Từ vụ xe Mercedes rơi xuống sông Hồng (Hà Nội):

Tổ chức phân luồng giao thông linh hoạt trên cầu Chương Dương

Chủ Nhật, 11/11/2018, 08:07
Vụ xe Mercedes khi đang lưu thông bất ngờ đâm đổ lan can cầu Chương Dương, lao xuống sông Hồng đã đặt ra nhiều vấn đề xung quanh việc phân làn đường trên cây cầu

Mấy ngày qua, nhiều người chưa hết bàng hoàng trước vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên cầu Chương Dương. Chiếc xe Mercedes khi đang lưu thông trên cây cầu này bất ngờ đâm đổ lan can cầu, lao xuống sông Hồng khiến 2 người tử vong. Vụ tai nạn đã đặt ra nhiều vấn đề xung quanh việc phân làn đường trên cây cầu. 

Như Báo CAND đưa tin, khoảng 19h30 ngày 3-11-2018, xe ôtô Mercedes mang BKS 30E-868.36 khi đang lưu thông theo hướng từ quận Long Biên về trung tâm TP Hà Nội, đến gần giữa cầu Chương Dương (đi ở làn xe “cánh gà” - hỗn hợp) bất ngờ đâm văng lan can cây cầu và rơi xuống sông Hồng. 

Đến khoảng 1h ngày 4-11-2018, lực lượng chức năng đã tìm thấy chiếc xe, bên trong có 2 thi thể nữ giới đã tử vong. Vụ tai nạn thương tâm khiến nhiều ý kiến cho rằng, việc phân làn đường – cho làn đường ở hai làn xe “cánh gà” (hay còn gọi là làn xe hỗn hợp - xe ôtô và xe máy cùng được phép lưu thông) cần được tính toán lại, bởi việc lưu thông hỗn hợp như hiện nay đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. 

Cầu Chương Dương với thiết kế 4 làn xe được khai thác từ năm 1985. Đây là cây cầu trọng yếu kết nối giao thương, kinh tế - văn hóa – xã hội ở các quận nội thành với các quận, huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh… và một số tỉnh phía Bắc (Bắc Giang, Bắc Ninh...). 

Những năm qua, mật độ các phương tiện tham gia giao thông qua cây cầu này tăng đáng kể. Tình trạng ùn ứ giao thông luôn xảy ra, nhất là vào giờ cao điểm. 

Đại úy Ngô Duy Quang, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 1 – Phòng CSGT (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, sáng từ 7h-8h30, chiều từ 16h30-19h là thời điểm mà các cán bộ CSGT của đơn vị phải luôn tập trung làm nhiệm vụ, điều tiết các phương tiện lưu thông ở hai đầu cầu. 

Để giảm thiểu ùn tắc giao thông cho cây cầu, những năm qua, ngoài làn xe ôtô lưu thông ở giữa, hai làn xe “cánh gà” của cây cầu được sử dụng làm làn xe hỗn hợp (cấm xe ôtô tải, xe khách trên 9 chỗ…).

Linh hoạt trong tổ chức phân luồng giao thông để đảm bảo TTATGT trên cầu Chương Dương.

10h ngày 7-11, qua ghi nhận thực tế ở đây, chúng tôi thấy mật độ các phương tiện tham gia giao thông trên cầu Chương Dương luôn đông. Ở hai làn xe “cánh gà”, xe máy, ôtô và cả xe buýt nối hàng dài xuôi theo các hướng: “Trung tâm Hà Nội – Long Biên” và “Long Biên – Trung tâm Hà Nội”. 

Theo anh Quang Phương, nhà ở quận Ba Đình (Hà Nội), bản thân anh làm việc cho một công ty đóng trên địa bàn quận Long Biên, hằng ngày anh thường đi xe máy qua cầu. Nhiều lúc do phía trước xuất hiện xe ôtô, xe buýt chiếm gần hết diện tích lòng đường, nên anh phải điều khiển xe máy bám sát lan can cầu với tâm trạng lo lắng. 

“Nếu người điều khiển xe ôtô lưu thông trên làn đường hỗn hợp như hiện nay mất lái thì không biết hậu quả xảy ra đối với người đi xe máy trên cầu như chúng tôi là thế nào?, anh Phương cho biết thêm. 

