Quyết liệt, siết chặt hơn nữa trong đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe

Thứ Sáu, 04/10/2019, 09:23
Sáng 3-10, Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể thứ 15, thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ bảo đảm TTATGT năm 2020. Thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBQPAN chủ trì phiên họp.


Giảm 567 vụ tai nạn giao thông so với cùng kỳ

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, khắc phục những hạn chế trong năm 2018, cũng như tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, công tác bảo đảm TTATGT năm 2019 tiếp tục được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia quan tâm, chỉ đạo quyết liệt.

Do đó, 9 tháng đầu năm 2019 là thời gian tập trung nhiều đợt cao điểm về TTATGT, diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng và người dân được nghỉ lễ nhiều hơn so với mọi năm nhưng tình hình TTATGT tiếp tục có chuyển biến tích cực. Tai nạn giao thông (TNGT) tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí, 9 tháng đầu năm xảy ra 12.675 vụ, giảm 567 vụ (4,28%) so với cùng kỳ năm 2018. Số người chết do TNGT giảm sâu nhất trong nhiều năm (353 người, tương đương 5,87%).

Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT. Trong đó đã tổ chức nhiều đợt cao điểm tuần tra kiểm soát (TTKS), xử lý vi phạm TTATGT theo các chuyên đề, đặc biệt là cao điểm tổng kiểm soát phương tiện đối với xe khách, xe container và xe máy; xử lý các trường hợp vi phạm về ma tuý, nồng độ cồn, chở quá số người quy định...

9 tháng đầu năm, lực lượng CSGT các địa phương đã lập biên bản xử lý hơn 3 triệu trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ, đường sắt và đường thuỷ nội địa; phạt tiền hơn 1.900 tỷ đồng.

Xử lý 239 lái xe dương tính với ma tuý

Thực hiện Kế hoạch số 139 của Bộ Công an về tập trung TTKS và xử lý hành vi vi phạm của người điều khiển xe trên đường mà trong đó có thể có chất ma tuý, vi phạm nồng độ cồn, Cục CSGT – Bộ Công an đã trực tiếp ban hành 3 kế hoạch TTKS, xử lý vi phạm TTATGT, trong đó tập trung kiểm soát, xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng chất ma tuý, vi phạm quy định về nồng độ cồn.

Kết quả sau 9 tháng, lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý 78.177 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn; 239 trường hợp lái xe dương tính với ma tuý.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Ủy viên Thường trực UBQPAN cho rằng, tình hình TTATGT năm 2019 có nhiều chuyển biến rất tích cực, trong đó lần đầu tiên kể từ năm 2014 số người chết do TNGT giảm trên 5%.

Các bộ ngành, địa phương đã thực hiện có hiệu quả chủ đề năm ATGT năm 2019 “ATGT cho hành khách và người đi mô tô, xe máy”, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quy định pháp luật, xây dựng văn hoá giao thông an toàn.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, nhất là tai nạn liên quan đến xe khách, xe tải nặng, tai nạn do lái xe vi phạm nồng độ cồn, ma tuý...

Hơn 60% nguyên nhân xảy ra TNGT là do xe máy

Thảo luận tại phiên họp, Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên Thường trực UBQPAN chia sẻ, báo cáo khiến ông giật mình bởi phân tích TNGT đường bộ năm 2019 thì hơn 60% nguyên nhân xảy ra TNGT là do xe máy; về kết quả xử lý vi phạm TTATGT đường bộ thì hơn 27% do không đội mũ bảo hiểm.

Do đó theo ông cần làm mạnh để giảm thiểu TNGT. Về phương hướng bảo đảm TTATGT Tết Canh Tý, ông đề nghị 63 tỉnh, thành cần có kế hoạch ngay từ bây giờ, có mục tiêu cụ thể của người đứng đầu địa phương đó.

Tập trung các chủ doanh nghiệp có phương tiện để quán triệt, không chở quá tải, không đi quá tốc độ. Đồng thời rà soát các phương tiện giao thông, đặc biệt là xe khách; đề nghị cơ quan giao thông của tỉnh phải kiểm tra các điểm “đen” về TNGT...

“Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri người dân cứ hỏi, tại sao chúng ta có luật nhưng vẫn có hiện tượng lấn chiếm lòng, lề đường? Nền kinh tế vỉa hè rất ghê gớm mà nếu không có sự đồng thuận, không vì lợi ích chung của đất nước thì rất khó xử lý”, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức nêu ý kiến.

Ông cho rằng, ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có rất nhiều điểm nghẽn, nút thắt khiến đi làm tắc đường, người dân bất chấp hiệu lệnh CSGT. Để giải quyết bài toán này cần tính toán số điểm nghẽn và số dân cư, phương tiện để đề xuất lãnh đạo 2 thành phố giải quyết.

Giải pháp nào chống ùn tắc giao thông?

Về giảm ùn tắc giao thông, ông nêu giải pháp ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cần tuyên truyền cho người dân đến giờ tan tầm thì người dân đóng cửa không kinh doanh để tạo sự thông thoáng cho ngã tư, ngã năm, chống ùn tắc.

Hoặc có thể quy định những giờ nào không được kinh doanh. “Cần nghiên cứu, tính toán xem có cần thiết xây dựng thêm những cầu vượt để chống ùn tắc ở ngã tư, ngã năm nữa hay không?”, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức nêu quan điểm.

Đại tá Nguyễn Thị Xuân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho rằng, trong sự cân đối, hài hoà giữa các tuyến giao thông thì đường sắt tụt hậu và yếu kém rõ rệt. Trong khi để giảm thiểu ùn tắc giao thông trên các tuyến quốc lộ cần quan tâm đến đường sắt và thế giới cũng phát triển tuyến đường này. Do đó, Chính phủ cần quan tâm dự án vận tải công cộng trên các tuyến đường sắt trong 10-20 năm tới.

Đại tá Nguyễn Thị Xuân cũng đề nghị Chính phủ quan tâm, quyết liệt, siết chặt hơn nữa trong vấn đề đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

“Chính phủ đã có đề án nhưng việc quản lý đội ngũ lái xe còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó cần làm rõ trách nhiệm của chủ xe, các doanh nghiệp, công ty liên quan đến vận chuyển hành khách. Nếu không, TNGT và ý thức chấp hành giao thông sẽ không cải thiện hơn”, nữ đại biểu nêu giải pháp.

* Chiều cùng ngày, UBQPAN cũng đã thảo luận, cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ QPAN, ngân sách QPAN năm 2019; phương hướng nhiệm vụ QPAN và dự toán ngân sách QPAN năm 2020.

Quỳnh Vinh
.
.
.