luật”. Điều này cho thấy, tuyên truyền đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người dân. Nhưng theo Thượng tá, chúng ta nên tuyên truyền như thế nào, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội đang phát triển rộng rãi, nguồn tin độc hại có thể tác động đến người dân bất cứ lúc nào?

Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu: Thực ra chúng ta đang áp dụng rất nhiều biện pháp, cách thức tuyên truyền khác nhau và cũng có nhiều biện pháp đạt hiệu quả mong muốn. Tuy nhiên, trong bối cảnh mạng xã hội phát triển, những nguồn tin độc hại tác động đến con người, xảy ra trên toàn thế giới, ở tất cả các quốc gia, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0. Tôi thấy rằng, rất nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng các biện áp tuyên truyền khác nhau thì thường đi sâu tìm hiểu về văn hóa, tập quán, thói quen thường ngày của người tham gia giao thông. Người ta đánh vào cái gì đấy mà con người không mong muốn nhất, đưa những vấn đề đấy trở thành ý thức tham gia giao thông. Đôi khi có những biện pháp rất nhỏ thôi nhưng lại rất hiệu quả. 

Tôi lấy ví dụ ở Hà Lan, các bé 3 tuổi trở lên đều được khuyến khích trở thành Cảnh sát. Các bé được dạy, khi phát hiện ra các hành vi vi phạm trong tham gia giao thông của người lớn thì các bé có quyền đến báo với các chú Cảnh sát ở bốt gần đấy. Vừa đánh vào ý thức của người lớn, rằng mình như thế này còn bị trẻ em nhắc nhở, sự xấu hổ của người trưởng thành trước các em bé ngây thơ. Sau đó Cảnh sát sẽ kiểm tra camera để phát hiện hành vi vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật. 

Có một quốc gia tôi không nhớ rõ lắm thì người ta áp dụng biện pháp là đánh trực tiếp vào cái lỗi của người vi phạm giao thông. Tức là khi tôi vi phạm giao thông, tôi phải học cách làm CSGT, bị bắt buộc phải đứng ở vị trí của người CSGT cho đến khi tôi tìm thấy một người khác cũng vi phạm giao thông thì mới được rời vị trí. Như vậy thì vừa mất thời gian, mất công việc, vừa đánh vào tâm lý sợ của con người, lại có ý thức tuyên truyền cho toàn cộng đồng rằng hành vi của tôi là vi phạm. Đồng thời cũng giúp người đó hiểu về sự vất vả của những người sử dụng công quyền của Nhà nước để thực hiện việc quản lý xã hội, đảm bảo trật tự kỷ cương của xã hội trên các tuyến giao thông đường bộ.

Các PV, BTV Báo CAND tại buổi toạ đàm.

Các nước trên thế giới cũng đã áp dụng nhiều giải pháp để giảm thiểu nguy cơ tai nạn khi tham gia giao thông cho người dân. Như tại Thụy Điển, chính phủ đã xây dựng lộ trình "zero vision", theo đó nâng cao cơ sở hạ tầng giao thông để giảm thiểu rủi ro cho người điều khiển phương tiện. Những giải pháp này liệu có thể áp dụng tại Việt Nam hay không?

Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Uỷ ban ATGTQG: Chúng ta biết rằng lộ trình "Zero vision", "tầm nhìn zero" tức là "tầm nhìn không ai thiệt mạng do tai nạn giao thông" khởi nguồn từ Thuỵ Điển. Đến hiện nay, Thuỵ Điển, Anh và Hà Lan là ba nước có hồ sơ an toàn giao thông tốt nhất thế giới. Điều đó là thực tế đã kiểm chứng cho tính đúng đắn và hiệu quả của các chính sách về an toàn giao thông. "Zero vision" cho thấy rằng tai nạn giao thông hoàn toàn có thể phòng tránh, không ai nên bị thiệt mạng do tai nạn giao thông và họ sẽ làm mọi thứ có thể, từ hạ tầng giao thông tốt nhất, phương tiện giao thông tốt nhất, quy tắc giao thông chặt chẽ nhất, đào tạo khắt khe nhất, từ đó đảm bảo an toàn giao thông ở mức cao nhất. Cách tiếp cận như vậy về lý luận và thực tiễn đã được khẳng định tại hội nghị về an toàn giao thông cấp Bộ trưởng vừa được tổ chức tại Thuỵ Điển.

