Thi công, đào đường - “thủ phạm” tăng ùn tắc và TNGT
Từ khi triển khai đồng loạt dự án nâng cấp mở rộng QL1A tại các tỉnh, thành Đông Nam bộ, số vụ TNGT, số người chết và bị thương đã tăng lên khá cao tại các tỉnh, thành. Đặc biệt là tình trạng ùn tắc giao thông liên tục xảy ra tại các cửa ngõ thành phố và nhiều ngả đường khác. "Thủ phạm" không ai khác là các đơn vị thi công, đào bới, cày xới lỗ chỗ khắp nơi làm thu hẹp diện tích mặt đường dành cho các loại xe lưu thông cùng chiều và ngược lại.
Thượng tuần tháng 11, trên xa lộ Hà Nội từ trạm thu phí đến gần cầu Sài Gòn trước 8h sáng mỗi ngày liên tục kẹt xe. Tại ngã ba Tân Vạn đến khỏi ngã ba Vũng Tàu cũng kẹt xe liên tục. Muốn đi về Phan Thiết, đa số các tài xế đều chọn đi hướng cao tốc TP.HCM - Long Thành và vòng ra ngã ba Tân Phong (Long Khánh) hoặc thẳng theo đường biển Bình Châu - Hồ Tràm ra Lagi (Hàm Tân) về Phan Thiết. Đường có xa hơn một chút, nhưng chắc chắn thời gian sẽ rút ngắn hơn khi lưu thông trên QL1A đang thi công và an toàn hơn. Tài xế Nguyễn Thành Trí, chạy tuyến Phan Thiết khẳng định chắc nịch: “Có cho vàng cũng không thèm chạy QL1A. Nhất là ban đêm không lọt hố cũng bị xe đâm bỏ mạng”. Tình trạng kẹt xe cửa ngõ Đông thành phố là do trước đây ngay chân cầu Rạch Chiếc (đoạn giáp cầu vượt Cát Lái), có một làn đường dành cho xe thô sơ, xe gắn máy. Hiện nay làn đường này đang là công trường của dự án tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, nên làn xe thô sơ, xe gắn máy phải di chuyển ra làn đường giữa, nhường đường cho làn xe ôtô, xe tải chạy lên cầu vượt Cát Lái về phía quận 2. Thay đổi làn đường, ngặt nỗi các nhà quản lý giao thông không thèm thay đèn báo hiệu giao thông. Các loại xe hai, ba bánh chỉ được chạy 29 giây, trong khi chờ mất toi một phút. Sáng và chiều mật độ lưu thông của xe gắn máy qua đoạn này quá đông, nhưng không ai quan tâm. Sở GTVT TP cho biết, sẽ phối hợp với lực lượng CSGT và các đơn vị liên quan tăng cường lực lượng điều tiết giao thông hợp lý tại các vị trí, khu vực có mật độ phương tiện lưu thông cao, kịp thời xử lý các bất cập phát sinh trong quá trình tổ chức lưu thông trên tuyến, đảm bảo ATGT và tránh nguy cơ ùn tắc trên tuyến đường dài khoảng 3km trên tuyến Xa lộ Hà Nội từ cầu Rạch Chiếc tới siêu thị BigC (gần cầu Sài Gòn) đang trở thành điểm ùn tắc nghiêm trọng. Sự ùn tắc còn do cục bộ toàn tuyến từ Suối Tiên ra Tân Vạn - Ngã ba Vũng Tàu vào giờ cao điểm các loại xe đầu kéo, container, tải xếp hàng ba một chiều hùng dũng tiến về phía cảng Cát Lái, Sài Gòn… kéo theo sự ùn tắc cục bộ kéo dài.
