Tai nạn giảm sâu, ý thức người dân nâng lên rõ rệt

Thứ Năm, 16/01/2020, 17:23
Chiều 16-1,Uỷ ban ATGT Quốc gia đã tổ chức họp báo triển khai thực hiện Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 16-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện luật phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019.


Tham dự có ông Khuất Việt Hùng- Phó Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc Gia; Thiếu tướng Lê Xuân Đức-Cục Phó Cục Cảnh sát giao thông cùng đại diện một số bộ ban ngành liên quan.

Nhiều công chức vi phạm đã bị xử lý nghiêm

Thông tin tại buổi họp báo, Thiếu tướng Lê Xuân Đức- Cục Phó Cục Cảnh sát giao thông cho biết, sau 2 tuần Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 54.892 trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền 49 tỷ 738 triệu đồng. 

Trong đó: phát hiện xử lý  6.279 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 21 tỷ 013 triệu đồng. Một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn cao như: Quảng Ninh 475 t/h, Thanh Hóa 379 t/h, Tây Ninh 341 t/h, Đồng Nai 327 t/h, Đắk Lắk 2140 t/h, TP Hồ Chí Minh 209 t/h, Long An 203 t/h, Thừa Thiên Huế 135 t/h, Vĩnh Phúc 180 t/h, Hà Nội 136 t/h, Bình Dương 159 t/h, Bình Định 176 t/h, Cần Thơ 124 t/h, Nghệ An 182 t/h, Phú Yên 115 t/h... 

Cùng đó, một số địa phương đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở: Đồng Nai 118 t/h, Long An 115 t/h, Bình Dương 93 t/h, TP Hồ Chí Minh 70 t/h, Bắc Ninh 68 t/h, Thanh Hóa 63 t/h, Trà Vinh 63 t/h, Bắc Giang 54 t/h…

Thiếu tướng Lê Xuân Đức cũng thông tin thêm, trong số các trường hợp vi phạm kể  trên có nhiều trường hợp là công chức vi phạm. Điển hình như tại Thái Bình, CSGT Công an tỉnh Thái Bình đã xử phạt một Phó giám đốc Bệnh viện 35 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 23 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày; tại Quảng Bình đã xử phạt một Phó Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng, tạm giữ phương tiện 07 ngày và hiện nay, Phòng Giáo dục và đào tạo đang xem xét kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền đối với trường hợp vi phạm này.

Cuộc họp báo diễn ra ngày 16-1.

Liên quan đến vấn đề TNGT, Cục phó Cục Cảnh sát giao thông cho hay, từ ngày 1-1 đến ngày 15-1-2020, cả nước xảy ra 322 vụ, làm chết 249 người, bị thương 158 người. So với thời gian trước liền kề giảm 31 vụ (-8,8%), giảm 38 người chết (-13,2%), giảm 57 người bị thương (-26,5%).

Chia sẻ thêm tại buổi họp báo, Cục phó Cục Cảnh sát giao thông thẳng thắn, trong 15 ngày thực hiện Luật phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã nhận được sự ủng hộ đồng tình của nhân dân, tuy nhiên qua quá trình thực hiện vẫn còn gặp một số những khó khăn, vướng mắc. 

Cụ thể, do Nghị định được ban hành và có hiệu lực trong thời gian rất ngắn, nên việc triển khai gấp và tuyên truyền cho người dân biết, nắm được những quy định của Nghị định còn hạn chế. Cùng đó, do ý thức của một số người điều khiển phương tiện chưa cao, nên khi lực lượng chức năng dừng phương tiện để kiểm tra nồng độ cồn có những lời nói, hành động chống đối, bất hợp tác, không chấp hành ngay việc kiểm tra nồng độ cồn, khoá cửa xe và bỏ đi.

Việc này, theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý các trường hợp không chấp hành như xử lý đối với người vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất.  

