Tiếp tục lấy ý kiến về việc dừng hoạt động xe máy và thu phí ôtô vào nội đô

Thứ Sáu, 25/10/2019, 08:31
Sở GTVT Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục lấy ý kiến của người dân và các chuyên gia, nhà khoa học về hai đề án thu phí vào nội đô và hạn chế xe máy hoạt động ở một số cung đường.


Song, lãnh đạo Sở này cũng khẳng định, chỉ đề xuất xem xét dừng hoạt động xe máy khi hệ thống vận tải khách công cộng và các phương tiện thay thế đáp ứng được tối thiểu 60,5% nhu cầu đi lại của người dân. Đồng thời chỉ tiến hành thu phí phương tiện vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc khi đảm bảo giải pháp tổ chức giao thông và giải pháp hỗ trợ khác. Nếu hai đề án nói trên được Hội đồng nhân dân thông qua có thể sẽ áp dụng vào thực tế trong giai đoạn 2020-2030.

Hà Nội sẽ phân vùng hoạt động của xe máy khi phương tiện công cộng đáp ứng được hơn 60% nhu cầu đi lại của người dân.

Phí ôtô vào nội đô sẽ là một loại phí mới, không trùng lặp

Liên quan đến Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố”, Sở GTVT Hà Nội cho biết, đây là giải pháp kinh tế nhằm hạn chế phương tiện giao thông đi vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới cũng đã áp dụng.

Theo đó, phí “phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường” là một loại phí mới, không trùng lặp với các loại phí khác; áp dụng công nghệ thu phí hiện đại, đảm bảo tính kết nối với thiết bị thu phí không dừng trên toàn quốc tránh gây ùn tắc giao thông tại các điểm thu phí. Phạm vi thu phí được xác định theođường vành đai khép kín trong địa bàn thành phố, song việc lựa chọn vành đai thu phí sẽ dựa trên các kết quả đánh giá tác động giao thông. Đối tượng thu phí sẽ là các phương tiện giao thông cơ giới (ôtô) đi vào khu vực thu phí (trừ các loại xe được miễn phí theo quy định). Song đề án cũng sẽ nghiên cứu đề xuất chính sách miễn giảm đối với người dân có phương tiện giao thông cơ giới (ôtô) trong khu vực thu phí.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội khẳng định, đây là hoạt động phi lợi nhuận, mức thu phí chung được tính toán dựa trên việc đáp ứng tổ chức quản lý hoạt động thu phí. Mức thu cụ thể sẽ được tính toán phân bố theo hướng tăng dần đối với các loại phương tiện giao thông cơ giới có nguy cơ cao gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, các loại phương tiện cá nhân và các loại phương tiện có mức xả khí thải nguy cơ ô nhiễm cao.

Công nghệ thu phí sẽ kết hợp giữa nhận diện vô tuyến RFID (là công nghệ chính để thực hiện thu phí vốn có độ chính xác cao) và công nghệ tự động nhận dạng biển số ANPR (là công nghệ hỗ trợ thêm cho công tác xử lý vi phạm). Lộ trình thực hiện năm 2019-2020 xây dựng đề án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; năm 2020-2030 căn cứ nội dung đề án được duyệt phân công tổ chức thực hiện theo đề án.

Đề xuất hạn chế xe máy hoạt động từ 6-22h

Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030 là hết sức cần thiết. Tuy nhiên cũng cần xác định cụ thể phạm vi dừng hoạt động của xe máy, các điều kiện cần thiết dể đáp ứng sự đi lại của nhân dân khi dừng hoạt động của xe máy.

Chính vì vậy, tại đề án “Phân vùng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận đến năm 2030”, Sở GTVT Hà Nội cho hay, căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông và vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) sẽ tiến hành lựa chọn vành đai hạn chế hoạt động phù hợp.

Trong đó, quy hoạch giao thông Hà Nội đến năm 2030 thành phố sẽ quy hoạch 5 tuyến vành đai gồm: Vành đai 1, 2, 3, 4, 5 và vành đai 3,5 không khép kín, mang tính chất là đường trục chính đô thị. Bởi vậy, trong quá trình xây dựng đề án, sẽ đưa ra vùng hạn chế xe máy phù hợp, tùy tình hình thực tiễn, tác động giao thông và khả năng đáp ứng của VTHKCC. Quá trình xây dựng sẽ được lấy ý kiến đầy đủ các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức, nhân dân…

Sở GTVT khẳng định, chỉ đề xuất xem xét dừng hoạt động xe máy khi hệ thống VTHKCC và các phương tiện thay thế đáp ứng được tối thiểu 60,5% nhu cầu đi lại của người dân. Để đảm bảo yêu cầu này, đến năm 2030, cần đưa vào hoạt động 8 tuyến đường sắt đô thị, khoảng 200 tuyến xe buýt, 35.000 xe taxi, 50.000 - 55.000 xe hợp đồng, 15-20 tuyến minibus…

Để thực hiện được việc hạn chế xe máy, Đề án cũng đưa ra một số các giải pháp hỗ trợ như dừng cấp đăng ký mới xe máy tại một số quận khu vực trung tâm; không hạn chế xe máy ngoài giờ hoạt động của VTHKCC; miễn, giảm giá vé sử dụng dịch vụ VTHKCC đối với người dân sinh sống trong khu vực hạn chế…

Đề án cũng đưa ra yêu cầu, cần xem xét kỹ việc ảnh hưởng tới các tuyến đường xung quanh; đề xuất xem xét các tiêu chí về ùn tắc giao thông khi hạn chế hoạt động xe máy trên các tuyến. Cùng với mở rộng không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm trong phạm vi khu bảo tồn cấp I, cần nghiên cứu tổ chức không gian đi bộ trên toàn thành phố ở khu vực khác như Thủ Lệ, hồ Thành Công, hồ Trúc Bạch,…

Bên cạnh đó, sẽ thực hiện việc dừng xe máy có thể theo giờ và theo ngày trong tuần đối với khu vực, tuyến đường lựa chọn (trên các tuyến đường hạn chế vào các khung giờ cao điểm…). “Để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, đề xuất chỉ hạn chế xe máy trong khung giờ hoạt động của hệ thống VTHKCC, từ 6h-22h”- đề án nêu.

Hiện nay, thành phố Hà Nội có khoảng 6,6 triệu phương tiện cơ giới đường bộ, trong đó xe máy lên tới 6 triệu chiếc, tốc độ tăng trưởng hàng năm của ôtô là 11%, của xe máy là 6,75%, trong khi diện tích đất dành cho giao thông mới chỉ đạt 9,38%. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế, phương tiện hiện nay, hệ thống hạ tầng không thể đáp ứng kịp.

Tính toán của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, diện tích chiếm dụng của phương tiện giao thông đã vượt năng lực đáp ứng của hạ tầng giao thông. Diện tích chiếm dụng phương tiện đã chiếm 1,34 lần diện tích mặt đường toàn thành phố và 3,7 lần khu vực vành đai 3.

Phạm Huyền
.
.
.