Thay đổi tích cực hành vi từ khi có Nghị định 100/NĐ-CP
- Người dân được chọn ống thổi trước khi kiểm tra nồng độ cồn
- Theo chân CSGT kiểm tra nồng độ cồn trong đợt dịch virus Corona
- TPHCM xử phạt 1.747 trường hợp vi phạm nồng độ cồn
- CSGT tạm dừng sử dụng phễu thổi khi đo nồng độ cồn
Ngay trước khi Nghị định 100/NĐ-CP có hiệu lực vào ngày đầu tiên của năm 2020, tại buổi họp báo tuyên truyền thông điệp “Đã uống rượu, bia - Không lái xe” do Ban An toàn giao thông (ATGT) TP Hồ Chí Minh tổ chức, ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó trưởng Ban ATGT thành phố cho biết, Ủy ban ATGT quốc gia đã khảo sát tình hình TNGT tại 3 địa phương: Bình Dương, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Kết quả khảo sát cho thấy, 80% - 90% vụ TNGT do nam giới gây ra xuất phát từ việc uống rượu bia rồi lái xe. Thời gian xảy ra tai nạn thường từ 18h đến 24h và cao hơn vào các ngày cuối tuần, phương tiện xảy ra tai nạn chủ yếu là xe máy, chiếm 70-90% số vụ.
Riêng tại TP Hồ Chí Minh, trong 17.200 trường hợp bị TNGT, có hơn 4.400 trường hợp trong máu có nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép. Rất nhiều người tử vong vì lái xe gây TNGT sau khi uống rượu, bia. Tỉ lệ thực khách tự lái xe sau khi uống rượu - bia tại các nhà hàng, quán nhậu chiếm 68%, trong số đó có 40% say xỉn và vi phạm Luật giao thông đường bộ.
CSGT TP Hồ Chí Minh kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông. |
Thế nhưng, sau gần 2 tháng thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP, tình hình trật tự ATGT trên cả nước chuyển biến khá tích cực, TNGT đã giảm sâu. Theo số liệu thống kê trong tháng 1-2020, cả nước xảy ra 726 vụ TNGT, làm chết 526 người, bị thương 450 người; giảm 122 người chết so với bình quân mỗi tháng của năm 2019.
Riêng 7 ngày Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, toàn quốc xảy ra 198 vụ, làm chết 133 người, bị thương 174 người, so với cùng kỳ 7 ngày Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, TNGT giảm 24 vụ (10,8%), giảm 7 người chết (5%) và giảm 38 người bị thương (17,9%).
Bên cạnh đó, theo các báo cáo của Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) cho thấy, trong một tuần nghỉ Tết Canh Tý, số nạn nhân do TNGT, vi phạm nồng độ cồn gây ra chỉ còn khoảng 8%, giảm gần 75% so với dịp Tết Kỷ Hợi....
Nói về sự chuyển biến tích cực trong việc giảm tỷ lệ vụ TNGT liên quan đến rượu bia, men cồn từ khi thực hiện NĐ 100/2019/NĐ-CP, ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, nghị định này đã tác động rất lớn đến ý thức của người dân. Họ chủ động hơn trong việc tìm phương án đi lại cho mình khi tham gia tiệc tùng, hiếu hỉ hoặc chủ động từ chối những cuộc nhậu bình thường như trước đây.
Theo ghi nhận của chúng tôi từ cuộc khảo sát mi ni với nhiều người tại TP Hồ Chí Minh thường xuyên tụ tập, ăn nhậu cho thấy đã có sự thay đổi rất lớn về mặt nhận thức. Họ đang dần thích ứng với khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia - Không lái xe” bằng cách đi nhậu bằng xe dịch vụ (xe ôm, taxi,…).
Anh Đỗ Minh (ngụ quận 12, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ lúc đầu anh và nhiều bạn bè bị “sốc” khi nghị định xử phạt vi phạm nồng độ cồn quá nặng. “Nhưng giờ tôi mới thấy đúng, bởi sức khỏe, tính mạng con người là trên hết. Hiện tại tôi luôn sử dụng phương tiện công cộng để đi nhậu với bè bạn, tiệc tùng hoặc quan hệ làm ăn. Tuy có tốn kém một tí nhưng lại rất an toàn”.
Chiều một ngày trung tuần tháng 2-2020, tại một quán nhậu vỉa hè trên đường Hoàng Sa (quận 3, TP Hồ Chí Minh), chúng tôi chứng kiến một nhóm bạn gần chục người cũng “một, hai, ba… zô” nhưng bằng bia không cồn.
Anh Lê Bá, một người trong bàn này chia sẻ: “Thói quen tụ tập uống bia khó bỏ, nên chiều nào nhóm anh em bạn chúng tôi cũng tụ tập làm lon bia hàn huyên tâm sự rồi mới về nhà. Từ khi có nghị định 100, anh em gặp nhau chẳng lẽ uống nước suối nói chuyện nên chúng tôi thống nhất chuyển sang uống bia không cồn, dự tính từ từ sẽ chuyển sang uống cà phê để bỏ hẳn thói quen uống rượu bia”.
Trong buổi tiệc sinh nhật tại nhà riêng, anh Trần Tuấn Khanh (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) chiêu đãi bạn bè bằng bia không cồn. “Tiệc tùng mà không có rượu bia thấy thiêu thiếu làm sao ấy nên tôi quyết định đãi bia không cồn. Nhiều bạn nhậu tỏ ra không hài lòng, nhưng cũng không ít người hưởng ứng. Do bia không cồn nên các chị em phụ nữ cũng tham gia nâng ly khiến buổi tiệc còn sôi động, vui vẻ hơn cả lúc trước”, anh Khanh kể lại.
Bia, rượu từ lâu đã đồng hành với nhiều gia đình người Việt, luôn có mặt trong hầu hết các buổi giao lưu, tiệc tùng, liên hoan. Tuy nhiên, hệ lụy từ bia rượu cũng trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội.
Những ngày Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều người băn khoăn về việc xử nặng hành vi uống bia, rượu lái xe sẽ làm mất vui. Thế nhưng sau khi được thông tin thống kê về số vụ TNGT trong những ngày Tết giảm, cả cộng đồng đều phấn khởi. Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 bước đầu đi vào cuộc sống đã đạt được sự đồng thuận khá lớn của người dân.
Tuy nhiên, thói quen sử dụng bia, rượu của người Việt đã trở thành “truyền thống” nên cũng khó có thể “cai nghiện” một sớm, một chiều. Vẫn rất cần thêm thời gian để mục tiêu giảm tác hại của rượu bia đạt kết quả tốt nhất, nhưng, ngay từ bây giờ, “đã uống rượu bia thì không lái xe” phải là mệnh lệnh mà mỗi người cần phải nghiêm chỉnh chấp hành, để vì sự an toàn của cá nhân mình, người thân và xã hội.