Sẽ siết chặt quản lý với taxi công nghệ
- Truy thu thuế Grab, Uber: Có thể sẽ phải cưỡng chế (!)
- Việt Nam có thể cần một “phiên toà” để giải quyết vấn đề Uber, Grab35
- Uber đối mặt với nhiều cuộc điều tra
Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ GTVT, xung quanh những thay đổi này.
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ GTVT. |
PV: Với dự thảo Nghi định thay thế Nghị định 86, Bộ GTVT đã “định danh” cho loại hình Uber, Grab thế nào thưa ông?
Ông Trần Bảo Ngọc: Theo dự thảo nghị định, quy định hợp đồng vận tải điện tử là việc ứng dụng phần mềm trên nền tảng website hoặc ứng dụng di động, ứng dụng mở khác để thực hiện việc kết nối cung cấp dịch vụ vận chuyển giữa doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch, taxi và kinh doanh vận tải hàng hóa với người thuê vận tải.
Với Uber và Grab, dự thảo nghị định sửa đổi đưa ra khuôn khổ quản lý chặt chẽ hơn, không còn hoạt động theo mô hình thí điểm mà chính thức hóa hoạt động.
Theo đó, quy định đối với đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối hợp đồng vận tải điện tử: Phải được cấp Giấy phép kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trong đó có ngành nghề phù hợp để hoạt động về thương mại điện tử và được Bộ Công Thương xác nhận;
Phải đăng ký với Bộ GTVT trước khi cung ứng dịch vụ các thông tin về doanh nghiệp như địa chỉ trụ sở chính hoặc chi nhánh tại Việt Nam; người đại diện theo pháp luật; số điện thoại giao dịch; số tài khoản giao dịch tại Ngân hàng có trụ sở hoặc trụ sở chi nhánh tại Việt Nam;
địa chỉ trang web hoặc ứng dụng truy cập vào phần mềm, giao diện chính của phần mềm; nội dung mẫu hợp đồng vận tải điện tử mẫu; biểu trưng (logo); quy trình thực hiện giao kết hợp đồng điện tử; quy định về tiếp nhận, giải quyết phản ánh, khiếu nại của hành khách...;
Không được cung cấp dịch vụ kết nối hợp đồng vận tải điện tử cho hộ kinh doanh vận tải, phương tiện cá nhân và các phương tiện không kinh doanh vận tải. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, tài chính và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Cung cấp thông tin điện tử về Tổng cục Thuế....
Sẽ có 11 quy định đối với đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện Hợp đồng vận tải điện tử, như:
Phải ký kết hợp đồng với đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối hợp đồng vận tải điện trong đó quy định rõ trách nhiệm của các bên trong việc quản lý điều hành phương tiện, lái xe, giải quyết khiếu nại, bồi thường thiệt hại (nếu có) của hành khách và thực hiện chi trả các khoản thuế, phí; được sử dụng dịch vụ kết nối hợp đồng vận tải điện tử của các đơn vị cung cấp đã đăng ký và được Bộ Công Thương xác nhận;
Thông báo trên giao diện của người thuê vận tải số điện thoại của đơn vị để liên hệ trong trường hợp khẩn cấp; Phải gửi hóa đơn điện tử của chuyến đi đến tài khoản giao kết hợp đồng của hành khách và gửi thông tin về hóa đơn điện tử về Tổng cục Thuế; Công bố số điện thoại đường dây nóng; Phải niêm yết biểu trưng (logo) của đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối hợp đồng vận tải điện tử trên kính phía trước và kính phía sau xe...