Đoạn cầu vượt Long Khánh. |
Trong khi đó, trên QL1A qua Đồng Nai, Bình Thuận, tình trạng thi công ẩu, kéo dài và xới tung lên gây ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng khiến người dân bức xúc vô cùng. Chưa kể đến thiệt hại về kinh tế, sản xuất, kinh doanh buôn bán của người dân sống hai bên quốc lộ. Theo Ban ATGT tỉnh Bình Thuận cho biết, việc nâng cấp mở rộng QL1A đi qua Bình Thuận có chiều dài 169km do 3 nhà thầu thực hiện. Từ khi dự án được triển khai (ngày 16/3) đến nay đã xảy ra 65 vụ tai nạn nghiêm trọng làm 73 người tử vong, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân xảy ra TNGT phần lớn là do các nhà thầu thi công chưa thực hiện đầy đủ các quy định về ATGT như: thiếu biển cảnh báo, không đèn tín hiệu cảnh báo vào ban đêm, không rào chắn, không đúng quy cách, thiếu đồng bộ, không người cảnh giới hướng dẫn giao thông, thi công dang dở, để vật liệu rơi vãi trên đường và nhiều nơi bố trí mũi thi công quá dài, có nơi hơn 1.500m.Tình trạng thi công này đã dẫn đến mặt đường bị thu hẹp 2 bên cùng lúc, làm cống ngang đường, xe chở vật liệu và xe của các đơn vị thi công thường xuyên lấn chiếm lòng lề đường, đèn đường đơn vị thi công dời đi mà không lắp lại... đã dẫn đến TNGT tăng cao trong thời gian qua.
Tại Đồng Nai, các tuyến QL1A, QL20, QL51 đang thi công nâng cấp, mở rộng đồng loạt, cũng với kiểu làm ẩu, kéo dài, ì ạch và thiếu an toàn của các đơn vị thi công đã làm gia tăng TNGT trong thời gian qua. Hầu như ngày nào cũng có TNGT chết người xảy ra trên tuyến QL20, QL1A qua Đồng Nai, nguyên nhân chính là do đào bới đường, chật chội và các phương tiện tranh nhau, chen lấn. Nhiều đoạn đường bị rào chắn thi công làm hẹp còn một bên, các phương tiện bị ùn ứ dễ dẫn đến tai nạn. Vụ TNGT làm chết 2 học sinh ở xã Xuân Hòa, Công an huyện Xuân Lộc ghi nhận thông tin ban đầu do tài xế xe khách chạy hướng Bình Thuận - Đồng Nai tránh đoạn đường đang thi công, nên đã đụng vào 2 học sinh đi xe máy ngược chiều. Ngoài ra, tình trạng thiếu các yêu cầu hướng dẫn lưu thông như: biển báo, đèn chiếu sáng, người hướng dẫn giao thông…
Theo quy định của Bộ GTVT, đoạn đường đã được bàn giao thì đơn vị nhận bàn giao phải có trách nhiệm duy tu, sửa chữa ở các đoạn chưa thi công đến. Thực tế, trên phần đường dành cho xe 2 bánh ở 2 bên QL1A, đoạn từ Trảng Bom đến huyện Xuân Lộc, hiện vẫn còn nhiều nơi đọng nước, hoặc có ổ gà, ổ voi… gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia lưu thông. Đặc biệt tại cầu vượt đường sắt QL1A tại TX Long Khánh, đơn vị thi công ì ạch, kéo dài, các cốt sắt trên cầu vượt hoen gỉ đã lâu nhưng chưa thấy lắp đặt thêm gì. Đường tạm 2 bên cầu vượt không được thoát nước, hố trũng khi trời mưa mặt đường biến thành ao, rất khó khăn cho ôtô lưu thông, còn xe máy thì không dám chạy qua.
Các biện pháp kiểm tra, xử phạt nhà thầu, chủ đầu tư, đơn vị thi công thời gian qua chưa phải là giải pháp hữu hiệu khi mà sau đó “đâu lại vào đấy”. Người dân tham gia giao thông và người dân hai bên QL1A thì ngày ngày vẫn chịu đựng bao nhiêu vất vả và nguy hiểm rập rình