Tại hội nghị, các chuyên gia cũng khuyến cáo 9 nhóm giải pháp cụ thể để các nước, tuỳ theo điều kiện của mình, có thể tích hợp vào trong chương trình hành động. Trong đó, nhóm giải pháp đầu tiên phải nói tới chính là xây dựng văn hoá an toàn giao thông trong nội bộ tổ chức, mỗi tổ chức, doanh nghiệp xây dựng thói quen đi lại an toàn, văn hoá đi lại an toàn, khuyến khích nhân viên thực hiện. Ngoài ra, các nhóm giải pháp khác khuyến khích xây dựng giao thông công cộng, bảo vệ trẻ em trong quá trình giao thông, phát triển các phương tiện phi cơ giới như xe đạp... Chúng tôi cho rằng những giải pháp như vậy là tất yếu, khách quan.

Ở Việt Nam, chúng ta đã áp dụng nhiều biện pháp, ví dụ như công tác ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý vi phạm hiện được thực hiện ở nhiều địa phương, mang lại hiệu quả cụ thể. Hiện vẫn còn dư địa, khoảng trống mà chúng ta phải tiếp tục cải thiện. Tuy mỗi quốc gia có điều kiện khác nhau, tổ chức thực hiện khác nhau nhưng tầm nhìn hướng đến một xã hội an toàn thì tương đồng.

Trên lộ trình dài hơi nhằm biến việc tuân thủ pháp luật trở thành văn hóa giao thông của người dân Việt Nam, Cục CSGT đã đề ra những phương hướng và kế hoạch như thế nào để hiện thức hóa điều này?

Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Trong buổi GLTT này, các phần trước chúng ta đã đề cập đến thực trạng, hoàn thiện cơ sở pháp lý, giờ cần phải nêu ra các biện pháp cụ thể để có văn hoá giao thông, nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia giao thông. Ở đây, tôi đề cập cụ thể đến việc tuyên truyền, truyền thông về ATGT. Lâu nay, chúng ta nói tuyên truyền về ATGT, vấn đề này luôn được đặt lên cao nhất. Nhưng chúng ta đang đi quá nhiều về cái chung chung, như số liệu TNGT, vi phạm giao thông… mà chưa đưa ra một cái cụ thể.

Mới đây, Cục Cảnh sát giao thông phối hợp với các chuyên gia truyền thông, các Giáo sư của Đại học quốc gia Hà Nội xây dựng kế hoạch truyền thông giai đoạn 2019 – 2020. Cụ thể, chúng tôi tập trung thành các nhóm đối tượng để truyền thông, trong đó có nhiều nhóm chịu tác động nhiều. Hiện nay, chúng tôi đang tập trung nhóm đối tượng: Xe khách, lái xe khách; Lái xe tải, lái xe container, motor.

Ví dụ hiện nay, người điều khiển xe motor chưa có thói quen theo hàng dọc, hở cái là “điền vào chỗ trống”. Để hình thành thói quen này, cần phải có sự kiên trì như đi đúng làn, xếp theo trật tự, từ trật tự mới thông suốt. Thói quen này sẽ là tiền đề để chúng ta thực hiện tách làn. Thực tế, hiện nay có khoảng 70% tai nạn giao thông là do motor, va chạm giữa motor với ô tô. Khi có được thói quen đi hàng dọc, sẽ khiến việc tham gia giao thông được thông suốt, hạn chế va chạm. Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng kỹ năng cho người nhóm đối tượng tham giao giao thông bằng motor, như đi trong đô thị, đi cạnh xe tải… Với đối tượng lái xe khách, xe tải, chúng tôi có bộ kỹ năng riêng bằng tờ rơi, clip, phát thanh, sắp tới sẽ đưa lên mạng xã hội để truyền tải nhanh nhất.

