Giá trông giữ xe ở Hà Nội sẽ tăng ngất ngưởng
Theo tờ trình HĐND thành phố, Hà Nội đề xuất tăng mức phí sử dụng vỉa hè lòng đường lên gấp 3 lần so với mức hiện nay. Cụ thể, phí lòng đường, hè phố sử dụng để trông giữ ôtô tại khu vực lõi đô thị (gồm 12 tuyến tại quận Hoàn Kiếm), trong đó có phố Nguyễn Xí, Lý Thái Tổ, Lý Thường Kiệt, Hàng Ngang, Hàng Đào… được lãnh đạo UBND TP Hà Nội đề xuất tăng từ 80.000 lên 240.000 đồng/m2/tháng (gấp 3 lần hiện nay).
Lòng đường, hè phố các tuyến còn lại của quận Hoàn Kiếm và các tuyến phố nằm trong khu vực đường vành đai 1 được tăng từ 60.000 lên 150.000 đồng/m2/tháng; lòng đường, hè phố các tuyến nằm trong đường vành đai 2, vành đai 3 tăng từ 45.000 – 60.000 đồng lên từ 60.000 - 80.000 đồng/m2/tháng.
Phí lòng đường, hè phố sử dụng để trông giữ xe máy tại khu vực lõi đô thị (gồm 12 tuyến tại quận Hoàn Kiếm) tăng từ 45.000 đồng lên 135.000 đồng/m2/tháng; khu vực từ đường vành đai 1 đến vành đai 3 có mức tăng 45.000 đồng đến 90.000 đồng/m2/tháng.
Giá trông giữ phương tiện tại nội thành Hà Nội dự kiến sẽ tăng từ năm 2018. |
Cùng với việc nâng giá thuê vỉa hè, lòng đường, UBND thành phố cũng dự kiến ban hành phương án giá dịch vụ trông giữ xe tăng khoảng 1,5 đến 2 lần tại khu vực đô thị lõi và các tuyến phố từ đường vành đai 3 trở vào.
Cục Thuế Hà Nội cho rằng, với mức phí và giá mới này, nếu thực hiện sẽ đạt được 5 mục tiêu. Một là hạn chế phương tiện cá nhân bởi khi mức giá trông giữ phương tiện tăng lên sẽ cân nhắc chuyển từ việc sử dụng phương tiện cá nhân sang các phương tiện công cộng để tiết kiện chi tiêu, góp phần giảm ùn tắc giao thông; Thứ hai, giảm vi phạm của các tổ chức trông giữ; đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; thứ 3 tăng thu ngân sách nhà nước; thứ 4 với quy định tăng mức phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các bãi đỗ xe cao tầng, bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe hiện đại và cuối cùng sẽ đạt được mục tiêu mở rộng mô hình Iparking, với mức giá dịch vụ dự kiến tại các điểm Iparking (25.000đ/lượt) thấp hơn mức giá trông giữ truyền thống tại các tuyến phố đô thị lõi (30.000đ/lượt), sẽ thu hút người dân lựa chọn dịch vụ này, đảm bảo công khai minh bạch về doanh thu, về giá…
Nhưng trên thực tế, nhiều ý kiến cho rằng, vỉa hè, lòng đường cần quản lý tốt chứ không phải đặt mục tiêu doanh thu. Do vậy việc nói tăng phí để tăng doanh thu ngân sách là chưa thuyết phục.
TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội đưa ra 3 lý do: Việc hạn chế xe cá nhân thành phố đã có cả một đề án đã được thông qua, do vậy đề xuất không cần phải đặt mục tiêu đầu tiên là hạn chế xe cá nhân; thành phố đang hướng đến hạn chế xe cá nhân, nhưng trên nhiều tuyến phố trung tâm vẫn có những điểm đỗ xe được thành phố cho thuê mặt bằng, tạo thuận lợi cho người đi xe cá nhân và cuối cùng mục tiêu tăng phí là nhằm vào tổ chức trông giữ xe, vào người dân (bị tăng giá) để tăng ngân sách thành phố.
Cùng quan điểm, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội nhấn mạnh: Phải làm sao dẹp được nạn lấn chiếm làm bãi xe lậu, chặt chém giá vô tội vạ, rồi mới tính đến tăng giá, tận thu. Đã là vỉa hè, lòng đường thì phải được sử dụng chức năng là dành cho giao thông, đi lại.
Sau đó, với những tuyến đường, vỉa hè còn đủ rộng thì mới cho thuê lại, tuy nhiên giá thuê cũng phải trên hoạt động công ích. Phải nói rằng, các ý kiến trên không phải không có lý. Bởi hiện nay theo thống kê, trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 500.000 ôtô và hơn 2 triệu xe máy.
Điểm đỗ xe công cộng hơn 1000 điểm đỗ, đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu của người dân. Cũng bởi lý do cầu nhiều hơn cung, nên bấy lâu nay nhiều điểm trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội luôn trong tình trạng “chặt chém” khách.
Giá trông giữ quy định hiện giờ là 3.000đ/xe máy đối với ban ngày, 5.000đ/ đêm, thế nhưng liệu có bao nhiêu điểm trông giữ xe ôtô, xe máy thu đúng giá này, hay người dân đã và đang phải trả mức phí cao hơn. Đấy là mới chỉ nói đến việc trông giữ phương tiện ngày thường, chưa kể cuối tuần, ngày lễ tết, giá vé trông giữ xe máy, ôtô được nhiều nơi “chặt chém” đến nghẹt cổ mà chủ xe vẫn phải trả vì không có chỗ đỗ.
Nếu giờ phí thuê lòng đường, vỉa hè tăng cao, thì việc giá trông giữ xe “té nước theo mưa” chắc chắn sẽ cao vút. Rồi liệu cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị thanh tra có “giám sát” chặt được các bãi trông giữ xe tự phát, hoặc của tư nhân không thuộc nhà nước quản lý, để bảo đảm mục tiêu “giảm phương tiện cá nhân”, “giảm ùn tắc”, hay chỉ là “đổ” khó cho dân, sự công bằng không được đảm bảo.
Được biết, sau khi lấy ý kiến, đề xuất tăng giá, phí trên sẽ được trình kỳ họp HĐND thành phố diễn ra vào tháng 12 tới và dự kiến áp dụng từ 1-1-2018. Thiết nghĩ mỗi chính sách đưa ra cần hợp lòng dân, phù hợp với điều kiện sống của người dân. Nếu mức phí tăng cao quá sẽ vượt quá điều kiện chi trả của người dân.