Một số bài báo có thông tin là ăn hoa quả và uống siro bị xử lý vi phạm nồng độ cồn. Để giải đáp các thắc mắc, băn khoăn của người dân trước những vấn đề trên, Cục CSGT đã tổ chức họp mặt báo chí, tổ chức ghi hình hơn 150 test thực nghiệm, cho nhân vật ăn các loại hoa quả khác nhau, uống siro ho và nước hoa quả lên men … rồi kiểm tra nồng độ cồn, kết quả cho thấy: Hoa quả tươi trước và sau khi ăn không phát hiện nồng độ cồn; siro và chanh đào có phát hiện nồng độ cồn, định lượng giao động trong khoảng 0,8 - 1,9 tùy vào liều lượng sử dụng. 

Tuy nhiên, sau khi nghỉ ngơi khoảng 2 - 5 phút thử lại hoặc uống 01 cốc nước thì lại về mức không có nồng độ cồn. Nội dung này, Cục CSGT sẽ hướng dẫn lực lượng Cảnh sát giao thông khi kiểm tra các trường hợp có trình bày sử dụng siro hoặc thuốc sẽ chờ nghỉ sau 10 - 15 phút hoặc uống nước và kiểm tra lại…

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của người dân .

Giảm 10% bệnh nhân vào viện cấp cứu vì TNGT

Có mặt tại buổi họp báo, Bác sĩ Gia Anh, Trưởng phòng Tổng hợp Bệnh viện Việt Đức cho hay, trung bình 1 năm Bệnh viện Việt Đức mổ 70.000 ca. Trong đó tai nạn liên quan đến giao thông gần 75%. Trước đây, có đợt gần 60% liên quan đến nồng độ cồn trong máu ở nạn nhân tai nạn giao thông. 

“Bản thân tôi là bác sĩ trực cấp cức, nhiều năm qua cũng chứng kiến nhiều vụ TNGT thương tâm”, bác sĩ Gia Anh chia sẻ và bày tỏ thêm: “Qua hai tuần vừa qua, tôi thây rõ kết quả vui mừng. Số bệnh nhân liên quan đến nồng độ cồn vào cấp cứu tại bệnh viện Việt Đức đã giảm 10%, dù đây là khoảng thời gian người dân tham gia giao thông đang gia tăng. Đây là tín hiệu mừng và tốt cho người dân tham gia giao thông và cho cả Chính phủ mình. Song điều quan trọng là làm sao duy trì được kết quả này”.

Liên quan đến vấn đề sau khi uống rượu bia xong bao lâu thì có thể điều khiển phương tiện ra đường, Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Y Tế lý giải: Hiện nay chúng ta chưa có nghiên cứu cụ thể nào, kể cả trên thế giới chưa có bằng chứng khoa học chứng minh sau bao lâu uống rượu bia thì nồng cộ cồn về 0. Vấn đề này phụ thuộc vào tửu lượng của từng người, và mức độ đào thải của từng người khác nhau, tuỳ theo sức khoẻ của mỗi người. Nên rất khó có một con số cụ thể. Người khuyên của thầy thuốc, tốt nhất là không nên sử dụng rượu bia, nếu đã sử dụng rượu bia thì không nên tham gia giao thông. 

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng chia sẻ: Thông thường 1 đơn vị cồn, khoảng 2/3 lon bia, thì trong 1-2 giờ là đào thải hết đối với nam, với nữ là từ 3-4 tiếng. Nếu chúng ta uống 10 lon bia, thì mất bao lâu sẽ đào thải hết? Nên khuyến cáo người dân nên vừa phải, hạn chế. Bản thân tôi đã tự kiểm tra, tôi uống khoảng 15 đơn vị cồn, kết thúc khoảng 9 rưỡi tỗi, nhưng sang sau 8h kiểm tra lại đã hết nồng độ cồn. Đây là bản thân tôi, có thể hôm đấy tôi rất khoẻ. Nhưng nếu một tuần liền mà cứ uống như thế, thì chưa chắc đã đào thải nhanh thế.

Phạm Huyền
.
.
.