Không thể phủ nhận những thuận tiện do việc phân luồng xe như hiện nay trên cầu Chương Dương, nhất là liên quan đến làn xe “cánh gà” – hỗn hợp đem lại, tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, việc để xe ôtô đi cùng xe máy ở làn xe “cánh gà” gây nhiều bất tiện, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông (ATGT), ảnh hưởng đến trọng tải cây cầu. 

Để hiểu rõ hơn vấn đề này, sáng 7-11, trao đổi với PV Báo CAND, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy – Nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giao thông Vận tải cho rằng, vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra vào tối 3-11 vừa qua chỉ là hy hữu trên cầu Chương Dương. Cầu Chương Dương là cây cầu thép, là loại cầu tốt, tải trọng của nó cho phép xe 5-6 tấn đi qua (kể cả hai làn xe “cánh gà”). 

Những ngày đầu đưa vào khai thác sử dụng, cây cầu này có 7.000-8.000 lượt xe lưu thông/ngày. Song hiện nay, số phương tiện qua cầu tăng đột biến, đến hàng chục ngàn xe/ngày. Để giảm ùn tắc giao thông, Bộ Giao thông Vận tải và UBND thành phố Hà Nội đã thống nhất phân luồng cho xe ôtô từ 9 chỗ trở xuống và một số xe có trọng tải nhẹ lưu thông ở hai bên làn xe “cánh gà”. 

Tuy nhiên, qua vụ tai nạn vừa rồi cũng như căn cứ vào tình hình thực tế khi hiện nay xe máy tham gia trên cầu rất đông, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu, tính toán, nên chăng hạn chế xe ôtô đi qua hai làn xe “cánh gà” và chỉ để làn xe “cánh gà” dành cho xe máy. 

Mặt khác, xe buýt tuy trọng tải không lớn nhưng khá cồng kềnh, chiếm nhiều diện tích, dễ gây ra ùn ứ giao thông khi đi vào làn xe hỗn hợp nên cơ quan chức năng cũng cần tính toán và không nên cho xe buýt đi vào đường này như hiện nay nữa.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, nhằm giảm tải mật độ các phương tiện giao thông qua cầu Chương Dương, các cơ quan chức năng đã xây dựng cầu Vĩnh Tuy, nhưng do cây cầu này nằm cách xa cầu Chương Dương, nhiều người vẫn có thói quen chọn cầu Chương Dương, dẫn đến tình trạng quá tải vào các giờ cao điểm. 

Do vậy, thời gian tới có thể nghiên cứu, xây dựng một cây cầu mới nằm giữa cầu Chương Dương và cầu Vĩnh Tuy, qua đó chia sẻ bớt lượng xe qua cầu Chương Dương cùng một số cây cầu khác như hiện nay. Về vấn đề này trên, Đại tá Trần Sơn – nguyên Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật và Điều tra, xử lý TNGT, Cục CSGT (Bộ Công an) cũng cho rằng, việc tổ chức, phân luồng giao thông là trách nhiệm của ngành Giao thông Vận tải và lực lượng CSGT. 

Do vậy, qua vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào tối 3-11, trong trường hợp cơ quan chức năng đưa ra phương án chỉ cho xe máy lưu thông vào hai đường “cánh gà” trên cầu thì lực lượng CSGT, Cảnh sát trật tự, Thanh tra giao thông… cần căn cứ tình hình thực tế, vào giờ cao điểm, nếu xảy ra ùn tắc hoặc có nguy cơ dẫn đến ùn tắc giao thông tổ chức linh hoạt các phương án phân luồng, đảm bảo TTATGT. 

Đại diện Đội CSGT số 1, Phòng CSGT – Công an TP Hà Nội khuyến cáo, qua vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên cầu Chương Dương vào tối 3-11, một lần nữa cảnh báo đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, người điều khiển phương tiện giao thông khi đi trên đường cần chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ: không uống rượu – bia, đi đúng làn đường, không phóng nhanh vượt ẩu, chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của lực lượng chức năng… Đáng chú ý, khi đi trên các cây cầu, đoạn đường đông, vào giờ cao điểm về ùn tắc giao thông, tài xế phải luôn tập trung điều khiển phương tiện.
Trần Huy
.
.
.