TP HCM: Những công trình dưới lòng đất

Thứ Bảy, 09/05/2015, 10:32
Với những ai sống trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI mới chứng kiến và cảm nhận sâu sắc, rõ nét nhất về sự đổi thay diệu kỳ của thành phố Hồ Chí Minh từ những công trình ngầm dưới lòng đất. Cùng với những công trình hạ tầng kỹ thuật mang tính hiện đại, đồ sộ trên mặt đất, sự thay đổi mang tầm vóc lịch sử phát triển đô thị còn hiển hiện bằng các công trình ngầm đã và đang biến giấc mơ của người dân thành hiện thực.

Bài 1: Thế kỷ XXI - thế kỷ không gian ngầm

Nằm biệt lập dưới lòng đất, cách ly với các loại âm thanh, tác động khí hậu… không gian ngầm đã bắt đầu được những nhà khoa học và quản lý các quốc gia đặc biệt chú ý từ đầu thế kỷ XX. Đến năm 1991, Hiệp hội quốc tế về sử dụng không gian ngầm và hầm (ITA) đã ra Tuyên ngôn Tokyo với nội dung “Thế kỷ XXI là thế kỷ sử dụng không gian ngầm”. 

Ở Việt Nam, quá trình sử dụng không gian ngầm được bắt đầu từ những đường ống cấp nước, thoát nước, đường ống dẫn điện, cáp quang chôn dưới lòng đất, các tầng hầm gửi xe và một số công trình xây dựng mang tính bí mật quốc gia, đặc thù quân sự như Dinh Độc Lập, đường hầm bí mật nối các trụ sở cao cấp của chính quyền, quân sự… 

Anh hùng Trần Văn Lai (nhà thầu khoán Mai Hồng Quế) ngoài việc vẽ toàn bộ sơ đồ Dinh Độc Lập, ông còn tìm được bản đồ chi tiết về hệ thống cống ngầm TP rất có ích cho cách mạng, đặc biệt sử dụng trong trận Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Việc đầu tư, khai thác sử dụng không gian ngầm tại nước ta, tuy đã có khung pháp lý cơ sở, nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề phải tính toán và định hướng lâu dài về quản lý đất đai, tài chính và quy hoạch đồng bộ. Lâu nay việc quản lý các công trình ngầm chỉ mang tính cục bộ.

Hầm Thủ Thiêm.

Dễ nhận thấy nhất là cơ quan chức năng phát hiện kịp thời dự án Metro 2 với dự án đặt cống hộp thoát nước trên đường Cách Mạng Tháng Tám đã chuẩn bị đấu thầu thi công. Hay như Trung tâm điều hành chống ngập nước TP chịu trách nhiệm hơn 1.000km đường ống, còn Công ty Điện lực thành phố (thuộc Sở Công thương) thì điều hành hệ thống cáp điện ngầm. Chưa có một sở chuyên ngành nào để quản lý chung tất cả thông tin. 

Câu chuyện liên quan đến vết nứt bốn đốt hầm chui Thủ Thiêm đã khiến dư luận lo lắng về độ an toàn của những công trình ngầm. Chưa kể, mọi công trình ngầm đều phải đối mặt với một thách thức khách quan về khí hậu và độ vững, yếu của tầng địa chất.

Xây dựng các công trình ngầm, vấn đề đầu tiên đặt ra là mạng lưới nước ngầm, tình trạng ngập úng vào mùa mưa cùng với sự biến đổi khí hậu gây ra hiện tượng sụt, lún, ảnh hưởng đến độ an toàn của các công trình. Tất nhiên các yếu tố và điều kiện quan trọng này đều phải được tính toán kỹ lưỡng trước khi xây dựng.

Gần với chúng ta nhất là hệ thống đường hầm giao thông và điều tiết lũ (SMART) được coi là công trình đầu tiên thông minh nhất thế giới, với sự kết hợp “2 trong 1”, vừa là hầm ngầm thoát nước và đường hầm xa lộ, tạo thêm một tuyến đường ra vào cửa ngõ phía Nam thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia). Chính quyền Malaysia cho phép đầu tư SMART theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư khoảng 700 triệu USD. 

Theo thiết kế, SMART có chiều dài 4,7km (đường hầm xa lộ dài 3km, 1,7km đường dẫn), cao 13,2m (2 tầng cho giao thông, 1 tầng cho thoát nước khi mưa nhỏ) rộng 6,5m (2 làn xe), 250m có 1 cửa thoát lũ và thông khí, lưu lượng 30.000 xe/ngày, tốc độ thấp nhất 60km/h, được điều khiển từ trung tâm thông qua 220 camera và 72 màn hình.

Hầm giao thông và điều tiết lũ (SMART) ở Kuala Lumpur (Malaysia). 

Chế độ điều khiển bắt buộc trong điều kiện bình thường, mưa ít hoặc không mưa, kể cả mưa vừa, nước được dẫn vào đường hầm phụ nằm dưới xa lộ, các phương tiện lưu thông bình thường. Khi mưa lũ lớn, sẽ đóng cửa xa lộ. SMART còn có những tính năng an toàn, như: cổng kiểm soát nước lũ tự động, lối thoát hiểm, hệ thống thông khí…

Đối với TP Hồ Chí Minh, đô thị đang gánh trên mình dân số gần 10 triệu người, việc khai thác không gian ngầm nhằm chia tải với mặt đất càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. TP Hồ Chí Minh hiện đã có công trình hầm Thủ Thiêm, trung tâm thương mại Vincom Group, trung tâm điều khiển quảng trường đi bộ… 

Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, TP Hồ Chí Minh có nhiều công trình hạ tầng được xây dựng dưới lòng đất như: tàu điện ngầm (khoảng hơn 60km đi ngầm), một hệ thống bãi đậu xe ngầm tại Công viên Lê Văn Tám, vườn Tao Đàn, sân vận động Hoa Lư... Đến năm 2015, dự kiến 100% lưới điện khu vực trung tâm sẽ đi ngầm dưới đất. Hệ thống đường cáp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và bưu chính viễn thông cũng sẽ được xây dựng ngầm.

Công trình ngầm đầu tiên của TP mang tầm vóc khu vực là hầm Thủ Thiêm.

Từ tháng 3/2010, bốn đốt hầm dìm đã lần lượt được lai dắt từ bể đúc ở Nhơn Trạch (Đồng Nai) dài 22km theo đường sông về đến Thủ Thiêm. Đến ngày 4/8/2010, mẻ bê tông đầu tiên thi công đốt hợp long được đổ thành công nối kết đốt hầm số 4 với hầm dẫn phía Khánh Hội (quận 1) và mẻ bê tông cuối cùng của đốt hợp long thực hiện ngày 4/9/2010. Ngày 21/10/2010, chính thức hợp long hầm Thủ Thiêm chiều dài 1.490m, rộng 33m, bao gồm 6 làn xe, trong đó mỗi chiều lưu thông có 3 làn xe, gồm 2 làn xe ôtô và 1 làn xe 2 bánh. 

Từ ngày 20/11/2011 thông xe đại lộ Đông Tây nối đường hầm, người dân TP Hồ Chí Minh sẽ chính thức được thụ hưởng một công trình giao thông ngầm hiện đại nhất trên cả nước.

Hoàng Châu
.
.
.