Thu phí tự động không dừng: Chỉ 23,4% xe sử dụng

Thứ Tư, 08/05/2019, 08:38
Thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, đối với dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc giai đoạn 1 áp dụng cho quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 07, đã có 26 trạm thu phí thuộc hợp đồng ban đầu cơ bản hoàn thành đúng tiến độ.

Trong 18 trạm ngoài Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên bổ sung vào dự án, theo lãnh đạo Tổng cục Đương bộ hiện đã vận hành thương mại được 2 trạm (Mỹ Lộc, An Sương-An Lạc); đã lắp đặt, đang chạy thử nghiệm trạm quốc lộ 1 Quán Toan-cầu Nghìn; 15 trạm còn lại sẽ triển khai trong năm 2019. Về công tác dán thẻ, số lượng xe đã được dán thẻ đến hết tháng 3-2019 là 706.835/3 triệu xe (đạt 23,4% tổng số xe cả nước), tỷ lệ xe đã sử dụng dịch vụ thu phí ETC đạt 18,9%/tổng xe đã dán thẻ.

Dự án thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng giai đoạn 2, Bộ Giao thông Vận tải ủy quyền cho Tổng cục Đường bộ lựa chọn nhà đầu tư. Tổng cục đã tổ chức sơ tuyến quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, có 4 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển.

Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ đã mời các nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và đã mở thầu ngày 7-3 vừa qua và hiện nay đang thẩm định kết quả đánh giá lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Đối với tình hình triển khai thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí do địa phương làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Tổng cục Đường bộ đã làm việc với 17 Sở Giao thông các tỉnh, thành phố có trạm thu phí và sẽ góp ý về hồ sơ thiết kế, dự toán đầu tư hệ thống thu phí tự động không dừng trên các trạm thu phí.

Còn nhiều lái xe chưa dán thẻ thu phí không dừng.

Lý giải về việc chủ xe chậm sử dụng thu phí tự động không dừng, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ phân tích, hiện nay, thói quen sử dụng tiền mặt của người sử dụng và chủ phương tiện còn nhiều đồng thời chưa có quy định bắt buộc chủ phương tiện dán thẻ đầu cuối để sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng nên số lượng phương tiện dán thẻ chưa cao.

Điều này được Tổng cục Đường bộ đánh giá dẫn đến nguồn thu của dự án thu phí tự động không dừng không đảm bảo theo phương án tài chính dự kiến của dự án. Vì thế, tháng 6-2018, ngân hàng BIDV đã tạm dừng giải ngân cho dự án nên Công ty VETC không có đủ tài chính để tiếp tục thực hiện dự án dẫn đến tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng bị chậm.

Thừa nhận cơ sở pháp lý về việc bàn giao trạm thu phí từ nhà đầu tư cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí chưa rõ ràng, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho rằng, trên thực tế, hầu hết các nhà đầu tư đang phản đối việc bàn giao trạm thu phí do tài sản các trạm thu phí đang được thế chấp tại ngân hàng để vay vốn thực hiện dự án nên không thể bàn giao cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí. Điều này cũng ảnh hướng đến tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng.

Một lý do khác được Tổng cục chỉ ra trong việc chậm trễ đó là hiện nay, các nhà cung cấp dịch vụ thu phí vay vốn của một hoặc nhiều ngân hàng để đầu tư hệ thống thu phí tự động không dừng. Chủ phương tiện có tài khoản tài nhiều ngân hàng khác nhau. Nhà đầu tư BOT vay vốn của một hoặc nhiều ngân hàng để đầu tư dự án BOT.

Thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ không dừng liên quan đến 3 chủ thể là nhà cung cấp dịch vụ thu phí, chủ phương tiện và nhà đầu tư BOT nên cần kết nối thanh toán giữa tài khoản của các chủ thể trên hệ thống thanh toán liên ngân hàng.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, trong Quyết định 07 chưa quy định trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước để hướng dẫn, kiểm tra giám sát nhà cung cấp dịch vụ thu phí thực hiện các quy định của pháp luật trọng lĩnh vực ngân hàng có liên quan đến việc thanh toán dịch vụ thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.

Trong trường hợp phương tiện xe đi quan trạm phí không dừng mà tài khoản trả trước không đủ để chi trả, nhà cung cấp dịch vụ thu giá ghi nợ trên tài khoản và thông báo cho chủ phương tiện biết (sau 10 ngày, nếu chủ phương tiện vẫn không nộp tiền để thanh toán thì nhà cung cấp dịch vụ thu giá sẽ từ chối cung cấp dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện, khởi kiện chủ xe), thế nhưng, hiện chế tài này khó áp dụng do hành lang pháp lý để từ chối cung cấp dịch vụ là chưa đủ và việc khởi kiện đối với chủ phương tiện để đòi một khoản phí dịch vụ sử dụng đường bộ (khoảng 30.000-160.000 đồng) là không thực tế.

Trên cơ sở rà soát các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Quyết định 07, Tổng cục Đường bộ kiến nghị sửa đổi Quyết định 07 không áp dụng hình thức nộp tiền vào tài khoản trả trước bằng thẻ cào; bổ sung trách nhiệm của các Bộ ngành, đặc biệt là trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng; xem xét cơ sở pháp lý việc yêu cầu nhà đầu tư bàn giao trạm thu phí cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí để triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng.

Đặng Nhật
.
.
.