Thêm 5 tuyến buýt mới được kết nối tới huyện ngoại thành Hà Nội
Theo đó, các tuyến buýt 101, 102, 103 sẽ có giá vé là 9.000đ/lượt; hai tuyến 104, 105 có giá vé là 7.000đ/lượt. Giờ mở bến từ 05h00 – 20h25, với tần suất trung bình 20-30 phút/lượt.
Đây là các tuyến buýt kết nối tới các khu đô thị, trung tâm thị trấn, thị tứ thuộc các huyện ngoại thành với khu vực nội đô nhằm tăng cường năng lực phục vụ hành khách có nhu cầu ra vào trung tâm thành phố.
Với 5 tuyến buýt mới, từ 19-8, hai huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức là 2 địa phương cuối cùng trong số 30 các quận, huyện của TP Hà Nội chính thức được sử dụng dịch vụ xe buýt có trợ giá với dịch vụ tiêu chuẩn chất lượng cao của thành phố.
Về phương tiện, đối với 2 tuyến buýt số 104 và 105 là 2 tuyến xe buýt nhỏ sức chứa 30 hành khách, Tổng công ty đã đầu tư trang bị xe buýt hoàn toàn mới với mầu sơn xanh lá cây đặc trưng của các tuyến buýt gom; ba tuyến buýt số 101, 102 và 103 sử dụng màu sơn vàng đỏ truyền thống và hình ảnh chim bồ câu cách điệu gắn biểu tượng Khuê Văn Các với đầy đủ các tiện ích phục vụ hành khách như: đèn Led, wifi, GPS kết nối âm thanh tự động và sử dụng công nghệ truyền dẫn tốc độ cao cho phép cập nhật hệ thống âm thanh từ trung tâm tạo thuận lợi trong quá trình quản lý, điều hành và kiểm soát xe hoạt động trên tuyến đồng thời giúp cho việc cập nhật thông tin thay đổi dịch vụ đến với hành khách nhanh chóng, thuận tiện.
Tăng thêm nhiều tiện ích trên xe buýt để thu hút khách. |
Theo lãnh đạo Tổng công ty Vận tải Hà Nội, thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”, đã được Thành ủy, UBND thành phố phê duyệt và giao nhiệm vụ cho các sở, ngành liên quan, các doanh nghiệp vận tải công cộng và Tổng công ty Vận tải Hà Nội tổ chức triển khai thực hiện.
Đề án đưa ra nhiều giải pháp trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp về hợp lý hóa, phát triển mạng lưới tuyến, mở rộng vùng phục vụ; đầu tư hạ tầng ưu tiên cho xe buýt; đầu tư đổi mới đoàn phương tiện; tăng cường công tác quản trị và công tác đào tạo để nâng cao chất lượng phục vụ của xe buýt, thu hút người dân tham gia sử dụng phương tiện VTHKCC.
Năm 2016 Tổng công ty đã mở mới 7 tuyến xe buýt trong đó 2 tuyến kết nối đến các khu đô thị trung tâm; 3 tuyến mở rộng vùng phục vụ đến các huyện ngoại thành.
Năm 2017, tiếp tục khẳng định vai trò là đơn vị chủ đạo trong lĩnh vực hoạt động VTHKKC của thành phố, Tổng công ty Vận tải Hà Nội tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển xe buýt; trong đó mở 14 tuyến xe buýt và thí điểm 1 tuyến buýt City Tour phục vụ du khách tham quan du lịch Hà Nội; đầu tư mới thêm trên 200 xe buýt tiêu chuẩn hiện đại, tiên tiến, nhằm nâng cao chất lượng cũng như hình ảnh đoàn phương tiện...
Thực hiện kế hoạch mở mới 14 tuyến xe buýt trong năm 2017, đến hiện tại Tổng công ty đã triển khai và đưa vào vận hành 2 tuyến buýt nằm trong kế hoạch năm 2016 và 9 tuyến buýt của kế hoạch năm 2017 phục vụ nhân dân các khu đô thị mới và các huyện ngoại thành gồm: Sóc Sơn, Thanh Oai, Đông Anh, Mê Linh, Ba Vì, Phú Xuyên….
Quá trình thực hiện bước đầu, các tuyến buýt mở mới đã hoạt động ổn định, các chỉ tiêu về chuyến lượt, chất lượng dịch vụ được đảm bảo, sản lượng hành khách đang tiếp tục có chiều hướng gia tăng và đặc biệt được chính quyền và nhân dân các địa phương ghi nhận và đánh giá tích cực.