Ở Nhật Bản và một số quốc gia khác, việc tuyên truyền giáo dục luật giao thông được đưa vào trường học, trở thành một môn học bắt buộc. Điều này sẽ giúp trẻ nhỏ hình thành nét văn hoá giao thông ngay từ khi còn nhỏ. Vậy còn ở Việt Nam thì sao? 

Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh VP Ủy ban ATGTQG: Chúng ta thấy rằng luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã có quy định về nội dung giáo dục ATGT. Tuy nhiên, cá nhân tôi đánh giá là còn hơi chung chung và chưa giao những đầu việc cụ thể để các cơ quan chức năng thực hiện. Tới nay, nội dung giáo dục về ATGT vẫn được thực hiện trong nhà trường, nhưng ở mức độ tự nguyện trong sách giáo dục công dân và một năm chỉ gồm hai tiết. 

Chúng tôi đã có những chuyên gia nghiên cứu về vấn đề này ở những nước phát triển thì nhận thấy rằng, ở châu Âu dạy tới 20 tiết/năm về ATGT cho học sinh, từ việc đi bộ ra sao, đi xe đạp, xe buýt, máy bay thì ứng xử thế nào. Họ có một chương trình đầy đủ và toàn diện. Nghị quyết 12 mà Chính phủ mới thông qua hồi đầu năm 2019 đã khắc phục được vấn đề này và giao cho Bộ GD&ĐT biên soạn một chương trình cụ thể. Đây là một bước thay đổi lớn và hết sức tích cực sau nhiều năm. 

Việc đưa giáo dục ATGT vào các giờ học chính khoá sẽ không chỉ cung cấp kiến thức cho các em, mà còn có tác dụng nữa là định hình và tác động ngược lại với hành vi của người thân. Khi ông bà, cha mẹ hay những người xung quanh chưa thực hiện đúng, chính các em sẽ là người nhắc nhở. Theo cập nhật mới nhất thì Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện khung chương trình để xuất bản tài liệu chính thống và đưa vào giảng dạy đại trà ở tất cả các cấp học. Tôi xin nhắc lại rằng đây thực sự là một bước đột phá được kỳ vọng. Từ đó, việc chúng ta đào tạo sát hạch lái xe sau này sẽ hiệu quả và chuẩn mực. 

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và giải quyết TNGT: Tôi đồng tình với anh Minh rằng việc tuyên truyền về ATGT thời gian qua vẫn còn khá chung chung. Nhưng trong dự thảo về bảo đảm ATGT mới đây đã quy định chi tiết từ nội dung, hình thức và kinh phí cho việc giảng dạy, tuyền truyền ở từng cấp học. 

Chúng tôi, Bộ Công an, hay Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang kết hợp cùng Bộ GD&ĐT để soạn ra những nội dung tuyên truyền phù hợp nhất vào sách giáo dục công dân từng cấp học. Chúng tôi đồng thời nghiên cứu một sách giáo khoa điện tử, gồm cả những kiến thức, phim hoạt hình, trò chơi để các cháu mẫu giáo hay cấp 1 dễ tiếp thu và thực hành tốt hơn. Hãy để cho trẻ có môi trường để chấp hành luật giao thông.

Lãnh đạo Báo CAND cùng các PV, BTV và các vị khách mời chụp ảnh lưu niệm.

Khi xảy ra các vụ tai nạn giao thông, người dân thường bức xúc, kiến nghị cần có chế tài xử lí đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi và đảm bảo an toàn người tham gia giao thông. Nhưng khi lấy ý kiến vào các dự thảo văn bản pháp luật, thì không ít người cho rằng quy định của pháp luật quá “khắt khe”. Vậy chúng ta cần làm gì để nâng cao hiệu quả xây dựng pháp luật về bảo đảm ATGT và tạo được sự đồng thuận của xã hội?

Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an): “Mỗi một vấn đề đương nhiên sẽ có những ý kiến khác nhau, nhất là những vấn đề khách quan, và nó tuỳ thuộc vào nhận thức và cách tiếp cận của mỗi người. Đối với việc xây dựng một dự luật cũng vậy, đương nhiên sẽ có những ý kiến trái chiều xung quanh. Để đạt được sự đồng thuận của đa số, một dự luật được xây dựng trước hết phải phục vụ lợi ích của quốc gia, bảo đảm tốt nhất quyền của con người, tạo được hành lang cơ sở pháp lý”.

Nhiều người dân khi tham gia giao thông cũng phản ánh rằng họ bị CSGT “thái độ”. Để nâng cao văn hóa người tham gia giao thông, chúng ta có cần năng cao văn hóa ứng xử của CSGT không?

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và giải quyết TNGT, Bộ Công an: Mỗi chiến sĩ CSGT khi thực thi nhiệm vụ ngoài hiện trường thì phải chấp hành quy chế, quy trình công tác và chịu sự ràng buộc rất chặt chẽ của quy định pháp luật, chịu sự giám sát của nhân dân. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, người chiến sĩ CSGT tiếp xúc với đa dạng thành phần tham gia giao thông, từ những người trí thức, có nhận thức đầy đủ về pháp luật đến những người thiếu hiểu biết về pháp luật. 

Vì vậy, bản thân mỗi người CSGT phải luôn luôn tự rèn luyện, trang bị cho mình kiến thức pháp luật, nghiệp vụ; kỹ năng, văn hoá ứng xử. Đây là điều tối cần thiết và các chiến sĩ CSGT phải ý thức được nhiệm vụ đó. Như đã nói, với đa dạng thành phần như vậy, chúng ta khó mà hình dụng ra được hết rằng, có những thời điểm các chiến sĩ CSGT bị khiêu khích lên mức rất cao, bị sức ép, rồi thời tiết mưa nắng nhưng vẫn bám đường, bám tuyến, bám chốt. 

Ngoài ra, tâm lý của mỗi chiến sĩ khác nhau, có chuyện vui, chuyện buồn, nếu như không có bản lĩnh tốt, không được rèn rũa thường xuyên về ứng xử, văn hoá thì rất dễ xảy ra xung đột với người vi phạm trong quá trình tiếp xúc. Nhưng chúng ta cũng cần nhìn nhận thực tế rằng có rất nhiều hình ảnh đẹp, nhân văn của chiến sĩ CSGT đã được ghi nhận, đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng hay trên mạng xã hội như hành động cảnh báo nguy cơ xảy ra tai nạn, cùng người dân dọn dẹp phế thải rơi vãi, đưa người yếu thế như cụ già, trẻ em qua đường, bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, có những chiến sĩ CSGT đã hi sinh một phần thân thể, tính mạng của mình để bảo vệ sự bình yên của người tham gia giao thông. Đây chính là nhiệm vụ cốt lõi của lực lượng CSGT: Bảo vệ người tham gia giao thông an toàn. 

Phải nhắc lại rằng, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, mỗi người chiến sĩ cần tiếp tục tự rèn luyện mình. Với những quy định chặt chẽ; quy trình, quy chế công tác; điều lệnh nội vụ CAND; quy định của pháp luật và sự giám sát của tổ chức, cá nhân, các chiến sĩ CSGT sẽ đảm trách tốt, đảm trách đúng vai, đảm trách đầy đủ, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ trong đảm bảo trật tự ATGT trên mọi tuyến đường.

Các PV, BTV Báo CAND tại buổi toạ đàm

Định lượng văn hóa là rất khó, vì còn tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, thời điểm cụ thể. Định lượng văn hóa giao thông còn khó hơn, khi luật pháp vẫn đang “đương đầu” với ý thức. Nhưng chúng ta vẫn cần có những chế tài cần thiết, mạnh mẽ, đủ sức răn đe để những quy định có thể thiết thực hơn, hiệu quả hơn. Ý kiến của các khách mời như thế nào về vấn đề này?

Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh VP Ủy ban ATGTQG: Chúng tôi đánh giá, quá trình xây dựng văn hóa giao thông là quá trình dài hơi và chúng ta cần phải kiên trì. Trong đó, việc xây dựng các quy định pháp luật phù hợp, có tính thực tiễn, đi vào cuộc sống là vấn đề vô cùng quan trọng. Để làm được điều này, khi xây dựng quy định pháp luật cần lấy những yếu tố cốt lõi từ người dân, mục tiêu của xã hội là đảm bảo trật tự an toàn giao thông là mục tiêu cao nhất thì chắc chắn luật sẽ đảm bảo tốt và đi vào cuộc sống.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và giải quyết TNGT, Bộ Công an: Tôi cũng đồng quan điểm với anh Minh, để xây dựng được văn hóa giao thông, để pháp luật đi vào cuộc sống chắc chắn cần có sự dung hòa. Sự dung hòa ở đây là pháp luật được xây dựng từ "hơi thở" cuộc sống, từ nhu cầu bức thiết của cuộc sống, phản ánh được sự cần thiết phải điều chỉnh, thể chế hóa của đời sống xã hội. Đồng thời, việc thực thi đảm bảo trật tự, nghiêm túc; việc chấp hành của người dân nghiêm túc và chúng ta tuyên truyền làm sao người dân nắm chắc được, nhận thức được đầy đủ những quy định của pháp luật để chấp hành tốt khi tham gia giao thông. Có được sự dung hòa của các yếu tố đó thì việc xây dựng văn hóa giao thông mới đạt được mục đích của xã hội là xây dựng sự phồn vinh, văn minh, tiến bộ của xã hội.

Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an): Tôi nghĩ rằng, dự luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ không chỉ tập trung vào các chế tài mạnh mẽ hơn để có sự răn đe hơn, mà mục tiêu còn cao cả hơn thế rất nhiều. Đồng tình với ý kiến của hai vị khách mời, theo tôi mục tiêu của luật khi được ban hành đó là tạo ra cuộc cách mạng lớn để thay đổi toàn bộ bộ mặt văn hóa giao thông hiện nay ở Việt Nam. Tôi muốn nói một câu kết, chúng ta có quyết tâm rất cao, chắc chắn chúng ta sẽ có những kết quả tốt đẹp.



Đại tá Trần Thanh Phong, Phó tổng Biên tập Báo CAND cảm ơn ba vị khách mời và độc giả của Báo CAND đã tham gia buổi GLTT.

Sau gần 1 tháng ra quân tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, lực lượng CSGT cả nước đã bắt giữ một số đối tượng, xử lí nhiều hành vi vi phạm pháp luật trên các tuyến giao thông. Qua đó, đã tác động rõ rệt đến ý thức người tham gia giao thông, đặc biệt là những người sử dụng rượu bia, ma tuý nhưng vẫn điều khiển phương tiện trên đường...

Thực tế cho thấy, mỗi khi CSGT tăng cường tổng kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm thì ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông ở mỗi người dân được tăng lên, từ những bữa ăn trong gia đình, cho đến những cuộc trò chuyện trong quán nước, nơi công cộng, người ta thường nhắc nhau chấp hành nghiêm quy định của pháp luật để tránh CSGT xử lí. Nhưng khi hết đợt kiểm tra, ý thức chấp hành đó dường như lại trùng xuống và trở về trạng thái lơ là như cũ. Phải chăng, vấn đề cốt lõi vẫn nằm ở văn hóa tham gia giao thông của mỗi người dân?

Nhằm góp phần nâng cao văn hóa giao thông, hôm nay, Báo CAND tổ chức GLLT với chủ đề “Hình thành văn hóa giao thông của cá nhân và cộng đồng”.

CAND
.
.
.