Tiềm ẩn nguy hiểm khi trèo qua dải phân cách trên QL5

Thứ Ba, 26/04/2016, 15:28
Thời gian gần đây, trên QL 5, đoạn qua địa bàn tỉnh Hải Dương xuất hiện tình trạng phụ huynh, học sinh và người dân băng qua dải phân cách.


Đây là những lối đi tự phát nên không có biển báo, vạch kẻ đường. Do đó, người sang đường tự chủ động tránh các phương tiện và trèo qua 2 hàng rào tôn lượn sóng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.

Ngã ba Tiền Trung là nút giao giữa QL5 với QL37. Khu vực này có ga Tiền Trung, khu dân cư đông đúc và Khu công nghiệp Nam Sách. Trước tính chất phức tạp của nút giao thông này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa đặt dải phân cách ở giữa QL5. Điều này khiến xe máy, xe đạp từ QL37 rẽ về phía TP Hải Phòng phải đi ngược về hướng Hà Nội rồi lên cầu vượt cách đó khoảng 500m mới quay lại được. Tương tự, phương tiện trên QL5 đi vào QL37 phải đi về điểm mở ở chân cầu Lai Vu mới vòng lại được.

Gần đây, để tránh dải phân cách đặt trên QL5, đoạn ngã ba Tiền Trung, phường Ái Quốc, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương, nhiều phụ huynh và học sinh trèo qua hàng rào dải phân cách giữa QL 5 để sang đường đến trường. Một số học sinh vác xe đạp băng qua dải phân cách, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT. Tại đây, chỉ có một lối mở dành cho người đi bộ nên học sinh đi xe đạp phải nhấc xe qua dải phân cách mềm để sang đường rất nguy hiểm. Một số học sinh không nhấc được xe lên, bàn đạp mắc vào dải phân cách mãi mới gỡ ra được. Gần đây nhất, hồi 15h, ngày 31-3-2016, em Nguyễn Đình Trung, học sinh lớp 8, Trường THCS Ái Quốc, TP Hải Dương nhấc xe đạp qua dải phân cách để sang đường liền bất ngờ bị xe container cán chết tại chỗ. 

Phụ huynh và học sinh trèo qua dải phân cách trên QL5.

Từ nhiều năm nay, nhiều học sinh thôn Phương Duệ, xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành thường trèo qua hàng tôn phân cách giữa QL5 đến trường. Vào giờ tan học, các phụ huynh dựng xe ở cổng làng rồi vượt rào sang đường đón con, em mình. Đáng chú ý, mỗi phụ huynh dẫn từ 2-3 học sinh, xếp thành hàng ngang rồi chạy ào qua đường. Những học sinh không có người lớn đón liền đi theo từng tốp, lách qua những phương tiện cơ giới đang lưu thông trên QL5 để sang đường.

Theo nhiều người dân, phụ huynh sống trên tuyến đường, nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trên là do, ngày nào họ cũng phải đón con, cháu. Nếu đi lối cầu vượt về nhà xa hơn gần 1 km. Đi xe đạp thì không chở hết, đi bộ thì mất nhiều thời gian. Trong khi đó, nhà trường không có cổng phía gần cầu vượt nên đi theo đúng làn đường rất bất tiện. Do bố mẹ không đón được con nên một số học sinh băng qua dải phân cách về nhà cho nhanh.

Ngoài những vị trí trên, trên QL5, đoạn qua tỉnh Hải Dương còn có nhiều điểm người dân không đi lối cầu vượt gần đó mà chui, trèo qua rào chắn để sang đường bất chấp nguy hiểm. Điển hình, tại khu vực cầu vượt Phú Lương, TP Hải Dương, cầu vượt Lai Cách, huyện Cẩm Giàng...

Việc học sinh, người đi đường tự mở lối sang, vượt dải phân cách QL5 không chỉ khiến chính những người vi phạm gặp nguy hiểm, ảnh hưởng đến các lái xe lưu thông trên quốc lộ. Người lớn, trẻ con đi qua rào, tràn ra giữa đường. Nếu xảy ra sự cố đáng tiếc vừa gây tổn thất cho nạn nhân và lái xe. Tình trạng học sinh vượt rào đến trường diễn ra từ nhiều năm nay. Trên thực tế, tại những điểm vi phạm đểu có cầu vượt nhưng các phụ huynh, học sinh thường không sử dụng vì ngại đi xa. Hành vi vi phạm ATGT này khiến các học sinh đối mặt với nguy cơ TNGT, hình thành thói quen tùy tiện khi tham gia giao thông. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các địa phương, nhà trường chưa quan tâm chấn chỉnh, tuyên truyền về công tác đảm bảo ATGT.

Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Khánh, Trạm trưởng Trạm CSGT Hải Dương (đơn vị đảm bảo TTATGT trên QL5), QL5 đoạn qua địa bàn tỉnh Hải Dương hiện có 10 trường học, trên 100 cơ quan doanh nghiệp và nhiều khu dân cư hai bên đường.

Thời gian qua, đơn vị thường xuyên tổ chức tuyên truyền pháp luật về bảo đảm TTATGT, nâng cao kiến thức, pháp luật về ATGT cho các học sinh tại các trường học trên địa bàn. Tuy nhiên, trên tuyến đường này vẫn xảy ra TNGT nghiêm trọng liên quan đến học sinh khi các em sang đường. Do các điểm mở, lối đi tự phát nằm rải rác dọc quốc lộ nên lực lượng CSGT không đủ người để kiểm tra thường xuyên. Vì vậy, việc xử lý học sinh vi phạm chưa khả thi.

Trước đây, giao thông ở ngã ba Tiền Trung thường ùn tắc vào giờ cao điểm. Từ khi có dải phân cách, khu vực này không ùn tắc nhưng lại hỗn loạn khi các công nhân từ KCN Lai Vu đi ngược chiều, học sinh vác xe đạp qua dải phân cách để sang đường. Việc người dân đi ngược chiều để sang đường khiến cho điểm sang đường qua QL5 (cách ngã ba Tiền Trung khoảng 1 km) thường xuyên ùn tắc lại thêm phức tạp. Trong khi lực lượng CSGT phân luồng không xuể.

Được biết, Công an tỉnh Hải Dương vừa kiến nghị Tổng cục Đường bộ mở dải phân cách ngã ba Tiền Trung cho xe mô tô, xe máy, xe thô sơ sang đường. Đồng thời, tiến hành mở điểm sang đường trên QL5 trước cổng khu công nghiệp Lai Vu và lắp đèn tín hiệu tại đây....

Theo Sở GT-VT Hải Dương, việc "bịt" ngã ba Tiền Trung là cần thiết vì khu vực này thường xuyên ùn tắc và tai nạn. Tuy nhiên, do thói quen tùy tiện, muốn đi gần nên người dân tự ý đi ngược chiều, không đảm bảo an toàn giao thông. Ngoài việc tuyên truyền để người dân thay đổi thói quen, trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ nâng cao dải phân cách ở khu vực này để người dân không thể vác xe đạp qua được.

Tại khu vực cổng KCN Lai Vu, UBND tỉnh Hải Dương đang chờ Tổng cục Đường bộ cho phép và triển khai việc mở dải phân cách, lắp đèn tín hiệu và phân luồng giao thông. Về lâu dài, để phòng ngừa những hậu quả đáng tiếc, các trường học tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở học sinh, tổ chức ký cam kết để phụ huynh không vi phạm. Ban ATGT tỉnh Hải Dương và các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp kiểm tra, xử lý, chấm dứt tình trạng trên.

Đăng Hùng
.
.
.