Quy hoạch xây thêm 10 cây cầu vượt sông Hồng: Cơ chế và vấn đề văn hóa
Thứ Hai, 15/03/2021, 08:15
Theo quy hoạch phát triển giao thông Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngoài cầu Mễ Sở, giai đoạn tới Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng 9 cầu vượt sông Hồng. Việc triển khai xây dựng 10 cây cầu mới bắc qua sông Hồng được đánh giá sẽ là giải pháp căn cơ và dài hạn giúp tăng kết nối giao thông liên vùng Thủ đô và giải bài toán ách tắc mà Hà Nội đang phải đối mặt.
- Quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng sẽ không chất tải cao ốc
- Sẽ xây dựng 9 cầu vượt sông Hồng trong giai đoạn tới
Cần cơ chế đặc thù
Một trong những điểm đáng chú ý của quy hoạch là Hà Nội dự kiến sẽ triển khai xây dựng tới 10 cây cầu lớn vượt sông Hồng, gồm: Cầu Việt Trì - Ba Vì, cầu Vân Phúc, cầu Hồng Hà, cầu Thượng Cát, cầu Tứ Liên, cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), cầu Ngọc Hồi, cầu Mễ Sở và cầu Phú Xuyên.
Không chỉ giải quyết vấn đề giao thông thông thường, việc Hà Nội triển khai xây dựng 10 cây cầu lớn bắc qua sông Hồng được đánh giá còn hướng đến đẩy mạnh liên kết vùng để phát triển kinh tế, đồng thời khai phá tiềm năng quỹ đất cũng như đời sống người dân ở các vùng ven Hà Nội. Với việc Hà Nội có thêm các cây cầu bắc qua sông Hồng, các tỉnh thành ven Hà Nội cũng có thêm điều kiện để phát triển đời sống kinh tế - xã hội.
Sau cầu Vĩnh Tuy 2, Hà Nội cũng đang chuẩn bị các bước triển khai thêm 5 dự án cầu khác bắc qua sông Hồng và sông Đuống. |
Tuy nhiên, dù được quy hoạch từ lâu, Hà Nội đến nay mới bắt đầu triển khai dự án cầu qua sông Hồng đầu tiên có trong quy hoạch mới. Được triển khai từ đầu năm 2021, dự án Cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) với tổng mức đầu tư khoảng 2.538 tỉ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2022 và kỳ vọng sẽ góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển các khu đô thị khu vực phía Bắc sông Hồng.
Thực tế do là dự án trọng điểm nhóm A nên để có thể khởi công dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 vào đầu năm 2021, các đơn vị liên quan đã phải gấp rút chạy đua với thời gian trong việc hoàn tất các thủ tục đấu thầu, phê duyệt kỹ thuật đến chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể khởi công.
Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vào tháng 2/2020, UBND TP Hà Nội bắt đầu tiến hành phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và đến tháng 11/2020, Sở Giao thông Vận tải mới chính thức thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình trước khi dự án được khởi công xây dựng theo dự kiến.
Cùng với dự án cầu Vĩnh Tuy 2, Hà Nội cũng đang chuẩn bị các bước nhằm có thể triển khai thêm 5 dự án cầu khác bắc qua sông Hồng và sông Đuống. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, việc bố trí nguồn vốn cho các dự án này vẫn là vấn đề gặp không ít khó khăn do đây đều là các dự án có quy mô vốn đầu tư lớn. Trước khi triển khai khởi công xây dựng cầu Vĩnh Tuy 2, UBND TP Hà Nội từng đề xuất Chính phủ xin cơ chế đặc thù nhằm xây dựng 6 cây cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống do các dự án này có tổng mức đầu tư lên tới khoảng 2,6 tỉ USD, tương đương khoảng 57.000 tỉ đồng.
Cùng với cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, 5 cây cầu còn lại trong đề xuất là cầu Tứ Liên, cầu Thượng Cát, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Đuống 2 và cầu Giang Biên. Việc xây dựng các cây cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống được đánh giá ngoài việc khép kín và tạo sự liên kết các tuyến đường vành đai 3, 3,5 và 4 còn giữ vai trò quan trọng trong việc mở thêm hướng phát triển đô thị Hà Nội về phía Bắc sông Hồng. Tuy nhiên, do tổng mức đầu tư xây dựng 6 cây cầu lớn nên Hà Nội đề xuất với Chính phủ cần có những cơ chế đặc thù nhằm thu hút nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng các công trình này.
Xây cầu không chỉ là giải quyết vấn đề giao thông
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, nhiều nước trên thế giới xây dựng nhiều cầu và các cây cầu đều trở thành các điểm du lịch, văn hóa. Vì vậy, ở Việt Nam cũng nên tính toán việc xây cầu ngoài vấn đề giải quyết giao thông, kinh tế thì còn phải có kế hoạch, quy hoạch nó thành điểm du lịch. Cùng quan điểm trên, theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, cầu bắc qua sông Hồng đều nhằm giải quyết vấn đề giao thông, liên kết vùng để phát triển kinh tế.
Các cầu như Long Biên, Chương Dương, Nhật Tân… đều đã giải quyết được các vấn đề liên kết vùng, khai phá tiềm năng quỹ đất, đời sống nhân dân ở các vùng ven Hà Nội. Những cầu này đều kết nối nguồn lực các vùng rất lớn, kết nối nội đô với các vùng khác, cũng chính nhờ các nguồn lực này mà Hà Nội thành lập được quận Long Biên.
Tương tự, các cầu khác như Thăng Long, Nhật Tân… đều kết nối, liên thông các khu công nghiệp, khu chế xuất, các tỉnh thành ven Hà Nội. Tất cả đều có ý nghĩa là khai thác tiềm năng quỹ đất, nhân lực, vật lực, liên kết vùng Thủ đô. Sắp tới, có những cầu mới sẽ tạo nên việc liên kết vùng tốt hơn. Tuy nhiên, KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng nhấn mạnh, dù xây thêm bao nhiêu cầu thì cũng phải lưu ý đến vấn đề không chỉ phục vụ mục đích giao thông, kinh tế, mà còn phải hướng đến ý nghĩa văn hóa. Đây là bài học truyền thống không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở các nước trên thế giới, mỗi cầu là một biểu tượng, nét văn hóa riêng, đặc trưng riêng.
Nhật Uyên