Sẽ đấu thầu khai thác các tuyến vận tải khách liên tỉnh
Đặc biệt, quy hoạch đưa ra giải pháp đấu thầu khai thác các tuyến vận tải liên tỉnh có lưu lượng lớn để nâng cao chất lượng dịch vụ.
Quy hoạch chi tiết đến năm 2020 bổ sung thêm 725 tuyến mới trên cả nước và được phân bổ hợp lý cho các địa phương. Đồng thời, trong giai đoạn 2021-2030, sẽ ưu tiên khai thác hiệu quả các bến xe xã hội hóa đã đầu tư xây dựng chưa đủ công suất và tổ chức các tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt liên tỉnh đối với tuyến có thời gian giãn cách giữa các chuyến xe ngắn.
Đặc biệt, căn cứ vào yêu cầu thực tế để bổ sung, điều chỉnh tiêu chí xây dựng quy hoạch chi tiết, danh mục tuyến, tần suất hoạt động trên mỗi tuyến phù hợp đảm bảo tổng lưu lượng vận chuyển hành khách tuyến cố định liên tỉnh toàn quốc đến năm 2030 đạt khoảng 48 nghìn chuyến/ngày.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, đây là lần đầu tiên Bộ GTVT triển khai nghiên cứu, xây dựng công phu quy hoạch luồng tuyến và dự báo phát triển luồng tuyến, lưu lượng để triển khai thực hiện. Đây là cơ sở quan trọng để cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện tốt chức năng quản lý; đồng thời khuyến khích doanh nghiệp phát triển lành mạnh.
Còn theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), để thực hiện quy hoạch chi tiết này, sẽ có nhiều giải pháp mới được áp dụng như: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và ban hành mã số bến xe (kể cả các bến xe quy hoạch), mã số tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh để thống nhất quản lý.
Bên cạnh đó, sẽ quản lý mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh bằng bản đồ số và tăng cường kiểm tra, giám sát thông qua thiết bị giám sát hành trình. Đối với các tuyến có tần suất khai thác lớn, giãn cách chạy xe bình quân 10-15 phút/chuyến, có cự ly dưới 100 km, khuyến khích chuyển dần sang vận tải hành khách bằng xe buýt liên tỉnh theo lộ trình…
Là một trong những địa bàn được quan tâm nhiều đến vấn đề quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, quyết định của Bộ GTVT cũng nêu rõ: Đối với các tuyến đi và đến địa bàn Hà Nội, các đơn vị liên quan bố trí luồng tuyến đến/đi từ các tỉnh/ thành phố vào các bến xe Hà Nội theo nhu cầu và theo hướng tuyến cũng như tính kết nối với mạng lưới giao thông.
Các tuyến theo quốc lộ 1, QL1B đi vào bến xe Gia Lâm; các tuyến đi theo hướng đường Hồ Chí Minh, QL6 đi vào bến xe Yên Nghĩa; các tuyến đi theo hướng QL32 Cầu Thăng Long đi vào bến xe Mỹ Đình; các tuyến phía Nam đi theo hướng QL1, đường Cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ đi vào bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát. Đặc biệt, quy hoạch cũng nhấn mạnh: đối với các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Lương Yên giữ ổn định tần suất phương tiện hoạt động đến năm 2020, chỉ tăng cường vào các dịp lễ, tết.