PV: Cho đến giờ, taxi truyền thống vẫn “than” chưa được đối xử công bằng, trong khi cơ quan chức năng có phần “ưu ái” với taxi Uber, Grab, nhất là trong vấn đề hạn chế phát triển phương tiện, chính sách thuế, thậm chí là cấm phương tiện vào phố cấm... Là nhà quản lý, ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Trần Bảo Ngọc: Với dự thảo nghị định lần này, chúng tôi cũng đưa vào xem xét điều kiện kinh doanh giữa taxi và xe hợp đồng ứng dụng công nghệ điện tử lại gần nhau, theo hướng bỏ bớt ràng buộc với taxi, nhưng thêm các điều kiện với xe hợp đồng và hợp đồng điện tử như:
Bổ sung quy định chỉ các doanh nghiệp, hợp tác xã đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo hình thức hợp đồng, du lịch, taxi, vận tải hàng hóa mới được ứng dụng phần mềm hợp đồng vận tải điện tử.
Bổ sung quy định xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử có sức chứa từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả người lái) và phải có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ ngày sản xuất); Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng, du lịch, vận tải hàng hóa sử dụng hợp đồng vận tải điện tử phải có bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT đề xuất thống nhất niên hạn của xe taxi không quá 12 năm trên toàn quốc, đảm bảo bình đẳng xe taxi và xe hợp đồng; Bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi được sử dụng dịch vụ kết nối hợp đồng vận tải điện tử theo quy định để cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách, ứng dụng công nghệ điều hành hoạt động kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh taxi.
Việc giới hạn xe tham gia thí điểm là thẩm quyền của địa phương. Bộ GTVT không thể ép các địa phương phải cho thêm hay bớt đi. Vì theo quy định tại điều 37 việc tổ chức giao thông tại địa phương là thẩm quyền của địa phương và theo điều 6 của Luật GTĐB thì việc quy hoạch số lượng phương tiện phù hợp nhu cầu và thực tế của hoạt động vận tải phải do địa phương lập quy hoạch, rồi căn cứ vào đó để triển khai.
Chúng tôi luôn coi các đơn vị cung cấp phần mềm chỉ là đơn vị cung cấp phần mềm. Bộ GTVT đã có quy định họ chỉ được cung cấp cho đơn vị kinh doanh vận tải. Khi các đơn vị phần mềm ứng dụng vào các đơn vị kinh doanh vận tải sẽ đạt hiệu quả, đáp ứng với nền công nghệ 4.0 trong GTVT. Còn vấn đề xe vào phố cấm, cũng thuộc thẩm quyền của địa phương.
PV: Thế còn việc kê khai giá thì sao thưa ông? Các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối điển hình như Uber, Grab… thường thay đổi giá theo khung giờ mà không cần xin phép.
Ông Trần Bảo Ngọc: Đối với vấn đề này thì hiện nay đã có quy định cụ thể:
- Việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải bằng xe ôtô đang được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 152/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ GTVT. Theo đó các loại hình vận tải phải kê khai giá gồm: Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ôtô theo tuyến cố định; Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định; Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.
Ngoài ra trong trường hợp cần thiết, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở GTVT trình UBND tỉnh, thành phố bổ sung dịch vụ kinh doanh vận tải thực hiện kê khai giá tại địa phương.
PV: Nếu coi Uber, Grab chỉ là đơn vị cung cấp phần mềm. Vậy hành khách sử dụng dịch vụ này mà gặp sự cố như bị tài xế đánh, hăm dọa, thậm chí cướp… thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm, thưa ông?
Ông Trần Bảo Ngọc: Theo tôi thì mọi hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là hành vi của lái xe như việc: đánh, hăm dọa, thậm chí cướp của hành khách đều phải bị lên án và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp này thì lái xe là người chịu trách nhiệm đầu tiên, sau đó đến đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị cung cấp phần mềm kết nối phải phối hợp với đơn vị vận tải để giải quyết; rồi tiếp nữa là trách nhiệm của Sở GTVT địa phương trong việc cấp phép cho đơn vị này hoạt động và các cơ quan chức năng có liên quan sẽ vào cuộc và xử lý theo thẩm quyền.
PV: Xin cảm ơn ông!